Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 23)

 

       

         TRĂNG LẠNH
          Truyện dài của Trọng Bảo

          Suốt mấy ngày liền, công an xã và toàn thể trung đội dân quân làng Hạ lùng sục, tìm kiếm khắp nơi, rà soát từng bụi cây, ngọn cỏ, ngụp lặn mò mẫm kiểm tra từng cái ao chuôm, mương máng, hồ đập xung quanh khu trận địa Đồi Ma và khu vực xung quanh nhưng vẫn không tìm thấy khẩu CKC bị mất. Cái Liên thì vẫn bị lưu giữ, quản thúc ở trụ sở của xã để công an huyện, công an xã tiếp tục thẩm vấn, diều tra. Lần lượt từng người trong các bộ phận “nghi phạm” số 2 và số 3 cũng được gọi lên để tra hỏi. Một số đối tượng khác hay lên Đồi Ma như lão Vận nhà ở bến sông Phó Đáy, cu Tít - em trai người yêu cái Liên cũng được công an tìm đến tiếp xúc hỏi han để thu thập thêm thông tin. Tình hình xã Hòa Sơn trở nên căng thẳng, nặng nề sau vụ mất vũ khí. Mọi người nhìn nhau đầy sự nghi ngờ cảnh giác. Ra đường ai cũng trông trước, ngó sau tựa như có một tên gián điệp, một kẻ phản động đang rình mò quanh quẩn đâu đây.
           Khu vực sơ tán của ủy ban hành chính xã Hòa Sơn được công an viên các xóm lên tăng cường tuần tra, canh gác. Cái Liên được bố trí ở tạm tại một gian nhà nhỏ ẩm thấp đắp vắt lợp lá cọ trong một khe núi. Xung quanh cây cối rậm rạp. Đây vốn là nơi chuyên để nấu cơm, đun nước cho cán bộ xã. Việc cái Liên bị quản chế ở đây cũng sinh ra lắm vấn đề. Đầu tiên là công an xã phải cử người canh gác suốt ngày đêm. Rồi việc đảm bảo ăn uống, tắm giặt cho cái Liên cũng là một việc không thể thiếu. Hàng ngày bà mẹ cái Liên hoặc chị Nhân chỉ được vào khu vực này một lần để tiếp tế cho nó đồ ăn, nước uống. Bà mẹ cái Liên khóc hết nước mắt, người gầy rạc đi vì lo lắng và thương con. Cơ quan ủy ban hành chính cấp xã không có người phục vụ về hậu cần cả ngày. Một ông già đảm nhận việc phục vụ chỉ nấu nước và quét tước, vệ sinh nơi làm việc của cán bộ. Hôm nào lãnh đạo xã tổ chức liên hoan, đón tiếp cấp trên thì mới huy động chị em trong hội phụ nữ đến để nấu nướng, tiếp khách. Thường là các cán bộ xã đến trụ sở làm việc người nào ở gần thì buổi trưa về nhà ăn cơm, người ở xa thì mang theo bữa trưa ăn luôn tại nơi làm việc.
          Tình hình chiến sự căng thẳng, máy bay Mỹ hoạt động mạnh, các làng xóm sơ tán triệt để. Buổi trưa, cán bộ xã thường ở lại luôn tại chỗ làm việc cho an toàn. Việc di chuyển, đi lại ngoài đường nhiều dễ bị máy địch phát hiện. Những ngày đầu, các cán bộ ủy ban xã thường gọi nhau kéo lên hội trường rồi tập trung đồ lại cùng ăn trưa. Sau đó thì ai cũng ngại. Bởi lẽ mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Người khá giả thì có gói cơm nếp. Người trung bình thì có nắm cơm tẻ. Người hoàn cảnh gia đình khó khăn thì nắm cơm độn toàn khoai sắn. Có người tiêu chuẩn bữa trưa chỉ là vài khúc sắn luộc hoặc mấy củ khoai lang nướng. Thức ăn thì người khá thì có đôi ba miếng thịt, một quả trứng luộc, kẻ khó khăn thì chỉ chút muối vừng, hoặc là muối trắng rang mỡ. Bởi thế nếu góp lại ăn chung mãi thì người sang sẽ cảm thấy thiệt thòi và cũng ngại bị đánh giá là chơi sang, kẻ nghèo thì cảm thấy tủi thân. Ngay như xã đội trưởng Phạm Bản có hôm trong cái xà-cột bạt cũ kỹ đứt quai cũng chỉ có một cái bánh làm bằng bột sắn đen sì cho bữa trưa tại nơi làm việc. Phó chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu nhà ở tận trên thị trấn huyện. Hằng anh ngày đạp xe gần chín cây số về xã Hòa Sơn. Chiếc xe đạp phượng hoàng Trung Quốc mới tinh chỉ cần đạp nhẹ một cái đã chạy vo vo. Trong cái cặp da bóng lộn của phó chủ tịch Hiếu thường là một nắm cơm gạo mới và một cái đùi gà luộc, không thì cũng phải là một xiên chả nướng thơm phưng phức. Nếu đem góp chung với anh em cán bộ khác thì cũng thật ngại. Không phải là anh vì sợ thiệt thòi mà là sợ sẽ bị đánh giá là nhà giàu, sung sướng, ăn sang hơn người khác. Như vậy sẽ là xa rời quần chúng, thiếu tinh thần đồng cam cộng khổ. Vì thế khi đến cơ quan, phó chủ tịch Hiếu thường giấu kín cái đùi gà, xiên chả nướng ở trong tủ tài liệu. Thỉnh thoảng lựa lúc vắng khách, anh mở tủ ra làm như đang tìm tài liệu rồi cắn một miếng thịt ăn để khỏi ai nhìn thấy. Buổi trưa, anh chỉ ăn cơm nắm chấm tý muối lạc cho không quá khác biệt với các anh em cán bộ khác cùng cơ quan.
          Đó là nguyên nhân bữa trưa tại trụ sở ủy ban xã sau vài lần tập trung rồi thì của ai người nấy ăn, cố tránh gặp nhau khi đang dùng bữa. Người ngồi trong nhà, kẻ ra ngoài rừng, ven suối ăn vội vàng cho xong bữa trưa rồi ngả lưng ở hội trường, gốc cây nghỉ ngơi để lấy lại sức buổi chiều tiếp tục công việc. Thời chiến có rất nhiều việc phải làm hàng ngày đối với cán bộ cấp xã.
          Việc tiếp tục lưu giữ cái Liên ở tại trụ sở ủy ban xã lâu dài thành vấn đề phức tạp. Lãnh đạo xã đành phải tập hợp các thành phần cán bộ liên quan tổ chức một buổi họp khẩn cấp để bàn biện pháp giải quyết. Phó công an xã Vũ Sinh nêu ý kiến trước:
           - Để nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng cho cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân trong toàn xã tôi thấy cần phải giải quyết dứt điểm vụ việc này. Tôi đề nghị lãnh đạo xã nên cho dẫn giải đối tượng lên công an huyện để giam giữ điều tra.
           Xã đội trưởng Phạm Bản lập tức phản đối:
           - Vụ việc chưa rõ thế nào, chúng ta không thể làm thế được. Đây là vấn đề liên quan đến danh dự, phẩm chất, sinh mệnh chính trị của một con người, mà đó lại là phụ nữ, chúng ta nên cân nhắc cho thật thận trọng.
           Vũ Sinh phản ứng lại ngay:
           - Tội danh làm mất vũ khí đã rõ ràng rồi, còn băn khoăn đắn đo gì nữa?
           - Nhưng chúng ta còn đang điều tra, tìm kiếm, chưa xác định rõ thủ phạm…
           - Điều tra, tìm kiếm đến bao giờ nữa. Đã đào bới, tìm kiếm, lật tung từng bụi cây ngọn cỏ những nơi nghi ngờ rồi nào có thất gì đâu. Nhất định khẩu súng này đã lọt vào tay bọn phản động, bọn Việt gian, phản quốc rồi.
           - Không nên võ đoán như thế khi chưa đủ chứng cứ!
           Xã đội trưởng Phạm Bản tỏ ra bức xúc. Phó công an xã Vũ Sinh càng lên giọng khẳng định:
           - Chứng cứ rành rành ra đó, chúng ta không nên cố bao che… Tôi sợ là có người vì thiếu kiên quyết… vì… vì... nể nang… chị em phụ nữ mà sẽ lại phạm phải sai lầm…
           Phó công an xã Vũ Sinh muốn ám chỉ xã đội trưởng Phạm Bản về câu chuyện ngày xưa khi còn ở trong quân ngũ. Xã đội trưởng Phạm Bản hiểu ngay thâm ý của Vũ Sinh, anh nhấp nhổm giơ tay xin phát biểu tiếp. Phó chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu chủ trì buổi họp thấy tình hình căng thẳng vội lên tiếng:
           - Thôi! Chúng ta cũng không nên tranh cãi nhiều với nhau nữa. Bây giờ chúng ta nên bàn cho cụ thể hơn về cách giải quyết vụ việc này. Tôi đề nghị đồng chí xã đội trưởng cho ý kiến trước.
           Được chỉ định phát biểu, Phạm Bản liền đứng dậy. Anh cố nén sự bức xúc hạ giọng nói:
           - Tôi đề nghị cứ cho cô Liên trở về với trung đội dân quân làng Hạ để tiếp tục làm nhiệm vụ và cùng chị em tiếp tục tìm kiếm khẩu súng bị mất. Khi nào có ý kiến chỉ đạo của trên hoặc kết luận điều tra của công an thì chúng ta sẽ xử lý tiếp. Không nên tự ý dẫn giải người đi giam giữ.
            - Tôi… tôi… - Nghe chưa hết ý kiến của xã đội trưởng, phó công an xã Vũ Sinh bật dậy như một cái lò so. Vũ Sinh định phản đối lại ý kiến của Phạm Bản nhưng bất ngờ trong đầu lại chợt lóe lên một ý định mới, anh dịu ngay nét mặt lại rồi nói tiếp: - Thôi thế... thế cũng được! Tôi… tôi cũng xin đồng ý với ý kiến đề xuất này của đồng chí xã đội trưởng. Chúng ta nên tạo điều kiện cho cô Liên tìm cách khắc phục hậu quả, sửa chữa khuyết điểm. Cô Liên mà tự tìm thấy khẩu súng bị mất thì tốt quá, xã ta sẽ không mất thành tích thi đua năm nay…
           Mọi người dự buổi họp thở phào vì hai ông công an và quân sự xã đang từ bất đồng, căng thẳng đột nhiên lại đồng ý kiến. Suốt trong buổi họp chỉ có phó trưởng công an xã Vũ Sinh và xã đội trưởng Phạm Bản là phát biểu còn tất cả đều im lặng ngồi nghe. Họ biết, mỗi khi tình hình phức tạp, nhạy cảm, tranh cãi như thế này các cán bộ không phải chịu trách nhiệm chính nhiều khi im lặng lại có lợi hơn là phát biểu. Phó chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu kết luận:
            - Chúng ta thống nhất là sẽ cho cô Liên trở về với trung đội dân quân làng Hạ nhưng phải quản lý thật chặt chẽ, không được giao cho những công việc quan trọng như trực chiến, tuần tra canh gác, chỉ giao làm những việc thông thường như nấu cơm, nấu nước và chủ yếu ở tuyến sau, không được có mặt thường xuyên trên trận địa. Khi nào có ý kiến kết luận điều tra, ý kiến chỉ đạo của cấp trên sẽ xử lý tiếp. Đối tượng này không được đi đâu ra khỏi làng. Việc quản lý đối tượng này giao cho công an và ban chỉ huy quân sự xã chịu trách nhiệm. Hai cơ quan cần triển khai, phối hợp cụ thể, dự phòng tất cả mọi tình huống xấu nhất, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc. Nếu không có ai ý kiến thêm thì chúng ta dừng cuộc họp ở đây, mọi người giải tán về tiếp tục công việc của mình.
           Mọi người ồn ào đứng dậy đang định để trở về chỗ làm việc của mình thì ông chủ tịch xã Trần Khuông bước vào. Chủ tịch xã Trần Khuông vừa đi họp trên huyện về. Ông yêu cầu các cán bộ nán lại một phút để thông báo nhanh một việc cần cấp. Chờ mọi người liền ngồi xuống yên vị, chủ tịch xã Trần Khuông mới bắt đầu nói. Ông nói, giọng đều đều, không buồn, không vui:
           - Thưa các đồng chí! Tôi đã có quyết định của trên cho nghỉ công tác. Kể từ ngày mai, đồng chí Nguyễn Trung Hiếu sẽ đảm nhiệm chức vụ quyền chủ tịch xã Hòa Sơn. Đề nghị các đồng chí nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí quyền chủ tịch!
            Tiếng vỗ tay lẹt đẹt vang lên vì cuộc họp quá ít người.
            Ngay sau đó, các cán bộ rời khỏi phòng họp. Phó trưởng công an xã Vũ Sinh yêu cầu công an viên làng Hạ, làng Thượng và xóm Mới ở lại để triển khai gấp một số công việc cụ thể. Để mọi người ngồi yên một lúc Vũ Sinh bắt đầu vào việc. Anh nói vừa đủ nghe vì số lượng người họp ít và cũng là thói quen của một cán bộ công an luôn luôn nêu cao ý thức cảnh giác, có nhiều thông tin bí mật không phổ biến rộng rãi:
            - Vụ việc mất súng của trung đội dân quân làng Hạ là hết sức nghiêm trọng. Chúng ta không loại trừ đã có một tổ chức phản động móc nối và âm mưu phá hoại trong vụ việc này. Hiện nay ở các xã phía nam huyện ta đã nhen nhúm xuất hiện một tổ chức phản động mang tên là đảng "Bàn tay đen". Công an đã bắt được một phần tử là học sinh cấp ba giấu trong cặp sách nhiều loại giấy tờ ghi chép tài liệu về tôn chỉ, mục đích của đảng "Bàn tay đen" này. Do đó, chúng ta càng phải hết sức cảnh giác. Việc mất súng của dân quân xã ta và việc xuất hiện tổ chức phản động trên có thể có mối liên hệ với nhau...
           Ngừng một lát quan sát nét mặt và thái độ của các công an viên, phó công an xã Vũ Sinh nói tiếp:
           - Qua điều tra đối tượng Liên, người làm mất súng, đã phát hiện ra rất nhiều nghi vấn. Đối tượng này có một người cậu họ bên nhà ngoại từng đi lính khố xanh cho Pháp, sau đó lại di cư vào Nam biệt tin, mất tung tích từ lâu. Có thể tên này đi theo làm tay sai cho Mỹ-ngụy đã quay trở về miền Bắc móc nối hoạt động. Việc mất súng lần này có nhiều điểm rất đáng nghi. Tôi đang tổng hợp phân tích lại các chi tiết vụ việc. Có thể là do chính đối tượng lấy cắp. Lúc nãy trong cuộc họp tôi đã đề nghị đưa đối tượng đi giam giữ. Nhưng sau thấy việc tạm thả ra lại có lợi hơn cho việc điều tra, phá án. Công an chúng ta sẽ theo dõi thật chặt chẽ đối tượng suốt ngày đêm. Biết đâu chúng ta không những chỉ tìm thấy khẩu súng bị mất mà có khi còn phát hiện ra cả một tổ chức phản động nữa. Nếu như thế là công an xã ta sẽ lập được một chiến công vô cùng xuất sắc đấy!
            Các cán bộ công an im lặng lắng nghe phó trưởng công an xã Vũ Sinh trình bày cụ thể kế hoạch "thả con săn sắt-bắt con cá rô" của mình. Nghe xong ai cũng thấy hồi hộp, phấn chấn, muốn bắt tay luôn vào công việc điều tra phá án, tiêu diệt hết bọn phản động. Tất cả họ như đều cùng nhìn thấy một chiến công đang hiển hiện ở ngay trước mắt...

            (còn nữa)                                    Hà Nội, 11-2014 

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét