Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 16)

 

 
         

           TRĂNG LẠNH
        Truyện dài của Trọng Bảo

        Tập tễnh bước trong đêm, Hừng "thọt" vừa đi vừa nghỉ. Hắn lên tới trận địa Đồi Ma thì anh chị em trong trung đội dân quân thường trực làng Hạ đã có mặt đầy đủ. Họ đang ngồi tập trung thành ba hàng ngang dưới gốc cây đa. Quần áo màu tối sẫm, vòng lá ngụy trang họ còn đeo trên lưng như chuẩn bị để sẵn sàng chiến đấu. Dưới ánh trăng tà trông họ giống như những bóng cây lúp súp rung rinh. Trung đội trưởng Tình đang quán triệt về nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà đơn vị sẽ thực hiện đêm nay. Tiếng của chị sang sảng vọng trên đỉnh đồi cao. Hừng "thọt" báo cáo xin phép vào sau rồi ngồi ở cuối đội hình. Thằng Nam thì thào hỏi:
         - Sao anh đến muộn thế?
         Hừng "thọt" vừa thở vừa nói nhỏ:
         - Nhà tao... tao có việc...
         Thằng Nam lại bảo:
          - Gần sáng thì đoàn xe sơ tán của cơ quan bảo tàng lịch sử trung ương và thư viện quốc gia từ thủ đô sẽ về đến làng ta. Nếu anh mệt thì ở lại trận địa canh gác máy bay thay cho em nhé. Em đi vận chuyển đồ đạc giúp cơ quan sơ tán thay cho!
          - Tao đi được! Mày đừng lo.
          - Nhưng phải khuân vác nặng mà chân cẳng anh thế này thì... Nghe nói toàn là các đồ quý hiếm, quan trọng, có cả long bào, bảo kiếm, vàng bạc châu báu, ngai vàng của các vị hoàng đế ngày xưa đấy! Nặng lắm. Liệu anh có vác nổi không hay lại làm rơi xuống suối thì hỏng hết!
          Hừng "thọt" nói vẻ hơi tự ái:
          - Mày đừng coi thường tao nhé! Cả trung đội có hai thằng nam giới, tao lại cáo ốm mệt ở lại trận địa thì còn ra cái thể thống gì nữa.
          Hừng "thọt" cố ghìm để không thở dốc rồi nói với thằng Nam. Thực ra thì hắn cũng thấy mệt và đuối sức. Hắn nghĩ: "Mẹ kiếp! Tại lúc nãy ở gốc mít cổng nhà có lẽ con vợ đã rút hết cả sức lực của mình rồi. Nhưng không sao, nghỉ một lúc là mình sẽ lại sức thôi". Nhưng Hừng "thọt" không kịp nghỉ cho lại sức thì trung đội trưởng Tình đã hạ lệnh xuất phát. Những chiếc xe chở đồ đi sơ tán tránh bom Mỹ đầu tiên đã về đến đầu làng, nơi có con đường mòn chạy thẳng vào dãy núi thấp phía sau làng Hạ. Các chiến sĩ dân quân rời trận địa Đồi Ma vai đeo súng vừa đi vừa chạy gằn dưới ánh trăng khuya đi làm nhiệm vụ. Hừng "thọt" và thằng Nam đi cuối đội hình. Thằng Nam đổi phiên gác đêm trên Đồi Ma cho cái Sa, con bé nhỏ yếu nhất trung đội lại đang bị sốt. Thằng Nam rất háo hức muốn được nhìn tận mắt cái ngai bằng vàng của các vị vua ngày xưa xem nó như thế nào. Nó không biết rằng nếu đúng là có cái ngai vàng ấy đem về cất giấu ở làng Hạ thì người ta phải để trong thùng kín và không để cho những thằng dân quân quèn như nó được lại gần đừng nói là được khênh vác. Các thứ mà các cơ quan bảo tàng, thư viện từ Hà Nội đem về cất giữ bảo quản để tránh bom Mỹ ở vùng quê này là các hiện vật lịch sử và sách vở, văn kiện. Có rất nhiều thứ quý giá, nhưng chẳng ai biết đó là những thứ gì vì tất cả đều để trong các hòm gỗ, hòm sắt kín mít.
         Trung đội dân quân nhanh chóng triển khai giúp các cán bộ, nhân viên các cơ quan sơ tán vận chuyển tài sản, sách, tài liệu vào khu nhà kho mới làm trong dãy núi sau làng. Họ hì hục khuân vác, vận chuyển trong đêm. Cái Liên vừa bê một chiếc hòm gỗ nặng vừa thì thầm với chị Nhân:
         - Cái tay cán bộ bảo tàng đeo cặp kính cận kia trông đẹp trai quá chị ạ!
         - Đêm hôm ánh trăng nhập nhèm thế này nhìn chả rõ, biết thế nào là đẹp hay xấu!
         - Đẹp thật chị ạ! Ngày mai sáng ra chị cứ nhìn tận mặt hắn mà xem... Mà này, nghe đâu hắn là một phó tiến sĩ hẳn hoi đấy nhé! Ghê không?
          Chị Nhân ậm ừ. Thực ra lúc nãy chị cũng đã nhìn tận mặt anh cán bộ bảo tàng đeo kính cận này rồi khi hai người cùng bê một cái hòm gỗ xuống xe. Lúc ấy trăng ló ra khỏi đám mây nên rất sáng. Đúng là "hắn" rất có dáng vẻ trí thức và rất kẻng trai như cái Liên đã nhận xét.
          Các chiến sĩ trung đội dân quân và các nhân viên thư viện, bảo tàng hì hục vận chuyển các hòm xiểng suốt đêm. Họ không thắp đèn, đốt đuốc, chỉ lợi dụng ánh trăng để di chuyển. Đêm càng về khuya, trăng xuống thấp, đường trong núi qua khu đồi cọ nhiều bóng cây nên đường vận chuyển của họ rất khó khăn. Lúc vượt qua suối rêu đá trơn tuột, họ phải cẩn thận nhích đi từng bước. Cả đoàn người đang khênh vác qua con suối cạn thì chợt có tiếng kêu "Ối" ở phía cuối hàng quân. Một người ngã nhào giữa dòng suối cạn lô nhô những mô đá sắc. Cái hòm gỗ đang vác trên vai văng ra đập mạnh vào một mỏm đá vỡ tung tóe. Những cuốn sách từ trong cái hòm gỗ bung ra trôi theo dòng nước. Người bị ngã nằm sóng soài giữa dòng suối cạn. Mấy người vội vã vượt sang bên kia bờ tìm chỗ để các hòm gỗ ở nơi khô ráo rồi tất tả quay lại. Cái Liên là người nhanh nhẹn nhất, nó quay lại trước tất cả mọi người.
         Vừa đến chỗ Hừng “thọt” bị ngã nó đã kêu to thất thanh:
          - Anh Hừng bị ngã vớ đầu rồi, máu chảy nhiều quá!
          Mọi người vội vã lao đến. Cái Liên bật khóc hu hu:
          - Anh ấy… chết rồi…
          Tất cả sửng sốt hốt hoảng. Thằng Nam vội gạt cái Liên ra cúi xuống chỗ khe nước chảy ôm lấy Hừng “thọt” đang nằm im úp mặt xuống nước. Nó vội bế xốc Hừng “thọt” lên lay gọi. Hừng “thọt” vẫn nằm im đuồn đuỗn như một xác chết. Thằng Nam đặt Hừng “thọt” lên gộp đá làm động tác hô hấp nhân tạo. Rồi nó ghé tai vào ngực Hừng “thọt” nghe ngóng. Mọi người xúm quanh nín thở lo lắng. Thằng Nam ngển đầu lên kêu to:
          - Chưa chết, còn thở, tim còn đập! Phải đưa ngay anh ấy về trạm y tế xã cấp cứu nhanh lên mới kịp.
          Mọi người ồ cả lên vì mừng. Trung đội trưởng Tình liền quát to ra lệnh:
          - Thằng Nam cõng anh Hừng, cái Hường, cái Mận đi theo hỗ trợ còn lại tất cả tiếp tục công việc vận chuyển.
           Mọi người lập tức tản ra lội trở lại bên kia bờ, chỗ để các hòm đựng hiện vật, tài liệu, sách vở. Những tiếng ồn ào bàn tán, nhắc nhau phải cẩn thận hơn vì mặt trăng đã khuất phía sau ngọn núi, con đường rừng mờ mờ giữa các tán cây lá cọ. Giữa lúc đó thì lại có tiếng kêu lên hoảng hốt giữa suối:
           - Thôi chết rồi, chết rồi…
           - Có việc gì thế?
            Mấy người vội quay lại. Giữa suối, anh phó tiến sĩ đẹp trai đeo kính cận đang giơ hai tay lên kêu trời:
           - Ướt và trôi mất hết tài liệu, sách quý rồi!
           Thì ra anh này là cán bộ của thư viện quốc gia chứ không phải là cán bộ bảo tàng như cái Liên đã nói. Anh ta đang đứng cạnh cái hòm gỗ bị bung ra làm mấy mảnh giữa dòng suối cạn. Đó chính là cái hòm do Hừng “thọt” vác lúc nãy làm vỡ do ngã đập mạnh vào đá. Sách vở từ cái hòm vỡ văng ra nổi lềnh phềnh trắng cả trên mặt nước. May là mùa cạn nên nước suối không chảy xiết nên sách và tài liệu còn vướng lại ở các khe nước nhưng đều bị ướt. Anh cán bộ đeo kính cận, sau này mới biết tên là Thụy tiếp tục rên rỉ:
          - Đây toàn là các loại sách vở, văn bản ghi chép, mẫu tự từ thời nhà Nguyễn, rất quý hiếm, độc bản, đang sao chép, biên dịch mà bị ướt hết thế này, chữ viết đều bằng mực nho mà bị nhòe, không đọc được thì nguy quá! Chết… chết… các người làm ăn thật không cẩn thận gì cả…
           Trung đội trưởng Tình cũng tỏ ra rất lo lắng. Chị giục mọi người vớt gom các cuốn sách thật cẩn thận. Anh cán bộ thư viện thì nháo nhác vừa soi đèn pin tìm kiếm các khe đá vừa tiếp tục làu bàu trách cứ các chiến sĩ trung đội dân quân. Đám dân quân làng Hạ không ai phản ứng lại ngoài cái Liên. Nó lên tiếng trống không vẻ bực bội:
           - Người ngã vỡ đầu bị thương còn chưa biết sống chết thế nào kia kìa, chả lo thì thôi còn tiếc gì mấy cuốn sách cũ! Sợ ướt, sợ hỏng, sợ mất thì đi mà tự khênh vác lấy…
          Chị Nhân vội giật giật tay cái Liên:
          - Thôi mày im ngay đi cho xong chuyện!
          Cái Liên chưa hết bực. Nó đang định lên tiếng nói tiếp thì chị Tình gắt:
          - Không nói nữa! Khẩn trương tìm hết các cuốn sách và tài liệu bị trôi. Đồng chí Nhân và đồng chí Liên chạy ngay xuống phía dưới, chỗ gần ghềnh đá xem có cuốn nào bị trôi xuống dưới ấy không.
          Chị Nhân kéo cái Liên lên bờ suối để theo lối mòn chạy xuống phía ghềnh đá hạ lưu. Cái Liên vùng vằng nhưng rồi cũng chạy theo chị Nhân. Vừa chạy nó vừa bảo chị Nhân:
          - Cái đồ đỏ vỏ, đen lòng. Người bị thương chả lo, lo lắng cái con mẹ gì mấy cuốn sách vớ vẩn của cái bọn phong kiến chuyên áp bức nhân dân ngày xưa.
           Chị Nhân bảo:
          - Mày nói in ít thôi…
           - Nhưng em tức cái thằng cha cận thị lòi ấy lúc nào cũng lên mặt quan trọng. Suốt buổi hắn chỉ loanh quanh quan sát, nhắc nhở mọi người làm việc mà chả mó tay vào việc gì. Lúc vận chuyển hàng hóa vào kho mọi người khênh vác nặng nhọc thì hắn đi tay không lại còn luôn miệng đôn đốc mọi người cẩn thận kẻo hỏng ướt tài liệu, sách vở…
           Chị Nhân phì cười:
           - Sao lúc nãy mày cứ xuýt xoa khen hắn đẹp trai lắm cơ mà.
           - Thì… đúng là hắn đẹp trai thật nhưng xấu bụng, em không thèm chơi…
           - Ai cho chơi mà chơi… - Chị Nhân đùa. Cái Liên chưa hết bực:
           - Nhất định em sẽ cho cái tay “phò tiện sỉ” này một vố nhớ đời…
           - Mày cẩn thận đấy, đừng có mà làm bậy!
           Cái Liên im lặng một lát rồi nói tiếp:
            - Xong việc, em với chị lên ngay trạm y tế xã xem anh Hừng thế nào chị nhé!
           - Ừ! Hình như anh Hừng bị thương nặng lắm, máu chảy đỏ cả dòng suối tao sợ quá. Không biết có làm sao không?
           - Lúc nãy thấy anh ấy nằm úp mặt xuống nước như người đã chết rồi em cũng hoảng.
           Cái Liên nói vẻ lo lắng. Hai người không biết rằng lúc nãy do bị mệt lại vác hòm sách quá nặng, chân lại tập tễnh đi không vững nên khi qua dòng suối cạn Hừng “thọt” bị ngã đập đầu khá mạnh vào mô đá sắc, máu chảy nhiều ngất đi rồi lại bị rơi tiếp xuống khe nước gãy luôn bên chân còn lành lặn không bị thọt.
Thế là Hừng “thọt” trở thành một người bị thương đầu tiên của trung đội dân quân làng Hạ. Lúc tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên giường bệnh, đầu quấn băng kín mít, chân trái thì nẹp cứng Hừng “thọt” lo lắng nghĩ: “Không biết mình có còn tham gia dân quân trực chiến trên trận địa Đồi Ma được nữa không!”.

           (còn nữa)                                  Hà Nội, 11-2014

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét