Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 35)

 

 
       

          TRĂNG LẠNH
          Truyện dài của Trọng Bảo

           Đã lâu lắm rồi cái Liên lại mới lại được cùng chị Nhân trực chiến ban đêm trên trận địa Đồi Ma. Mấy tháng vừa rồi do mất khẩu súng CKC nên cái Liên bị đưa về tuyến sau làm công tác hậu cần và chịu sự quản lý, theo dõi rất chặt chẽ của công an. Khẩu súng tìm thấy, cái Liên cũng được trở lại trận địa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cùng anh chị em trong trung đội.
            Hai chị em nằm gác chân lên nhau rì rầm trò chuyện trong căn nhà hầm. Giống như nhiều lần trước đây, cái Liên nằm nghiêng vòng tay ôm lấy chị Nhân. Nó chợt kêu lên thảng thốt:
           - Sao... sao... ngực chị lại to lên nhiều thế này?
           Chị Nhân vội bịt miệng cái Liên lại và bảo:
           - Mày chỉ được cái hay vớ vẩn! Tao... của tao vẫn như thế thôi, có gì khác đâu. Mà mày khe khẽ cái mồm thôi, thằng Nam và thằng Biên ở hầm bên cạnh vẫn chưa ngủ đâu, chúng nó nghe thấy bây giờ!
            Cái Liên thò tay nắn lại ngực chị Nhân một lần nữa rồi thầm thì với vẻ băn khoăn:
            - Đúng mà! Đúng là to hơn hẳn... Chị và cái tay phó tiến sĩ "họ dê" kia đã làm gì nhau rồi phải không?
             Chị Nhân vội chối đây đẩy:
             - Không có... làm gì có chuyện ấy!
             - Em không tin...
             Cái Liên nói rồi lật người nằm ngửa nhìn lên nóc nhà. Đêm nay trời nhiều mây nên tuy giữa tháng song mặt trăng không lúc nào ló rạng. Trong căn nhà hầm ánh sáng mờ đục như giữa vùng sương mù. Cây đèn phòng không để trong hốc đất nhỏ ở góc nhà tỏa ra một thứ ánh sáng thật âm u, khó chịu. Nó biết chắc là chị Nhân nói dối. Cứ nhìn cái dáng đi, ánh mắt long lanh ươn ướt của chị Nhân là nó đoán biết hết mọi chuyện đã xảy ra trong thời gian nó bị quản thúc. Các cụ đã bảo: "Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó" quả là không sai. Biến đổi của cơ thể người con gái không thể dấu nổi khi họ đã yêu và đã cho và nhận. Cái Liên chợt thấy trong lòng mình có một nỗi buồn miên man cứ dâng dâng lên mãi. Nỗi buồn này khác hẳn với sự buồn bã, lo lắng khi để mất khẩu súng. Trong thời gian khẩu súng bị mất chưa tìm thấy trong lòng nó là nỗi buồn và sự sợ hãi thường trực hằng ngày rất căng thẳng, cồn cào và bức bối. Còn bây giờ thì là một sự lo lắng rất đỗi bâng quơ, một nỗi buồn man mát, miên man từ mãi trong tận sâu thẳm lòng người. Nỗi buồn này không phải của hôm nay mà như là của những ngày đang tới. Cái Liên cảm thấy hơi lo lắng cho chị Nhân, người mà nó luôn coi như một người chị gái thân thiết, một người bạn và người đồng đội. Nó linh cảm thấy một điều gì đó không an lành, không sáng trong, giống như ánh trăng đêm nay đang dần dần chuyển dịch đến gần với chị Nhân. Cái Liên chợt thấy lo lắng, bất an. Nó lật người ôm lấy chị Nhân thật chặt. Chị Nhân giật mình cố gỡ vòng tay nó ra và hỏi:
            - Mày bị làm sao thế?
            - Em thấy lo cho chị lắm!
            Chị Nhân an ủi:
            - Có việc gì mà mày lại phải lo lắng đến thế?
            - Em không tin cái tay phó tiến sĩ ấy lắm!
            - Anh ấy làm sao mà mày lại không tin?
            Cái Liên đắn đo một lát rồi bảo:
            - Thì... em có linh cảm là...
            - Mày là hay linh cảm linh tinh lắm.
            Cái Liên hỏi sang chuyện khác:
            - Nghe nói hôm trước bố mẹ đẻ của tay phó tiến sĩ ấy lên tận đây hả chị?
            - Ừ! Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật trung ương mà bố anh ấy làm hiệu trưởng, mẹ là giảng viên đã sơ tán về ở trên vùng Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang. Bố mẹ anh ấy tạt qua làng Hạ thăm con...
            - Thế hai ông bà ấy có gặp chị không?
            - Có...
            - Họ bảo thế nào?
            - Bảo thế nào là sao?
            Cái Liên sốt ruột:
            - Thì... họ có chấp nhận chị không?
            - Tại sao họ lại phải chấp nhận! Tao và anh ấy có nói chuyện gì đâu. Anh Thụy chỉ giới thiệu với bố mẹ anh ấy rằng tao là người làng Hạ, là chiến sĩ dân quân cùng đơn vị mình thôi!
             Cái Liên khẽ thở dài:
             - Chị dại quá! Sao chị không nói ra luôn với ông bà ấy để xem thái độ, phản ứng của họ ra sao chứ! Cứ ậm ừ mãi thì họ biết chị là thế nào?
             - Mày thật vớ vẩn. Sao lại nói chuyện ấy ra cơ chứ, ngượng lắm.
             Cái Liên vẻ hơi bực:
             - Nhưng hắn không nói ra, chị cũng không dám nói ra thì biết thái độ của họ thế nào. Lỡ họ không chấp nhận chị thì sao. Em nghe nói là đám con trai thành phố là chúa hay hoa lá cành...
             Chị Nhân cũng thấy hơi lo lo. Nhưng chị vẫn nói để cái Liên yên tâm:
             - Anh ấy hứa hết chiến tranh sẽ đưa tao về thủ đô thăm hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột… Nhà anh ấy gần chợ Đồng Xuân đấy!
             - Việc ấy có gì là ghê gớm! Hết chiến tranh hoặc là chả cần hết chiến tranh, hôm nào tình hình yên yên một chút, em sẽ đưa chị đi chơi Hà Nội một chuyến cho biết!
             Chị Nhân biết là cái Liên đã từng được nhà trường cho đi thăm thủ đô Hà Nội khi nó là học sinh giỏi, năm học lớp 7 giành được giải nhì môn toán toàn tỉnh. Chị nói thêm cho nó yên lòng:
             - Anh ấy hứa khi nào hết chiến tranh sẽ xin cho tao vào học tại trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật mà bố anh ấy đang làm hiệu trưởng.
              Cái Liên nghi ngờ:
             - Sao lại phải hết chiến tranh! Bây giờ trường ấy đã sơ tán về gần quê mình đây rồi. Chị nói với anh ấy xin cho đi học luôn có phải tiện không!
             - Nhưng... tao với mày lúc này còn đang là những chiến sĩ dân quân thường trực sẵn sàng chiến đấu cơ mà?
             - Vứt mẹ cái chức danh chiến sĩ dân quân ấy đi. Mà chị chả từng nói là chiến tranh mỗi người một nhiệm vụ, ra mặt trận hay ở hậu phương, đi học đều cần thiết cả. Nhiệm vụ học hành để xây dựng đất nước sau này chả rất quan trọng à. Chị có điều kiện thì cứ đi học đi, đánh nhau để bọn em. Nếu ai cũng chỉ biết hăng hái lao đầu vào cuộc chiến đấu với quân thù thì đến khi chiến thắng, lúc hòa bình rồi sẽ toàn là một đám lính trận chuyên đánh đấm, xây dựng làm ăn kinh tế, phát triển đất nước thế quái nào được?
             Chị Nhân im lặng. Cái Liên nói rất đúng nhưng để làm được như vậy không phải là dễ. Chị tin ở tình yêu. Nhưng chị cũng hiểu từ tình yêu đẹp đến với cuộc sống hạnh phúc thực tế còn là một khoảng cách rất xa.
             Chị Nhân chợt hỏi:
             - Lâu nay mày có nhận được thư của thằng Xuyên không?
             - Không chị ạ! Nghe nói bọn hắn đã vào sâu lắm rồi! Thư từ không gửi ra được nữa.
              - Mong rằng những người làng ta sẽ bình yên trở về...
              Chị Nhân nói và ôm chặt lấy cái Liên. Có một cơn gió lùa vào căn nhà hầm. Ngọn gió mang theo cái không khí ẩm ướt của trận mưa lúc ban chiều. Hình như phía thượng nguồn mưa lớn. Tiếng nước sông Phó Đáy chảy ầm ào. Thằng Nam trở dậy để xuống bến sông với lão Vận đi bắt cá. Nó nói vóng sang báo cho chị Nhân và cái Liên biết rồi tụt nhanh xuống dốc đi về phía dòng sông đang cuồn cuộn chảy...

              (còn nữa)                                   Hà Nội, 11-2014 

     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét