Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 26)

 


         

          NGŨ QU
          Truyện dài của Trọng Bảo 

          Lão Vận chết được ba hôm thì con Cún đột nhiên trở về. Nó tập tễnh vừa đi vừa chạy dọc bờ đê từ phía hạ lưu ngược lên.
          Đêm ấy bị nước lũ cuốn ra giữa sông, nó cố vùng vẫy, may bám vào được một đoạn thân cây chuối. Dòng nước đưa nó về mãi phía hạ lưu cho đến khi dạt vào một bãi cát bồi. Con Cún lết được lên bờ, thoát chết. Nó liền tìm đường quay trở về. Có lẽ nó đã phải vượt đến cả trăm cây số qua bao nhiêu thành phố, thị xã, làng mạc. Như một con chó hoang lang thang, vừa đi nó vừa đuổi bắt chuột, sục vào các đống rác ở ven đường, góc chợ kiếm ăn. Mấy phen nó suýt bỏ mạng vì bọn chuyên bắt trộm chó săn đuổi. Nó bị bọn chúng đánh què một chân, nên bước đi tập tễnh, khó khăn.
          Cứ lần hồi ngược dòng sông, con Cún cũng về được đến nhà. Vừa tới cổng, nó đã rên lên ư ử sung sướng, cái đuôi bê bết bùn đất vẫy vẫy rối rít. Chắc là nó nghĩ lão Vận đang chờ nó ở trong nhà. Nhưng rồi con Cún chợt nhận ra có điều gì khác lạ, hoang lạnh ở nơi nó đã bao năm gắn bó. Nó vội dùng mõm ẩy cánh cửa khép hờ lao vào trong nhà. Nó khịt khịt sục mũi vào đống tro than tàn lạnh trong bếp, hít ngửi mấy cái quần áo cũ của lão Vận còn treo trên vách liếp. Rồi nó chạy ra giữa nhà. Nó chợt nhận ra chiếc áo quan đầy bụi mọt không còn kê ở đấy nữa. Dưới gầm chiếc quan tài ấy là chỗ nó vẫn nằm trông coi nhà cửa khi ông chủ ra chợ.
          Hình như con Cún đã hiểu được mọi chuyện. Nước mắt nó chảy ra. Bất ngờ, nó hộc lên một tiếng, toàn thân nó co rúm lại. Đoạn, nó lao ra đứng giữa thềm nhà ngửa cổ tru lên từng hồi đau đớn.
          Suốt mấy đêm liền nghe tiếng con chó kêu rên ri trong căn nhà lão Vận, đám thanh niên làng Vực bảo nhau: “Con chó điên mất rồi! Đập chết đi kẻo nó đớp vào ai thì khốn”. Thế là bọn chúng hò nhau đứa vác gậy gộc, thằng cầm xẻng cuốc bao vây nhà lão Vận. Con chó đứng trên thềm nhe răng, mắt gườm gườm nhìn đám thanh niên. Hàm răng nó nhe ra nhọn hoắt. Con Cún có vẻ gầy hơn nhưng đôi mắt nó thì sáng quắc. Khi đám thanh niên hô nhau cùng ập vào thì nó phóng vút xuống sân, làm một thằng hoảng quá vứt gậy ù té chạy. Con Cún lao lên bờ đê. Bọn thanh niên hò hét, rầm rập đuổi theo. Con chó hình như quên hẳn cái chân đang đau, nó phóng vun vút về hướng đồi cây bạch đàn, nơi xã Đồng Nhân dành để làm nơi yên nghỉ cho những người quá cố. Vào trong nghĩa trang, con chó vừa đánh hơi vừa chạy và đến đúng chỗ mộ lão Vận. Nó nằm phủ phục xuống bên cạnh ngôi mộ mới. Đám thanh niên hò hét xông đến. Con chó vẫn nằm yên mặc mọi người áp sát hầm hè, vây bủa xung quanh. Đám thanh niên dừng lại, gậy gộc lăm lăm trong tay sẵn sàng lao vào tiêu diệt con chó.
          Giữa lúc đó, ông già quản trang từ đâu hớt hải chạy đến. Ông hổn hển nói với bọn thanh niên:
          - Đừng... đừng đánh con chó các cháu ơi! Nó không bị điên đâu. Nó là một con vật có tình, có nghĩa với con người đấy các cháu ạ! Đừng giết hại nó mà phải tội...
          Nghe người quản trang năn nỉ, can ngăn mãi, đám thanh niên mới chịu kéo nhau rời khỏi khu nghĩa địa. Đám người săn đuổi đi rồi con Cún mới đứng lên. Nó tập tễnh đi quanh ngôi mộ của lão Vận mấy vòng. Vừa đi, nó vừa rên ư ử. Có lẽ nó đang khóc.
          Những ngày tiếp sau, người ta vẫn thấy con chó quanh quẩn chỗ mộ lão Vận. Nó nằm im cả ngày đầu gối lên nấm mộ mới. Người quản trang để ít cơm nguội trên miếng lá chuối nhưng con Cún không ăn. Nó chỉ liếm chút nước mưa đọng trong mảnh cái bát vỡ. Đêm đêm, người ta nghe tiếng kêu rền rĩ của nó trong khu nghĩa địa hoang vắng.
          Con Cún nhịn ăn mà chết.
          Ông già quản trang đào một cái hố ở ngay phía dưới mộ lão Vận. Ông trải mảnh ni-lông rách rồi đặt xác con Cún xuống lấp đất. Ông đắp cho con vật trung thành một nấm mộ nhỏ.
          Sau cái chết của lão Vận và con Cún dân làng Vực bảo nhau: “Vậy là đã khép lại một kiếp người, một kiếp chó!”.
          Nhưng câu chuyện của lão Vận thì chưa dừng lại ở đó...           
          Một hôm, có chiếc xe du lịch sang trọng rẽ vào trụ sở uỷ ban nhân dân xã Đồng Nhân. Bước xuống xe là một ông cán bộ tóc bạc. Có cả anh bí thư huyện uỷ cùng mấy người nữa đi cùng. Ông là bí thư tỉnh uỷ một tỉnh ở phía Nam. Ông ra thăm viếng Đền Hùng. Nhớ lại những ngày xưa hoạt động ở vùng Vĩnh Yên - Sơn Dương, ông liền bảo anh lái xe đưa về qua làng Vực. Câu chuyện của ông về những ngày kháng chiến chống Pháp lớp cán bộ xã Đồng Nhân bây giờ không ai biết. Ông kể lại chuyện ngày xưa hoạt động, chiến đấu trong lòng địch. Từ Hà Nội ông được lệnh lên chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Ông đi theo tuyến đường giao thông qua Vĩnh Yên lên Sơn Dương. Ông đã qua đò và nghỉ lại một cơ sở ở làng Vực sát ngay bờ sông Đáy con. Bọn gián điệp chỉ điểm đã phát hiện ra nơi ông đang dừng chân. Tên quan Pháp dẫn theo một tiểu đội biệt kích đóng giả làm một hiệp thợ mộc vượt sông định tập kích bất ngờ. Bọn chúng bọc súng ống vào bao tải, tìm đò sang sông. Một người đánh cá đang chèo thuyền thả lưới vương trên sông được bọn chúng vẫy gọi thuê chở sang ngang.
          Phát hiện ra vẻ đáng ngờ của toán người, nhất là tên mà bọn chúng gọi là “thợ cả” trùm khăn kín đầu nhưng vẫn thòi ra cái mũi lõ, người đánh cá vẫn bình tĩnh chèo thuyền chở chúng qua sông. Khi bọn chúng nhảy lên bờ, lách cách cởi các bao đựng súng thì người đánh cá nhanh nhẹn đẩy chiếc thuyền lùi ra giữa dòng sông. Anh rút chiếc tù và vẫn cài trong mui thuyền ra rúc lên liên hồi báo động. Ở sát vùng tề nên dân làng Vực vốn rất cảnh giác. Nghe tiếng tù và mọi người biết ngay là có biến. Ông cán bộ được du kích dẫn đường nên đã kịp chạy thoát. Bọn địch bị lộ, chúng điên cuồng xả đạn vào làng Vực và quay súng bắn ra giữa dòng sông chỗ con thuyền. Người đánh cá bị trúng đạn gẫy chân. Tuy bị thương nhưng anh vẫn lao xuống nước bơi được vào bờ trốn trong một bụi cây gai. Sau đận thoát chết chỉ trong gang tấc ấy, ông cán bộ lên được chiến khu an toàn. Ông được nhận trọng trách mới. Sau kháng chiến chống Pháp, ông vào miền Nam tiếp tục chiến đấu đánh Mỹ, rồi làm cán bộ lên đến chức bí thư tỉnh uỷ. Sắp về nghỉ hưu, ông ra thăm lại miền Bắc. Chợt nhớ lại tiếng tù và của người đánh cá dũng cảm năm nào trên dòng sông Đáy con, ông tìm về lại bến sông xưa.
          Nghe câu chuyện của ông bí thư tỉnh uỷ kể, mọi người đều đoan chắc người đánh cá đã quên mình thổi tù và báo động ngày ấy đích thị là lão Vận quét chợ. Ai cũng biết lão Vận có một chiếc tù và sừng trâu. Lão vẫn thường thổi báo tin cho dân làng Vực mỗi khi nước lũ dâng cao, đàn cá sông kéo lên bãi sa bồi ngập nước vật đẻ.
          Ông bí thư tỉnh uỷ cùng mọi người đến nhà lão Vận.
          Trên cái bàn thờ tàn lạnh hương nhang, họ tìm thấy chiếc tù và bằng sừng trâu đen bóng. Ông bí thư tỉnh uỷ trân trọng cầm chiếc tù và cũ kỹ lên xem. Anh cán bộ văn hoá huyện cùng đi nói:
          - Xin phép bác cho được chuyển về để tại phòng truyền thống của huyện nhà. Đây là một hiện vật rất quý đấy ạ!
          Ông bí thư tỉnh uỷ gật đầu và trao lại chiếc tù và của lão Vận cho anh cán bộ văn hóa huyện. Ông bảo anh thư ký mua hoa quả, hương nhang ra nghĩa trang viếng mộ lão Vận. Nghe nói trước khi ra đi, ông còn gửi lại xã mấy triệu đồng để hương khói và sau ba năm cải táng, xây mộ cho lão Vận.
           Hôm ấy là đúng một trăm ngày mất của lão Vận...
           (còn nữa)                                                                Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét