Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Truyện ngắn vui "CỔ TÍCH" THỜI NAY

"CỔ TÍCH” THỜI NAY
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Ông Tô đi lĩnh lương hưu. Từ 1-7-2019, lương hưu hằng tháng của ông tăng thêm được hơn hai trăm ngàn đồng. Nhận tiền xong, ông Tô quyết định mua cho các cháu một món quà nhỏ. Các cháu ông đang nghỉ hè ở nhà, đứa nào cũng học giỏi. Ông Tô đạp xe ra thị trấn phố huyện. Ông đến hiệu sách tìm mua một cuốn truyện cổ tích Việt Nam. Khi ông đem sách về đến nhà lũ cháu rất thích thú. Thằng bé lớn sắp vào học lớp 3 háo hức nhận cuốn truyện cổ tích và bắt đầu ê a đọc cho các em nghe. Mấy đứa em và hai thằng bé hàng xóm ngồi im lặng lắng nghe quên cả cái nóng mùa hè rừng rực như đổ lửa.
Thấy các cháu ngoan ngoãn, ông Tô bảo:
- Các cháu chịu khó học hành, ngoan ngoãn vài hôm nữa tiết trời dịu mát bố mẹ về sẽ cho đi chơi Hà Nội…
Thằng bé lớn vội dừng đọc truyện giãy nảy lên nói:
- Chúng cháu không đi Hà Nội đâu! Chúng cháu ở nhà với ông bà thôi…
- Đúng… đúng… chúng cháu không đi Hà Nội đâu ông ạ?
Hai đứa cháu bé hơn cũng vội nói. Ông Tô ngạc nhiên:
- Sao mấy lần trước bố mẹ về các cháu cứ đòi theo lên Hà Nội để đi thăm vườn bách thú cơ mà?
- Chúng cháu không đi nữa… sợ lắm ông ạ!
Thấy các cháu run rẩy vì sợ, ông Tô trấn an:
- Việc gì mà sợ! Các loài thú dữ như sư tử, hổ báo, trăn rắn, cá sấu đều bị nhốt trong chuồng sắt rất chắc chắn rồi. Các cháu không phải sợ gì cả?
Bọn trẻ nói:
- Chúng cháu không sợ bọn thú dữ đã bị nhốt trong chuồng ở vườn bách thú mà rất sợ một con khác cơ…
- Sợ con gì vậy?
Thằng cháu lớn vội nói:
- Chúng cháu sợ là sợ con… quái vật khổng lồ ở Hà Nội ông ạ!
Ông Tô cười xoa đầu thằng bé bảo:
- Làm gì có quát vật? Quái vật chỉ có trong những truyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa” thôi. Ngày nay không có “quái vật” đâu các cháu ạ!
- Có… có đấy ông ạ! - Thằng bé giải thích: - Bố cháu nói, con quái vật này mới xuất hiện ở thủ đô. Nó rất to, rất khổng lồ, dài loằng ngoằng, thân nó toàn bằng sắt thép, xi-măng bê tông. Nó có hai đầu, một đầu ở Hà Đông, một đầu ở Cát Linh đấy ông ạ!
Ông Tô lẩm bẩm nói:
- Đấy không phải là “con quái vật” mà là con đường sắt đô thị trên cao… Mẹ cha cái thằng bố chúng mày chỉ được cái tài dọa trẻ con…
Ông Tô đang định nói tiếp thì lão Cốc đi vào sân. Lão hỏi:
- Có chuyện gì mà ông tranh luận với bọn trẻ con ghê thế?
Ông Tô kể lại câu chuyện, lão Cốc liền nói:
- Tôi vừa đi Hà Nội chữa bệnh về. Bệnh viện ở ngay cạnh con đường sắt đô thị Hà Đông-Cát Linh ấy. Tôi cũng nghe dân Hà Nội họ bảo đó chính là con “quái vật thủ đô” đấy!
- Tại sao họ lại nói như vậy?
- Thì… tuyến đường ấy đội vốn lên gấp đôi, thời gian kéo dài gấp đôi. Số tiền đã chi khổng lồ mà chưa biết đến bao giờ mới xong, mà làm xong rồi thì cũng chưa chắc đã dùng được ông ạ!
Ông Tô băn khoăn:
- Vậy người ta cứ để thế mãi à! Tiền ngân sách của nhà nước sao cứ như là tiền… vô chủ, vô thừa nhận thế?
Lão Cốc cũng băn khoăn, nhưng rồi lão nói:
- Thì dân trên mạng, dân trên phố họ đều đã góp ý rồi đấy, ông không đọc, không nghe thấy à?
Ông Tô hỏi lại:
- Họ góp ý xử lý cái công trình khổng lồ này như thế nào?
- Thì… họ bảo hãy xây dựng thành một cái “bảo tàng” khổng lồ về kinh nghiệm… thất bại ông ạ!
- Nói thế thì nói làm gì? Không khéo lại bị quy là thiếu ý thức xây dựng, theo đuôi kẻ xấu xuyên tạc đấy?
- Đúng vậy! Nhưng cũng có các ý kiến khác ông ạ!
- Ý kiến thế nào?
- Tôi thấy cái lão bán quán nước cổng bệnh viện tôi điều trị có ý kiến rất hay. Lão ấy bảo nên cải tạo thành một con đường đi bộ trên cao để hằng ngày người dân vừa đi bộ vừa ngắm cảnh thủ đô…
Ông Tô góp ý:
- Sao họ không sửa lại thành đường ô tô trên cao nhỉ?
Lão Cốc có vẻ am hiểu:
- Không thể làm đường ô tô, đường xe máy trên cao vì đường ngắn, bọn lái xe nó phóng ẩu, ô tô xe, máy bay xuống phía dưới chết oan những người khác. Làm thành đường đi bộ trên cao có cái hay là giúp dân ta có chỗ rèn luyện thể dục thể thao, đi bộ, leo núi ngay giữa thủ đô… rồi tổ chức các “tour du lịch đặc biệt” dành cho du khách nước ngoài đi bộ khám phá Hà Nội từ trên cao. Biết đâu hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn cả việc chạy tàu điện chuyên chở hành khách ấy chứ!
Ông Tô chép miệng:
- Hừ… có lẽ đành phải thế thôi… Thất bại của ngành giao thông có khi lại là thành công của ngành du lịch đấy ông ạ!
- Đúng thế! - Lão Cốc trầm ngâm rồi nói tiếp: - Giá mà làng ta có được một đoạn khoảng hai đến ba cây số cái đường trên cao ấy mà đặt xung quanh làng cho các cụ hằng ngày đi bộ, tập thể dục đỡ lo bị xe máy, ô tô nó đâm va phải thì tốt quá…
Nói đến đây đột nhiên lão Cốc lặng người đi. Nét mặt của lão chợt trở nên bừng bừng hứng khởi. Ông Tô định hỏi thì lão Cốc đứng dậy bảo:
- Tôi… tôi phải về đây! Tôi vừa bất chợt nảy ra một tứ thơ về con “quái vật thủ đô” này… Tôi phải về để “sáng tác” bài thơ mới ngay không thì mất "thi hứng" mất…
Ông Tô dặn lão Cốc:
- Ông về đến nhà rồi hẵng “sáng tác” nhé, đừng lơ ngơ cùng với “nàng thơ” đi ngoài đường lỡ ô tô, xe máy nó va phải thì khốn…
Không biết lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ có nghe được những lời ông Tô dặn không. Còn ông Tô thì nghe rất rõ tiếng lão Cốc vừa ngất ngư đi ra cổng vừa lẩm nhẩm đọc thơ:
“Thạch Sanh chắc đã ngủ quên
Để cho quái vật hiện lên thế này,
Phải chém ngay… phải chém ngay…
Đừng để lâu ngày quái vật thành tinh…”.
Hà Nội, 1-7-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét