Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 18)

 

 


TRĂNG LẠNH
Truyện dài của Trọng bảo

Phòng đọc sách của chi đoàn thanh niên làng Hạ được thành lập. Đúng như lời hứa của anh chàng phó tiến sĩ, cơ quan thư viện quốc gia đã cho phòng đọc mượn rất nhiều loại sách báo. Phòng đọc đặt ngay tại nhà bà Thêm-mẹ liệt sĩ Hà Quang Nghĩa ở cuối xóm. Một địa điểm vừa thuận lợi, vừa an toàn. Khi có báo động phòng không, máy bay Mỹ xuất hiện mọi người có thể chạy ngay vào khe núi đá sau nhà ẩn nấp rất kín đáo và an toàn. Bà Thêm đi sơ tán ở tại lán trong rừng với thằng cháu ngoại giao toàn bộ nhà cửa cho chi đoàn và trung đội dân quân làng Hạ quản lý sử dụng. Ba gian nhà giữa được quét dọn sạch sẽ, kê thêm bàn ghế, giá và kệ để sách báo để làm phòng đọc.
          Cùng với việc cho mượn rất nhiều sách báo hay, thư viện quốc gia còn cho mượn cả cái tủ để báo, cái giá sách bằng sắt để sách. Chị Nhân được chi đoàn cử làm thủ thư. Chị được giảm bớt thời gian trực chiến, canh gác và tuần tra. Tuy thế, phòng đọc chỉ mở cửa vào thời gian nhất định trong ngày, hết sức tránh giờ cao điểm phòng không máy bay địch hoạt động nhiều để bảo đảm an toàn cho mọi người đến đọc và mượn sách báo. Độc giả chủ yếu là cánh thanh niên và đám học sinh phổ thông trong và ngoài làng Hạ. Bọn thanh niên thích truyện kiếm hiệp như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Hồng Lâu mộng, Bọn trẻ con thì ham đọc các truyện bắt gián điệp, truyện trinh thám, truyện tranh thiếu nhi. Mấy người có tuổi như lão Cống, ông đội trưởng Đạt thì thích các loại sách phổ biến kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt và các loại báo chí để theo dõi tình hình thời sự trong ngoài nước.
         Cùng với việc cho mượn sách báo lập phòng đọc, các cán bộ thư viện quốc gia còn cử người hướng dẫn, giới thiệu sách báo, tập huấn nghiệp vụ thư viện cho nhân viên phòng đọc. Phó tiến sĩ Dương Thụy thường xuyên có mặt ở phòng đọc của làng Hạ hướng dẫn, giúp đỡ chị Nhân khi thì sắp xếp sách báo lên giá, khi thì ghi chép sổ sách người mượn ấn phẩm đem về nhà đọc.
         Cuối buổi chiều, khi phòng đọc đã vắng người cái Liên mới đến lấy mấy cuốn sách chị Nhân đã chọn để dành cho nó đem lên trận địa đọc.
         Sau khi quan sát xung quanh một lượt, cái Liên mới lên tiếng cảnh giác nhắc nhở chị Nhân:
         - Chị phải hết sức cẩn thận với cái tay phó tiến sĩ “họ dê” ấy nhé! Hắn là loại không tốt đâu...
         - Mày là chúa hay đa nghi lòng tốt của người ta. Người ta nhiệt tình giúp chi niên của chúng ta như thế mà mày vẫn chưa yên tâm à?
         - Yên tâm cái gì! Chị mà không cẩn thận là sa luôn vào bẫy của hắn đấy...
         Cái Liên vừa rút một cuốn sách trên giá xem xét vừa nhìn chị Nhân vẻ nghi ngờ:
         - Tại sao hắn lại tốt với chị thế! Cho phòng đọc của chị mượn toàn là các loại sách báo hay?
         - Thì anh ấy tốt với chi đoàn và cả làng, cả xã ta đấy chứ riêng gì ai!
         Cái Liên vẫn chưa tha:
         - Hay là chị với hắn đã có vấn đề gì rồi phải không?
         - Vấn đề gì... mày chỉ được cái hay suy nghĩ vớ vẩn.
         - Vớ vẩn thế nào! Tại sao hắn lại cứ hay mò đến phòng đọc vào những lúc vắng người như thế?
         - Thì... những lúc không có người đến đọc và mượn sách anh ấy mới hướng dẫn cho chị về nghiệp vụ thư viện được chứ!
         Cái Liên ôm mấy cuốn sách vừa bước ra cửa vừa dặn lại:
         - Ấy là em cứ nói trước thế để nhắc nhở chị, kẻo rồi lại khốn... Chị nhớ là tối mai cùng em trực chiến trên trận địa Đồi Ma đấy nhé!
         - Nhớ rồi...
         Chị Nhân vừa trả lời vừa sắp xếp lại mấy tờ báo mới trên bàn. Chị hơi bực vì cái Liên tính hay đa nghi. Đúng là cái con bé này cũng thật buồn cười. Chính bản thân nó đã làm bao nhiêu chuyện tày đình chả lo lại cứ đi lo xa cho người khác. Nhưng mà sao nó cứ có ác cảm với anh phó tiến sĩ Dương Thụy mãi thế nhỉ. Hay là nó đã từng trải qua những chuyện ấy rồi nên nó biết. Chị Nhân chợt thấy chột dạ. Chị suy nghĩ lại thật kỹ thì mình với phó tiến sĩ Dương Thụy chưa có chuyện gì xảy ra ngoài hôm cùng khênh hòm sách báo anh ta lén nhìn trộm vào ngực chị. Còn hôm qua có lẽ là do vô tình khi với tay lên giúp chị xếp mấy cuốn sách vào ngăn giá trên cao nên anh ta đã chạm mu bàn tay vào ngực chị một lần. Lúc ấy vừa tắm xong, chị chưa kịp mang đồ lót nên cái cảm giác bị cọ sát vào da thịt rất rõ, khác hẳn với lần thằng Thứ ngoài ruộng bèo hoa dâu dạo trước. Từ hôm qua đến giờ chị cứ nghĩ là do anh phó tiến sĩ vô tình. Bây giờ nghe cái Liên nói thì chị lại thấy hình như có lẽ là anh ta đã cố ý thì phải. Nghĩ đến đây chị Nhân chợt thấy nóng bừng cả mặt. Chị lén đưa tay nhanh lên bóp ngực một cái để kiểm tra lại cảm giác của mình. Thôi chết, đúng là hôm qua anh ta cố tình rồi. Tuy nghĩ như vậy nhưng chị Nhân lại không thấy lo lắng mà chỉ thấy hơi lâng lâng... Chị Nhân lại vừa định đưa tay lên nắn trộm ngực mình một cái nữa thì có tiếng người:
          - Chào cô thủ thư xinh đẹp nhé!
          Chị Nhân giật mình quay lại và nhận ra đó là anh phó tiến sĩ Dương Thụy.
          Chị Nhân ấp úng chào lại. Chị đỏ mặt khi nhớ lại ý nghĩ của mình lúc nãy. Dương Thụy đang ôm theo một chồng sách báo mới. Chị Nhân vội chạy ra cửa đón chồng báo trên tay anh phó tiến sĩ. Và không biết là do chồng báo nặng hay là do vô tình bàn tay của Dương Thụy lại đụng chạm vào một bên ngực căng tròn của chị Nhân. Chị Nhân hơi giật mình vì bị bất ngờ. Chị ôm chồng báo và hơi lùi lại để tránh bàn tay mềm mại và trắng trẻo của anh phó tiến sĩ.
          Phó tiến sĩ Dương Thụy rút từ trong túi ra một cuốn sách nói:
          - Có một cuốn sách rất hay dành riêng cho em đây!
          Chị Nhân vội đặt chồng báo mới xuống bàn rồi đưa hai tay đón lấy cuốn sách của Dương Thụy. Chị lật xem bìa sách và reo lên:
          - Nhãn đầu mùa! Một cuốn sách hay quá. Em nghe nói cuốn tiểu thuyết này rất hay, cứ tìm mãi mà chưa có để đọc anh ạ.
          Phó tiến sĩ Dương Thụy giơ ngón tay lên làm hiệu vẻ quan trọng:
          - Rất hay nhưng là sách… cấm đấy! Em đọc xong trả lại cho anh ngay nhé!
          - Tại sao lại phải cấm hả anh?
          - Anh cũng không hiểu thật rõ! Chắc là có vấn đề về định hướng công tác chính trị tư tưởng, ảnh hưởng đến tình hình, nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam hiện nay. Em nhớ là đừng để ai biết anh đã cho em mượn cuốn sách này nhé!
           - Vâng ạ!
           Chị Nhân càng thấy muốn đọc ngay xem nội dung câu chuyện ra sao. Chị lật mở nhanh cuốn sách. Có một chỗ được gấp góc trang để đánh dấu. Chị tò mò mở ra và liếc đọc nhanh. Chị đỏ bừng mặt. Đó là đoạn tả cảnh anh lính vệ quốc đoàn mê đắm với khuôn ngực thanh tân của cô du kích trẻ trong một đêm trăng thanh trên sườn đê trước giờ lâm trận. Chị Nhân lúng túng gấp vội cuốn sách lại mắt nhìn lảng ra phía ngoài cửa. Phó tiến sĩ Dương Thụy đã đứng ngay sau lưng chị Nhân. Hơi thở mạnh của anh khiến mấy sợi tóc mai của chị bay bay. Dương Thụy đặt tay lên vai chị Nhân. Chị Nhân hơi co người lại nhưng không gạt bàn tay anh ra. Dương Thụy cố nín thở để trống ngực không đập dồn dập. Anh đang thăm dò phản ứng của chị Nhân. Nhưng đúng lúc Dương Thụy định đưa tay ra phía trước ôm lấy ngực chị Nhân thì có tiếng chân người chạy thình thịch vào cổng nhà. Phó tiến sĩ Dương Thụy vội lùi lại đứng cách xa chị Nhân một đoạn.
          Cái Liên vai vác khẩu súng CKC chạy ào vào vẻ rất gấp. Mặt mũi cái Liên tái nhợt đi, nó hốt hoảng gọi chị Nhân giọng lạc hẳn đi:
         - Chị ơi! Đi… đi… thôi…
         - Có việc gì thế! Mà đi đâu?
         - Sang nhà anh Luận ngay!
         Chị Nhân ngạc nhiên hỏi lại:
         - Sang bên ấy để làm gì?
         - Anh… anh… anh Luận… anh ấy đã...
         - Anh ấy về rồi à?
         - Không… anh ấy, anh ấy… hy sinh rồi, giấy báo tử vừa mới gửi về làng… Tối nay xã sẽ tổ chức lễ truy điệu…
          Chị Nhân ngã khụy xuống bậu cửa, đầu đập mạnh vào tường nhà. Cái Liên và phó tiến sĩ Dương Thụy vội nhào đến đỡ chị Nhân. Họ cùng ngồi xuống thềm một lát để định thần lại. Rồi cả ba dìu nhau thập thõm đi về hướng có nhiều tiếng người đang kêu khóc ở phía đầu làng.
         Trời đã sụp tối. Miền đồi núi trung du thường tối sớm. Trăng còn chưa lên. Con đường chính giữa làng nhập nhoạng trong màn sương mờ ảo. Những bước chân người thảng thốt cùng đi về hướng nhà anh Luận. Thế là từ buổi tối hôm nay làng Hạ có thêm một người trở thành liệt sĩ…

           (còn nữa)                              Hà Nội, 11-2014 
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét