Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tản văn MỘT THỜI CHƯA XA

MỘT THỜI CHƯA XA
Tản văn của Trọng Bảo
          LTG: Trang Văn hóa văn nghệ - Báo Kiểm toán, số cuối tháng 9-2013 đã đăng tản văn Một thời chưa xa này của tôi. Tác giả xin chân thành cảm ơn BBT báo và đưa lại trên blog của mình (Trọng Bảo). 
         Ảnh dưới: Cảnh xếp hàng quen thuộc trong thời bao cấp.
         
         
          1-Xếp hàng
          Có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất của những người đã từng sống qua thời bao cấp là chuyện xếp hàng. Có thể quên nhiều chuyện nhưng sẽ rất ít người quên được chuyện xếp hàng. Ngày ấy tất tật mọi việc đều phải xếp hàng. Đi đong gạo, mua dầu hoả, nước mắm phải xếp hàng. Mua vé tàu xe phải xếp hàng, thậm chí đi vào nhà... vệ sinh công cộng cũng phải xếp hàng. Xếp hàng có khi cả ngày, cả đêm. Để đong được vài cân gạo, ít cám chăn nuôi phải dậy rất sớm đi xếp hàng. Tôi còn nhớ ngày ấy sợ nhất là chuyện xếp hàng mua vé tàu xe. Bến xe lên tỉnh, về Hà Nội có khi cả ngày thậm chí hai ba ngày mới có một chuyến, không  mua được vé thì lỡ chuyến, lỡ việc.
          Chính vì chuyện xếp hàng nên dân ta mới sinh ra nhiều sáng kiến. Người ta đặt một cục gạch, một viên đá, một cái nón rách để thay mặt con người xếp hàng giữ chỗ. Cửa hàng bán gạo 8 giờ sáng mới mở cửa thì hai ba giờ sáng người ta đã kéo ra xếp hàng. Tôi còn nhớ khi vào bộ đội làm chiến sĩ quân bưu thường xuyên phải đi trên đường, chúng tôi chuyển công văn, có loại hoả tốc, hẹn giờ nếu lỡ chuyến xe thì không hoàn thành nhiệm vụ cho nên nhiều lần từ chập tối hôm trước đã phải mắc võng, hay rải chiếu "cắm chốt" luôn ở cửa bán vé bến xe, bến tàu để sáng sớm hôm sau mua được vé lên được xe tàu đem công văn đi. Vì xếp hàng nên mới có câu chuyện chen ngang. Mọi người đều ghét nhất là chuyện "chen ngang". Những người có thẻ thương binh đến sau thường được ưu tiên đứng lên đầu hàng để mua hàng hoá, mua vé tàu xe trước. Mọi người bề ngoài, vẻ mặt ai cũng thông suốt điều này. Ai cũng biết các anh thương binh có công với nước, ưu tiên là đúng, nhưng trong thâm tâm ai cũng ghét chuyện "chen ngang" như thế. Bởi cũng có người lợi dụng danh hiệu thương binh để chen ngang mua hàng, mua vé bán lại cho người khác ăn chênh lệch giá. Chung quy cũng là tại thời ấy khó khăn, thiếu thốn quá.
          Khổ nhất là chuyện xếp hàng từ sáng đến trưa, trời mùa hè nóng nực khi đến lượt mình mua hàng, mua vé thì lại là lúc hết hàng, hết vé hay nhân viên hết giờ làm việc. Mà nhân viên bán hàng mậu dịch quốc doanh ngày ấy thật là ghê gớm. Họ bảo hết hàng là hết. Họ bảo hết giờ là nghỉ. Thời bao cấp ấy họ chính là thượng đế chứ không phải khách hàng là thượng đế như bây giờ. Ngày ấy cứ ra đến đường là gặp ngay chuyện xếp hàng. Có những người đang đi thấy phía trước có người xếp hàng là lập tức đứng luôn vào hàng vì nghĩ chắc là đang có cái gì đó bán rộng rãi cho nhân dân, bán rẻ. Xếp hàng trở thành thói quen, thành phẩm chất của con người bao cấp, của chế độ tem phiếu, phân phối. Nhưng nó cũng là nỗi ám ảnh, sợ hãi của dân ta ngày ấy. Bởi lẽ xếp hàng nó gần như đồng nghĩa, đồng hành với sự thiếu thốn, khó khăn.
          Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước tôi có dịp sang công tác tại đất nước Triều Tiên. Chúng tôi được bạn đưa đi mua sắm tại một cửa hàng mậu dịch quốc doanh rất lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Gặp cảnh rồng rắn xếp hàng dài dằng dặc để mua hàng, tôi liền giơ máy ảnh lên định chụp một kiểu thì bị nhân viên an ninh che ống kính không cho chụp. Tôi bực nói với cậu phiên dịch của đoàn: "Bảo anh ta là ở Việt Nam bọn mình ngày xưa còn xếp hàng dài hơn rất nhiều, để cho mình chụp một kiểu!". Cậu phiên dịch nhẹ nhàng khuyên tôi: "Họ không cho chụp thì thôi đừng chụp nữa anh ạ!". Tôi đành nghe theo cậu ta nhưng trong lòng vẫn bực vì nhiều lần muốn chụp cảnh dân chúng  sinh hoạt ở Bình Nhưỡng cũng đều bị ngăn cản. Ngày ấy chưa có máy ảnh kỹ thuật số, chưa có điện thoại di động hiện đại đủ tính năng quay phim, chụp ảnh như bây giờ nên tôi phải rất khéo léo dùng máy ảnh chụp phim mới chụp được một số hình ảnh của đất nước này. Khổ thế đấy! Đã nghèo nhưng lại rất sợ mọi người biết mình nghèo khổ. Bao cấp không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là sự bao cấp cả tư tưởng và ý thức của con người ta nữa. Sự bao cấp này mới thật là trì trệ, kìm hãm sự sáng tạo và đổi mới.
         Lan man chuyện cũ, ghi lại chuyện xếp hàng của một thời chưa xa và hình như nó vẫn còn tồn tại đâu đó quanh ta. Bây giờ có những việc vẫn phải xếp hàng nhưng đã có sự thay đổi về bản chất rồi. 

          2- Chia cá
          Thời bao cấp mọi tài sản đều công hữu. Hợp tác xã quản lý đất đai công cụ sản xuất, ruộng nương, ao hồ. Những cái ao, cái hồ rộng vừa là nơi chứa nước chống hạn, vừa để thả cá. Cá ở ao hợp tác xã chả cần chăm nuôi gì, nó tự ăn rong rêu hoặc là "cá lớn nuốt cá bé" mà sống và lớn lên. Thường là một năm hợp tác xã tổ chức đôi ba lần đánh cá ở những cái ao chung ấy đem chia cho viên. Đó là vào những dịp ngày lễ Quốc tế lao động 1-5, Quốc khánh 2-9 hay nhân dịp tổ chức đại hội xã viên.
          Cá đánh lên phân bổ cho các đội sản xuất. Mỗi đội vài chục cân. Từng đội nhận đem về sân kho của đội mình tiến hành chia cá. Việc chia bôi ngày đó cũng rất tuỳ tiện. Cứ theo lệnh của ông đội trưởng đội sản xuất mà tiến hành. Cái gì dễ chia, dễ cân thì chia theo khẩu. Nhà nào nhiều khẩu thì được nhiều, ít khẩu thì được ít. Cái gì khó thì chia theo hộ, cứ bổ theo đầu hộ gia đình mà chia. Nhà ít người, nhà đông người đều bằng nhau. Cá là loại thường là chia theo hộ gia đình cho dễ. Nói vậy cũng không hẳn là dễ. Ông đội trưởng hoặc ông đội phó thường phải đích thân nhúng tay vào việc chia cá. Những con cá trôi, cá chép nhỏ thì xếp ra từng mô trước. Con to bù con nhỏ, loại ngon bù loại không ngon. Đội sản xuất của tôi có hai mốt hộ gia đình. Cá được chia làm hai mốt mô. Những con cá to thì phải chặt xẻ ra từng miếng chia vào các phần. Mô nào vớ phải cái đuôi hoặc cái đầu thì dứt khoát phải đổi con cá trôi, cá chép to hơn đặt vào đó cho công bằng. 
         Chia xong ngắm ngía chán thấy tương đối đều, ông đội trưởng mới gióng gọi tên đại diện từng hộ vào nhận từng mô, từng phần cá. Mọi người đứng xúm xít xung quanh thường nhăm nhăm trông phần nào hơn hơn một chút là bốc lấy. Nhiều khi cũng cãi vã hay nói cạnh, nói khoé nhau. Ngày ấy nghèo, thiếu thốn đủ thứ, cái cảm giác phần của mình nhiều hơn phần nhà khác cũng tạo nên một tâm lý phấn chấn.
          Tôi nhớ nhiều lần được bố bảo đi nhận cá. Do vần tên bố tôi gần cuối bảng chữ cái nên thường phải nhận phần cuối cùng. Có lần vớ phải cái đầu cá mè to tướng xách về, bố tôi bảo: "Nấu nồi canh dấm đầu cá càng ngon!". Bố tôi bổ đôi cái đầu cá ra làm thật sạch. Tôi cắt mấy quả chuối xanh tước vỏ thái mỏng cho vào nồi canh cá cho đỡ tanh. Nồi canh đầu cá mè nấu với tương mẻ rau xương xông toàn xương là xương nhưng cả tháng trời toàn ăn cơm rau có tý chất tanh cũng thấy ngon miệng.
          Ngày ấy, các loại khác như thịt lợn, thịt bò, nước mắm, rượu mùi, muối ăn, chè bồm cũng đều chia như thế. Cái sân kho hợp tác xã từng chứng kiến bao nhiêu lần chia bôi ồn ào của thời bao cấp. Bây giờ viết lại chuyện cũ lòng lại thấy ngậm ngùi xa xót về một thời thiếu thốn, gian lao.
           3- Đưa trâu đi bình
           Vào hợp tác xã nông nghiệp mọi công cụ sản xuất đều là của chung. Hợp tác xã công hữu trâu bò rồi giao lại cho từng hộ gia đình chăn dắt. Đội sản xuất sẽ điều động trâu bò cho các lao động cày bừa, làm đất, trục lúa khi cần. Hàng năm, các đội sản xuất đều tổ chức "bình trâu bò". Tức là đưa trâu bò tập trung lại để đánh giá xem nó như thế nào. Béo, gầy, già, non, còn tiếp tục để cày bừa hay sẽ thải loại giết mổ lấy thịt bán cho cán bộ có tem phiếu thực phẩm.
           Trước mỗi lần "bình trâu" các gia đình đều lo lắng, chăm sóc cho trâu bò thật cẩn thận. Nhà nào nuôi trâu bò béo khoẻ sẽ được biểu dương. Năm nào hợp tác xã được mùa, thu hoạch khá còn được thưởng nữa. Phần thưởng là vài cân thóc, xông xênh hơn thì là một cái khăn mặt, bánh xà phòng giặt 72% của Liên Xô. Mà ngày ấy có được một cái khăn mặt bông, bánh xà phòng giặt thật là quý giá. Nhà nào mà để trâu bò gầy yếu, không đảm bảo việc cày bừa thì sẽ bị phê bình, nhắc nhở trong cuộc họp của đội sản xuất. Thậm chí còn bị trừ công điểm chăn nuôi, đến vụ phạt trừ mấy cân thóc nữa. Tôi nhớ không nhầm thì mỗi vụ nhà nào giữ trâu bò sẽ được 50 công. Nhà nào để trâu bò ốm, chết sẽ bị phạt. Lo nhất là chăm sóc không cẩn thận khi bình, trâu bò sẽ bị điều ngay cho hộ khác nuôi. Ban bình xét gồm đại diện ban quản trị hợp tác xã, đội trưởng và thư ký đội sản xuất.
           Khi còn nhỏ tôi hay theo bố mẹ đưa trâu đi bình. Trâu bò tập trung hết ra bãi cỏ ở đầu làng. Ban bình xét đi đến từng con trâu, con bò của từng nhà để đánh giá. Họ xác định luôn giá trị bằng tiền của con trâu, con bò ấy một cách nhanh chóng. Nhiều nhà nuôi trâu bò cái đẻ được bê, nghé cũng phải đưa ra bình. Nếu bê nghé đủ tuổi sẽ được bình và giao ngay cho gia đình nào chưa có trâu bò nuôi. Nhà có bê, nghé sẽ được hợp tác xã trả công chăn nuôi bằng tiền, hoặc thóc. Số tiền và thóc chả đáng kể vì những con bê, nghé này đều do bò trâu của hợp tác xã đẻ ra, hộ gia đình chỉ có công chăm sóc mà thôi. Tôi còn nhớ như in những ánh mắt tiếc nuối buồn bã của những người nông dân có con bê, con nghé mà mình đã chăm bẵm bấy lâu bị điều cho nhà khác nhận nuôi. Nếu nhà nào muốn giữ lại con bê, con nghé để nuôi thì lại phải chuyển những con trâu bò bố mẹ cho nhà khác. Điều này chẳng ai muốn vì những con trâu bò đã cày bừa thành thục rồi rất quan trọng. Chăn nuôi nó có công điểm, đến vụ thu hoạch lại có thêm xuất rơm. Khi gặt lúa về đập xong rơm thường được chia theo đầu trâu bò cày. Nhà nào nuôi trâu bò là có phần rơm chia cho. Mỗi phần rơm gánh về nhà chà đập, rũ lại cũng kiếm được vài đấu thóc lép, một vụ cũng có thêm thúng thóc. Mà ngày ấy một thúng thóc ở quê tôi quan trọng biết nhường nào. Tôi cứ nhớ chuyện mẹ tôi hay nói chị B, cô C đi xây dựng gia đình, bố mẹ đẻ cho một hoặc thúng thóc đem về nhà chồng (một thúng thóc bằng 25 ki-lô-gam).
           Lại kể tiếp về việc bình trâu bò. Tôi nhớ nhất là lần con trâu của nhà tôi bị quyết định "hoá kiếp" ngay tại buổi bình trâu. Nó đã già và chậm chạp quá rồi, không cày bừa được nữa nên bị thải loại. Nó được giao ngay cho nhân viên cửa hàng thực phẩm. Tôi thẫn thờ nhìn theo con trâu đã gắn bó cùng bao năm tháng tuổi thơ của mình nơi làng quê heo hút này. Con trâu bị nhân viên cửa hàng thực phẩm lôi đi, hình như cũng hiểu ra điều gì đó. Mấy lần nó cố giằng dây thừng quay đầu lại nhìn tôi. Đôi mắt của nó ươn ướt. Bữa đó trong đội sản xuất có mấy con trâu bò bị thải loại. Bà Cần cũng có một con trâu già phải giao cho cửa hàng thực phẩm. Nét mặt của bà tái mét đi khi nghe ông đội trưởng tuyên bố thải loại con trâu nhà bà để giết mổ làm thực phẩm. Gần như tuổi già của bà gắn bó với con trâu ấy. Bà sống có một mình. Các con bà đều ở riêng hoặc đi lấy chồng xa. Sớm tối bà chỉ có mỗi con trâu làm bạn. Bà chăm sóc nó rất cẩn thận. Tôi thường gặp bà suốt ngày lê la cắt từng nắm cỏ non ngoài đồng đem về cho trâu ăn. Con trâu của bà khi còn trẻ nó rất khoẻ, kéo cày ở những “chân ruộng” sâu, đất nặng cứ băng băng. Bây giờ nó già yếu rồi nhưng bà vẫn muốn nuôi nó. Vì bà đã coi nó là người thân. Bà cũng đã già yếu lắm rồi. Con trâu này mà đem thịt hợp tác xã cũng sẽ không giao con trâu khác cho bà nuôi nữa. Bà Cần cứ giữ chặt sợi dây thừng xỏ mũi trâu trong tay. Rồi bà lập cập xoa xoa đầu con trâu già. Con trâu già cúi gằm đầu xuống. Nó cọ cọ má vào đôi chân đen đủi khô nẻ của bà. Hình như cả bà và con trâu đều khóc...
          Lan man với bao chuyện cũ, viết lại chuyện đưa trâu đi bình ngày xưa, tôi nhớ biết bao cái thuở trên lưng trâu đầy mơ mộng, càng không quên những người nông dân chất phác, bình dị quê tôi ngày ấy.
           4- Năm hào, bát gạo
           Ngày chiến tranh phải dựa vào cơ chế bao cấp để huy động tiềm lực kinh tế cho cuộc chiến. Nông dân làm ăn tập thể năng xuất lao động không cao nhưng vẫn phải giành phần lớn sản phẩm thu hoạch được trong trồng trọt, chăn nuôi để đóng góp nuôi bộ đội, chi viện cho tiền tuyến lớn đánh giặc cứu nước. Vì thế mà gần như quanh năm người nông dân thiếu đói. Vùng quê nghèo khổ như quê tôi lại càng thiếu đói. Lúc nào người dân quê tôi cũng chỉ mong được ăn no chứ chả ai dám mong được ăn ngon. Cả năm rau dưa qua bữa. Chỉ cần sao cho có đủ tinh bột như gạo, ngô, khoai sắn thôi. Nhưng cũng chả bao giờ đủ ăn. Cứ đến giáp hạt tháng tám, ngày ba ai cũng sợ hãi vì đói. Những khi Tết đến thì mới có chút thịt và mỡ. Nhà nhà vợ chồng con cái rán xào vài ngày tết sau đó lại ăn chay cho đến tết sang năm. Nói thế cũng chưa hẳn là hoàn toàn chính xác vì trong năm cũng có vài khi hợp tác xã chia cho dăm lạng thịt, cân cá mè những dịp ngày lễ hay khi tiến hành đại hội xã viên. Nhà nào khá giả nuôi được con gà, con vịt thì cũng có thể giết thịt để ăn những khi có giỗ, chạp.
          Mỗi khi đại hội xã viên hay hội họp đoàn thể thường có liên hoan. Người thay mặt gia đình đi họp đại hội xã viên thường được thông báo mang theo "năm hào, bát gạo" để nộp cho ban tổ chức, góp lại làm một bữa liên hoan. Với 5 hào, 1 bát gạo đóng góp, hợp tác xã chi thêm cho một tý là có thể thịt một con lợn làm một bữa ăn tươi cho đại biểu dự đại hội xã viên. Cạnh nhà tôi có một gia đình ông hàng xóm quanh năm ăn độn. Nồi cơm thì chỉ thấy loáng thoáng vài hạt cơm còn toàn sắn là sắn.
           Khi được thông báo đem "năm hào, bát gạo" đi họp là cả nhà lo lắm. Vì một người đi họp được bát cơm ngon không độn, vài miếng thịt mỡ thì cả nhà sẽ phải một bữa ăn toàn sắn thay cơm để cho ông bố hoặc bà mẹ đem năm hào, bát gạo đi liên hoan. Một lần đến bữa ăn liên hoan, mâm cơm có đĩa thịt lợn luộc, bà mẹ đi họp chợt nhớ đến đứa con gái nhỏ đang ốm mà không có chút thực phẩm gì ăn ở nhà bèn lén gắp một miếng thịt lợn bỏ nhanh vào túi áo để đem về cho con. Ngày ấy chúng tôi đi cắm trại thiếu nhi hay sau đó lớn lên đi dự đại hội đoàn cũng cứ "năm hào, bát gạo" đem theo nộp để cùng liên hoan với nhau một bữa.
          Bây giờ đến bữa ăn toàn thịt, có khi mâm cỗ tiệt nhiên không thấy một ngọn rau tôi lại nhớ đến thời chiến tranh và bao cấp gian khổ ấy. Câu chuyện "năm hào, bát gạo" này có lẽ chỉ có những ai từng một thời sống ở nông thôn, lao động tập thể trong hợp tác xã nông nghiệp mới biết nó là như thế nào!  
          5- Cây sắn quê tôi
          Quê tôi ngày ấy sao mà nghèo đến thế. Quanh năm đói kém. Ngày nào cũng đi làm ngoài đồng mà vẫn không đủ ăn. Lúa gặt về ngồn ngộn sân kho nhưng sau khi phơi khô, quạt sạch phần lớn gánh ra kho thóc của nhà nước để giao nộp. Nào là thuế nông nghiệp, là thóc nghĩa vụ nộp vào kho nhà nước để xay xát thành gạo cung cấp cho cán bộ cơ quan, lực lượng vũ trang. Phần còn lại ít ỏi thì hợp tác xã cân đối giữa các đội sản xuất. Đội sản xuất căn cứ công điểm của từng hộ gia đình để xác định định mức giá trị một ngày công, trên cơ sở đó chia thóc cho xã viên. Thường là mỗi một công được khoảng bảy tám lạng thóc. Năm nào được một cân là khá lắm rồi. Một vụ mỗi gia đình hai lao động chính, hai lao động phụ được khoảng 400 công. Trừ công dân công, công xã hội còn lại khoảng 350 công, nhân với 7 lạng thóc thì được hơn hai tạ thóc. Hơn hai tạ thóc cho bốn năm miệng ăn trong sáu tháng trời làm sao đủ được. Vì thế quê tôi ngày ấy đói quanh năm là thế.
           Đói thì phải đào đất, lật cỏ mà kiếm cái gì ăn được. Quê tôi là vùng trung du, có nhiều đồi đất thấp. Ngoài thời gian lao động theo sự phân công của đội sản xuất nhiều nhà tranh thủ phạt cây cỏ vỡ hoang lấy một khoảnh đất làm nương trồng sắn. Mỗi nhà trồng độ vài ba trăm gốc sắn. Nhờ chăm sóc phân bón cẩn thận nên nhà nào cũng có thu hoạch. Sắn tươi luộc ăn. Sắn độn cơm, một hạt cơm cõng hai miếng sắn. Sắn nấu nhừ làm canh. Sắn thái lát, phơi khô để lúc giáp hạt tháng tám, ngày ba giã lọc lấy bột làm bánh ăn thay cơm. Tôi nhớ ngày ấy bố tôi thường nhào bột sắn làm bánh. Bột được nắm lại to bằng quả trứng  ngỗng. Quá trình nặn bánh thì cho ngón tay chỏ vào giữa làm "nhân". Khi cái bánh được vo tròn thì rút ngón tay ra tạo thành một cái lỗ để khi hấp bánh chóng chín gọi là "bánh hỗng". Bánh sắn ăn trừ bữa ruột gan nóng cồn cào nhưng mà cũng đỡ được cơn đói.
          Song cũng không phải lúc nào người dân quê tôi cũng có sắn tươi, sắn khô để ăn. Tôi nhớ một lần tôi và bố đang dọn dẹp nương sắn chuẩn bị cuốc lên đánh luống để trồng vụ mới thì ông đội trưởng đội sản xuất mò đến bảo:
          - Từ năm nay gia đình ta không được trồng sắn nữa!
          - Tại sao thế!
          Bố tôi ngạc nhiên hỏi lại. Ônng đội trưởng giải thích:
          - Trên có chủ trương công hữu tất cả các tràn nương để hợp tác xã trồng sắn cung cấp cho nhà máy tinh bột...
          - Thế sao không để chúng tôi trồng. Thu hoạch được khá chúng tôi sẽ bán cho nhà máy...
          - Không được cụ ơi! - Ông đội trưởng giải thích: - Chúng ta đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, của cải, tài sản đều phải công hữu, thóc lúa, khoai sắn làm ra sau khi nộp thuế, làm nghĩa vụ với nhà nước còn lại thì sẽ chia đều cho bà con. Nếu nhà nào cũng có cái nương trồng sắn riêng tức là đã làm ăn tư hữu, là đang tiến lên tư bản chủ nghĩa đấy cụ ạ!
          Ông bố tôi là người thật thà. Nghe thấy mình đang tiến lên tư bản chủ nghĩa thì hoảng. Bởi như thế là trái lại với chủ trương, đường lối đã được thường xuyên nghe phổ biến, quán triệt. Ông bảo tôi thôi dọn dẹp cái nương để cho hợp tác xã lấy làm tài sản chung. Sau khi nghe ông đội trưởng sản xuất thông báo, chả nhà nào còn dám tự đốt nương trồng sắn nữa. Tất cả các nương sắn họ đã mất công khai hoang, cải tạo đất, chăm bón đều giao cho hợp tác xã. Vẫn nương ấy, đất ấy từng nhà trồng thì sắn tốt bời bời, cây to, củ nhiều, hợp tác xã trồng thì cây chỉ to bằng cái đũa, lúc thu hoạch nhổ lên được một hai củ sắn ngắn tũn, bé tí, đem bán nhà máy không nhận đưa về chia cho bà con đến vụ trừ vào thóc. Năm cân sắn tính bằng một cân thóc. Câu nói "quy ra thóc" là có từ thời bao cấp, chính là chuyện sắn, ngô, khoai khi hợp tác xã chia cho xã viên đều được "quy ra thóc" như vậy...
          Bây giờ nhớ lại chuyện ngày xưa thấy buồn cho một thời ấu trĩ. Nhiều người là xã viên hợp tác xã từng lo trồng mấy gốc sắn sẽ "tiến lên tư bản chủ nghĩa" như bố tôi, như ông đội trưởng đội sản xuất nay đều không còn nữa nên các cụ không biết bây giờ tiến lên tư bản chủ nghĩa không bao giờ phải đi qua những cái nương sắn ấy đâu. Riêng tôi mỗi tối phóng xe trên đường phố Hà Nội gặp một cái xe đẩy bán sắn luộc thơm phưng phức là lại bùi ngùi nhớ về cây sắn quê mình một thời nghèo khó.
                                         Hà Nội, tháng 7/2013                                                     
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét