Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 21)

 

                    
          NGŨ QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo
         
          Bất ngờ lão Vận gặp anh Thưởng ở bến sông. Lão đang định đem đống túi ni-lông nhặt được xuống sông để giặt giũ cho sạch đất cát. Gặp anh Thưởng lão Vận sực nhớ tới chuyện thằng Phương và cô gái bán rau. Lão liền bảo anh Thưởng:
          - Về nhà tao để cùng bàn bạc một chuyện hệ trọng nhé!
          - Có chuyện gì thế ông?
           Anh Thưởng có vẻ tò mò, quan tâm. Lão Vận ậm ờ:
          - Chuyện này quan trọng lắm!
          Anh Thưởng theo lão Vận về nhà. Hai người vào đến cổng con chó Cún đang nằm trên hè đã nhỏm dậy. Nó hộc lên một tiếng nhưng lại im ngay và ngoe ngẩy cái đuôi. Con chó đã nhận ra ông chủ và một người quen đang đi vào nhà. Anh Thưởng hỏi thăm sức khỏe lão. Mấy hôm trước lão ốm nhưng anh không sang thăm được vì còn bận về Hà Nội tìm đến chỗ con gái có việc gấp. Lão Vận ậm ừ trả lời qua quýt. Chuyện ốm đau của lão chả quan trọng. Lão muốn bàn với anh một chuyện khác. Đó là chuyện mai mối vợ con cho thằng Phương. Nghe lão nói về người đàn bà bán rau ở chợ Niễu, anh Thưởng thấy ưng ngay. Nhưng anh lại đắn đo bảo lão Vận:
          - Thằng này tính tình rất gàn dở. Trái ý là nó không nghe. Chuyện này ông đừng nói ra vội, để mai cháu sẽ bàn thêm với cô Liên xem sao!
          - Phải đấy! Nó chỉ nghe lời mỗi con Liên thôi. Hai đứa chúng mày bàn bạc, cố vun vén cho nó thành gia thất thì tốt…
          Anh Thưởng gật đầu:
          - Ông cứ yên tâm!
          Nhưng rồi câu chuyện lại bỏ lửng ở đấy. Chồng cô Liên bị tai nạn xe máy rất nặng nằm mê man bất tỉnh tại bệnh viện quân y trên thị xã. Cô Liên phải tức tốc gửi nhà cửa cho người anh họ trông coi để lên bệnh viện chăm sóc chồng. Anh Thưởng thì chả biết gì chuyện mối mai. Anh sợ chuyện không khéo léo tế nhị sẽ xôi hỏng bỏng không. Cuộc sống ở một vùng quê cũng có những thay đổi khác trước. Nông dân chán cảnh làm ruộng thu nhập thấp, lại phải nộp đủ loại khoản thu cho xã nên có người bỏ ruộng hoang lên biên giới làm cửu vạn, thành phố làm thuê, kiếm sống thu nhập khá hơn suốt ngày cầm cày theo đít con trâu. Anh Phương cũng theo bọn thanh niên ra Hà Nội kiếm việc làm. Hóa ra làm thuê, nhặt rác ở thành phố khá hơn hẳn việc cày cấy ở quê. Chuyện làm thuê, kiếm sống đối với anh Phương đã thành bản năng quen thuộc từ thời phiêu bạt sau chiến tranh. Anh đã quen với cảnh ngày ngày đào đất, khuân gạch, dọn nhà, tối tối ra vỉa hè, góc phố ngả lưng rồi. Anh bám trụ ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới mò về nhà. Căn nhà đóng cửa lâu ngày không có người ở sân vườn rêu phủ, cỏ mọc rậm. Cũng vì thế nên câu chuyện lão Vận và anh Thưởng bàn nhau hồi năm ngoái cũng dần dần bị quên lãng. Nhưng rồi kiếp số con người có tiền định, nhân duyên nhiều khi là tại ông trời.

           Một ngày cuối năm, anh Phương trở về quê để chuẩn bị làm giỗ cho mẹ. Lúc xuống xe ở thị trấn, anh tạt qua chợ Niễu mua ít thức ăn và hoa quả. Đang ngơ ngơ ngó quanh xem có thấy lão Vận hay thằng Đầu bò không thì có tiếng trẻ con gọi:
          - Bác… bác bộ đội thương binh ơi!
          Anh Phương không để ý vì anh không còn là bộ đội và cũng chẳng phải là thương binh. Anh đang định đi sang phía sạp hàng tạp hóa thì có ai đó giật giật tay áo. Anh Phương quay lại ngẩn người ra:
          - Cháu… cháu… là…
          - Cháu tên là Thương, con mẹ Thường. Hồi trước bác vào nhà cháu và cho cháu kẹo ấy!
          - À… bác nhớ ra rồi. Thế cháu đi chợ một mình à?
          - Cháu đi với mẹ…
          Lúc này anh Phương mới nhận ra người đàn bà đang đứng cạnh gánh rau gần ngay đấy. Chị Thường gật đầu chào anh. Anh Phương hỏi một câu hơi thừa:
          - Hai mẹ con đi chợ à?
          - Hôm nay ngày phiên chợ lại đúng vào chủ nhật, lớp mẫu giáo nghỉ học nên em phải cho con bé cùng theo đi bán gánh rau! - Chị Thường giải thích rồi hỏi thêm: - Bác đi đâu mà lâu rồi em không gặp...
          - Tôi đi Hà Nội làm thuê, cũng đã mấy tháng rồi hôm nay mới về làng để chuẩn bị làm giỗ cho mẹ…
          - Thảo nào mấy lần đi bán rau em không thấy bác làm… ở chợ!
          Anh Phương lấy từ trong cái túi đang khoác trên vai ra một cái bánh mỳ dài dài đưa cho bé Thương bảo:
          - Cháu ăn đi khỏi đói! Bánh mỳ Hà Nội đấy!
          Con bé lễ phép xin bác. Nó rất thích cái bánh mỳ dài thườn thượt mà có lẽ là lần đầu nó được nhìn thấy. Ở chợ quê chỉ có bán loại bánh mỳ dài độ gang tay xốp tơi bóp lại chỉ được một tý tẹo. Anh Phương chào hai mẹ con rồi tự dưng buột miệng mời:
          - Trưa mai, mời hai mẹ con sang nhà tôi ăn giỗ nhé!
          Chị Thường nhìn theo cái dáng người đi xiêu xiêu của anh Phương đi ra phía cổng chợ. Cái Thương vừa bẻ mẩu bánh mỳ nhai ỏn ẻn vừa bảo mẹ:
          - Bác ấy trông rất khác trước mà con vẫn nhận ra đấy mẹ ạ!
          - Ừ… - Chị Thường bảo con: - Trưa rồi mẹ con mình về thôi!
          - Còn mấy bó rau mẹ không bán nữa ạ!
          - Thôi mang về con ạ!
          Chị Thường mua mấy bìa đậu rồi cùng con gái đi ra phía cổng chợ. Hai mẹ con trở về nhà trên con đường đầy gió giữa cánh đồng.
           Trưa hôm sau, chị Thường dẫn bé Thương sang nhà anh Phương. Chị mua một thẻ nhang và mấy quả cam để thắp hương cho bà mẹ anh Phương. Đám giỗ bà mẹ anh Phương chỉ có mấy người khách. Đó là lão Vận, anh Thưởng, vợ chồng cô Liên và vợ chồng người em gái anh Phương từ miền ngược về. Nhìn thấy hai mẹ con chị Thường bước vào cổng lão Vận và anh Thưởng đều ngạc nhiên. Hai người nhìn nhau không hiểu tại sao. Cô Liên đang ngồi rửa rau vội nhỏm dậy ra đón hai mẹ con chị Thường. Cô Liên nghĩ ngay là lão Vận và anh Thưởng trong thời gian cô đi vắng đã làm được cái chuyện mai mối mà ba người đã bàn. Anh Phương thì hoàn toàn vô tư chả nghĩ gì khác mà chỉ nghĩ rằng là hai mẹ con cô Thường từ xóm Mới đến “ăn giỗ” như hôm qua anh đã mời họ khi gặp ở chợ. Hai mẹ con chị Thường cũng rất tự nhiên vì không biết có chuyện tính toán từ rất lâu của lão Vận, anh Thưởng và cô Liên. Chị sà ngay vào bếp giúp mọi người làm cỗ. Riêng cô em gái của anh Phương thì đoán già đoán non. Thành thử trong bữa giỗ hôm ấy nhiều câu chuyện cứ loanh quanh, thăm dò ý tứ, ướm thử lẫn nhau không rõ ràng. Trong việc này có lẽ chỉ có bà mẹ của anh Phương là hiểu rõ mọi chuyện nhất. Nhưng bà đã ở một thế giới khác rồi, không thể giao tiếp được với mọi người nữa. Có chăng chỉ là một chút biểu hiện tâm linh mơ hồ cố gắng như để mọi người biết là bà vẫn đang quẩn quanh trong nhà, đang theo dõi câu chuyện của mọi người. Đó là giữa lúc mọi người đang lầm rầm khấn vái thì tự dưng chân nhang bị hóa. Ngọn lửa cháy rừng rực trên bát nhang nhảy múa giữa bàn thờ.
           Lão Vận thấy thế bảo mọi người:
           - Bà ấy đang vui mừng đấy!
           Không biết người chết rồi như bà Thuân còn có thể vui mừng được nữa hay không. Nhưng anh Thưởng thì thực sự thấy vui. Anh mong cho cuộc đời của người bạn sau nhưng khúc quanh co, trắc trở, sau những lần cái chết cận kề, những nỗi gian chuân, bất hạnh sẽ có một tương lai, một hạnh phúc tuy muộn mằn nhưng sáng sủa hơn…
             
         (còn nữa                                             Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét