Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 20)

 

         
         
       NGŨ QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo    

          Về đến gần chợ Niễu thì anh Phương gặp lão Vận. Lão đang ôm mấy tấm bìa hộp các-tông từ trong chợ đi ra. Trông lão hồi này có vẻ gầy yếu hơn trước. Tuy thế đôi mắt của lão vẫn còn có vẻ tinh nhanh. Lão nhận ngay ra anh Phương đang chúi đầu đi phía bên kia đường. Lão liền dùng lại hỏi:
          - Mày đi đâu về đấy. Đã khỏi hẳn chưa?
          - Con có ốm đau bệnh tật gì đâu mà khỏi! Cái vết thương trên đầu nó giở chứng nên con mới bị như thế. Nó im thì con lại bình thường thôi ông ạ!
          Lão Vận ái ngại nhìn anh Phương:
          - Hôm trước tao ra chợ muộn, nghe chuyện mày lên cơn tâm thần hò hét, bò lê lăn lộn ở chợ tao lo quá!
          Anh Phương nói để lão yên tâm:
          - Con sẽ không bao giờ bị thế nữa đâu ông ạ!
          - Ừ… - Lão Vận gật gật đầu. Nét mặt nhăn nhúm của lão hơi rãn ra. Lão hỏi lại:
          - Thế mày vừa đi đâu về thế! Lúc nãy thằng Đầu bò gặp tao nó cứ hỏi mày mãi. Nó đang tìm tìm mày đấy. Hình như là có ai thuê mướn việc gì đó, nó gọi mày cùng làm.
          - Thế ạ! Để con đi tìm nó xem sao! - Anh Phương định đi thì chợt nhớ ra liền nói thêm: - Ông ạ! Con vừa vào xóm Mới, tìm đến nhà cái chị bán rau hôm nọ xin lỗi vì việc chém nát gánh rau.
          - Ừ, phải thế con ạ! - Lão Vận gật đầu: - Con bé bán rau ấy thì tao biết! Thỉnh thoảng nó vẫn cho tao mớ rau ngót về nấu canh. Hoàn cảnh gia đình nó khổ lắm đấy…
          - Vâng…
          Anh Phương đáp và chào lão rồi tất tả đi luôn. Lão Vận dặn với theo:
          - Tối nay vào nhà tao ăn cơm nhá. Đừng có ăn mỳ tôm mãi mà xót ruột lắm con ạ.   
          Không biết anh Phương có nghe được tiếng lão Vận dặn không. Anh lùi lũi đi vào khu phố mới phía sau chợ nơi có nhiều ngôi nhà rãn dân đang xây dựng. Lão Vận bước vào chợ. Lão chợt nghĩ ra một chuyện. Lão thần người ra: “Phải rồi! Thằng Phương với con bé bán rau ấy mà thành vợ, thành chồng có khi lại tốt đấy!” - Lão Vận tính toán, việc này phải bàn thêm với thằng Thưởng và cái Liên mới được. Lão cảm thấy vui vui với suy nghĩ của mình. Lão Vận thương thằng Phương như là con đẻ của mình. Lão sống cô đơn không có con. Thực ra, lão Vận cũng có một gia đình, có vợ và một thằng con trai khôi ngô. Nhưng đó là chuyện đã lâu lắm rồi. Nhìn thằng Phương và nhớ đến người bạn vong niên thuở xa xưa cùng khổ lão lại thấy bùi ngùi. Vậy là năm tháng trôi nhanh, những kiếp người mong manh theo thời gian cứ hao mòn, lụi tàn dần và biến mất. Rồi theo dòng thời gian nghiệt ngã ấy, một lớp người khác lại sinh ra. Những thế hệ khác nhau thật khó dung hòa, đồng cảm. Lão bây giờ lão không còn ai là bạn ngoài con chó Cún trung thành. Lão Vận tập tễnh ngoài chợ làm thuê, quét dọn chợ cả ngày, tối về thui thủi một mình trong túp lều nhỏ. Chả ai buồn chuyện trò với lão ngoài ba đứa ở nhóm ngũ quỷ và thằng Đầu bò. Bọn chúng thỉnh thoảng còn ngồi uống với lão một chén rượu suông, hỏi han vài câu rồi lại lăn xả vào cuộc mưu sinh xô bồ, náo nhiệt của cái thời mà chúng vẫn bảo là “thời kinh tế thị trường”, đồng tiền là thống soái. Tiền thì lão chưa thấy ở đâu, chỉ thấy xã hội ngày càng nhiễu nhương bất ổn, tình làng xóm mỗi ngày mỗi phai nhạt hơn đi.
         Thực ra thì lão Vận cũng đã được thấy và được cầm một số tiền rất lớn đến năm mươi triệu đồng. Số tiền ấy cả đời lão có mơ cũng chả dám mơ đến. Trong túi lão lúc nào rủng rỉnh lắm là khi bán các loại "chiến lợi phẩm" có được hai trăm ngàn đồng đã ghê gớm lắm rồi. Ấy vậy mà hôm đó lão đã cầm trong tay những năm mươi triệu đồng.

          Hôm ấy, khi đã sắp tối, chiếc xe vận tải chở hàng tạp phẩm từ thị xã mới về đến cổng chợ Niễu. Bà chủ hàng to béo bước xuống xe chỉ bảo hai thằng thanh niên dỡ hàng xuất bán cho những người bán lẻ ở chợ và quanh vùng đến nhận. Bà ta ngồi chễm chệ trên một cái ghế nhựa đến tiền. Bà ta đếm thành từng kẹp một triệu đồng cho dễ kiểm. Đôi bàn tay mập mạp đeo đầy nhẫn vàng của bà ta cầm một tập tiền lớn. Lão Vận cầm cái bao tải đứng ở gần cái xe chở hàng. Lão chờ khi họ xuất hàng xong đi rồi thì nhặt nhạnh những mảnh giấy gói, hộp các-tông, bao ni lông họ bỏ lại. Lần nào cũng vậy, trước khi leo lên xe bà chủ hàng cũng vẫy lão Vận đến và bảo:
          - Cho lão mấy cái hộp giấy! Lão nhớ dọn sạch chỗ xe vừa đổ hàng kẻo ban quản lý chợ họ nhắc nhở nhé!
           Lão Vận gật gật đầu.
           Hôm nay cũng thế, vừa trông thấy lão Vận, bà ta có vẻ hào phóng:
           - Trong cái hộp kia còn mấy con cá khô vụn, cho lão cả đấy!
            Nói xong, bà ta chui tọt vào ca-bin. Hai thằng bốc vác nhảy lên thùng xe. Chiếc xe ô tô rú máy phóng đi. Lão Vận bắt đầu thu dọn chỗ chiếc xe tải vừa đổ hàng. Trời đã nhá nhem tối. Lão gấp vội mấy tấm bìa để bó lại bê về nhà. Con Cún đến giờ này hẳn là đã đói lắm rồi. Chắc nó đang mong lão về. Lão Vận chợt giật nảy mình khi bàn tay chạm vào một cái gói vuông vuông. Lão cầm giơ lên xem. Lão nhận ra đó chính là gói tiền mà bà chủ xe hàng lúc nãy đã cầm. Tim lão Vận đập thình thịch. Chưa bao giờ lão có số tiền lớn thế này trong tay. "Với số tiền này thì chắc chắn mình sẽ đổi đời"- Lão Vận nghĩ. Lão nhét ngay gói tiền vào bụng, nhớn nhác ngó nhìn xung quanh. Bên kia đường thằng Phương và thằng Đầu bò đang ngồi cạnh gốc cây giở cái bao tải ra. Hai thằng đang chuẩn bị ăn bữa tối. Buổi tối, sau một ngày làm thuê hai thằng bao giờ cũng cùng nhau ngồi chén bánh mỳ hoặc thứ gì ăn được và chia tiền công ở gốc cây bàng già trước khi về nhà.
          Lão Vận bỏ lại đống bìa các-tông rồi thu lu ôm gói tiền trước bụng thập thõm bước đi luôn. Thằng Đầu bò nhác trông thấy lão vội gọi:
          - Lão lại đây ăn một cái bánh mỳ cho đỡ đói!
          Như không nghe thấy thằng Đầu bò gọi, lão Vận cứ chúi đầu bước đi. Anh Phương cũng gọi theo:
          - Ông ơi...
          Lão Vận vẫn không dừng lại. Thằng Đầu bò bảo:
          - Mặc xác lão. Từ hôm lão bị cảm ngã gục ở chợ đến nay tôi thấy lão có vẻ ngơ ngơ, ngác ngác, tai nghễnh ngãng thế nào ấy. 
          Anh Phương ái ngại nhìn theo lão Vận. Lão Vận đi một hồi lâu thì quay lại. Lão lại ngồi xuống tiếp tục thu gom đống phế liệu ở cổng chợ. Xong xuôi, lão khoác cái bao tải lên vai đi về phía bến sông. Lão vừa đi được một đoạn thì có tiếng xe máy gầm rú từ đầu thị trấn phóng về phía chợ. Hai chiếc xe máy phanh "kít" ngay trước mặt lão Vận. Hai thằng thanh niên và người đàn bà buôn chuyến chủ xe hàng tạp phẩm lúc chiều nhảy xuống. Một thằng kêu lên:
          - Đúng là lão già này rồi bà ạ!
          Người đàn bà liền lôi cái bao tải trên vai lão Vận ném xuống đất nghiến răng hỏi:
          - Ông có nhặt được gói tiền của tôi không?
          - Tôi... tôi...
          Lão Vận ấp úng. Một thằng thanh niên liền xông đến bóp cổ lão Vận. Thằng kia đổ tung cái bao tải phế liệu của lão Vận ra mặt đường. Người đàn bà sà xuống bới tìm. Không có gì ngoài giấy vụn, bao ni-lông cũ và mấy cái đầu cá khô. Người đàn bà bật dậy vung bàn tay vả mạnh vào mặt lão Vận và rít lên:
          - Tiền của tôi đâu?
          - Tôi... tôi... đã...
          Thằng thanh niên đang bóp cổ lão liền xiết chặt hai bàn tay hơn. Lão Vận ngạt thở giãy giụa ằng ặc. Máu mồm, máu mũi lão trào ra. Lão ú ớ kêu cứu nhưng không thành lời vì đang bị bóp cổ. Giữa lúc ấy thì có tiếng quát thật to:
          - Chúng mày là bọn nào mà dám hành hung người giữa đường thế này hả!
          Anh Phương và thằng Đầu bò từ đâu đột ngột xông đến. Thằng Đầu bò lao vào túm cổ thằng đang bóp cổ lão Vận đạp nó ngã lăn xuống vệ đường. Thằng còn lại rút phắt con dao ra vung lên. Nhưng anh Phương còn nhanh hơn nó rất nhiều. Chỉ bằng một động tác đảo người anh đã đoạt được con dao trong tay hắn. Người đàn bà lùi lại nhưng vẫn không ngừng kêu lên ầm ĩ về chuyện bị mất tiền. Nghe tiếng ồn ào, người dân các nhà hai bên đường đang khép cửa ăn cơm tối, hoặc ngồi xem thời sự trên ti-vi liền mở cửa chạy túa ra. Có người tay còn bưng bát cơm đang ăn dở. Họ xúm quanh người đàn bà đang kêu khóc mất tiền hỏi han. Nhiều người nhận ra người quen vì họ vẫn thường lấy hàng bán sỉ của bà ta để đem về bán lẻ. Nghe rõ mọi chuyện, mọi người bàn tán ồn ào:
          - Lão này tưởng lành hiền thế mà ghê thật... năm mươi triệu đồng chứ ít ỏi gì đâu!
          - Thì... trông thấy tiền ai chả tham... đúng là chỉ có lão chứ còn ai vào đây nữa!
          - Nếu lão không trả lại thì cứ gô cổ lại...
          - Tham thì thâm...
          Giữa lúc mọi người đang ồn ào thì anh trưởng công an xã và đội dân phòng ập đến yêu cầu tất cả về trụ sở uỷ ban giải quyết. Mọi người hiếu kỳ rồng rắn theo vào trụ sở uỷ ban xã. Anh Phương và thằng Đầu bò luôn đi sát có ý bảo vệ lão Vận trước đám người đang phẫn khích vì bắt được kẻ gian.
          Vào đến trụ sở, anh trưởng công an xã yêu cầu bà chủ hàng, hai thằng thanh niên và lão Vận ngồi vào cái băng ghế trước mặt để làm việc. Con dao của thằng thanh niên mà anh Phương tước được đặt lên bàn để làm vật chứng. Anh trưởng công an cũng cho mọi người vào cả trong phòng làm việc mà không yêu cầu họ ra ngoài. Anh chỉ yêu cầu mọi người im lặng. Đoạn anh lấy từ trong cặp ra một tờ giấy để lập biên bản về vụ gây mất trật tự an ninh, đánh người của bà chủ hàng và hai thằng thanh niên. Anh yêu cầu họ và lão Vận cùng ký vào biên bản. Anh Phương và thằng Đầu bò cũng được mời ký vào biên bản với tư cách là người làm chứng.
          Xong xuôi, anh trưởng công an xã yêu cầu bà chủ hàng buôn chuyến và hai thanh niên cùng đi đứng dậy rồi nghiêm khắc nói:
          - Tôi thay mặt chính quyền xã Đồng Nhân cảnh cáo bà và hai anh về tội vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng và đánh người vô căn cứ. Cùng với việc bị cảnh cáo ba người còn phải nộp phạt vi phạm hành chính theo quy định...
          Bà chủ hàng nhảy dựng lên:
          - Nhưng là tại lão ta nhặt được tiền của tôi không chịu trả!
          Anh trưởng công an xã cho ba người ngồi xuống rồi nghiêm nét mặt:
          - Dù có đúng là như thế thì cũng không được phép đánh người!
          Nghe anh trưởng công an xã nói như vậy trong đám người đang đứng trong phòng ở phía sau có nhiều tiếng ồn ào. Người thì ủng hộ, có người thì tỏ vẻ phản đối. Anh trưởng công an đặt tờ biên bản xuống bàn rồi quay lại cái tủ phía sau lưng mở khoá. Anh lấy ra một cái gói để lên bàn rồi nói:
          - Lão Vận nhặt được gói tiền này đã đem đến nộp ngay cho công an xã. Chúng tôi đã kiểm đếm cẩn thận và lập biên bản. Tổng số là năm mươi triệu tám trăm bốn hai ngàn đồng chẵn. Trong gói còn có cả chứng minh thư nhân dân và sổ ghi chép của bà nữa. Bà đếm lại đi xem có đủ không rồi ký nhận lại tiền rồi công khai xin lỗi lão Vận trước mặt tất cả mọi người...
          Mọi người bấy giờ mới "ồ" cả lên.
          Người đàn bà nhận gói tiền đếm lại rồi ký vào biên bản. Đoạn bà ta đứng dậy hướng về phía lão Vận chắp tay ấp úng nói lời xin lỗi. Mọi người vẫn không ngớt xôn xao bàn tán. Có nhiều người lên tiếng chê bai, lên án bà chủ hàng. Người đàn bà lúng túng kéo hai thằng thanh niên đứng dậy định đi thì anh trưởng công an xã giơ tay ra hiệu cho bà ta ngồi xuống rồi nói tiếp:
          - Bà và hai anh chưa đi được đâu! Các người phải ở đây để chờ chúng tôi đưa lão Vận sang trạm y tế khám đã. Nếu ông ấy bị chấn thương, bị đau do các người đánh, nhẹ thì phải bồi thường chi phí thuốc thang chữa trị, nặng thì còn phải lập hồ sơ xử lý hình sự nữa!
          Người đàn bà và hai thằng thanh niên đi cùng sợ tái mặt. Mấy anh công an viên, dân phòng lập tức áp sát đứng ngay phía sau ba người như thể đề phòng họ chạy trốn. Lão Vận liền nhổm dậy xua xua tay:
          - Tôi... tôi... không... không việc gì đâu... cho họ về đi... - Lão nói vẻ khó khăn, giọng khản đặc. Mấy ngày rồi lão bị ốm mệt, nói không ra hơi và họng còn đau do lúc nãy bị bóp cổ và bị đánh.
          Thằng Đầu bò trợn mắt sừng sộ:
          - Không được! Phải bồi thường sức khỏe cho lão Vận!
          Người đàn bà luống cuống mở cái gói lấy ra hai cặp tiền chìa về phía lão Vận. Anh Phương lập tức gạt tay bà ta lại:
          - Cất ngay những đồng tiền của bà đi!
          Nói đoạn, anh dìu lão Vận đứng dậy đi ra ngoài. Mọi người cũng đi theo. Đám đông ồn ào. Những người lúc nãy tin và bênh vực lão Vận thì đi cùng với lão về phía bến sông. Những người khi nãy hò hét cho rằng lão Vận là người tham lam, là tên ăn cắp thì cúi mặt rạt ra hai bên đường.
          Một cơn gió bất ngờ thổi thốc từ dưới cánh đồng hất lên lạnh rát mặt người.
          
          (còn nữa)                                           Hà Nội, tháng 4-2013
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét