Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 25)

 

           Xem trước bài viết

            NGŨ QU
            Truyện dài của Trọng Bảo

           Một đêm đầu mùa hạ, trời nhiều mây, trăng sáng nhàn nhạt. Sau những cơn mưa liên tiếp, nước sông Đáy con bắt đầu dâng lên cao ngập dần những bãi bồi ven bờ nơi mà khi mùa cạn người ta vẫn thường tra ngô, trồng bí đỏ. Từng đàn cá trôi, cá chép bắt đầu kéo lên bãi bồi ngập nước để vật đẻ. Tiếng cá quẫy đành đạch. Chỗ nước nông, những con cá to bơi hở cả lưng hoặc nằm nghiêng trắng lốp dưới ánh trăng mờ.
          Lão Vận gỡ cái nơm treo ở đầu nhà xuống. Lão tìm một sợi dây để xâu cá. Trước khi ra bãi sông, lão còn rút chiếc tù và cài trên vách rúc lên mấy hồi báo cho dân làng Vực biết có cá lên bãi vật đẻ.
          Bãi bồi ngập nước mênh mông. Dòng sông Đáy con mở rộng ra gấp mấy lần lúc bình thường.
          Lão Vận một tay cầm bó đuốc, một tay cầm nơm tập tễnh đuổi theo những con cá đang rạch phành phạch vào bãi bồi nước dâng chỉ mới ngập săm sắp mắt cá chân. Lão chụp luôn được mấy con cá chép cỡ độ bàn tay. Xâu vội mấy con cá rồi buộc vào thắt lưng, lão xách nơm đuổi theo một con cá khá to đang rẽ nước phành phạch trườn ra phía giữa sông. Con cá đã ở ngay trước mặt. Lão giơ cái nơm chụp mạnh. Bỗng lão thấy người tụt hẫng xuống một cái, nước ngập lút đầu. Lão bị trượt xuống một cái hố khá sâu. Đây là cái hố khi nước sông cạn người ta đào moi lấy cát sỏi làm vật liệu xây dựng. Lão chới với buông cái nơm. Bó đuốc tắt ngấm. Dòng nước xoáy lập tức cuốn ngay lấy lão lôi đi.
          Lão Vận cố ngoi lên, ú ớ kêu cứu. Bãi sông vắng làm gì có người mà kêu. Lão cố vùng vẫy bơi vào bờ. Nhưng cái chân dị tật của lão bỗng nhói lên thẳng đơ. Lão bị chuột rút. Dòng nước xiết lôi dần lão ra xa bờ. Lão Vận gần như bất lực giữa dòng nước chảy rất xiết.
          Giữa lúc đó thì nghe “ùm” một tiếng như có người lao xuống nước. Con Cún đã đi theo lão từ lúc nãy. Thấy chủ bị nạn nó liền lao ngay xuống dòng nước bơi theo để cứu. Nó cố bơi đến chỗ lão Vận. Nó ngoạm vào vạt áo lão cố kéo về phía bờ. Lão Vận ôm lấy con chó. Con Cún rẽ nước bơi rất khoẻ. Vào gần bờ, lão Vận quờ tay túm luôn được một cành cây mọc là là mặt nước. Lão níu cành cây co người trườn lên mô đất cao. Con chó cũng vùng vẫy cố bơi vào bờ. Nhưng nó không có tay để túm lấy cành cây như lão Vận. Đất bờ sông lở tơi khiến con chó không thể bò lên được. Xoáy nước chảy xiết cuồn cuộn đẩy mạnh rồi cuốn nó trôi ra giữa sông.
          Lão Vận lóp ngóp bò được lên bờ ngồi thở dốc.
          Sực nhớ đến con Cún, lão hốt hoảng gào lên:
          - Cún... ơi! Cún... ơi...
          Hình như có tiếng con chó kêu “ăng ẳng” mãi giữa dòng sông, lẫn trong tiếng nước lũ chảy ào ào. Lão Vận tập tễnh lần mò theo mép nước, xuôi phía hạ lưu. Vừa đi lão vừa gọi:
          - Cún ơi... mày đâu rồi... Cún ơi...
          Tiếng lão Vận nấc lên, yếu dần. Lần mò trong đêm lão cứ thất thểu đi dọc bờ sông xuôi về phía hạ lưu tìm con chó. Vừa đi lão vừa khóc. Lão khóc không thành tiếng nhưng nước mắt trào ra giàn giụa. Đây có lẽ là lần thứ hai trong đời lão khóc. Lần thứ nhất là khi nhà bị bom, lão bới đất, tìm gom từng mảnh thi thể của vợ con. Cả đêm, lão đi đến mỏi rã rời đôi chân tật nguyền xuôi theo dòng nước chảy. Dòng sông Đáy con mỏng manh giữa những lũy tre xanh khi mùa cạn bây giờ nước đục ngầu, ầm ào sôi sùng sục, hung dữ.
          Mỏi chân và mệt quá, lão Vận ngồi phệt xuống sát mép nước. Lão cởi xâu cá vẫn đeo lủng lẳng bên hông ném xuống sông. Chưa bao giờ lão thấy căm thù dòng sông như thế.

          Trời đã sáng hẳn.
          Không hy vọng tìm thấy con chó, lão Vận đành lủi thủi quay về.
          Lão bước thập thõm trên con đường đê gồ ghề lồi lõm những vết chân trâu. Quần áo lão tả tơi, ướt sũng. Lão vừa đi vừa lầm rầm gọi con Cún. Nước mắt lão vẫn ứa ra giàn giụa. Lão giơ tay chùi mặt. Lũ trẻ con chăn trâu trên đê rồng rắn chạy theo lão í ới:
          - Ê... Ê... có một ông điên chúng mày ơi!
          Mặc lũ trẻ ném bùn đất be bét dính đầy lưng, lão Vận cứ lầm lũi đi.
          Vừa về đến nhà lão ngã dụi xuống thềm. Lão lập cập cố cởi bộ quần áo ướt sũng và lấm lem bùn đất rồi bò lết vào trong nhà leo lên giường.
          Lão ốm mấy ngày, bỏ cả quét chợ.
          Lão Vận đau đớn thương tiếc con chó. Lão cứ tự trách mình ham cá mà đã hại chết nó. Ngày nào đến bữa lão cũng nấu nồi cơm nhỏ rồi xẻ làm đôi. Lão nhai trệu trạo vài miếng. Lon cơm phần của con chó sáng nào lão cũng phải bưng ra bến sông đổ xuống nước cho đàn cá mương đang lau nhau tìm mồi. Đêm đêm chợt có tiếng chó kêu là lão lại bật dậy dỏng tai lắng nghe, chờ đợi. Một lần nhặt được khúc xương còn dính nhiều thịt lão đã bật khóc ngay giữa chợ vì xót thương con Cún. Lão như một người mất hồn giữa đám đông. Bà hàng bún mắng: “Lão này mắt mũi để đâu mà gánh nước đổ đầy tràn cả bể, ướt hết chỗ ngồi thế này”. Bà hàng cá lại bảo: “Lão hồi này sang gớm nhỉ! Cho đầu cá cũng không thèm lấy!”. Gã bán thịt lợn thì vô tâm: “Bố cứ đưa con Cún ra đây cho con. Con mà làm  mấy món nhựa mận, tái lăn thì hết ý...”.
          Buổi chiều quét xong chợ, lão Vận thấy chân tay rã rời. Lão chẳng buồn  thu nhặt các thứ “chiến lợi phẩm” như trước nữa. Lão đùn tất cả các loại bao ni-lông và giấy rác ra cuối chợ rồi châm lửa đốt.
          Khi lão vừa về đến nhà thì có tiếng kẻng báo động gõ nhịp ba dồn dập “keng keng keng... keng keng keng... keng keng keng...”...
          Tiếng người kêu gào dáo dác khắp thị trấn:
          - Cháy chợ... cháy chợ rồi... bà con ơi...!
          Mọi người lao ra phía chợ. Lão Vận hốt hoảng vứt rá gạo đang nhặt sạn tập tễnh chạy theo. Lửa đang bốc cháy ngùn ngụt trong chợ. Ngọn lửa hả hê tung hoành trên những mái lều quán chợ lợp bằng lá cọ và tranh cỏ khô nỏ. Tiếng tre nứa nổ đôm đốp. Nguyên nhân vụ cháy là do cơn gió xoáy mạnh thốc vào đống rác lão Vận đốt ở cuối chợ đưa tàn lửa bay lên mái lều quán chợ.
          Tất cả mọi người hò hét nhau xông vào chữa cháy. Nhưng gió to, lại không tiện nước nên mấy dãy quán liền kề nhau bắt lửa cháy trụi rất nhanh. Những dãy hàng quán xa hơn lửa chưa bén tới thì quá trình chữa cháy người ta rút lấy cây que để dập lửa hoặc đạp đổ để tránh cháy lan. Thành thử đến khi dập tắt được đám cháy thì tất cả các quán chợ cũng tan tành hết.
          Trong đám người chữa cháy nhốn nháo, chợt có tiếng ai đó hét lên:
          - Phải lập ngay biên bản. Bắt đền lão Vận!
          - Đúng đúng! Lôi cổ lão ấy ra đây! Lão ấy làm ăn thế à!
          Lão Vận bị túm cổ lôi xềnh xệch ra bãi trống giữa khu chợ còn đang nghi ngút khói. Lão run cầm cập. Mặt mũi lão lấm lem, tái nhợt. Đám người vây quanh lão Vận gầm ghè như sắp sửa xé tan lão ra từng mảnh.
          Giữa lúc đám người quá khích đang xúm xít xung quanh lão Vận giằng xé, xỉa xói, mắng chửi, dọa đánh thì có tiếng quát to:
          - Buông... ngay... ông ấy ra!
          Thằng Đầu bò gạt đám đông xông vào. Đầu tóc nó đang cắt dở, nham nhở. Tay thằng Đầu bò tay lăm lăm con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt mà nó vừa cướp được ở quầy bán thịt phía ngoài cổng chợ. Thằng Đầu bò vung tay bợp tai thằng thanh niên đang túm giữ lão Vận. Thằng này vội buông lão Vận ra kêu “á” một tiếng rồi lủi mất. Thằng Đầu bò giằn giọng nói:
          - Muốn bắt đền hả! Lên xã mà bắt đền! Bao năm nay các ông bà ấy thu đủ loại thuế, lệ phí, bao nhiêu lần hứa sẽ xây dựng lại chợ, nhưng đến bây giờ đã thấy động tĩnh gì chưa? Mẹ kiếp! Chợ với chiếc, mấy túp lều nát rơm rạ xiêu vẹo mưa gió táp mặt, đã mấy lần tôi định phóng một mồi lửa cho đỡ bẩn mắt. May mà lần này nó cháy! Càng tốt! Cho cháy hết mẹ nó đi...
          Nhiều người nhao nhao hưởng ứng theo thằng Đầu bò. Ông chủ tịch và anh trưởng công an xã vừa đến thấy thế liền quay xe máy lại phóng đi luôn. Anh Phương lách người qua đám đông dìu lão Vận về nhà.
          Sau vụ cháy chợ, lão Vận cũng thất nghiệp luôn. Người ta không còn thuê lão quét chợ, gánh nước nữa. Lão đành đi mò cua, kiếm cá, mót khoai, mót lúa kiếm bữa qua ngày. Rồi lão Vận ốm nặng. Mấy bà hay buôn bán ở chợ nghe tin cũng gửi cho lão vài cái bánh cuốn, mấy quả chuối tiêu.
          Có lẽ lão Vận chết phải đến hơn nửa ngày dân làng Vực mới biết. Lũ trẻ con chăn trâu vào nhà lão xin nước uống gọi mãi không thấy lão trả lời, đã chạy đi báo cho ông trưởng thôn. Ông trưởng thôn và mấy người đến mở cửa vào nhà thì lão Vận đã lạnh ngắt trên giường. Lúc chuẩn bị khâm liệm, mấy người thu dọn cái quan tài gỗ tạp đóng sẵn kê giữa nhà thì phát hiện có một gói giấy nhỏ. Họ mở ra xem. Đó là một gói tiền. Đếm được hai triệu ba trăm nghìn đồng. Toàn là những đồng bạc lẻ.
          Có ai đó nói:
          - Lão này thế mà giàu và kín tiếng quá!
          Rồi lại có một người kêu lên:
          - Ối! Còn có cả thư lão ấy để lại đây này!
          Ông trưởng thôn cầm lá thư tìm thấy trong quan tài mở ra. Chữ lão Vận viết nguệch ngoạc, xiêu vẹo.
          Ông trưởng thôn đọc to thư của lão Vận cho mọi người cùng nghe:
           Kính thưa bà con!
           Tôi ngàn lần xin bà con đại xá cho tội làm cháy chợ.
           Tôi gom góp được ít tiền, năm trăm nghìn gọi là có chén rượu nhạt cho anh em đào huyệt và vài miếng trầu chay để bà con đưa tôi ra đồng. Còn một triệu tám trăm nghìn đồng, là tiền của xã trả công quét chợ năm năm qua, tôi không dùng đến, xin được góp để xây dựng lớp mẫu giáo làng ta.
           Vô cùng đội ơn bà con, làng xóm.
                                                                                   Kính thư,
                                                                              Nguyễn Văn Vận
          Trong đám dân làng Vực có nhiều tiếng thở dài.
          Đám ma lão Vận khá đông. Nghĩa tử là nghĩa tận. Nhiều người bỏ cả buổi chợ để đi đưa đám lão. Một đám ma không có tiếng khóc. Lão chẳng có người thân nào ngoài ông trường thôn cùng ba người trong nhóm “ngũ quỷ” và thằng Đầu bò đứng ra lo toan mọi việc tang lễ...
          (còn nữa)                                     Hà Nội. tháng 4-2003                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét