Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (PHẦN 18)

 

                    
                    
           NGŨ QUỶ
           Truyện dài của Trọng Bảo 
         
          Cái chết của bà mẹ làm anh Phương suy sụp.
          Anh cứ ngỡ mình từ cõi chết trở về sẽ được ở bên mẹ thật lâu. Không ngờ, chỉ sau mấy tháng mẹ anh lại về chốn ấy. Cuộc đời con người hóa ra còn lắm điều không hoàn thiện. Khi người ta hạnh phúc thì bất hạnh đã chầu trực bên cạnh. Khi người ta vui mừng thì nỗi buồn vẫn quẩn quanh đâu đó. Và cả khi người ta giàu sang, viên mãn thì sự nghèo khó vẫn cận kề, áp sát. Biết bao người hôm trước còn ngẩng đầu hiên ngang đứng trên đỉnh vinh quang, hôm sau đã gục mặt dưới vũng bùn nhơ dơ bẩn. Bên cạnh cái thực là sự hư vô. Bên cạnh ánh hào quang nhất định sẽ là vùng bóng tối.
           Anh Phương thấy mình hẫng hụt. Anh như đang rơi xuống một cái hố sâu tối tăm thăm thẳm. Đầu óc anh trở nên mông lung, lúc nhớ, lúc quên như dạo mới trở về làng. Hôm đưa mẹ ra đồng anh đi sau cỗ quan tài như một người mộng du. Bước chân anh lướt trên cỏ như không chạm đất. Bầu trời hôm đám tang bà Thuân cũng âm u, mờ tối. Mưa gió lạnh sụt sùi. Đất khu nghĩa địa nhân dân ven đồi ngấm nước nhão nhoẹt. Nấm mộ của mẹ vun mãi chẳng tròn. Màu đất đỏ lồi lên giữa cỏ xanh nơi mai táng.
           Khi nấm mộ đắp xong, ông trưởng phường bát âm chuyên nghề khóc thuê đám hiếu đội chiếc khăn xô trắng xỉn lên đầu, tay cầm cây gậy giả mái chèo đò, thay đám con cháu khóc nên thành những lời cuối cùng để tiễn biệt người đã khuất. Tiếng người khóc thuê hoà trong tiếng nhị hồ, tiếng kèn đám ma nghe não nùng, thống thiết:
         “Một đời mẹ những gian lao
          Thân cò ruộng lúa, bờ ao tảo tần
          Mùa đông nứt nẻ bàn chân
          Ngày hè áo thấm mấy lần mồ hôi.
          Chăm cho con lớn nên người
          Lá trầu héo quắt nhạt vôi phần mình.
          Con thì mặc áo chiến binh
          Chiến trường bom đạn vây quanh bốn bề,
          Hoà bình ngóng đợi con về
          Cuộc đời mẹ những tái tê cõi lòng… 
          Hôm nay đưa mẹ ra đồng
          Để mình mẹ với mênh mông đất trời
          Thế là mẹ cũng mồ côi
          Cô đơn nấm đất bời bời gió mưa…”.
          Anh Phương giơ bàn tay chùi mắt. Anh Thưởng đứng bên cạnh bên khẽ nhắc bạn cần có vài lời cảm ơn bà con làng xóm đã tận tình đưa mẹ mình ra đồng. Tiếng anh Phương khản đặc ấp úng lẫn trong tiếng mưa, tiếng gió.

          Đám người đi đưa ma đã về hết. Bên nấm mộ mới chỉ còn lại có năm người. Đó là lão Vận, anh Thưởng, cô Liên-hai người bạn từ thời chiến tranh và thằng Đầu bò-chiến hữu thời bình của anh Phương. Cô con gái của bà Thuân khóc lóc nhiều quá lả đi đã được người làng dìu đưa về nhà. Lão Vận hì hục vốc từng nắm đất nhão đắp thêm lên nấm mộ. Thằng Đầu bò cố che mưa gió đốt thêm một nắm nhang.
          Trời đã sụp tối.
          Những đốm lửa hương nhang lập loè.
          - Về thôi! Tối rồi… - Tiếng anh Thưởng.
          - Ừ về cho bà cụ còn yên nghỉ! Cả cuộc đời bà ấy chưa được yên tĩnh lúc nào đâu… - Tiếng lão Vận.
          - Bà ơi! Con về đây… - Tiếng cô Liên.
          - Xin cụ luôn phù hộ cho con… - Tiếng thằng Đầu bò.
          - Mẹ ơi… mẹ ơi… - Tiếng anh Phương.
          - U… u… u… - Tiếng gió.
          - Ào… ào…. - Tiếng mưa.
           Tiếng của linh hồn người chết đáp lại người sống thì không ai nghe được. Nó giống tiếng gió, lại giống tiếng mưa, lại giống như tiếng thở dài trong không gian triền miên vô tận.
           Bóng năm người chập chờn như những bóng ma trong nghĩa địa.
*
          Từ ngày mẹ mất, anh Phương ăn ngủ bất kỳ. Khi mẹ còn sống ngày hai bữa mẹ con ngồi cùng bên mâm cơm. Bữa cơm đơn sơ, rau dưa đạm bạc qua quýt nhưng ấm áp. Bây giờ thì chẳng thành bữa. Nhiều hôm anh gặm một cái bánh mỳ, ăn một bát bún ở ngoài chợ cũng xong bữa. Buổi tối anh về nhà muộn pha bát mỳ tôm chả nấu nướng gì. Có hôm anh đi làm thuê vận chuyển vật liệu xây dựng, phụ hồ nhà chủ mời cơm. Ăn uống thất thường nên anh có vẻ gầy hốc hác hơn trước.
           Một buổi sáng trời trở gió lạnh. Anh Phương tập tễnh đi ra thị trấn. Hôm nay đúng phiên chợ, chắc là có nhiều người thuê mướn khuân vác hàng hóa. Từ sang anh đã thấy mình hơi mệt, đầu óc ong ong u u. Anh Thưởng gặp bạn đi vật vờ trên đường làng liền dừng xe lại bảo:
          - Mày phải chú ý giữ gìn sức khoẻ! Nhà tao gần chợ, buổi trưa vào mà ăn cơm. Tao cũng có một mình. Cái Sương về thành phố học rồi. Mày cứ ăn uống vớ vẩn thế này phát bệnh thì khốn. Mà hôm nay trời lạnh sao mày ăn mặc phong phanh thế!
          Anh Phương gật đầu ậm ừ. Đã mấy lần bạn dặn như vậy rồi.
          Đi đến gần chợ tự dưng anh Phương thấy đầu óc mình quay cuồng. Anh chợt nghe như có tiếng hô khẩu lệnh chiến đấu. Phía trước hình như có tiếng súng nổ và khói lửa. Anh hét lên một tiếng rồi lăn ngay xuống mương nước. Khẩu súng của mình đâu rồi. Đây rồi! Anh quờ tay túm luôn được một đoạn cành cây khô trên bờ mương. Anh ôm cành cây vào ngực rồi lao lên phía trước hô to:     
          - X... u... n... g... p... h... o... n... g...
          Anh Phương lao vào chợ. Quần áo anh ướt sũng lấm bê bết bùn đất. Anh vớ ngay được con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt ở cái bàn bán thịt ở cổng chợ. Một tay anh cầm khúc cây, một tay vung con dao vung lên lao tới. Mọi người xô đẩy, đạp nhau mà chạy tán loạn. Nhiều người hốt hoảng hét lên ầm ĩ: "Chạy... chạy... đi! Một thằng điên... nó cầm dao xông vào chợ đấy...".
           Mấy bà đi chợ quẳng cả rổ rau bỏ chạy. Mọi người xô vào nhau ngã dúi dụi khắp chợ. Tiếng chân người chạy rầm rập. Tán loạn. Đúng là vỡ chợ.
          Tiếng nhiều người gào lên:
          - Bắt... bắt... lấy... tước ngay con dao của nó... Nguy hiểm quá...
          Anh Phương vung con dao chọc tiết lợn lên lao về phía dãy hàng rau tiếp tục hô to: "Xung... phong... xung... phong... tiến lên… các đồng… chí ơi…".
          Thỉnh thoảng, anh lại nằm ép xuống bò lê dưới rãnh nước bùn bẩn đen ngòm lều phều những cọng rau, rác rưởi và vảy cá như để tránh đạn quân thù. Mỗi khi anh bật dậy xung phong con dao trong tay chém xỉa lung tung. Những người bám theo tìm cách khống chế anh hốt hoảng chạy rạt ra.
           Một người đàn bà bán rau ôm đứa con gái nhỏ rúc vội vào một góc quán chợ. Chị lấy thân mình che cho con. Anh Phương lao đến chỗ gánh rau của chị ta chém lia lịa. Những mớ rau muống bị phạt làm đôi, làm ba, tơi tả.
           Người bảo vệ chợ nhân lúc anh Phương đang mải đâm chém gánh rau liền áp sát lựa thế lao vào quật ngã và tước được con dao trong tay anh. Mấy người nữa lập tức xông đến hỗ trợ đè nghiến anh Phương xuống vũng bùn giữa chợ. Họ dùng dây trói chân, trói tay anh Phương lại như trói một con lợn. Mặt mũi anh bê bết bùn đen hôi thối. Mặc. Anh Phương vẫn luôn mồm gào lên: “Nhất… định… không… được… đầu… hàng… Các... đồng... chí... xung... phong... xung... phong... x… u… n… g… p… h… o… n… g…".
           Cô Liên cũng đang đi chợ. Cô vứt vội cái làn đựng thức ăn nhào đến xoa đầu, dỗ dành an ủi anh Phương. Anh dịu dần nằm im. Mọi người giúp Liên đưa anh đi về phía trạm y tế xã. Các hàng quán lại trở hoạt động. Tiếng nói cười mặc cả lại râm ran như chẳng có việc gì xảy ra. Người đàn bà bán rau muống và con gái lúc này mới hoàn hồn. Con bé mặt mũi còn tái nhợt. Nhiều người đi chợ giờ mới biết anh Phương không phải là một người điên. Anh bị chấn thương sọ não trong chiến đấu. Do trời trở gió và có lẽ cả do những phiền muộn sau cái chết của mẹ nên vết thương của anh bất ngờ tái phát. Lúc phát bệnh anh cứ nghĩ là mình đang xung trận đánh giặc. May mà anh không chém trúng ai, cũng không phá hỏng đồ đạc hàng hóa gì ngoài việc chém nát một gánh rau muống.
           Người đàn bà bán rau thấy thương xót cho người lính chiến. Chị nhặt nhạnh những ngọn rau muống bị chém tơi tả cho vào rổ. Bà cụ bán bánh cuốn ở dãy đối diện đưa cho chị cái bao tải và bảo:
          - Cho hết vào đây, tôi mua cho mà về.
          Chị ngạc nhiên:
          - Rau nát hết cả rồi bà mua làm gì ạ?
          - Mang về chăn nuôi! Còn ba chục mớ phải không. Mỗi mớ tôi trả đủ ba trăm đồng như chị vẫn bán. Đây mười nghìn, cho thêm con bé một nghìn mua kẹo! Sao hôm nay có gió mùa đông bắc mà không mặc áo rét cho con bé! Hôm qua không nghe dự báo thời tiết trên ti-vi à?
           Người đàn bà bán rau ấp úng. Chị cảm ơn bà cụ bán bánh cuốn rồi quẩy quang gánh dắt con gái ra phía cổng chợ. Con bé nắm chặt tay mẹ. Nó bước đi lập cập vẻ lạnh và vẫn còn sợ hãi.
           Người đàn bà bán rau mua cho con hai cái bánh rán. Con bé vừa nhỏ nhẻ ăn bánh vừa bảo mẹ: "Chú thương binh lúc nãy khổ quá mẹ ạ! Chú ấy bị người ta đè xuống chỗ vũng bùn bẩn để trói... Con thương chú ấy lắm!".
           - Ừ…
           Hai mẹ con ra khỏi chợ. Người đàn bà bảo con chờ để tìm một hòn đá cho cân để gánh con khỏi phải đi bộ. Con bé không chịu. Nó nói vẫn đi bộ cùng mẹ được. Hai mẹ con băng qua con đường trống trải giữa cánh đồng. Gió bắc thổi càng mạnh. Chị nhặt được một cái áo ni-lông loại hai nghìn bị rách toạc của những người đi xe máy vứt đi khoác cho con đỡ rét. Hai mẹ con đi chợ từ lúc trời chưa sáng. Chị không biết đến giữa buổi thì trời trở gió. Nhà chị không có ti-vi để nghe dự báo thời tiết. Bóng hai mẹ con như hai cái chấm nhỏ liêu xiêu giữa cánh đồng đầy gió lạnh… 
          (còn nữa)                                                    Hà Nội, tháng 4- 2013  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét