Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tản văn Nhớ mùa đông năm ấy

 

        

          Nhớ mùa đông năm ấy
          Tản văn của Trọng Bảo

          Ngày 22-12-1978, đơn vị tôi có mặt ở sát đường biên giới Việt-Trung. Tình hình lúc này đã căng như dây đàn. Chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng tôi lao động, luyện tập cả tuần, không có một ngày nào nghỉ. Ngày thành lập quân đội chúng tôi cũng có một bữa liên hoan. Tiểu đoàn mổ lợn, thâm một đĩa lòng và vài miếng thịt mỡ vào xuất ăn hàng ngày. Thế là bộ đội đã phấn khởi lắm rồi. Lúc này chúng tôi đang trú quân ở trong một hang đá. Cái lạnh mùa đông đã lạnh cộng thêm cái lạnh lẽo của chốn hang sâu đầy thạch nhũ lại càng thêm lạnh.
           Hàng ngày đơn vị chúng tôi rời ra khỏi hang đã đào công sự, xây dựng trận địa hoặc đi lấy gạo, vác đạn chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp nổ ra. Chúng tôi băng qua cánh đồng vào thị trấn Sóc Giang (Hà Quảng-Cao Bằng) đi bộ về ngã ba Đôn Chương lối lên phía hang Pác Bó nhận đạn và lương thực. Dọc đường chúng tôi gặp những đoàn chiến sĩ, anh chị em thanh niên xung phong đi ngược lên phía đường biên giới. Cuộc chiến tranh sắp nổ ra. Dân ta đã nghèo lại thêm khổ. Năm xưa đánh Mỹ, gạo đạn, lương khô, quân trang ùn ùn đổ ra mặt trận, toàn những thứ ngon, bền đẹp hậu phương dành cho tiền tuyến. Trong cuộc chiến tranh biên giới này, hậu phương vẫn chắt chiu gửi lên biên giới những bao gạo, bao ngô xay, bao cá khô, thùng mắm tôm cô đặc. Tiểu đội tôi nhận gạo sấy và thịt lợn kho mặn nhồi trong túi ni lông rồi khênh vác, gùi về đơn vị. Lúc quay lên biên giới, tôi gặp một cô bạn thân ở trung đoàn bộ. Cô vừa chuyển công văn lên các đơn vị tuyến trước quay trở về tuyến sau. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau một lát ngay trên vệ đường. Cô bạn bảo:
          - Anh ở ngay gần đường biên, sát bọn địch phải thật cẩn thận nhé!
          Tôi đùa:
          - Em yên tâm! Bọn anh ở quá gần địch, trong tầm pháo của bọn chúng, chúng nó mà bắn thì đạn sẽ vọt ra xa hết…
          Cô bạn lại dặn:
          - Các anh đừng chủ quan! Hôm trước ở hướng Trường Hà bọn thám báo chúng nó đột kích vào sâu sang đất ta đấy!
          Tôi bảo:
          - Thôi kệ xác bọn bành chướng em ạ! Hết chiến tranh nhất định bọn anh sẽ kéo về quê em đi dự Hội Lim nghe hát quan họ nhé!
          Cô bạn cười rất tươi khi nghe tôi nhắc đến quê mình. Mấy chiến sĩ nhao nhao: “Cô Mai hát một bài quan họ cho lính chốt nghe đi!”. Tôi vội xua tay: “Thôi hết giờ nghỉ rồi, chúng mình phải đi tiếp cho kịp về đơn vị, cô Mai cũng phải đi nhanh mới kịp về trung đoàn bộ trước khi trời tối, đường rừng nguy hiểm”. Thế là chúng tôi chia tay nhau. (Không ngờ sau này khi chiến tranh xảy ra, bọn địch lại tập kích vào trung đoàn bộ trước, cô bạn ấy đã cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm và hy sinh khi tuổi đời chưa tròn đôi mươi).

          Lại nói về mùa đông năm ấy ở biên giới, chúng tôi khẩn trương chuẩn bị đón nhận một điều tồi tệ nhất. Đó là chiến tranh nổ ra là điều không thể tránh khỏi. Chiến tranh như một bóng đen bao phủ trên miền biên ải. Chiến tranh len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống ngày ấy. Nó gặm nhấm ý chí của những người có mặt nơi tuyến đầu hàng ngày bằng chính sự chuẩn bị và những công việc hàng ngày của họ. Hầm hào được đào sâu hơn, làm chắc chắn hơn, công tác chuẩn bị được tỷ mỷ, chu đáo hơn khi chiến tranh chưa xảy ra. Mọi sự chuẩn bị cho cuộc chiến hàng ngày đều rất khẩn trương. Mỗi người chúng tôi đều có một mã số riêng ghi trên nắp túi áo bên trái và in vào mảnh giấy nhỏ bằng ba đầu ngón tay ép plastic luôn để để trong túi quần, túi áo để nếu ai hy sinh chôn theo sau này biết danh tính. Một chiến sĩ tiểu đội tôi cầm mảnh giấy có một chữ cái và mấy con số cứ băn khoăn hỏi: "Sao mình chỉ có mấy ký tự ngắn ngủi thế này thôi nhỉ?". Một hôm nhận quân trang chiến đấu gồm các loại tăng, võng, bi đông về, trung đội trưởng tập trung các chiến sĩ lại cấp phát cho mọi người. Còn một cuộn vải cuối cùng anh bảo:
          - Đây là các tấm vải dùng để khâm liệm liệt sĩ! Mỗi tiểu đội nhận hai cái…
          Nghe vậy cả trung đội đều lặng đi. Tôi thấy mấy chiến sĩ trong tiểu đội mình mặt cắt không còn giọt máu. Tôi cũng hơi thảng thốt nhưng định thần được ngay. Chiến tranh là như vậy, sẽ có sự hy sinh, chết chóc, không thể khác được. Khi nó chưa nổ ra thì công tác chuẩn bị phải thật chu đáo, tỷ mỷ đến mức tối đa có thể để người chiến sĩ khi vào trận chiến đấu tốt nhất.
          Tôi nhận hai tấm vải liệm nhưng trong tiểu đội tôi không ai muốn nhận giữ nó. Cuối cùng tôi đành giữ một cái, một cái giao cho đồng chí tiểu đội phó. Tôi giở tấm vải liệm ra xem xét rồi gấp lại cho gọn. Đó là một tấm vải mỏng gần giống cái vỏ chăn đơn nhưng người ta chỉ may kín hai cạnh, để hở hai cạnh. Tấm vải có đính sẵn ba giải dây vải ở giữa và hai đầu. Khi dùng khâm liệm liệt sĩ chỉ cần gấp lại và dùng ba giải dây ấy để bó buộc người chết. Mùa đông năm ấy rất rét. Khi cuộc chiến tranh xảy ra bọn địch chọc thủng các phòng tuyến của quân ta, đơn vị chúng tôi rút lui lên cố thủ ở các mỏm núi cao, lẩn khuất trong hang hốc trên sườn núi quần nhau với bọn địch. Đêm nằm trong khe đá lạnh quá tôi thường lôi tấm vải liệm ra để đắp cho ấm. Nhưng rồi có người hy sinh, tấm vải liệm ấy cũng phải sử dụng đến. Nhưng trước khi gói ghém cho người chết thì nó đã ủ ấm thịt da của những người đã sống trong những ngày chiến chinh gian khổ.
          Giữa mùa đông lạnh, trong ngày thành lập quân đội 22-12 này, tôi lại nhớ về một mùa đông lạnh lẽo 35 năm trước. Nhớ về những kỷ niệm và những người đồng đội đã ngã xuống. Mùa đông rồi sẽ đi qua, vạn vật thay đổi biến thiên, nhưng những kỷ niệm chiến trường của những người lính chiến thì không bao giờ phai mờ.
                                                                              Hà Nội, 22/12/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét