Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Truyện ngắn RỪNG THẲM (phần 1)

RỪNG THẲM (phần 1)
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Trong hình ảnh có thể có: núi, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên


Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở về vùng đất Bắc Quang, Hà Giang. Ký ức của một thời lính tráng, một thời trai trẻ lại ùa về. Vùng đất Bắc Quang năm xưa heo hút bây giờ đổi thay nhiều quá. Con đường lên biên giới không còn gập ghềnh như ngày nào nữa. Những quán xá ngày xưa, những người xưa cũ cũng không còn nữa. Chỗ ngã ba Việt Vinh, nơi đơn vị chúng tôi khởi đầu tuyến đường lâm nghiệp ngày nào bây giờ khác thế. Nhà cửa san sát. Tôi cố nhớ nơi mình đã đóng quân trong một cái bản nhỏ ven bờ suối nhưng không hình dung nổi, không tìm nổi. Địa hình đã thay đổi, chắc gì còn những người xưa cũ ở đây…
Giữa lúc tôi đang ngơ ngác bên dòng suối cũ thì có tiếng hỏi:
- Chú định tìm nhà ai ạ?
Một cô gái khoảng ngoài đôi mươi đang xới cỏ trong khu vườn ven đường hỏi. Chắc là cô bé thấy tôi cứ ngơ ngác nhìn quanh. Tôi giật mình đáp:
- Tôi... tôi không tìm nhà ai cả. Hơn bốn mươi năm trước tôi đóng quân làm đường ở đây, giờ đi qua dừng lại ngắm cảnh cũ chút thôi...
- Vâng ạ!
Cô gái nói rồi lại cúi xuống xới cỏ. Có tiếng một người đàn bà hỏi từ trong ngôi nhà hỏi vọng ra:
- Ai hỏi thăm nhà ta hở con?
- Không ạ! Chú ấy là bộ đội ngày xưa đóng quân ở vùng này. Chú ấy đi qua thôi mẹ ạ!
Cô gái trả lời. Người đàn bà luống tuổi từ trong nhà bước ra. Tôi và người đàn bà nhìn nhau. Tôi nhận thấy trên khuôn mặt của người đàn bà luống tuổi có nét gì đó quen quen nhưng chịu không nhận ra là ai. Người đàn bà cũng chăm chú nhìn tôi. Tôi định quay đi thì người đàn bà khẽ thốt lên hỏi:
- Có phải là... anh Thảo không ạ?
Tôi ngạc nhiên nhưng vẫn chưa nhận ra là ai. Người đàn bà tiến ra gần cổng rồi nói tiếp:
- Đúng là anh Thảo rồi... em... em là Dung ở bản Luồng ngày xưa đây... anh không nhận ra à?
- Ô... đúng là cô Dung rồi... nhưng sao bây giờ nhà lại ở đây?
- Nhà em chuyển ra đây lâu rồi...
Cô gái đang xới cỏ vườn cây ăn quả cũng buông cái cuốc chạy ra đứng cạnh mẹ. Dung cầm cánh tay cô gái giới thiệu:
- Con gái út của em đấy!
Lúc này tôi mới nhận thấy cô bé rất giống mẹ hơn bốn mươi năm trước. Mẹ con Dung mời tôi vào nhà. Vừa bước vào trong nhà tôi giật mình nhìn thấy tấm ảnh một người quen đặt trên ban thờ. Thấy tôi cứ chăm chú nhìn bức ảnh, Dung nói vẻ ngậm ngùi:
- Anh ấy mất được gần chục năm nay rồi anh ạ!
- Chú ấy bị bệnh gì thế?
- Anh ấy bị tai nạn khi cứu người bị lũ cuốn giữa rừng sâu anh ạ!
Tôi tiến lại gần ban thờ. Tôi rút một nén nhang. Dung vội tìm đưa cho tôi cái bật lửa. Tôi châm nén nhang cắm vào cái bát hương trên bàn thờ. Khói nhang thơm thơm lan tỏa khắp mấy gian nhà nhỏ.
Trong làn khói sương mờ tỏ chuyện ngày xưa xa ngái với bao ký ức thời trai trẻ bỗng ùa về trong tôi...
*
Ngày ấy, khi mới hành quân lên Hà Giang làm kinh tế đại đội tôi phải ở nhờ trong các nhà dân những bản làng dọc theo tuyến đường lâm nghiệp sẽ mở. Chúng tôi thuộc bộ phận thi công nền đường chịu trách nhiệm phát tuyến, đào đất, phá đá. Khi con đường hình thành thì bàn giao cho đơn vị làm mặt đường đổ đá rải cấp phối. Bộ phận làm cầu cống cũng riêng. Đó là những đơn vị có kỹ thuật cao. Nói tóm lại là cánh lính bộ binh chúng tôi là bọn "ăn no vác nặng, làm những công việc thô sơ vất vả khó nhọc". Nhưng hồi ấy chỉ có vác nặng mà chẳng được ăn no bao giờ. Đoạn nào trên tuyến nếu không có nhà dân thì chúng tôi sẽ làm các lán trại ở tạm giữa rừng để thi công nền đường.
Khi bắt đầu mở tuyến, tiểu đội tôi ở nhờ trong nhà lão Phủng, người dân tộc Tày ở bản Luồng. Bản làng ngày ấy đơn sơ giữa rừng. Những ngôi nhà sàn nhỏ nằm bên bờ suối. Khi không mưa lũ con suối trong veo nhìn thấy cả đá cuội và tôm cá bơi lội dưới đáy. Lão Phủng có ba người con. Anh con lớn đi bộ đội về lấy vợ ở riêng. Ở nhà chỉ còn hai vợ chồng lão và hai người con. Dung là con gái thứ hai và một thằng em đang đi học phổ thông. Dung không thật đẹp nhưng có khuôn mặt dễ coi và thân hình nở nang, cân đối. Lão Phủng trông vẻ cũ kỹ, cục mịch nhưng tính tình rất tốt.
Sau chiến tranh đời sống khó khăn, thiếu thốn. Cánh lính chúng tôi ăn uống kham khổ lại lao động vất vả. Nhiều bữa chỉ có hai lưng bát bo bo hoặc hai nắm mỳ luộc nhỏ hơn nắm tay. Vậy mà ngày ngày vẫn vác choòng, xà beng leo lên vách đá xả núi mở đường. Lão Phủng là một người săn bắn rất giỏi. Thỉnh thoảng bắn được con cầy, con cáo lão đều bảo cả tiểu đội tôi lấy cơm về ăn chung với gia đình. Lão thương bộ đội vất vả. Nghe nói thời trai trẻ lão từng là dân quân vác súng kíp cùng bộ đội đi tiễu phỉ trên cao nguyên Đồng Văn. Lão Phủng nói đã từng quen biết mấy anh bộ đội Trung đoàn 246 ngày ấy khi đi tiễu phỉ. Còn cô Dung ngày ấy cũng đã hai mươi tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng. Con gái dân tộc thiểu số vùng cao hai mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng, chưa có người dạm ngõ là muộn rồi. Nghe nói chuyện tình duyên của cô Dung có gì đó trục trặc. Dung cũng rất hay giúp đỡ bộ đội chúng tôi những việc như nấu cơm, đun nước hay khâu vá quần áo. Cậu em út của Dung tên là Lủ rất nhanh nhẹn, leo trèo cây như con sóc. Tôi rất thích cậu bé này vì thỉnh thoảng ngày nghỉ Lủ hay dẫn tôi vào rừng lấy phong lan. Những giò phong lan rất đẹp tít trên ngọn cây cao tôi thích là Lủ leo lên lấy xuống ngay một cách dễ dàng. Quan hệ giữa tiểu đội tôi và gia đình lão Phủng rất tốt. Nhưng tôi cũng rất lo vì mấy thằng lúc nào cũng cười đùa với cô Dung. Lính tráng lao động vất vả, mùa hè về quần đùi áo lót nằm lăn lóc ở sàn nhà. Nhà lại có con gái lớn nên tôi rất lo. Lỡ xảy ra chuyện gì thì gay go, phức tạp lắm.
Một hôm lão Phủng dẫn về nhà một tốp thợ mộc là người dưới xuôi. Lão bảo với chúng tôi:
- Tao định làm một cái chuồng để nuôi dê phía sau nhà. Thêm ba người ở nữa, nhà chật, bộ đội chúng mày thông cảm nhé?
Tôi bảo lão:
- Ông cứ yên tâm! Cánh lính chúng cháu nằm đâu chả được. Nếu chật quá chúng cháu sẽ làm sạp nứa ngủ dưới gầm sàn ông ạ!
- Bộ đội chịu khó một chút nhé! Cánh thợ mộc này chỉ làm độ mươi ngày là xong cái chuồng dê ngay thôi…
- Vâng ạ!
Thế là ngôi nhà sàn nhỏ của lão Phủng có thêm ba người. Ông thợ cả là người đứng tuổi, một anh hơn tuổi và một cậu sàn sàn tuổi chúng tôi. Cậu này tên là Tú, thợ mới học việc. Toán thợ mộc chặt cây, đục đẽo dựng cái chuồng dê phía sau nhà, sát chân núi đá. Buổi sáng, chúng tôi vác cuốc xẻng ra công trường thì toán thợ mộc cũng mang cưa đục đi ra phía chân núi. Tối về, chúng tôi mới gặp nhau trên nhà sàn cùng ngồi uống nước chè và trò chuyện. Hóa ra tốp thợ mộc này ở huyện Yên Lạc, cùng quê Vĩnh Phúc với tôi.
Khi đang làm đường thì chúng tôi lại nhận được lệnh chuẩn bị một đợt huấn luyện quân sự. Một buổi trưa, tôi đang lúi húi ở bờ suối đẽo một quả lựu đạn gỗ thì Tú mò ra xem. Tú bảo:
- Anh để em làm cho!
- Mày cũng biết đẽo lựu đạn gỗ à?
- Có chứ! Ở nhà em cũng là dân quân mà.
- Thế à?
Tú giúp tôi đẽo mấy quả lựu đạn gỗ. Nó có tay nghề mộc nên làm rất nhanh và đẹp, lại biết chọn loại gỗ để quả lựu đạn đủ trọng lượng.
Giúp tôi làm xong mấy quả lựu đạn Tú về trước vì đến giờ làm buổi chiều, ông thợ cả đang réo gọi. Tôi để mấy quả lựu đạn trên hòn đá bên bờ rồi lội xuống suối. Tôi lội ngược dòng nước mát lạnh lên phía trên. Nước suối chảy rào rào. Phía trên vách đá có một bụi phong lan hoa đang nở rất đẹp. Tôi vừa bám vào vách đá rướn người định gỡ bụi phong lan thì nghe có tiếng ai khỏa nước ở bên kia gộp đá. Tôi vội nhìn sang. Tôi nhận ra đó chính là Dung. Dung đang quay lưng về phía tôi. Tôi hơi hoảng vì nhận ra Dung đang khỏa thân giữa làn nước suối trong veo. Khi tôi định tụt xuống suối để chuồi người xuôi dòng nước lui về phía sau thì Dung quay người lại. Tôi vội ép sát người vào lùm cây rậm rạp lòa xòa bên bờ suối. May mà Dung không nhìn thấy tôi. Cô đang mải vớt nước xoa xoa lên khuôn ngực nở nang căng tròn của mình. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy khuôn ngực tuyệt đẹp của một người con gái giữa chốn rừng sâu núi thẳm thế này… Khi Dung vừa quay đi tôi vội tụt ngay xuống dòng suối toài về phía sau. Tôi bơi xuống tít phía dưới hạ lưu bỏ cả hai quả lựu đạn gỗ ở mỏm đá phía trên gần nhà, đến tối mới dám mò ra lấy về...
(hết phần 1) Hà Nội, tháng 6-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét