Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 22)

 

                 
          NGŨ QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo

          “M ưa trái vụ, lũ trái mùa” là chuyện chẳng hay ho tốt đẹp gì. Đang giữa mùa đông tự dưng có một trận mưa rào ầm ầm đổ xuống. Một tiếng sét nổ vang rung chuyển cả mặt đất. Và cũng chỉ có một tiếng sét mồ côi duy nhất ấy thôi sau đó là mưa. Mưa không to nhưng mặt đất cứ chan chan nước. Trời đã lạnh có mưa nên càng thêm lạnh lẽo, ảm đạm. Mưa đến tối hẳn thì ngớt. Sau cơn mưa vần vũ màn đêm đen nhạt dần đi. Mây bị gió dát mỏng nên ánh trăng le lói mờ mờ phủ bạc trên mặt đất.
          Anh Thưởng cầm đèn pin đi xuống bến sông. Anh giật mình thấy nước sông đang dềnh lên. Lạ quá, chả lẽ giữa mùa đông mà lại có lũ. Đúng là lũ về thật. Ở phía đầu nguồn chắc là mưa cũng to nên mới có lũ. Anh Thưởng cột lại con thuyền rách thật chắc chắn để nước khỏi cuốn trôi mất rồi mới về ngủ. Anh chìm đi trong một giấc ngủ đầy mộng mị. Trong mê anh gặp toàn là bọn ma quỷ. Bọn chúng ngoi lên từ xoáy Vực bò lổm ngổm trên bến sông. Những con ma chuyên hút máu người thè lưỡi dài đỏ lòm. Những con ma trơi thì bay lập lòe khắp bãi ngô ven sông. Anh Thưởng cứ miền man trong giấc ngủ đầy ác mộng suốt đêm. Anh chỉ tỉnh hẳn khi nghe có tiếng ồn ào ngoài ngõ. Anh chống tay ngồi dậy. Cả người đau nhức ê ẩm. Anh mở cửa bước ra thềm. Có mấy người đang hớt hải chạy về phía đền Vực. Anh vội chạy theo hỏi:
          - Có chuyện gì thế?
          - Chuyện lạ lắm. Cơn mưa đêm qua làm sân đền Vực trồi lên một pho tượng rất lạ...
          - Thế hả?
          - Lạ hơn nữa là tia sét lúc chập tối hôm qua là đánh xuống trúng cây đa phía trên mỏm đá Xoáy Vực làm cho lá cây cháy vàng trông rất đáng sợ bác ạ!
           Anh Thưởng theo mọi người ra đền Vực. Chỗ mép sân đền sát bờ sông nước mưa xối chảy mạnh làm trồi lên một hòn đá hình thù rất giống một người phụ nữ đang quỳ mắt nhìn xuống dòng sông. Còn cây đa cổ thụ có tuổi mấy trăm năm luôn xanh tốt thế mà lá trở nên vàng ruộm. Chẳng biết có đúng là do bị sét đánh hôm qua không. Mọi người túm tụm ở sân đền bàn tán. Họ nói đây là một điềm gở, làng ta sắp có đại họa đến nơi rồi.
          Từ sau hôm ấy dân làng Vực thấp thỏm chờ đợi. Họ đợi một sự biến thiên hoặc một sự kiện gì đó sẽ xảy ra trong làng, trên bến sông Đáy con và trong lòng Xoáy Vực sâu thăm thẳm.         
           Rồi ngày ấy cũng đến. Một buổi sáng tinh mơ, dân làng Vực bị đánh thức bởi tiếng người gào thất thanh từ dưới sông vọng lên. Đó là tiếng một người đi chợ sớm định lội qua sông sang bên kia bờ. Tiếng kêu là có người bị chết đuối khiến người ta nghi ngờ. Bây giờ đang là mùa khô, nước sông Đáy con rất cạn làm sao có người lại bị chết đuối được chứ.
           Mọi người ở trong làng, ngủ canh hoa màu ngoài bãi hớt hải chạy xuống bến sông. Khi định hướng người kêu tất cả đổ dồn về chỗ xoáy Vực.
           Mùa này nước ở Xoáy Vực cũng rất cạn. Dòng nước chảy lờ đờ như ngái ngủ, mất hết vẻ hoành tráng hung hăng sôi sùng sục gào thét như khi mùa mưa lũ lớn từ thượng nguồn tràn về.
           Khi anh Thưởng chạy ra bờ sông thì mọi người đã đứng đen đặc trên bờ sông chỗ Xoáy Vực. Mọi người chỉ chỏ, nhốn nháo. Trời lạnh nên chưa ai nhảy xuống sông vớt xác người. Anh Thưởng túm được một thằng bé con đang chúi đầu chạy ngược từ dưới sông lên hỏi:
          - Ai bị chết đuối thế?
          - Cháu không biết! Ông này trông lạ lắm bác ạ!

          Quái lạ! Đã lâu lắm rồi không có người nào bị chết đuối ở Xoáy Vực. Sao bây giờ lại có người bị tử vong ở đây. Hay là con ma nữ ở Xoáy Vực lại bắt đầu nổi hứng thèm bắt người về làm quân hầu phục dịch… Nhưng dân làng Vực lâu nay vẫn bảo là con ma nữ chết trôi ấy đã dạo trước bị anh Thú nổ một quả mìn có sức công phá lớn làm tan biến hết linh khí đã về cõi niết bàn để đầu thai kiếp khác rồi cơ mà.
           Anh Thưởng xuống sát mép nước. Anh len vào đám người hiếu kỳ đứng vây quanh Xoáy Vực. Mấy anh dân quân cơ động đang dùng cây sào dài khều cái xác nổi lập lờ vào gần bờ. Người chết đuốí đã nổi lên chứng tỏ đã nằm dưới đáy Xoáy Vực từ tối hôm trước. Xác người chết nằm úp mặt xuống nước, hai cánh tay dang ra như đang bơi. Đó là một người đàn ông. Hắn ta mặc một bộ com lê sẫm màu loại đắt tiền. Khi cái xác được lật ngửa lên, anh Thưởng buột miệng kêu: “Thằng Hiến!”. Đúng rồi, đó chính là thằng Hiến, người cùng làng, bạn học với anh suốt thời phổ thông, một thành viên trong nhóm “ngũ quỷ” ngày nào. Anh Thưởng nhớ là hôm qua, lúc anh đạp xe lên xã nhận tiền trợ cấp về thì có một chiếc xe Toyota bóng lộn phóng tạt qua. Chiếc xe phóng nhanh nhưng anh vẫn nhận ra thằng Hiến đang ngồi trên xe. Lúc ấy anh Thưởng đoán là nó về quê xem xét lại nhà cửa, bàn thờ tổ tiên vì vài hôm nữa là đến ngày hội làng đền Vực rồi. Ngày hội đền cả làng Vực nhà nào cũng làm mâm cỗ để cúng tổ tiên và vị nữ tướng của Hai Bà Trưng. Vậy mà sáng nay hắn lại chết ở ngay Xoáy Vực dưới chân đền.
           Anh Thưởng lại càng ngạc nhiên và băn khoăn bởi vì thằng Hiến là người từ nhỏ vẫn rất giỏi môn bơi lội. Nó từng đoạt giải nhất cuộc thi bơi tại đại hội thể dục thể thao học sinh phổ thông trung học toàn tỉnh. Hồi ấy, nó vẫn dạy bơi cho bọn bạn trai trong lớp. Mỗi khi xuống nước nó như một con rái cá. Mùa lũ, Xoáy Vực như một cái chảo khổng lồ sôi sùng sục mà nó vẫn dám phóng xuống tắm. Thế mà bây giờ nó lại chết đuối khi mùa nước cạn, xoáy Vực lặng sóng, trong xanh như một cái bể bơi trong nhà.
           Cái chết của thằng Hiến khiến dân làng Vực đồn đại lắm chuyện. Có người nói chiều tối hôm qua đã nhìn thấy hắn từ đền Vực ra quán chợ ngồi uống rượu say rồi ra ghềnh đá ngồi bị đá cảm trượt chân ngã xuống Xoáy Vực. Có người bảo hắn chết do đâm đầu xuống sông tự tử. Nhiều người thì lại thì thào rỉ tai nhau rằng hắn bị thánh vật rồi ném xuống nước. Thực thực, hư hư, chẳng biết đúng sai thế nào.
           Anh Thưởng thì nghĩ khác. Anh nghĩ có lẽ không phải là thằng Hiến chết vì dòng nước mà chết bởi dòng đời. Cuộc đời này hình như vẫn còn tuân theo luật nhân quả.
           Xã Đồng Nhân thời ấy có một ông bưu tá. Ông này bị ban lãnh đạo xã quản lý rất chặt chẽ. Thư từ, công văn gì gửi cho dân trong xã đều phải ghi đầy đủ vào sổ sách và báo lại cho ông chủ tịch biết. Theo chỉ đạo của ông chủ tịch và lãnh đạo xã, các loại giấy báo gọi đi học hành tại các trường đại học, trung cấp đều phải có lệnh của xã mới được chuyển. Thường là để sau khi hoàn thành các đợt tuyển quân mới chuyển những giấy gọi đi học của đám học sinh vừa thi đại học, cao đẳng xong. Thành thử khi đám học sinh phổ thông đã yên ổn vào biên chế ở đơn vị quân đội rồi thì giấy báo vào đại học, cao đẳng mới được gửi đến nhà. Thằng Hiến thì lại khác. Khi còn đang học năm cuối cấp ba, một hôm nó nói với mấy người bạn cùng làng: “Tao chả cần phải học hành thi cử khốn khổ như bọn chúng mày làm gì. Học hết lớp 10 (hồi ấy lớp 10 là cuối cấp ba) là tao sẽ đi học ở Liên Xô”. Nghe hắn nói cả bọn không tin. Nhưng sự thật lại đúng như vậy. Thì ra chỉ có bọn học sinh bố mẹ là nông dân đặc sệt thì chẳng bao giờ biết trước được tương lai ra sao ngoài việc chắc chắn sẽ được gọi nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu.
            Nhưng rồi mọi việc biến thiên. Trời đất xoay vần, chả ai lường trước được. Hắn đang lên như diều, chức giám đốc sở công nghiệp đã trong tầm tay. Vậy mà sự nghiệp đang lên như diều ấy bỗng bị đứt phựt một cái. Bắt đầu có lẽ từ việc ông chú ruột hắn được điều về trung ương giữ chức thứ trưởng. Ông ta cũng lên quá nhanh. Mới đảm nhiệm chức chủ tịch tỉnh chưa lâu đã được lên trung ương nhậm chức mới. Ông chú lên cao quá hóa ra lại bất lợi cho thằng Hiến. Ở tỉnh hắn không còn người che chở, chỉ bảo thường xuyên nữa. Cái bóng của ông chú không còn bao chùm ở tỉnh nên hắn và nhiều kẻ đã bị lộ sáng. Những việc làm khuất tất trước đây của hắn người ta ngại hoặc không dám sờ đến vì còn nể sợ ông chủ tịch tỉnh nay thì khác. Mấy vụ đất đai dự án bắt đầu lộ diện dần dần, việc lợi dụng để chiếm đất, thu lợi từ việc giải toả, đền bù đã rõ hắn là kẻ chủ mưu. Hắn nhao lên Hà Nội tìm ông chú. Nhưng ở vị trí mới ông chú cũng chưa củng cố được chỗ đứng vững vàng, chưa có tay chân thân tín và thiết kế được đường dây quyền lực. Ông đành bảo hắn:
           - Mày lo liệu mà che đậy sao cho kín! Nhớ là chớ để ảnh hưởng tới tao đấy.
           Nghe ông chú dặn như vậy thằng Hiến đã hiểu rõ tình thế của mình. Hắn cũng biết hoàn cảnh lúc này đúng là “nước xa không cứu được lửa gần”. Trong tình huống này ông chú cấp cao ô lớn của hắn cũng đành bó tay. Người ta mới đang ở giai đoạn điều tra các vụ việc, chưa có luận cuối cùng, nhưng thằng Hiến đã hiểu: Thế là hết.
           Và gần đến ngày hội đền làng Vực thằng Hiến trở về quê.
           Chập tối hôm trước người làng còn trông thấy hắn đi bộ ra chợ. Họ thấy hắn vào quán mua một thẻ hương rồi đi về phía đền Vực. Hắn đã vào xin thắp nén hương tạ lỗi với thần phật, tổ tiên tại đền. Cụ thủ từ coi giữ đền Vực lầm rầm khấn giúp cho hắn. Nhưng cầu xin mấy lần mà vẫn không gieo được quẻ. Hai đồng xu không chịu sấp ngửa theo mong muốn. Cụ thủ từ đành an ủi hắn: “Thôi thì nhất sự tại dương, vạn sự tại âm. Xin thí chủ cứ tĩnh tâm…”.
            Sáng hôm sau, khi nghe có tiếng người kêu cứu dưới bến sông, cụ thủ từ đền Vực vội nhỏm dậy. Cụ lật đật vào điện thờ châm ba nén hương chắp tay khấn khứa rồi cắm vào bát nhang. Ba đốm lửa bỗng cháy rực lên rồi phụt tắt tựa như có ai vừa hắt một gáo nước lạnh vào những nén hương đang ngun ngún cháy...
         (còn nữa)                                              Hà Nội, tháng 4/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét