Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 24)

 

                    

           NGŨ QUỶ
            Truyện dài của Trọng Bảo

            Lão Vận hôm nay có khách.
            Nhà lão đã lâu lắm rồi chẳng có khách nào khác ngoài ba đứa là thằng Thưởng, thằng Phương, cái Liên thỉnh thoảng ghé qua và đám trẻ con chăn trâu ngoài bãi hay vào xin nước uống. Khách của lão Vận cũng chả phải là người lạ, chính là ông Nghĩa, người cùng làng Vực. Ông Nghĩa với lão Vận là bạn vong niên. Lúc trai trẻ họ không thân với nhau lắm, khi về già cũng vậy. Hôm nay, ông Nghĩa lên Đền Vực thắp hương. Lúc ra về lẽ ra rẽ ngoặt vào trong làng thì ông Nghĩa lại đi ra phía bờ sông. Lão Vận đang ôm cái bao tải “chiến lợi phẩm” từ chợ về thì nhận ra ông Nghĩa liền mời vào nhà mình chơi. Cũng đã lâu lắm không gặp nhau nhưng ông Nghĩa vẫn nhận ra lão Vận. Ông theo lão Vận về nhà. Từ ngày người con trai cả là thằng Hiệp hy sinh ở miền Nam ông Nghĩa đâm ra lẩn thẩn. Thời gian gần đây nhiều lúc ông đi mà không nhớ đường về. Song cứ nghe trong vùng có ai là bộ đội xuất ngũ, phục viên từng chiến đấu ở miền Nam là ông lại hỏi đường tìm đến bằng được. Ông đến để hỏi xem họ có biết nơi chôn cất con mình không. Hàng ngày, trừ khi ốm mệt, ông đều lên Đền Vực làm lễ, thắp hương cầu khấn thần phật phù hộ, chỉ đường mách lối để ông tìm thấy mộ của con. Điều mong muốn cuối đời của ông là làm sao đưa được xương cốt của đứa con trở về với quê hương, bản quán trước khi nhắm mắt, xuôi tay.
           Lão Vận cùng ông Nghĩa ngồi trên chiếc chõng tre. Lão Vận bày cái đĩa với nắm lạc rang mua ở chợ. Chai rượu chỉ còn độ non hai chén. Hai người nhấm nháp một chút rồi cùng nhau nhắc lại những chuyện xa xưa xa lắc xa lơ còn đọng lại trong ký ức. Có lẽ kỷ niệm chung đáng nhớ nhất của hai người là câu chuyện xảy ra vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi ấy, lão Vận chỉ là một người chuyên chài lưới, đánh cá trên sông Đáy con, còn ông Nghĩa thì là đội viên đội du kích xã Đồng Nhân. Hai người chỉ giống nhau ở một điểm chung là đều rất nghèo khổ, đều quanh năm đi làm thuê, cuốc mướn cho địa chủ. 
           Một buổi tối nhá nhem nhọ mặt người, lão Vận được một anh du kích mời đi họp với thượng cấp từ trên cử về. Lão vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng vội vã theo người du kích dẫn đường đi ngay.
           Lão Vận được đưa đến một căn nhà nhỏ gần chân núi Mồ-nơi bây giờ là xóm Mới. Đây cũng là sở chỉ huy của đội du kích xã Đồng Nhân. Trong nhà đã có mấy người đang ngồi quanh một ngọn đèn dầu cháy leo lét bằng hạt đỗ. Ánh sáng chập chờn của ngọn đèn không đủ soi rõ mặt người, chỉ có những cái bóng của họ là in rõ trên vách thành những hình thù méo mó, kỳ dị. Lão vừa bước vào cửa thì anh du kích dẫn đường chỉ vào một cái ghế bảo:
           - Mời ông ngồi xuống đây!
           Lão ngồi xuống một cái ghế đẩu còn trống đối diện với mấy người đến trước. Định thần một lúc rồi quen với ánh đèn lờ mờ trong nhà, lão Vận nhận ra ngồi cạnh lão là ông Nghĩa cùng làng và hai người đàn bà khác xóm. Đối diện với lão là hai người đàn ông. Khuôn mặt của họ mờ nhòe trong bóng tối nhưng có những nét quen quen.
           Lại là tiếng anh du kích dẫn đường lúc nãy đang bồng súng đứng ở phía sau:
           - Bây giờ chúng ta bắt đầu vào việc! Kính mời anh Bồi phát biểu!
           Nghe anh đội trưởng nói vậy, lão Vận giật mình. Lão căng mắt ra nhìn. Lão nhận ra đang ngồi trước mặt lão chính là Hà Văn Bồi và đội trưởng du kích Hoàng Thạo. Hà Văn Bồi là người ở bên kia sông. Anh này là cán bộ hoạt động trong lòng địch bị lộ nên chạy ra vùng tự do. Anh ta được trên biệt phái về chỉ đạo đơn vị du kích làng Vực. Trong một trận càn bọn địch lên vùng tự do, không chịu nổi sự ác liệt anh ta đã rời làng Vực lùi về phía sau. Sau đó nghe nói anh ta được điều lên chiến khu nhận công tác khác. Tại sao bây giờ anh ta lại về đây nhỉ?
           Hình như chợt nhận ra là chưa nói đầy đủ rõ ràng, anh du kích dẫn đường lại nói thêm:
           - À quên! Tôi chưa nói rõ! Xin giới thiệu với mọi người, anh Bồi được cấp trên biệt phái về xã ta để làm công tác phát động quần chúng. Anh Bồi bây giờ là đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Hôm nay, anh Bồi sẽ gặp gỡ để “bồi dưỡng” các nhân cốt, phát động quần chúng, chuẩn bị cho đợt đấu tranh với bọn địa chủ bót lột sắp tới. Ông Vận, ông Nghĩa, cô Tẻo, bà Mùa đều là những bần cố nông, ba bốn đời nghèo khổ, chuyên đi làm thuê, làm mướn nên chính là tầng lớp cốt cán, tuyệt đối tin cậy đấy.

           Thì ra là vậy. Cải cách ruộng đất là làm gì! Lão Vận thấy trong lòng đầy băn khoăn, thắc mắc. Lão suy đoán chắc là họ sẽ mua hoặc tịch thu ruộng của địa chủ, phú hào chia cho những bọn bần cố nông không tấc đất cắm dùi như lão. Thế thì tốt quá, hay quá, sướng quá. Nghĩ vậy nên mặc dù thấy khó chịu khi phải ngồi nghe cái tay cán bộ biệt phái hèn nhát nói nhưng lão vẫn cố nén nhịn.
           Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi đưa mắt nhìn các “cốt cán” bần cố nông rồi hỏi:
           - Bà Mùa mấy đời đi ở cho địa chủ rồi nhỉ?
           - Thưa… nhà tôi hai, à phải đến ba đời đi ở rồi ạ!
           - Thế thì tốt! Vậy còn cô Tẻo?
           - Nhà cháu cũng đã ba đời đi ở cho địa chủ rồi đấy ạ! Cháu… cháu... khổ lắm… hu... hu… hu…
           - Không được khóc… lúc này chưa được khóc… phải nén lòng mình lại, biến căm thù thành ý chí, quyết tâm để đấu tố, phát hiện, vạch mặt, chỉ tên bọn địa chủ ác bá bóc lột tận xương tủy bần cố nông hiểu không?
            Ông đội Hà Văn Bồi nghiêm khắc nhắc nhở. Cô Tẻo sụt sịt:
           - Vâng cháu hiểu…
           - Thế còn ông Vận! Ông đã bị bọn địa chủ bóc lột thế nào?
           Lão Vận nhớ ngay đến những ngày đi cày thuê, cuốc mướn cho cụ Chánh Kiền bới trộm khoai lang bị đánh thừa sống, thiếu chết. Nhưng lão tỏ vẻ băn khoăn đáp:
           - Tôi đi ở cho cụ Chánh Kiền thật, nhưng tôi có thấy ông ấy đâu có "bóc lột" gì tôi. Ông ấy cho tôi ăn, có gì ăn nấy. Làm xong việc thì ông ấy trả công cho tôi. Chuyện tôi bị đánh là do đã đào trộm khoai lang ruộng nhà ông ấy. Mà người đánh tôi là tuần phiên đấy chứ...
          Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi cắt lời lão Vận vẻ khó chịu:
          - Thế ông ấy có trả công xứng đáng cho ông không?
          - Có ạ! Ông ấy trả công cho tôi đầy đủ như mọi người khác đến làm thuê...
          Đội trưởng Hà Văn Bồi phải giải thích một thôi một hồi về việc lão đã bị bóc lột "giá trị thặng dư", bị đè nén như thế nào. Lão Vận cố căng tai ra nghe mà không hiểu. Đội trưởng Hà Văn Bồi nghiêm khắc nhắc nhở lão về vai trò tiền phong, về trách nhiệm của tầng lớp bần cố nông trong cuộc cải cách ruộng đất và trong sự nghiệp cách mạng. Lão Vận ngồi im thin thít lắng nghe. Đến lượt ông Nghĩa. Ông Nghĩa thì được đội trưởng Hà Văn Bồi lưu ý thêm là một đội viên du kích và về việc đang là đối tượng thử thách để kết nạp vào tổ chức lãnh đạo tiền phong.
          Suốt buổi, lão Vận thấy hoang mang quá. Kết thúc buổi gặp gỡ, bồi dưỡng hạt nhân lão Vận, ông Nghĩa và mọi người ra về. Lão Vận và ông Nghĩa cùng nhau băng qua một sườn đồi về làng. Đi được một đoạn, ông Nghĩa nói nhỏ với lão Vận:
          - Tôi đéo tham gia vào cái trò đấu tố, đấu tiếc này đâu! Nó bất nhân lắm ông ạ...
           Nói đoạn, ông Nghĩa khoác súng lẩn vào một lùm cây lúp súp đi theo hướng tắt ra phía bờ sông làng Vực. Lão Vận lò dò đi theo một hướng khác. Đang đi chợt lão thấy mót dạ. Lão chui vội vào một bụi cây ven đường. Vừa tụt quần ngồi xuống thì lão nghe có tiếng chân người. Vạch lá nhìn ra, dưới ánh trăng cuối tháng mờ ảo nhưng lão vẫn nhận ra anh Thạo, đội trưởng đội du kích xã Đồng Nhân và đội trưởng đội cải cách ruộng đất Hà Văn Bồi đang đi đến.
          Hai người dừng lại đứng đái ngay cạnh lùm cây lão Vận đang ngồi ở trong. Vừa đái, họ vừa tranh thủ trao đổi công tác. Lão Vận nín thở. Đội trưởng Hà Văn Bồi nói:
          - Gay go thật! Nếu như thế này thì làng Vực không đủ số địa chủ theo tỷ lệ quy định ông ạ!
          - Thì làng Vực bé tý, ruộng đất ít, có một Chánh Kiền địa chủ là được rồi!
          - Được là được thế nào! Theo quy định thì làng Vực phải có hai địa chủ mới tạm ổn!
          - Vậy lấy đâu ra một địa chủ nữa bây giờ?
          - Thế… ông Tam không được à! Ông này cũng có đến sáu mẫu ruộng, gần chục con trâu bò. Địa chủ quá đi chứ!
          - Ông Tam chỉ đáng là thành phần trung nông thôi! Với lại ông Tam có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Ông ấy thường xuyên tiếp tế gạo muối cho đội du kích của xã ta, ông ấy còn có một người con đi bộ đội chủ lực... - Anh đội trưởng đội du kích cố nói thêm.
          - Trung nông là thế nào! Ông ấy cũng thuê mướn người làm công đấy! Các cậu mắc phải cái tính nể nang, rất hay xoá nhòa ranh giới địch-ta… Thôi cứ quyết định như thế nhé! Ta sẽ phát động bà con đấu tố hai tên địa chủ làng Vực là Đào Quang Kiền và Vũ Đình Tam. Tôi đã báo cáo việc này với tổ chức rồi. Trên cũng đã đồng ý cho ta "phát hiện" thêm một địa chủ nữa cho đủ tỷ lệ quy định chung…
          Nghe lỏm được câu chuyện của hai người cán bộ đội cải cách khiến lão Vận thấy lạnh sống lưng, sởn cả gai ốc. Hai anh cán bộ đi xa lão Vận mới chập choạng đứng dậy. Suýt nữa thì lão quên cả kéo cái quần lên.
          Hôm tổ chức đấu tố bọn địa chủ dân làng Vực và các làng kéo nhau ra chật cả bãi sông. Chánh Kiền bị trói quặt cánh khỉ vào cột tre tươi đóng trên bãi sông. Ông Tam là “địa chủ nhỏ” nên không bị trói. Đám đông người trong làng, trong xã xúm xít vây xung quanh ra sức kêu gào, rỉa rói kể tội bọn địa chủ bóc lột, làm tay sai cho đế quốc thực dân, quốc dân đảng...
          Bà Mùa nhảy dựng lên chỉ tay tận mặt Chánh Kiền và "địa chủ” Tam tố cáo họ bóc lột, cưỡng bức, cướp của. Rồi vừa khóc, bà Mùa vừa gào to thống thiết:
          - Chúng nó bóc lột tôi đến tận xương tuỷ. Chúng nó bắt tôi làm suốt ngày, suốt đêm. Nó cho tôi ăn cơm độn sắn, trộn cả tro trấu vào… Hu… hu… hu… nó… nó… còn hiếp tôi. Ngày nào nó cũng hiếp tôi ở trong bếp, ở đống rơm ngoài vườn, ở ngoài cầu ao, ngoài ruộng… chúng nó hiếp tôi mọi lúc, mọi nơi… Nó… nó…
          Bà Mùa vô cùng xúc động khi kể tội bọn địa chủ. Khí thế bừng bừng, bà còn định tốc cả váy lên để chứng minh đúng là mình đã bị hiếp như thế nào. Trước tình hình ấy, đội trưởng Bồi vội khoát tay ra hiệu. Mấy du kích lập tức xông lên kéo bà Mùa trở về vị trí ngồi của bộ phận quần chúng cốt cán gương mẫu. Đến lượt cô Tẻo lên phát biểu. Cô Tẻo còn trẻ nên chỉ nhận bị bọn địa chủ hiếp có hai lần. Cô cũng khóc nức lên đòi phải xử tử hết bọn “giai cấp địa chủ phong kiến” thống trị chuyên áp bức bóc lột bần cố nông. Đến lượt lão Vận được mời lên bục. Lão nói giọng run run, vẻ bức xúc, phẫn uất. Nhưng lão lại không kể tội, đấu tố địa chủ như đã được ông đội "bồi dưỡng" hôm trước. Mà ông nói về việc ông Tam hay giúp đỡ người nghèo đói. Chuyện ông Tam đã cứu chữa cho một đứa trẻ mồ côi, mẹ chết do máy bay giặc Pháp ném bom hồi năm 1950. Lão Vận cũng xin được nói thêm về việc bà Mùa tố cáo địa chủ Tam cướp cái vại muối dưa của bà ấy như thế nào:
          - Chiều ba mươi tết... - Giọng lão Vận càng bức xúc: - Bà ấy đem cái vại muối dưa đến khóc lóc, nói nhà không có nổi một đấu gạo nếp gói bánh cho con. Ông Tam xúc cho bà ấy hai đấu gạo nếp, lại cho thêm nửa cân thịt lợn. Ông Tam không lấy nhưng bà ấy cứ để cái vại ở sân rồi đem gạo, thịt ra về. Hôm ấy, tôi cũng đang làm thuê cho nhà ông Tam nên tôi biết. Thế mà bây giờ bà ấy lại xưng xưng nói ông Tam cướp cái vại muối dưa của nhà bà ấy, rồi còn tố cáo ông ấy hiếp bà ấy khắp nơi... Thật đúng là chuyện ăn không nói có, gắp lửa bỏ tay người, lấy oán báo ân...
          Cả đám người đang trong cơn say đấu tố, vạch tội địa chủ sôi sùng sục lên khi nghe lão nói như­ vậy. Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi bật dậy thét to như lệnh vỡ:
          - Quân phản động! Đồ... đồ... ôm đít bọn địa chủ phong kiến bóc lột...
          Những tiếng hô vang lên ầm ầm: “Đả đảo… đả đảo địa chủ Đào Quang Kiền, đả đảo... địa chủ Vũ Đình Tam... đả đảo... đả đảo...”. Đội trưỏng Hà Văn Bồi phất tay ra lệnh cho các du kích xông lên lôi cổ lão Vận xuống. Lão Vận bị táng một báng súng vào vai ngã lă­n ra đất. Mồm lão ngoạm đầy cát bụi. Lão lồm cồm bò dậy. Trước khi bị du kích lôi đi lão Vận còn cố ngoái lại nhìn Chánh Kiền và ông Tam. Lão thấy ông Tam đang khóc, nước ông mắt chảy dài trên gò má nhem nhuốc.
          Người ta xử bắn địa chủ Kiền ngoài bãi sông Đáy. Riêng ông Tam, thì bị giam chờ tiếp tục đấu tố thêm vì ông kiên quyết không chịu nhận mình là địa chủ. Sau này sửa sai ông Tam còn được công nhận là người có công với kháng chiến vì đã đóng góp tiền của, lương thực cho bộ đội, du kích. Còn ông Nghĩa lần ấy vác súng trốn ra ẩn trong bụi gai ngoài bãi sông không chịu tham gia đấu tố bọn địa chủ thì bị khai trừ khỏi đội du kích, bị quy tội đi theo quốc dân đảng phản động và cũng mãi sau này ông mới được phục hồi danh dự.
          Hai người bạn vong niên ngồi ôn lại những chuyện từ thời xưa cũ. Họ đều bùi ngùi khi nhắc lại việc ông đội trưởng đội cải cách ruộng đất Hà Văn Bồi sau này là cán bộ phòng nông nghiệp huyện một lần đạp xe đi chỉ đạo đắp đê gặp cơn giông bất ngờ bị sét đánh cháy đen nằm chết bên bờ sông Đáy con. Nơi ông Bồi bị sét đánh cũng chính là nơi ông đã chỉ huy đội du kích xử bắn địa chủ Đào Quang Kiền hơn chục năm về trước...
          (còn nữa                                                             Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét