Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

Truyện ngắn RỪNG THẲM (phần cuối)

RỪNG THẲM (phần cuối)
Truyện ngắn của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: núi, ngoài trời và thiên nhiên

Thời gian cứ thế xa dần, xa dần mãi. Bước chân người lính chúng tôi đi qua thêm bao miền đất mới, gặp gỡ thêm bao nhiêu con người cùng những số phận khác nhau. Tuy vậy, tôi vẫn đau đáu nhớ về Hà Giang một thuở gian lao trong cuộc đời quân ngũ của mình. Hôm nay, sau hơn bốn mươi năm tôi mới lại có dịp về lại Bắc Quang và bất ngờ gặp lại Dung. Chuyện bốn mươi năm được kể lại trong một ngày...
Dung kể lại câu chuyện ngày ấy cùng Tú đưa con về bản Luồng gặp bố. Ông bố đóng cửa không cho vào nhà. Dung và Tú cùng thằng bé con phải ngồi ở ngoài sàn nhà. Đêm đến mưa gió, thằng bé đói gào khóc ghê quá lão Phủng mới cho phép bà vợ mở cửa ra bế đón cháu vào nhà. Dung bước vào theo. Khi thằng Tú vừa bước chân qua bậu cửa thì lão Phủng chĩa khẩu súng kíp cản lại bắt lùi ra. Đoạn, đích thân lão đầu trần, chân đất đội mưa gió, tay lăm lăm khẩu súng kíp đã nạp đạn sẵn dẫn giải Tú ra tận bờ suối như dẫn giải một kẻ thù, một thằng ăn cắp.
Ra đến bờ suối, lão nghiến răng hầm hè bảo:
- Tao... tao cấm mày đến gần nhà tao. Nếu mày thực sự muốn chết thì hẵng đến gần nhà tao...
- Bố ơi... con xin...
Tú cố nói thêm một câu gì đó. Nhưng không thèm nghe Tú giãi bày, lão Phủng lùi lũi quay lại nhà. Thằng Tú đành chui vào một cái chòi canh ngô ven bờ suối để tránh mưa. Mưa rừng dầm dề lạnh lẽo. Dù mưa gió, đói khát nhưng Tú đành cắn răng chịu đựng, hy vọng lão Phủng sẽ nghĩ lại. Nhưng lão Phủng không thèm nghĩ lại. Tính lão cổ hủ, cố chấp. Lão cấm tiệt con gái không được ra gặp thằng thợ mộc, cũng không được tiếp tế thức ăn đồ uống gì. Thằng Tú đói quá phải xuống suối mò cua ốc nướng ăn. Ngày qua ngày, không chịu được nó định quay về lâm trường Vĩnh Hảo để tiếp tục xin làm công nhân thời vụ trồng rừng, khai thác tre luồng. Song vì thương Dung và nhớ thằng con nên Tú cố chịu đựng thêm vài ngày nữa. May là có thằng Lủ, em của Dung vốn rất nhanh nhẹn. Thằng Lủ nhanh như sóc đeo túi cơm lủi qua rừng đem ra bờ suối tiếp tế cho "anh rể" hờ. Nhưng được vài bữa lão Phủng phát hiện ra. Lão bí mật liền xách súng bám theo chân thằng Lủ.
Khi thằng Lủ đang đưa gói cơm cho Tú thì lão Phủng giương súng lên bắn một phát. Phát súng chỉ thiên làm hai anh em bị bất ngờ nên vô cùng hoảng sợ. Cả hai vội vứt gói cơm nhảy ào xuống dòng suối thoát thân. Đang mùa mưa lũ nên nước suối chảy cuồn cuộn hung dữ. Thằng Lủ treo cây, luồn rừng thì giỏi nhưng bơi lội thì lại rất kém. Nó bị dòng nước xiết nhấn chìm rồi cuốn đi luôn. Còn thằng Tú thì dòng suối này chả là gì so với dòng sông Hồng cuồn cuộn sóng ở quê nhà. Tú bơi một mạch sang bên kia bờ suối. Nhưng khi ngoảnh lại không thấy thằng Lủ đâu Tú vô cùng hốt hoảng. Nó nhớn nhác nhìn xuống phía hạ lưu và nhận ra cái đầu bù sù của thằng Lủ đang bị dòng nước xiết xô về phía thác. Thằng Lủ cố giơ hai tay lên cầu cứu. Tú vội nhao người phóng theo. Với sức rướn của chàng trai sông Hồng lại bơi xuôi theo dòng nước xiết nên chả mất thời gian gì nhiều Tú đã đuổi kịp thằng Lủ. Thằng Lủ bị ngạt nước sắp chìm xuống đáy suối sâu thì Tú bơi đến kịp. Tú nhanh chóng sải tay túm lấy tóc thằng Lủ lôi vào bờ. Sắp đến đầu con thác nên dòng nước chảy rất mạnh. Phải rất vất vả vận lộn Tú mới đưa được thằng Lủ lên bờ. Quá mệt nhưng vừa ôm thằng Lủ lên bờ suối Tú phải tiến hành hà hơi thổi ngạt, cấp cứu cho nó ngay. Thằng Lủ đã uống quá nhiều nước. Tú xốc hai chân thằng Lủ lên vai chạy vài vòng cho nó nôn bớt nước ra. Đoạn, Tú đặt thằng Lủ xuống bãi cỏ rồi tiến hành hô hấp nhân tạo, ghé miệng hút đờm dãi cho nó.
Thằng Lủ vẫn cứ nằm im trên bãi cỏ. Trông nó như một tàu lá chuối héo rũ không còn sự sống. Tú tiếp tục làm động tác hô hấp nhân tạo cho thằng Lủ. Giữa lúc đó thì lão Phủng cuống cuồng vừa gào gọi tên thằng Lủ vừa chạy đến. Tú đứng phắt dậy chỉ tay về phía lão Phủng hét to:
- Ông đứng ngay lại! Không được đến gần thằng Lủ... không... được...
- Ơ... ơ...
Lão Phủng đứng sững lại ở phía xa. Lão Phủng hiểu ngay ý của thằng Tú. Thằng Tú không cho lão lại gần chỗ thằng Lủ đang nằm. Vì người bị đuối nước đang bất tỉnh mà có người thân cùng máu mủ đến gần thất khiếu sẽ ứa máu ra lúc ấy thì vô phương cứu chữa.
Biết chắc lão Phủng không dám chạy đến nữa Tú tiếp tục cấp cứu cho thằng Lủ. May quá, sau nhiều lần cố gắng của Tú thằng Lũ mới "hộc" lên được một tiếng rồi nôn ra toàn nước là nước. Tú đỡ nó ngồi dậy. Cả hai anh em cùng ngồi thở hổn hển một lúc lâu. Khi đã hơi lấy lại sức, Tú đỡ thằng Lủ đứng dậy. Nó lảo đảo khụy xuống không bước đi nổi. Tú ghé lưng cõng thằng Lủ loạng choạng đi về phía cái chòi canh ngô. Lão Phủng lúc này mới hoàn hồn. Lão vẫn chưa dám chạy đến gần thằng Lủ. Lão đứng mãi tít ở phía xa giơ giơ khẩu súng kíp chỉ về phía bản Luồng gào lên:
- Đưa nó về bản... bản...
Tú cõng thằng Lủ chạy thẳng về bản Luồng...
Thế là kể từ hôm ấy thằng Tú mới được bước chân vào nhà lão Phủng với tư cách là khách. Sau đó nhờ ông giám đốc lâm trường Vĩnh Hảo đứng ra làm chủ hôn, mang đồ cưới hỏi đến lão Phủng mới công nhận thằng Tú là con rể... Tú ở rể nhà lão Phủng một thời gian thì xin đất làm nhà đưa vợ con ra ở ngoài ngã ba Việt Vinh. Ngã ba Việt Vinh ngày ấy nhà cửa thưa thớt. Tú và Dung sau đó vẫn làm công nhân trồng rừng, khai thác lâm sản cho lâm trường Vĩnh Hảo.
Tôi hỏi Dung:
- Tú mất như thế nào?
Dung lặng người đi một lát rồi mới trả lời, giọng nhỏ đi chùng xuống:
- Anh ấy đang đóng bè luồng trên sông Bạc thì có ba cô bé chèo mảng qua sông đào măng đắng. Đến giữa sông mảng va vào mỏm đá ngầm lật úp. Nghe tiếng kêu cứu anh ấy lao ra. Cứu được hai đứa đưa vào bờ anh ấy đã mệt lắm rồi. Anh ấy đã cao tuổi lại mới ốm dậy nên khi bơi ra đưa được bé thứ ba vào đến bờ thì kiệt sức, bị dòng nước xiết nhấn chìm và cuốn đi mãi mãi...
Dung chỉ nói tóm tắt về cái chết của Tú như vậy. Tôi cũng không muốn hỏi thêm dễ khoét sâu vào nỗi đau đớn nhất trong cuộc đời của Dung. Tôi bùi ngùi nhớ về một người bạn, một người anh em cùng quê đã gửi trọn cuộc đời ở nơi núi cao rừng thẳm này. Cho đến lúc ra đi mãi mãi, hồn phách Tú mới theo dòng sông Bạc ra sông Lô để về với bến sông Hồng nơi quê hương bản quán của mình...
Chợt nhớ ra tôi hỏi tiếp:
- Còn thằng Lủ hiện nay thế nào rồi?
- Chú Lủ hiện vẫn ở bản Luồng. Bản Luồng bây giờ toàn nhà tầng, không còn nhà sàn vách gỗ như ngày xưa nữa anh ạ!
- Lủ vẫn khỏe chứ?
- Chú ấy khỏe! Hiện chú ấy là phó chủ tịch xã đấy. Con cái cũng lớn, có gia đình cả rồi...
Nói đến đây Dung như chợt nhớ ra. Dung gọi con gái đem điện thoại ra và bấm số. Dung nói với người máy bên kia bằng tiếng dân tộc xong quay sang bảo tôi:
- Chú Lủ nói sẽ ra thăm anh ngay bây giờ đấy!
Tôi vội nói:
- Bọn anh phải đi bây giờ rồi. Từ bản Luồng ra đây hơn năm cây số đường rừng bao giờ Lủ mới ra đến nơi?
Dung bật cười bảo:
- Anh đã đi xa bốn mươi năm rồi không biết, con đường vào bản Luồng bây giờ đã mở xuyên qua núi thẳng tắp trải nhựa phẳng lì, dài chưa đến bốn cây số, một cái cầu đã bắc qua suối, xe máy chạy chỉ hơn mười phút là ra đến nơi thôi...
Dung chưa nói xong đã nghe có tiếng xe máy ngoài cổng. Một người đàn ông vẻ chững chạc đi chiếc xe ga nhẹ lướt vào sân. Hai bên ghi đông chiếc xe máy là hai giò phong lan treo lủng lẳng. Tôi nhận ngay ra Lủ. Mặc dù Lủ bây giờ khác hẳn thằng bé Lủ đen nhẻm trèo cây nhanh như con sóc ngày nào.
Lủ cũng rất vui mừng khi gặp lại tôi. Hai chúng tôi ồn ào hỏi thăm nhau. Biết tôi sắp phải đi Lủ cứ tiếc là không mời được tôi vào thăm lại bản Luồng. Tôi hẹn Lủ một dịp khác. Chợt nhớ ra, Lủ vội gỡ hai giò phong lan đang treo trên ghi đông xe máy đưa cho tôi và nói:
- Em tặng anh hai giò phong lan đem về xuôi chơi. Đây đều là các loài phong lan của núi rừng Hà Giang đấy anh ạ!
Tôi cầm hai giò phong lan rừng. Có một giò lan đang nở hoa rất đẹp. Đã bao nhiêu năm qua rồi mà Lủ vẫn nhớ chuyện tôi rất thích hoa phong lan rừng. Tôi bảo Lủ:
- Giò quế lan hương thì mình xin nhận. Còn giò phi điệp tím này thì Lủ tách cho mình xin một nhánh hoặc một mầm thôi. Cả một giò to khủng thế này hàng chục triệu đồng đấy, mình không dám lấy cả đâu?
Lủ gạt đi:
- Em tặng anh... Giá cả, tiền nong bao nhiêu không biết? Anh vào bản Luồng thăm nhà em thì thấy, em đã sưu tầm trồng được một vườn đầy phong lan, hàng mấy trăm giò. Riêng loài lan phi điệp tím này cũng phải đến gần cả trăm giò...
Dung cũng nói:
- Khu vườn của bố mẹ em bây giờ chú Lủ làm giàn trồng phong lan. chú ấy xây một ngôi nhà hai tầng ra sát đường, gần cổng. Ngôi nhà sàn cũ được sơn sửa lại làm nơi chú ấy và khách ngồi chơi, uống trà và ngắm hoa lan khi hết giờ làm việc đấy anh ạ!
Lủ nói tiếp:
- Em bị lây cái sự đam mê sắc đẹp của loài hoa phong lan rừng từ anh đấy. Mấy cây lan kiếm anh ghép trên cây nhãn, cây mít trong vườn nhà em từ ngày ấy vẫn còn sống, phát triển và hằng năm vẫn ra hoa đấy. Em rất quý những bụi hoa lan ngày xưa của các anh để lại...
Tôi ngỡ ngàng nhìn hai chị em Dung. Thời gian đã qua lâu rồi mà họ vẫn không quên những người lính chúng tôi, những người đã sống và lao động vô cùng gian khổ để mở một con đường xuyên qua núi cao, rừng thẳm trên quê hương của họ năm xưa...
(hết) Hà Nội, tháng 6-2019
TB: Truyện ngắn này tôi viết tặng các đồng đội của tôi ở Trung đoàn 246 để cùng nhớ về một thời gian khổ phá đá, mở đường ở miền núi cao, rừng thẳm Hà Giang (Trọng Bảo).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét