Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 28)

 

                     

            NQUỶ
            Truyện dài của Trọng Bảo

            Anh Thưởng nhận việc trông coi đền Vực. Do còn chút sức khoẻ hơn ông thủ từ cũ nên anh làm việc luôn chân, luôn tay cả ngày. Anh quét tước trong đền, ngoài sân luôn sạch sẽ. Đền Vực luôn luôn có du khách đến thăm, làm lễ, góp tiền công đức tu bổ đền. Với số tiền công đức được phép chi tiêu, anh Thưởng đề nghị cho xây mấy cái bồn trồng hoa, cây cảnh, tu sửa lại cái trụ cổng đền bị nghiêng sau dịp lễ hội hồi đầu năm. Thằng Nhân, một thằng thợ chuyên xây vặt quanh xã, quanh làng được anh mời đến. Các loại vật liệu như gạch, cát sỏi đều do các chủ lò gạch, chủ trạm khai thác cát sạn cung tiến. Hàng ngày có nhiều người ở trong làng lên nhận giúp việc trộn vữa, gánh nước mà không nhận tiền công. Nghe tin tu sửa đền Vực ngày nào ông Nghĩa cũng chống gậy lò dò đi lên. Già yếu không đào đất, khuân gạch, phụ hồ được, ông Nghĩa nhận việc đun nước uống cho mọi người. Buổi trưa, anh Thưởng nấu một nồi cơm nhỏ. Anh Thưởng, ông Nghĩa và thằng thợ xây cùng ăn. Những người tự nguyện lên giúp việc thì về nhà ăn trưa hay đảo ra thị trấn làm xuất cơm bụi xong lại quay lên ngả lưng ngay ở sân đền cho mát.
            Ăn trưa xong, thằng Nhân, thợ xây mắc cái võng đay vào hai gốc cây góc sân đền rồi lôi cuốn một sách ra đọc. Đang nằm đọc sách chợt thằng Nhân ngồi bật dậy kêu lên vẻ ngạc nhiên:
            - Cụ Nghĩa ơi! Trong cuốn sách này có đoạn viết về cụ đấy!
            Lập tức mọi người nhốn nháo cả lên. Cụ Nghĩa quanh năm làm ruộng, chăn trâu, suốt ngày cặm cụi ngoài vườn mà lại được nêu tên trong sách cơ à! Lạ nhỉ?
            Họ vội xúm đến chỗ thằng thợ xây. Thằng Nhân đang cầm trên tay một cuốn sách bìa cứng in rất đẹp. Nó đọc to lên cho mọi người cùng nghe đoạn viết về cụ Nghĩa: “Mùa đông năm 1950, lợi dụng khi nước sông cạn, bọn địch ở đồn Và bên kia sông nống ra càn quét khủng bố nhân dân các vùng hai bên bờ sông Đáy con. Đội du kích xã Đồng Nhân đã phối hợp cùng đơn vị bộ đội địa phương dũng cảm chặn đánh, bẻ gãy đợt càn quét của bọn địch, tiêu diệt 27 tên, thu 25 súng, lựu đạn các loại, bắt sống ba tên tù binh. Tên ác ôn Lê Công Thuận, đồn trưởng đồn Và cũng bị bắt sống. Nhưng do sơ xuất, mất cảnh giác trên đường dẫn giải tù binh về phía sau, chiến sĩ du kích Nguyễn Chính Nghĩa, người làng Vực đã để tên đồn trưởng chạy thoát. Nó tiếp tục chống phá cách mạng rất quyết liệt, bắt bớ, gây ra nhiều tội ác với nhân dân trong vùng tạm chiếm. Sau này, đội du kích xã Đồng Nhân đã đột nhập vào tận đồn địch bên kia sông để xử tử tên đồn trưởng ác ôn ấy”.
            Đọc xong đoạn trên, thằng Nhân hỏi ông Nghĩa:
            - Có đúng là sách viết về cụ không ạ?
            Ông Nghĩa cũng rất ngạc nhiên. Nhân vật chiến sĩ du kích Nguyễn Công Nghĩa ở làng Vực thì chính xác là ông rồi. Nhưng sự việc để tên đồn trưởng ác ôn trốn thoát thì lại hoàn toàn khác hẳn. Ngày ấy không phải là do ông đã mất cảnh giác để tù binh trốn thoát. Ông đã dẫn giải tên đồn trưởng bị bắt về đến vị trí tập kết và đã bàn giao nó cho một đội viên du kích khác là ông Trần Văn Cống rồi cơ mà. Sau đó, khi ông Cống tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dẫn tên này về hậu cứ thì xảy ra sự cố. Ông Cống đã tự ý cởi trói cho nó đi đái để nó lợi dụng thời cơ cướp mất súng và chạy trốn mất. Nó lao xuống dòng sông Đáy con lặn mất tăm. Chuyện sơ xuất, mất cảnh giác ấy ông Cống chịu trách nhiệm chứ sao lại đổ lỗi cho ông?
            Ông Nghĩa cầm cuốn sách của thằng Nhân đang đọc lên xem. Đó là cuốn lịch sử truyền thống của xã Đồng Nhân vừa mới in xong.
            Thằng Nhân nói thêm:
            - Hôm trước sửa chữa, lát lại chỗ nền nhà trụ sở uỷ ban xã, thấy có mấy cuốn sách để lăn lóc ở góc nhà cháu liền nhặt một cuốn cầm về đọc. Không ngờ lại vớ đúng cuốn lịch sử xã ta có đoạn viết về cụ. Thì ra thời trai trẻ cụ đã từng là một người du kích chiến đấu dũng cảm… Nhưng sao ngày ấy cụ lại để tên đồn trưởng ác ôn nó trốn thoát mất hả cụ?

            Ông Nghĩa im lặng không trả lời. Hoá ra họ đã bóp méo cả sự thật. Ông là nhân chứng còn sống rành rành đây mà khi viết sử của xã họ không hề đến tham khảo. Ông Nghĩa thấy buồn quá. Trắng đen, tốt xấu, thật giả chỉ mới qua quãng thời gian không lâu đã lẫn lộn thế này thì con gì là chân lý nữa. Ông ngậm ngùi nhớ lại những ngày trai trẻ ở trong đội du kích. Là một chiến sĩ dũng cảm, xông xáo, ông từng cải trang thành một người đánh dậm để lân la đến gần đồn địch. Ông gài được một quả mìn ở ngay cổng đồn giết chết một tên giặc Pháp và mấy thằng lính ngụy. Ông cũng đã từng vật nhau rồi bắt sống được một thằng biệt kích trên bãi ngô làng Vực khi nó mò sang vùng tự do trinh sát tình hình quân ta. Rồi chuyện sau khi trốn thoát, tên đồn trưởng Lê Công Thuận tiếp tục bắt bớ, tra tấn, giết hại nhân dân, hính ông Nghĩa đã đóng giả thành một người đi buôn chuyến tìm cách đột nhập vào tận nơi ở của nó và hạ sát nó. Vậy mà tại sao chi tiết này không nêu trong cuốn lịch sử của xã? Mà họ chỉ viết chung chung là “Đội du kích xã  Đồng Nhân đã đột nhập vào tận đồn Và xử tử tên đồn trưởng ác ôn ấy”.
             Ông Nghĩa càng ngạc nhiên hơn khi đọc đến đoạn trong cuốn lịch sử viết về việc ông Cống đi làm nhiệm vụ phối hợp với một đơn vị bộ đội chủ lực thì bị giặc Pháp bắn trọng thương. Không ngờ, việc ông Cống ngày ấy hoảng sợ khi bọn địch tấn công khủng bố ác liệt đã rời bỏ đội du kích trốn lên vùng Chiêm Hóa, Tuyên Quang - nơi gia đình ông ta tản cư nay lại hoá ra là đang đi làm nhiệm vụ. Ông Nghĩa càng nghĩ càng buồn. Lịch sử bị viết sai như thế thì con cháu sau này sẽ nhận thức sai lệch hết. Ông Nghĩa đọc hết cuốn lịch sử. Ông cũng không thấy nhắc gì về chiến công của ông đặt mìn giết chết thằng quan ba Pháp và mấy thằng ngụy binh. Họ chỉ ghi chung chung chuyện diệt tên sĩ quan Pháp ấy vào số lượng quân địch bị đội du kích xã Đồng Nhân tiêu diệt trong chín năm kháng chiến. Ông Nghĩa thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn sâu thẳm. Tay ông cầm cuốn lịch sử run run.
             Như đoán được nỗi lòng của ông Nghĩa, thằng Nhân bèn an ủi:
             - Thôi đừng buồn cụ ạ! Lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước mà họ còn viết sai, làm xô lệch nữa là lịch sử của cấp xã phường... Mà cháu cũng hiểu rồi, nhưng người được nêu công lao trong cuốn sách này đều là người thân của các vị lãnh đạo xã, huyện, tỉnh đương nhiệm đấy cụ ạ!
             Ông Nghĩa nhìn thằng thợ xây khẽ gật đầu.
             Thằng Nhân làm được hai ngày tại đền Vực. Sáng ngày thứ ba nó bảo với anh Thưởng:
             - Hôm nay, bác dặn mọi người trộn ít vữa xây thôi. Cháu chỉ làm đến khoảng nửa buổi sáng thì phải lên trụ sở uỷ ban xã để nhận một công trình mới, xây cái nhà tắm nóng lạnh cho các vị lãnh đạo. Cán bộ xã bây giờ sau khi đánh cầu lông, chơi ten-nít về mà không có cái khoản “nóng-lạnh” là không tắm táp nổi đâu. Buổi chiều cháu sẽ tiếp tục công việc ở đền.
             Xây trát đến nửa buổi thì thằng Nhân phóng cái xe máy cũ đi mất. Đi được một lát thì nó phành phạch phóng xe về. Nó dựng vội cái xe ở giữa sân đền rồi hổn hển nói:
             - Các cụ, các ông, các bác đã biết chuyện gì chưa?
             - Chuyện gì? - Mọi người đang dọn dẹp trong sân ngừng tay hỏi.
             Thằng Nhân mặt mũi vẫn còn tái đi:
             - Xã ta phen này thì đi đứt hết rồi…
             - Có chuyện gì thế? - Anh Thưởng hỏi.
             - Cháu vừa từ trên trụ sở uỷ ban xã vội chạy ngay về đây để báo cho mọi người biết một tin rất thông nóng! Công an vừa đọc lệnh bắt tạm giam rồi!
             - Bắt ai?
             - Bắt chủ tịch xã ta!
             Mọi người nhao nhao:
             - Sao ông ấy lại bị bắt?
             - Thì nghe nói là vì chuyện khai khống diện tích giải phóng mặt bằng làm đường, xây dựng khu công nghiệp để nhận tiền đền bù, rồi cả chuyện bán đất… Nghe đâu tham nhũng ngót cả tỷ đồng đấy!
             - Thế cơ à…
             Mọi người ồn ào cả lên trước cái tin sốt dẻo động trời mà thằng Nhân vừa thông báo. Thằng Nhân mãi mới bình tĩnh kể lại toàn bộ nội dung câu chuyện cho có đầu, có đũa. Cụ thể là khi nó đang gặp anh chánh văn phòng để nhận việc xây công trình nhà tắm “nóng-lạnh” cho lãnh đạo xã thì thấy có hai chiếc xe công an chạy thẳng vào sân trụ sở uỷ ban xã. Một chiếc xe chở người, một chiếc xe dùng để chở tù nhân, can phạm. Mấy anh công an vừa xuống xe liền đi vào thẳng phòng ông chủ tịch xã. Họ đọc lệnh bắt, lệnh khám xét phòng làm việc và nhà riêng của ông chủ tịch. Các cán bộ của xã bấy giờ mới ngã ngửa người ra. Hóa ra ngay từ khi có dự án mở rộng đường quốc lộ, xây dựng khu công nghiệp tại đây thì đã có ngay một dây chuyền tham nhũng hình thành ở xã Đồng Nhân. Ông chủ tịch, bà cán bộ tài chính, ông cán bộ địa chính đã cấu kết với ban giải phóng mặt bằng để kiếm chác. Họ khai khống diện tích cần giải phóng mặt bằng để nhận tiền đền bù chia nhau. Họ còn bớt xén cả tiền đền bù của bà con nhân dân trong xã. Không những thế, bọn họ còn kiếm mỗi người mấy xuất đất tái định cư nữa.
             Kể xong câu chuyện, thằng Nhân quay sang nhìn ông Nghĩa vẻ hứng khởi bảo:
             - Phen này thì cụ vui mừng quá rồi! Những người vẫn thường phủ nhận công lao của cụ, làm sai lệch lịch sử của xã ta đều đã bị bắt hết cả rồi cụ ạ! Cụ phải về thịt gà tổ chức liên hoan đi thôi!
             Ông Nghĩa nhăn mặt không nói gì. Anh Thưởng cau có:
             - Mày trẻ người, non dạ nên còn ngu lắm! Chuyện này thì có gì mà vui mừng chứ. Chỉ là một việc thật đáng buồn thôi! Hiểu không!
             Thằng Nhân ngơ ngác nhìn hai người.
             Ông Nghĩa đứng dậy tìm cái gậy. Ông lầm lũi đi vào trong đền. Ông lập cập châm ba nén hương cắm lên bát nhang rồi lẩm nhẩm khấn vái thần phật và anh linh vị nữ tướng anh hùng. Trong lòng ông đã buồn lại càng thêm buồn. Chủ tịch xã Đồng Nhân chính là con một người bạn chiến đấu thân thiết của ông trong đội du kích năm xưa...

             (còn nữa)                                                           Hà Nội, tháng 4/2013 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét