Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần cuối)

 

                 

          NGŨ QU
          Truyện dài của Trọng Bảo 

          Anh Thưởng lầm lũi đi ra chợ Niễu. Anh nhớn nhác ngó nhìn các dãy hàng quán. Có vẻ anh không phải là đi chợ để mua bán gì. Anh gặp chị Thường và con gái ở đầu dãy hàng rau. Anh hỏi:
          - Cô có biết thằng Phương đang ở chỗ nào không?
          - Không anh ạ! Mấy ngày rồi em không nhìn thấy anh ấy ở chợ. Anh thử vào chỗ tổ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở cuối chợ xem…
          - Tôi đã hỏi rồi! Mấy người cùng bộ phận vệ sinh môi trường nói không biết nó đi đâu mấy ngày nay rồi không đến làm việc. Bực quá!
          Chị Thường ái ngại:
          - Anh tìm anh ấy có việc gì ạ?
          - Tôi tìm nó để thông báo việc chiều nay lên xã để nhận thẻ thương binh. Mấy ông cán bộ ở xã đến nhà tìm nó mấy lần không thấy nhờ tôi đi tìm giúp.
          - Thế thì mừng cho anh ấy quá!
          Chị Thường nói. Chị cũng đang mong gặp anh nhưng đã mấy ngày rồi không thấy anh làm ở chợ như mọi khi. Thời gian trước lần nào chị gánh rau ra chợ cũng gặp anh. Chị đưa cho anh lúc thì mớ rau, bó măng, khi thì vài quả mướp, dăm củ sắn. Lúc thì anh đến tìm chị để gửi cho bé Thương khi thì gói kẹo, lúc cái bánh hoặc cuốn vở để nó tập viết. Anh Phương rất quý bé Thương. Bé Thương cũng vậy. Mỗi khi được theo mẹ ra chợ là nó đòi chị đưa đến chỗ tổ vệ sinh môi trường để gặp anh. Nhìn hai bác cháu quấn quýt bên nhau như hai bố con chị cũng thấy ấm lòng và thầm ước mong chuyện xa xôi. Tình cảm của hai người ngày càng thân thiết hơn. Mấy ngày hôm nay chị có ý chờ nhưng lại không thấy bóng dáng anh đâu nữa.
          Từ nãy giờ bé Thương vẫn chăm chú nghe hai người nói chuyện với nhau. Chợt nó buột miệng bảo:
          - Cháu biết bác ấy đi đâu rồi!
          Anh Thưởng ngạc nhiên:
          - Làm sao cháu biết?
          Bé Thương chỉ cái áo khoác màu đỏ sẫm mình đang mặc khoe:
          - Bác Phương mua tặng cho cháu cái áo này làm kỷ niệm trước khi ra đi đấy bác ạ!
          - Bác ấy nói sẽ đi đâu cháu có biết không?
          - Có ạ! - Cái Thương gật đầu.
          Anh Thưởng ngồi xuống ôm bé Thương. Con bé thỏ thẻ bảo:
          - Hôm trước vào nhà cháu chơi bác ấy nói là “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Bác ấy sẽ lên đường đi B. ạ!

          Nghe con bé nói, anh Thưởng giật mình. Anh vụt nghĩ: “Thôi chết! Không khéo thằng này vết thương cũ lại tái phát, lên cơn động kinh, tâm thần thì hỏng mất…”. Anh hỏi thêm bé Thương:
          - Thế bác ấy có nói với cháu là đi đến bao giờ sẽ về không?
          - Bác ấy bảo đi sẽ không về nữa đâu ạ! “Nước còn giặc, con đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”, “ra đi không hẹn ngày về”… Cháu nghe bác ấy dặn thế! 
          Con bé kể rồi hỏi lại anh Thưởng:
          - Đi B. là đi tận đâu hả bác?
          Anh Thưởng ngập ngừng trả lời:
          - Là đi xa lắm cháu ạ!
          Chị Thường buồn bã nói:
          - Hôm anh ấy vào nhà chơi chỉ có một mình cháu Thương ở nhà. Lúc về nghe cháu nói lại anh ấy cho cháu cái áo rét rồi hát những bài ca hành quân rồi đi. Hóa ra là hôm đó anh ấy vào chào hai mẹ con em để ra đi mà không biết…
          Anh Thường lắc đầu:
          - Kiểu này có khi là nó bỏ quê đi không trở về nữa rồi…
          Nghe anh Thưởng nói chị Thường và bé Thương đều ngơ ngác. Ba người nhìn nhau. Cả ba đều buồn. Vậy là người lính cũ ấy lại ra đi rồi. Anh Thưởng nghĩ, có thể Phương sẽ trở về nơi mà sau cuộc chiến nó đã từng lang thang kiếm sống, hoặc là sẽ đi đến một miền đất mới. Anh thấy lo lắng cho bạn những năm tháng cuối đời lang thang nơi đất khách quê người với vết thương trên đầu đang có dấu hiệu tái phát. Nếu lên cơn bạo bệnh tâm thần, trí nhớ giảm dần, sức tàn lực cạn nó sẽ trở thành một kẻ cầu bơ cầu bất, cô quạnh giữa dòng đời xuôi ngược đầy rẫy những gian lao, trắc trở, cạm bẫy này. Càng nghĩ, anh Thưởng lại càng thấy bồn chồn, buồn bã hơn…
          Anh Thưởng chào chị Thường và bé Thương lê bước trở về đền Vực.
          Một mùa đông lạnh lẽo lại đang về. Gió bắc thổi dọc triền đề lạnh buốt.
          Anh Thưởng thấy lòng mình cũng lạnh lẽo như mùa đông. Vậy là những người bạn cùng thời trong nhóm “ngũ quỷ” bây giờ chỉ còn một mình anh ở lại trên quê hương. Thằng Hiệp hy sinh đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy mộ, xương cốt còn gửi lại nơi nào. Thằng Hiến thì chết trương dưới dòng sông Đáy con, hồn xiêu phách lạc sau biến cố của cuộc đời đua ganh. Thằng Phương chiến tranh ra trận đã báo tử về làng. Cứ tưởng rằng là một “liệt sĩ sống lại” trở về nó sẽ rất vinh quang trên quê hương, giờ lại bỏ làng ra đi cùng dấu hiệu vết thương tái phát không hẹn ngày trở về. Cô Liên cũng đã bán nhà rời làng Vực lên tỉnh thuê trọ để chăm sóc chồng. Sau lần bị tai nạn giao thông anh chồng của cô Liên trở thành một người luôn phải nằm trên giường bệnh tại một bệnh viện quân y.
          Vậy là tại cái làng Vực bé nhỏ ven sông Đáy con này đã khép lại một thế hệ! - Anh Thưởng nghĩ…
 *
          Vài lời cuối truyện
          Có một dòng sông mỏng manh như sợi chỉ phía sườn tây của dãy núi Tam Đảo. Dòng sông ấy bắt nguồn từ chiến khu căn cứ địa cách mạng Tân Trào, Tuyên Quang. Con sông nhỏ ấy chảy qua miền quê trung du, đổ ra sông Lô để góp với sông Hồng đôi chút phù sa cho đồng bằng Bắc bộ. Đó là sông Phó Đáy, hay dân gian thường gọi là sông Đáy con.
           Sông Đáy con uốn lượn quanh quanh những xóm làng, bờ tre, bãi mía. Dòng sông nhỏ nhoi hiền hòa ấy trong kháng chiến chống thực dân Pháp là ranh giới giữa vùng tự do và địch vùng tạm chiếm. Tại đoạn sông chảy qua quê tôi có một cây cầu sắt nhỏ do người Pháp xây dựng. Có lẽ nó cùng tuổi với cầu Long Biên, Hà Nội. Trên cây cầu sắt ấy bọn giặc đã hành hình bao chiến sĩ cách mạng, giết hại bao người du kích. Chúng bắn chết hoặc tra tấn dã man rồi trói chân tay đẩy họ xuống dòng sông chảy xiết. Máu của những người chiến sĩ nhuộm đỏ nước sông xanh. Nhớ thuở còn đi học, chúng tôi hay ra sông Đáy con bơi lội. Chỗ bến đò phố chợ ngày xưa có một ngôi đền nhỏ. Ông ngoại tôi khi còn sống là thủ từ của ngôi đền trên bến sông ấy. Tôi còn nhớ có lần theo mẹ ra thăm ông ngoại được ông đưa vào ban thờ xin lộc phật, lấy oản. Lúc nhỏ tôi là người ốm yếu, sinh lực kém, hay sợ ma quỷ, đêm ngủ thường hay mê sảng. Khi vào cổng đền nhìn các pho tượng thần gác cổng vẻ mặt dữ dằn tôi đã hoảng. Vào chốn linh thiêng, tôi cứ dúm dó run run. Tuy sợ nhưng tôi vẫn cảm thấy sự kính cẩn, linh thiêng.
            Nhưng rồi người ta đã phá mất ngôi đền trên bến sông Đáy con ấy. Có một thời không hiểu là chúng ta quá cách tân hay là còn mông muội mà cho triệt phá hết đình chùa miếu mạo đền đài. Ngôi đền nhỏ bên sông Đáy con ấy rất linh thiêng, không ai dám phá mặc dù đã có lệnh. Một ông cán bộ xã phải đích thân đạp đổ các pho tượng trên ban thờ, dọa đái vào bát nhang rồi hô hào đám thanh niên xung phong đập tan tành ngôi đền ấy. Đền thờ bị phá bỏ để mở bến phà cho xe ô-tô qua sông, tránh giờ cao điểm phải đi qua cầu Việt Trì dễ bị máy bay Mỹ phát hiện bắn cháy. Ông cán bộ xã sau bận chỉ huy phá đền về ốm một trận thập tử nhất sinh rồi khỏi. Nhưng lạ thay sau trận ốm ấy hạ bộ của ông ta cứ sưng to tày cái ấm tích, không đau, không nhức nhưng không kiểm soát được việc tiểu tiện, đái ra quần lúc nào không biết. Ông luôn phải đeo một cái gáo dừa để hứng nước giải. Được vài năm thì ông ta chết, gia đình cũng thất tán hết. Không biết đó có phải là báo ứng của thần phật, tổ tiên hay không.
           Trước khi ra đến biển, dòng sông chứng kiến bao nhiêu sự kiện đôi bờ, tắm mát cho bao xóm làng, ôm chứa bao nỗi niềm, đã tan hòa bao máu, mồ hôi, nước mắt của những kiếp nhân sinh. Sông thương người dâng tôm cá, để lại bao bãi bồi phù sa xanh tươi ngô mía, bao bến chờ, bến đợi cho những tình yêu lứa đôi. Còn nhớ những năm học cấp 3, mùa nước cạn chúng tôi thường tổ chức ra sông đãi sỏi, gánh cát bán cho công trường khai thác vật liệu xây dựng lấy tiền làm quỹ lớp mua áo quần, sách vở giúp các bạn nghèo, mua tặng phẩm tiễn người nhập ngũ, ra mặt trận.
           Dòng sông của thiên nhiên, chảy giữa thiên nhiên ấy, là nỗi nhớ, là kỷ niệm của bao nhiêu con người đã sinh ra và lớn lên bên sông. Tiểu thuyết này lấy bối cảnh đôi bờ con sông nhỏ ấy. Dòng sông đã cho tôi nghĩ suy và cảm hứng sáng tác. Tôi yêu dòng sông quê mình biết bao. Trong ký ức tôi con sông nhỏ mãi trong mát, hiền hoà. Vậy mà một hôm, tôi nhận được điện của một anh ở tỉnh đội báo tin nước sông Đáy con đang lên cao, phá vỡ con đê gầy gây lụt lớn, đã có có chiến sĩ hy sinh khi chống lũ, cứu dân. Tôi bồn chồn về quê. Nước sông đã rút nhưng vẫn còn để lại những dấu tích của sự tàn phá. Song dòng sông cuồng nộ không vô cớ. Chính con người đã làm con sông giận dữ. Khi xây cây cầu qua sông Đáy con, người ta đã chọn vị trí để mở tuyến đường mới chạy qua làng của một vị quan đầu tỉnh. Chỗ bắc cây cầu mới dòng sông hẹp nhưng có cả một bãi bồi ngoài đê rất rộng. Mùa nước cạn, dòng chảy thu lại, khi lũ lớn, nước tràn lên bãi bồi mênh mang, mau tiêu thoát. Người ta đã đắp đường qua bãi bồi ra cây cầu mới. Đoạn đường như một con đập cao chắn giữa dòng chảy. Nước lũ không tiêu thoát nhanh được đã tàn phá, gây vỡ đê điều, ngập úng.
           Thiên nhiên là như vậy. Ta chỉ có thể dẫn dụ thiên nhiên trở thành thiên lợi chứ không thể bẻ gãy được sức mạnh của thiên nhiên. Hãy để cho những dòng sông luôn chảy giữa thiên nhiên. Tôi mong sao dòng sông Đáy con sẽ mãi hiền hòa như sợi chỉ xanh mong manh giữa một miền quê yên lành.  
           Năm 2008, khi học tập tại khoá 2-Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du-Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã in được bốn tập truyện ngắn, có một số truyện ngắn, tản văn đăng báo, tạp chí. Trong các sáng tác ấy có đến hơn mười truyện ngắn viết về số phận của các nhân vật gắn với một dòng sông Đáy con. Một số bạn học viết văn khi đọc các truyện ngắn này đã nhận xét nếu xâu chuỗi các truyện lại sẽ thành các chương của một tiểu thuyết thực sự. Họ khuyên tôi viết thành một truyện dài. Nhà phê bình văn học Minh Tâm ở Tạp chí Văn nghệ quân đội sau khi đọc tập truyện ngắn Phong lan đỏ của tôi cũng có cùng quan điểm ấy.
          Vậy nên, tôi mới quyết tâm viết truyện dài mang tên “Ngũ quỷ” này. Trong truyện có nhiều nhân vật, nhiều chi tiết đã xuất hiện trong các truyện ngắn trước đây mà tôi đã viết. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn đọc.                                                                              
           (hết                                                               Hà Nội, tháng 4/2013
                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét