Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

BÀI VIẾT VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

             Mấy ngày trước chúng tôi đã biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang mệt nặng, khó qua khỏi. Vậy mà khi nghe tin ông từ trần vẫn thấy đột ngột, hẫng hụt. Thế là một con người vĩ đại đã ra đi. Bài này tôi viết năm 2010, xin đăng lại trên blog để tưởng nhớ tới ông-Vị chỉ huy cao nhất của những người lính chúng tôi (Trọng Bảo).

             Năm tháng đời người
             Ghi chép của Trọng Bảo


             Từ khi còn đi học phổ thông, tôi đã biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị danh tướng của chiến thắng Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Vẻ đẹp oai phong của ông tôi chỉ biết qua tấm ảnh vẫn treo trang trọng ở nhà mình. Khi tôi nhập ngũ đã là những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Tự dưng khi vào quân đội, lúc ông còn đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi thấy tự hào vì được là một người lính của ông. Những năm tháng sau hoà bình đất nước khó khăn, bao nhiêu chuyện xảy ra. Bản lĩnh của người cầm quân của ông vẫn là chỗ dựa trong niềm tin của mọi người, của chúng tôi.
            Tôi còn nhớ lần đầu tiên được gặp ông là khi làm phóng viên đi cùng đoàn đại biểu quân sự cấp cao Cu-ba đến chào ông. Ông đón tiếp các bạn Cu-ba trong một căn phòng bình dị. Chẳng có một thứ lễ tân rườm rà nào. Những người bạn từ bên kia bán cầu lần đầu gặp ông có người cứ đứng lặng nhìn ông không nói được câu nào. Họ xúc động vì từ nơi đầu sóng gió, ngày đêm đối mặt với sự chống phá của đế quốc Mỹ, khi mà hệ thống XHCN đã đổ vỡ tan tành, nay được đến bên người anh hùng đã từng thắng Mỹ. Vẻ thư thái của vị tổng tư lệnh hai cuộc kháng chiến thần thánh của Việt Nam đã truyền cho họ ngọn lửa của niềm tin. Ông ngồi đó vui vẻ trò chuyện với các bạn Cu-ba, hỏi thăm về Phi-đen, về đất nước và cuộc sống của nhân dân Cu-ba. Nhìn vẻ tươi cười thư thái của ông, không ai nghĩ ông đã từng trải qua bao nhiêu sóng gió năm tháng đời người. Tôi chợt nghĩ "Gió mưa, bão táp chỉ làm cho cây tùng già trên đỉnh núi càng thêm vững chãi". 

              
             Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trao đổi với tác giả bài viết.

            Lần đầu tiên tôi được theo ông đi công tác là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1994). Chúng tôi theo ông trở lại chiến khu Việt Bắc trong một buổi gặp mặt đại biểu các đơn vị Việt Nam giải phóng quân. Trong buổi gặp gỡ bạn chiến đấu cũ, việc gì, chuyện gì ông cũng nhớ. Ông nhắc lại nhiều chuyện ngày xưa trong kháng chiến. Các cựu chiến binh thì lại cứ muốn nói chuyện hôm nay của ông. Họ quý trọng ông, suy tư về ông. Ông bảo: "Chúng ta hôm nay gặp được nhau ở đây là quý rồi". Câu nói của ông làm cho không khí hội trường vui vẻ hẳn lên. Đang nói chuyện tự dưng ông nhắc tên và hỏi về một người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi nhất của đơn vị từ năm mươi năm trước. Một người nông dân nhỏ bé, vai đeo túi vải ngồi ở mãi cuối hội trường đứng bật dậy kêu lên: "Em đây anh Văn! Anh vẫn nhớ em ạ?". Ông bảo: "Vẫn nhớ chứ!". Thì ra ông đã làm bao nhiêu việc, giữ bao trọng trách nhưng chuyện người chiến sĩ liên lạc của đơn vị nhịn đói, nhịn khát, không quản hiểm nguy để kịp đưa công văn, chuyển mệnh lệnh chiến đấu từ ngày mới thành lập quân đội mà ông vẫn nhớ.

            Bữa cơm trưa hôm ấy, ông ngồi ăn chung với tất cả mọi người quanh một cái bàn ăn lớn. Tình cờ, tôi ngồi đối diện với ông. Khi ông bưng bát cơm lên và, tôi liền giơ máy ảnh lên chụp. Nhiều người đã chụp ảnh ông. Ảnh ông chỉ huy chiến đấu, ảnh ông hướng dẫn Bác Hồ tham quan diễn tập, ảnh ông duyệt đội danh dự... Nhưng tôi chưa được thấy tấm ảnh nào về ông - một vị danh tướng của Việt Nam - ngồi ăn cơm một cách bình dị như thế này. Vì thế tôi cầm máy ảnh lên. Ngày ấy máy ảnh chưa hiện đại như bây giờ, phim cũng kém, chụp ảnh trong nhà phải dùng đèn flash. Khi thấy ánh đèn chụp ảnh loé lên, ông đặt bát cơm xuống nhìn sang. Tôi lúng túng và hơi sợ, định đứng dậy xin lỗi ông. Nhưng ông đã mỉm cười gật đầu như bảo tôi hãy ăn đi và lại bưng bát cơm lên.

           
            Ảnh: Đoàn cán bộ huyện Lập Thạch-Vĩnh Phúc đến thăm và mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự lễ đón anh hùng tại huyện. Từ trái qua: Anh Đỗ Đức Thịnh, hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự, ông Phạm Văn Cẩn, hiệu trưởng Trường THPT Triệu Thái, ông Đỗ Văn Tường, Bí thư huyện ủy Lập Thạch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tác giả Trọng Bảo.

            Một lần, trong buổi lễ kỷ niệm của một đơn vị không quân tại Sóc Sơn (Hà Nội), ông cũng về dự. Sau lễ mít tinh tại hội trường, tất cả các đại biểu đều leo lên thăm tượng đài chiến thắng của Không quân Việt Nam trên đỉnh núi. Tôi xách máy ảnh cùng đông đảo phóng viên theo một vị lãnh đạo lên núi. Đến giữa chừng dốc núi nhìn xuống, tôi chợt thấy ông cũng đang đi lên. Ông tuy không còn khoẻ nhưng vẫn theo các đại biểu lên đỉnh núi nơi đặt tượng đài. Thế là, tôi hết chạy lên, chạy xuống hoặc dừng lại chờ. Chạy lên là vì nhiệm vụ phải chụp ảnh cho lãnh đạo, chạy xuống là muốn được chụp ảnh vị Đại tướng kính yêu. Có lẽ hôm ấy, chỉ có một mình tôi chụp ảnh lúc ông lên núi.
             Khi còn khoẻ hầu như năm nào ông cũng về quê tôi (Lập Thạch-Vĩnh Phúc). Ông về đến thắp hương tại đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn-một vị tướng tài đã tận tuỵ giúp Lê Lợi dựng nghiệp thành công nhưng cũng bị chính vua Lê Thái tổ giết chết trên sông Lô. Tôi đã viết truyện ngắn "Bến sông xưa" sau một lần theo bí thư huyện uỷ đi đón ông về quê mình như thế.
             Tôi còn có nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhớ một lần tôi dẫn ông bí thư huyện uỷ, ông hiệu trưởng trường THPT của huyện Lập Thạch vào xin gặp Đại tướng để mời ông về dự lễ đón anh hùng của huyện. Mấy anh em chúng tôi tụ tập ở cơ quan chị con dâu của Đại tướng. Chúng tôi bàn nhau phải có quà gì để tặng cho Đại tướng chứ! Bàn tính mãi mà không nghĩ ra nên tặng ông cái gì. Đã có ý kiến hay là biếu tiền. Giữa lúc đang bàn bạc thì chị con dâu Đại tướng biết chuyện đến tham gia: “Các chú, các anh cứ tặng cụ chục cân gạo tám thơm là được rồi!”. Nghe chị con dâu bàn thế chúng tôi đồng ý ngay. Chị con dâu của Đại tướng cho người đem hai chục cân gạo tám thơm loại đặc biệt ra xe ngay (Chị con dâu của Đại tướng làm ở một khách sạn lớn tại Hà Nội nên luôn có sẵn loại gạo này). Khi chúng tôi xin được thanh toán tiền gạo thì chị con dâu của Đại tướng nhất định không nhận. Chị bảo coi như là một chút đóng góp cho vùng quê mà chị từng lên sơ tán hồi chiến tranh phá hoại.  Khi ngồi lên xe vào nhà Đại tướng, chúng tôi bảo nhau: “Thế này đúng là “lấy của con đem tặng bố rồi!””.
              Dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004), hôm đó là ngày nghỉ, tôi đang ngồi xem ti-vi ở cơ quan thì nhận được điện của cấp trên bảo phải ra ngay nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài phát biểu chúng tôi chuẩn bị cho ông tại buổi lễ kỷ niệm cần sửa chữa đôi chút. Tôi ra đến nhà thì thấy ông đang ngồi đọc bản thảo. Ông xem lại bài phát biểu và chỉ cho tôi những chỗ đã chữa. Những đoạn ông đã sửa chữa thật xác đáng. Người thư ký riêng của ông cứ dặn đi dặn lại tôi: "Những chỗ Đại tướng đã sửa chữa nhớ là phải sửa đấy! Đồng chí phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không sửa theo ý của cụ!". Tôi đáp: "Anh cứ yên tâm, tôi vẫn là một người lính của Đại tướng cơ mà! Tôi sẽ chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Tổng chỉ huy!".
             Vâng, chúng tôi mãi mãi vẫn là người lính của vị Đại tướng-Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp kính yêu. Nhân dịp mừng thọ ông tròn 100 tuổi (8-2010), tôi viết lại những kỷ niệm này biểu lộ lòng thành kính với Người - Vị chỉ huy cao nhất của những người lính chiến chúng tôi.

                                                                           Hà Nội, 8-2010                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét