Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Tản văn Ngày cuối cùng Đại tướng ở thủ đô

 

       
           
           Ảnh xe linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua trước Lăng Bác.     

NGÀY CUỐI CÙNG ĐẠI TƯỚNG Ở THỦ ĐÔ
Tản văn của Trọng Bảo 

          Tôi bế thằng cháu nội bé tý chen chân trong biển người đứng giữa đường Phạm Văn Đồng trên phía làn đường đi sân bay Nội Bài. Tất cả mọi người đều đã tràn ra mặt đường. Các chiến sĩ công an, thanh niên tình nguyện không tuýt còi dẹp đường. Họ chỉ giơ tay ôn tồn nói với mọi người: “Xin đồng bào rãn ra dành một lối cho Đại tướng ra sân bay về quê!”. Không ai bảo ai, không chen lấn lộn xộn, mọi người đứng dọc tuyến đường phía Nam cầu Thăng Long rãn ra dành lối cho đoàn xe đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua. Người Hà Nội bùi ngùi đưa tiễn. Đây là ngày cuối cùng Đại tướng ở Hà Nội, lần cuối cùng người đi trên những con đường của thủ đô. 59 năm trước cũng vào những ngày mùa Thu này Đại tướng đã về Hà Nội trong tiếng hò reo và bài ca chiến thắng cùng biển người trùng trùng cờ hoa chào đón. Hôm nay, sau 59 năm cũng đúng vào một ngày mùa Thu, người rời Hà Nội cũng trong trùng trùng biển người và hoa như thế. Chỉ có khác là là không có tiếng hò reo như 59 năm về trước, mà là tiếng nhạc hồn tử sĩ cùng tiếng khóc tiễn đưa.

         
           Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời Thủ đô giữa biển người đưa tiễn.

           Vẫn biết quy luật của tự nhiên, vì người đã trường thọ sẽ về với cõi vĩnh hằng. Tuy vậy, trong nỗi buồn vì người đã ra đi, tôi còn thấy trăn trở khi biết chuyện từ rất lâu Đại tướng đã tìm cho mình nơi an nghỉ lúc từ giã cõi trần. Người đã nghĩ đến việc về lại Việt Bắc chiến khu xưa. Nơi những ngày kháng chiến gian lao Đại tướng sát cánh bên Bác Hồ chiến đấu chống lại quân xâm lược bạo tàn, làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, chấn động cả năm châu. Rồi người tính đến chuyện ở đâu đó quanh thủ đô Hà Nội để luôn gần với Bác Hồ. Là người là học trò xuất sắc, là đồng chí, là bạn chiến đấu của Bác Hồ, Đại tướng muốn luôn được ở bên cạnh Bác ngay cả trong cõi vĩnh hằng. Nhưng cuối cùng thì người quyết định trở về quê hương Quảng Bình đầy gió nóng và cát trắng. Tiệt nhiên trong dự định của người không thấy có ý nghĩ là sẽ yên nghỉ ở nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) là nơi rất gần với Bác Hồ, nơi có bao nhiêu đồng chí cùng thời đã mai táng tại đây. Đó là điều khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Chắc chắn khi ghi lại tâm nguyện cuối đời của mình là muốn được trở về với quê hương Quảng Bình, Đại tướng đã nhớ tới Bác Hồ. Trong lòng Đại tướng lúc ấy nhất định bùi ngùi khi nghĩ là về Quảng Bình sẽ phải xa Bác Hồ mãi mãi. Khi làm phóng viên thông tấn quân sự, tôi đã được nhiều lần vào nhà số 30 Hoàng Diệu đưa tin, chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp khách. Dự các buổi tiếp khách ấy tôi thấy không bao giờ trong câu chuyện của mình Đại tướng quên nhắc đến Bác Hồ. Tượng Bác Hồ đặt ở vị trí trang trọng ở trong phòng khách, phòng làm việc của Đại tướng. Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh không thể tách rời.
           Như một người đành dứt áo từ biệt Bác Hồ sáng nay ra đi, chắc Đại tướng cũng buồn nhưng người không thể ở lại Mai Dịch. Nhưng cũng như tôi, mọi người hôm nay ra đường đưa tiễn đều thấy an lòng đôi chút khi biết đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng có đi qua trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng đã chào từ biệt Bác Hồ để về quê yên nghỉ.
           Đoàn xe tang từ từ lăn bánh rời xa nơi phố phường thủ đô Hà Nội, nơi mà bao năm Đại tướng gắn bó. Chiếc linh xa chở linh cữu Đại tướng phủ quốc kỳ đi giữa biển người hướng về phía sân bay Nội Bài. Hàng vạn người đứng chật hai bên đường kính cẩn chắp tay vái chào từ biệt, chúc Đại tướng về quê yên nghỉ. Tôi nâng thằng cháu nội bé tý lên và bảo: “Con ạ cụ đi!”. Thằng bé chưa nói sõi nhìn theo đoàn xe khoanh tay “ạ!” một tiếng thật dài…
                                                                       Hà Nội, sáng 13/10/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét