Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Truyện ngắn vui NHÂN TỐ TÍCH CỰC

NHÂN TỐ TÍCH CỰC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Từ ngoài cổng ông Tô đã nghe tiếng lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ vừa xới cây, nhổ cỏ ngoài vườn rau bên hông nhà vừa ngâm nga:
“Ngày xưa là miền quan họ
Bây giờ cả họ làm quan
Người ơi đừng về (hưu), cứ ở
Để nhà ta mãi hân hoan...”
Ông Tô hỏi:
- Ông lại vừa có một sáng tác mới à?
Nhận ra tiếng ông Tô, lão Cốc đứng dậy buông nắm cỏ rồi đưa ông Tô vào nhà. Khi cả hai đã đã yên vị ngồi bên ấm nước chè tươi lão Cốc mới cười cười nói:
- Bài thơ lúc nãy không phải là thơ của tôi. Đây là một bài thơ tôi đọc được trên mạng xã hội đấy!
Ông Tô bảo:
- Hừ... mạng xã hội mấy ngày nay ồn ào chuyện ông bố lãnh đạo tỉnh bổ nhiệm con lên làm lãnh đạo thành phố chứ gì? Tôi cũng đọc rồi. Có cả một báo điện tử nổi tiếng đã viết bài cho rằng đây là “một nước cờ nhân sự ngoạn mục” nữa đấy. Họ còn bàn luận rôm rả rất xa xôi là nếu một địa phương mà cả nhà, cả họ làm quan khi có một người... chết thì tất cả các cơ quan trong huyện, trong tỉnh đều nghỉ để đưa tang ảnh hưởng đến công việc hằng ngày...
Lão Cốc thôi cười, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ rồi nói vẻ ậm ờ, bí hiểm:
- Mạng xã hội thì có nhiều khi bàn luận hơi quá. Theo tôi, chuyện ở một địa phương nào đó mà có cả nhà, cả họ làm quan thì cũng có những “nhân tố tích cực” đấy chứ!
Ông Tô ngạc nhiên:
- Tích cực như thế nào?
- Thì... trước hết là ở tỉnh đó, địa phương đó sẽ chấm dứt được tệ nạn chạy chức, chạy quyền... Vì chả lẽ con lại chạy chức bằng cách đưa tiền cho bố, em đút tiền cho anh, vợ biếu tiền cho chồng, cháu nộp tiền cho ông à?
Ông Tô ngắc ngứ:
- Hừ... thế còn các “nhân tố tích cực” khác?
- Nhân tố tích cực thứ hai khi cả nhà, cả họ làm quan là sẽ chấm dứt được chuyện đưa và nhận hối lộ, biếu xén quà cáp, ăn đút lót... Vì chả lẽ bố lại nhận hối lộ, quà biếu xén của con cái, vợ lại nhận hối lộ của chồng, anh nhận hối lộ của em, ông nhận hối lộ của cháu hay sao. Còn mặt mũi nào?
Ông Tô thấy cách lý giải của lão Cốc cũng hơi có lý. Lão Cốc nói tiếp:
- Nhân tố tích cực thứ ba là... là... cả nhà làm cán bộ, cả họ làm quan sẽ... tăng cường được sự đoàn kết nội bộ...
- Tại sao lại như thế?
Ông Tô vặn hỏi, lão Cốc giải thích:
- Thì... bố con, anh em, vợ chồng, ông cháu đều là cán bộ cùng cơ quan, cùng địa phương chả lẽ lại tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau à? Mà cả nhà, cả họ phải luôn luôn đoàn kết nhất trí với nhau để bảo vệ và duy trì quyền lực chứ! Có phải như vậy là sẽ tăng cường được sự đoàn kết trong đội ngũ cán bộ đúng không ông?
Ông Tô thắc mắc:
- Nếu cả nhà làm cán bộ, cả họ làm quan thì... công tác tổ chức cán bộ sẽ phải làm như thế nào?
- Thì phải đổi mới! Việc đào tạo, thi tuyển công chức cũng phải đổi mới...
- Đổi mới như thế nào?
- Thì ai muốn làm cán bộ thì cả họ, cả nhà phải cùng có chí làm cán bộ, phải cùng nhau đi học, học gì cũng được, cốt là có bằng cấp. Khi thi tuyển công chức thì cả nhà, cả họ phải cùng đi thi. Nhà nào, họ nào đăng ký thi tuyển và trúng tuyển được vào nhiều chức danh, chức vụ ở địa phương nhất thì cả nhà, cả họ đó thắng và cùng nhau lên làm quan. Khi ở cơ quan thì toàn nhìn thấy đồng chí bố, đồng chí chồng, đồng chí vợ, đồng chí con, đồng chí cháu, kính thưa, kính gửi đàng hoàng, nghiêm túc. Khi về nhà vợ lại là vợ, con vẫn là con, anh vẫn là anh, cháu vẫn là cháu... he... he... he...
Ông Tô thấy câu chuyện “nhân tố tích cực” của việc cả nhà làm cán bộ, cả họ làm quan mà lão Cốc nêu lên này lằng nhằng, mù mờ và u ám quá. Ông Tô đứng dậy bảo:
- Không biết các “nhân tố tích cực” này có... tích cực đúng như ông phân tích không? Thôi tôi về đây, trưa rồi!
Lão Cốc tiễn ông Tô ra tận cổng rồi quay vào vườn rau. Ông Tô ra đến trục đường chính trong làng vẫn nghe tiếng lão Cốc ngâm nga:
“Cả nhà, cả họ làm quan
Như sâu một đàn cùng phá vườn rau...”.
Ông Tô nghe vậy gật gù nghĩ: “Đấy mới đích thực là thơ và tư tưởng của nhà thơ châm biếm Cốc Vũ! Hóa ra lúc nãy lão này toàn nói ngược”.
Hà Nội, ngày 29-7-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét