Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 19)

 

                  
  
           NGŨ QUỶ
           Truyện dài của Trọng Bảo

           Anh Phương tỉnh lại ngơ ngác nhìn xung quanh.
           Anh nhận ra hai người bạn thân của mình là anh Thưởng và cô Liên. Buổi sáng sau khi đưa anh đến trạm y tế xã. Ông bác sĩ già vốn là một quân nhân về hưu làm thêm ở trạm quyết định tiêm cho anh một liều thuốc an thần. Ông có vẻ rất âm hiểu về những chứng bệnh do vết thương của người lính trong chiến tranh. Anh Phương chìm trong giấc ngủ. Bây giờ tỉnh lại, anh thấy mình tỉnh táo, đầu óc quang quẻ, không còn một chút âu lo, suy nghĩ vướng vứu gì nữa.
           Chống tay ngồi dậy anh hỏi hai người bạn:
           - Tại sao tôi lại ở đây?
           - Thế mày không nhớ tý gì à? - Anh Thưởng hỏi lại.
           - Không nhớ lắm… tôi chỉ nhớ mang máng là hôm qua lúc đang đi ra thị trấn làm thuê thì thấy đầu óc choáng váng… sau chả biết gì nữa. Hình như là ngủ mê… trong mơ tao gặp toàn những người đồng đội cùng chiến đấu, sống chết cùng nhau ở mặt trận năm xưa. Mà rất lạ là có nhiều thằng chết lâu rồi tôi vẫn gặp. Có thằng vết thương thủng bụng, lòi cả ruột gan ra ngoài mà vẫn nhìn tôi cười nhăn nhở, gọi tôi đi trinh sát đồn địch, đi lấy gạo. Lạ hơn nữa là tôi còn gặp cả thằng Hiệp. Nó dặn tôi là đánh xong trận này về quê kéo nhau ra xoáy Vực tắm cho mát...
          - Mày vừa bị lên cơn chấn động tâm thần, vết thương trên đầu tái phát đấy…
          Anh Thưởng nói. Cô Liên khẽ giật giật tay áo anh Thưởng ý muốn bảo: “Đừng nói thêm nữa kẻo anh ấy suy nghĩ”. Anh Thưởng hiểu ý ngừng lời. Nhưng anh Phương hỏi ngay:
          - Lúc tôi lên cơn có đập phá, đánh ai không?
          - Không…
          Anh Phương không chịu:
          - Anh Thưởng với cô Liên nói thật đi! Tôi có đánh ai, có đập phá, làm hỏng cái gì không?
          - Thực ra thì…
          Liên ấp úng. Anh Phương nhăn mặt:
          - Cô cứ nói thật đi. Nếu đập phá làm hỏng cái gì thì phải đền, nếu đánh người thì phải đến xin lỗi rồi chạy chữa cho người ta…
          Liên đành kể hết mọi chuyện xảy ra lúc sáng ở chợ. Anh Phương nghe xong im lặng một lát rồi hạ giọng nói với hai người bạn:
          - Hồi trước, khi còn lang bạt kiếm ăn ở trong miền Nam, mỗi lần lên cơn chấn động tâm thần do vết thương cũ tái phát, tôi chỉ hát hò ầm ĩ, hoặc hô “một… hai… một… hai…” rồi đi đều, đi nghiêm chán thì gục xuống ngủ luôn. Lúc tỉnh lại lại đi làm thuê. Lần này không hiểu sao tôi lại như thế này. Có lẽ bệnh của tôi bây giờ đã nặng thêm lên mất rồi!
          Anh Thưởng an ủi:
          - Không phải vậy đâu. Có lẽ tại mày làm việc vất vả, ăn uống thất thường nên mới thế. Từ nay cứ an tâm tĩnh dưỡng sẽ dần hồi phục. Mà mày cũng đừng suy nghĩ nhiều nữa. Tao nghe nói trên họ đang xem xét để làm chế độ chính sách cho mày rồi đấy!
          Anh Phương lắc đầu bất cần:
          - Chuyện ấy bây giờ tôi không cần nữa. Giờ thì chỉ còn một mình cái thân tôi, tôi tự lo được cuộc sống của mình. Tôi đéo cần trợ cấp, trợ kiếc, chế độ, chế điếc gì nữa đâu. Những thằng lính chiến trong chiến tranh bom đạn ầm ầm còn chả sợ, chả tiếc thì hòa bình còn sợ, còn tiếc đếch gì nữa...

          Anh Thưởng nhăn mặt. Anh có vẻ hơi bực với cái tính ương bướng, ngang ngạnh của bạn. Anh đang định nói thêm thì Phương lại hỏi:
          - Cái chị phụ nữ có đứa con gái nhỏ bị tôi chém nát gánh rau muống ấy nhà ở đâu nhỉ?
          - Hình như chị ấy nhà trong khu xóm Mới. - Cô Liên đáp.
          - Chị ấy tên là gì?
          - Chị này quê ở dưới xuôi mới lên đây xin đất làm nhà nên em cũng không biết tên là gì. Mà anh hỏi chị ấy làm gì?
          - Thì băm nát cả gánh rau cũng phải có lời xin lỗi người ta một tiếng chứ!
          Anh Phương đáp rồi thừ người ra. Đôi mắt anh nhìn mông lung ra ngoài cánh đồng. Trời đã về chiều, gió bắc càng thổi mạnh. Gió từ ngoài cánh đồng thốc vào khu trạm y tế quét ràn rạt trên mái nhà lợp tôn. Ông bác sĩ quân y đến khám lại cho anh Phương. Ông cho anh Phương thêm vài viên thuốc an thần, căn dặn cách uống trước khi để hai người bạn đưa về nhà.
*
          Anh Phương đi bộ vào khu xóm Mới. Xóm Mới nằm ngay dưới núi Mồ cách xa thị trấn phố chợ. Ngày xưa đây là một khu rừng rậm rạp, có nhiều cây to. Đám học sinh cấp 3 và chi đoàn thanh niên làng Vực vẫn vào đây lấy củi bán gây quỹ.
          Anh Phương hỏi thăm và tìm được đến nhà người đàn bà bán rau muống ở chợ hôm trước. Ở cái xóm Mới có mươi nóc nhà này ai cũng biết chị Thường “rau muống”. Một thằng nhóc chăn trâu ở đầu xóm xăng sái dẫn anh Phương vào cổng một ngôi nhà nhỏ lợp lá cọ nép mình ở ven chân núi. Vừa vào đến ngõ nó đã gào to:
          - Thương ơi! Nhà mày có khách hỏi thăm này!
          Một con bé đang nhảy lò cò trên cái sân nhỏ trước nhà vội chạy ra. Vừa nhìn thấy anh Phương con bé liền lùi lại. Nó nhận ra đó chính là người đã hô "xung phong" và xông vào chợ chém nát gánh rau muống của mẹ con nó hôm trước. Thằng bé chăn trâu bảo:
          - Chú này hỏi thăm nhà mày đấy!
          - Nhưng mẹ em không ở nhà. Mẹ em đang đi hái rau muống ngoài ruộng…
          - Mày chạy ra gọi mẹ về ngay đi!
          - Thế anh Tài phải ở đây coi nhà cho em nhé!
          Thằng bé chăn trâu phì cười:
          - Nhà mày có cái gì đâu mà lo bị trộm?
          Con bé len lén nhìn anh Phương rồi lật đật chạy đi. Chỉ một lát sau hai mẹ con chị Thường đã về. Ruộng rau của chị ngay phía bên kia đồi. Chị Thường hơi sững lại khi nhìn thấy anh Phương dù con bé cũng đã nói trước cho chị biết. Anh Phương ấp úng:
          - Hôm nay tôi đến để xin lỗi cô và cháu! Hôm trước ở chợ tôi… tôi… phát bệnh đột ngột không biết gì nên đã làm cho cô và cháu sợ. Tôi cũng đã chém nát gánh rau của cô, tôi xin được đền… Tôi thật đáng trách quá…
          Chị Thường vội xua tay:
          - Anh đừng nghĩ ngợi chuyện ấy nữa. Gánh rau có đáng giá gì đâu. Với lại tuy gánh rau bị nát nhưng bà cụ bán bánh cuốn vẫn mua hết cho rồi.
          - Dù sao tôi cũng không nên làm thế!
          Chị Thường nhìn anh vẻ thông cảm. Chị định an ủi anh Phương là lúc phát cơn tâm thần thì có biết gì đâu mà… Nhưng sợ anh mếch lòng nên chị lại thôi. Nhà chị ở dưới quê cũng ở gần một trại thương binh nên chị biết về chuyện các anh thương binh bị chấn thương sọ não trong chiến tranh thường hay phát cơn tâm thần, hò hét, phá phách, đánh người. Chị từng chứng kiến chuyện một anh thương binh hay lên cơn tâm thần cầm thanh củi lao ra đường. Gặp ai anh cũng nghĩ là quân địch, cũng bắt phải giơ tay đầu hàng, nếu không sẽ bị đánh. Mọi người trong xóm gần trại điều dưỡng thương binh đều dặn nhau là khi thấy thương binh tâm thần thì lập tức giơ hai tay đầu hàng là an toàn. Anh thương binh tâm thần này lao ra bờ sông, gặp một thương binh cụt tay đang ngồi trên bờ câu cá liền chĩa thanh củi làm súng hô to: “Giơ tay lên! Hàng thì sống, chống cự thì chết!”. Người thương binh cụt một tay vội giơ cánh tay còn lại lên. Anh thương binh tâm thần quát: “A! Thằng này, mày ngoan cố không chịu giơ hai tay đầu hàng hả!”. Quát xong, anh liền đẩy người thương binh cụt tay lộn cổ xuống sông. Những người đuổi theo anh thương binh tâm thần vội nhảy xuống sông cứu người thương binh cụt tay. Nước sông chảy xiết, may mà mọi người cứu được. Anh thương binh tâm thần đó sau đó ít lâu trong một lần phát bệnh ôm một viên gạch làm bộc phá lao ra đường quốc lộ. Các nhân viên nữ ở trạm điều trị đuổi theo không kịp. Anh thương binh tâm thần đã ôm viên gạch lao vào đầu một chiếc ô tô đang chạy nhanh. Có lẽ lúc ấy anh vẫn nghĩ mình là một cảm tử quân sẵn sàng hy sinh ôm khối thuốc nổ xông lên đánh xe tăng quân địch.
          Nhớ lại chuyện anh thương binh tâm thần ở quê, thị Thường hơi ngài ngại. Một thoáng đắn đo chị mới dám mời anh Phương vào trong nhà. Anh Phương hình như cũng hiểu sự lo ngại của mẹ con chị chủ nhà. Anh bảo:
          - Hôm vừa rồi lần đầu tiên tôi mới bị thế. Trước đây tôi chưa bao giờ bị phát bệnh như thế cả!
          Chị Thường an ủi:
          - Anh chịu khó uống thuốc và tĩnh dưỡng chắc không còn như thế nữa đâu!
          - Vâng…
          Lúc này anh Phương mới chợt nhớ ra. Anh chìa cái gói nhỏ đang cầm ở tay về phía con bé:
          - Có gói kẹo cho cháu đây!
          Bé Thương nép vào mẹ không dám nhận. Chị Thường xoa đầu con bảo:
          - Con cám ơn bác đi!
          Con bé khoanh tay ngoan ngoãn cảm ơn anh Phương.
          Anh Phương ngồi nán lại một lúc hỏi thăm hoàn cảnh của hai mẹ con. Hóa ra, người đàn bà mà anh băm nát mất gánh rau cũng có số phận éo le, khốn khổ. Nhà nghèo, chồng đi làm thuê phụ hồ bị sập giàn giáo chết, chỉ có duy nhất một đứa con gái nên các anh em nhà chồng không chia cho cho hai mẹ con phần đất hương hỏa. May có ông cậu đã lên đây khai hoang, lập ấp từ sau hoà bình biết tin đã về quê đón hai mẹ con lên cho một khoảnh đất để làm nhà, trồng rau. Hôm trước khi anh Phương lên cơn tâm thần, hai mẹ con đi chợ rất sớm, khi mặt trời chưa lên. Bé Thương được mẹ cho đi chợ thì thích lắm. Lẽ ra hôm ấy nó phải đến lớp mẫu giáo. Nhưng cô giáo bị ốm nên nó phải nghỉ học. Không dám để con bé ở nhà một mình nên chị đành cho nó cùng ra chợ…
          Anh Phương thấy thương cảm cho hoàn cảnh của hai mẹ con. Anh đưa mắt nhìn con bé. Con bé thật xinh xắn, dễ thương. Nó vẫn nép sau lưng mẹ chăm chú nhìn anh. Mãi lúc anh Phương chào hai mẹ con ra về, bé Thương mới dám đến gần nắm tay anh thỏ thẻ:
          - Cháu chào bác ạ!
          Anh Phương xoa đầu con bé rồi đi ra cổng. Đi được một đoạn anh vẫn còn nghe tiếng con bé nheo nhéo gọi: "Anh Tài ơi vào nhà em ăn kẹo! Bác bộ đội thương binh vừa cho em đấy...".
          (còn nữa)                                                       Hà Nội, tháng 4-2013  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét