Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 33)

        

Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

       Đường về quê hắn còn rất gập ghềnh. Con đường làm bằng đất đỏ, mưa thì lầy lội, nắng lại bụi mù, lỗ chỗ những ổ trâu, ổ gà. Người ta chú ý đầu tư các tuyến đường ở vùng xuôi theo phương thức BOT để nhanh chóng thu hồi vốn. Còn các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện ở vùng sâu, vùng xa thì chưa được nâng cấp do người ta ngại đầu tư vì lâu thu hồi được vốn đã bỏ ra. Sống trong thời kinh tế thị trường người ta thường trông vào đồng tiền để làm việc nhiều hơn là nhìn vào những câu khẩu hiệu để hành động. Mặt trái, mặt phải của cơ chế như thế nào thì không biết, chỉ biết có tiền là có tất cả. Bây giờ mà cứ hô khẩu hiệu suông mãi thì chả làm được việc gì. Con người ta có thể trở nên nhân ái hay bạc bẽo đều từ đồng tiền mà ra cả.
         Mỗi khi chiếc xe xóc nảy lên chồm chồm bé Lan Hương lại reo to:
         - Phi ngựa, phi ngựa mẹ ơi!
         Nó nhớ đến chuyện cưỡi ngựa gỗ ở lớp mẫu giáo. Nó ngó ra ngoài đường rồi hỏi bố:
         - Bố ơi, cả nhà mình cưỡi ngựa đi đâu đấy ạ?
         Hắn phì cười bảo:
         - Nhà ta về quê con ạ!
         - Sao lại phải về quê hả bố?
         Hắn bí quá, không biết trả lời con gái thế nào. Thu liền giải thích:
         - Mình về thăm bà nội con ạ!
         Con bé phụng phịu:
         - Con ứ về thăm bà nội đâu! Bà nội chả bao giờ đến đón con ở lớp mẫu giáo cả. Bà nội bạn Linh, bạn Mai í ngày nào cũng đến đón rồi đưa các bạn ấy đi ăn kem đấy bố mẹ ạ.
         Hắn thấy cay cay trong khoé mắt. Con bé còn nhỏ quá nên chưa biết gì. Còn hắn thì chợt nhớ lại quãng đời khốn khổ của hai mẹ con khi hắn còn nhỏ. Bây giờ khi hắn có thể báo hiếu thì mẹ hắn đã nằm sâu dưới lớp cỏ rồi. Về thăm quê lần này hắn cũng chỉ có thể xây cho mẹ một nấm mộ thật đẹp thôi. Ngày còn sống mẹ chỉ thèm một bữa ăn ngon thôi mà chả bao giờ hai mẹ con có được. Hắn nhớ một lần câu trộm ở ao của hợp tác xã được một con cá trắm to phải đến hơn hai cân. Khi mẹ hắn đang mổ cá thì mấy ông bảo vệ và công an xóm ập vào. Mẹ con hắn bị lập biên bản để khi đến vụ phạt trừ vào mức ăn chia 5 cân thóc vì đã xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, câu trộm cá trong ao của hợp tác xã. Con cá đã xắt thành khúc lập tức bị tịch thu đưa về sử dụng làm thực phẩm bữa ăn đêm cho bộ phận công an bảo vệ thường trực. Còn sót lại một bộ lòng và nửa cái đầu cá đang rửa ở chậu nước đỏ lòm máu cá nên cánh công an, bảo vệ không biết. Bữa tối hôm ấy mẹ ra vườn cắt mấy quả chuối tiêu tước vỏ thái miếng nấu với bộ lòng và mảnh đầu cá để lấy chút chất tanh. Mảnh đầu cá còn sót chút thịt mẹ gắp cho hắn. Hắn không bao giờ quên được bữa cơm hôm ấy. Sau đó mẹ con hắn còn bị phạt trừ thêm ba cân thóc nữa. Nguyên nhân là hắn phát hiện ra tại thằng con ông đội trưởng chính là người đã hớt lẻo chạy đi báo cho bảo vệ biết chuyện hắn đã câu được con cá để họ ập vào bắt quả tang. Thằng này là một học sinh ngoan, hạnh kiểm tốt. Nó bị hắn tống cho một quả hộc cả máu mồm, máu mũi. Công an, bảo vệ lại kéo đến nhà hắn để lập biên bản phạt mẹ hắn tội để con hành hung người khác.
         Trên đường về quê trong ký ức hắn những chuyện của ngày xưa cứ hiện lên như thế. Chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui…
         Anh chủ tịch xã ra tận cổng trụ sở đón vợ chồng hắn. Mấy người hôm trước trong đoàn đại biểu lên thăm trang trại và công ty TNHH Hoàng Thu cũng đều có mặt nghênh tiếp. Họ mời hắn đi “thị sát” công trình nhà thư viện đang xây dựng. Hắn tỏ vẻ hài lòng vì vốn đầu tư của mình đã được sử dụng có hiệu quả. Anh chủ tịch xã cho biết công trình nhà thư viện sẽ được khánh thành vào đúng dịp tổ chức lễ đón danh hiệu anh hùng của xã. Hắn hứa sẽ mang về khoảng một nghìn cuốn sách để đưa vào thư viện trước khi khánh thành. Anh chủ tịch và các cán bộ xã phấn khởi lắm. Trong lúc chờ đám phục vụ làm cơm, họ dẫn hắn sang xem nhà truyền thống của xã. Nhà truyền thống cũng đã được nâng cấp, quét vôi ve chuẩn bị cho ngày lễ trọng. Anh chủ tịch hào hứng giới thiệu:
         - Xã ta có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thanh niên hăng hái lên đường vào vệ quốc quân, tham gia lực lượng chủ lực ra mặt trận, nhân dân tích cực đóng góp lương thực nuôi bộ đội, đi dân công hỏa tuyến. Đặc biệt là đội du kích của xã đã phối hợp với bộ đội chủ lực dũng cảm chiến đấu trong trận càn “Chim giẽ giun” của bọn giặc Pháp lên vùng an toàn khu kháng chiến, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, thu được nhiều vũ khí. Trong trận càn này có bốn du kích của xã hy sinh, sáu người bị thương…
         Anh chủ tich xã vẫn thao thao bất tuyệt. Về những chuyện này hồi nhỏ còn ở nhà hắn đã nghe kể và biết còn rõ hơn cả anh chủ tịch này. Nhưng hắn vẫn im lặng nghe anh ta nói.
         - Không những trong kháng chiến chống Pháp có nhiều chiến công mà trong chống Mỹ xã ta cũng có rất nhiều thành tích, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, là hậu phương của bao nhiêu chiến sĩ ra mặt trận. Hơn ba trăm thanh niên xã ta đã lên đường nhập ngũ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đấy… Có mười bảy liệt sĩ, bốn hai thương, bệnh binh, năm Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… Và, đặc biệt là ngay tại hậu phương, thanh niên xã ta cũng góp phần làm nên chiến công hiển hách… Đây, xin mời anh chị xem!
          Anh chủ tịch kéo hắn lại một cái tủ kính đặt trang trọng ở gian bên phải. Trong tủ có một bộ quân phục Tô Châu còn mới, một miếng vải dù và một tấm giấy khen. Anh chủ tịch chỉ cho hắn xem rồi nói:
          - Một lần, khi giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc trúng một toa tàu quân sự chở  đầy đạn dược, quân trang ra mặt trận. Hàng trăm thanh niên xã ta không sợ đổ máu hy sinh, họ đã dũng cảm kịp thời lao vào đám cháy cùng bộ đội cứu đạn, đưa những người bị thương đi cấp cứu. Sau trận ấy, chỉ huy đơn vị bộ đội đã về tận xã ta trao giấy khen và những tặng phẩm này đấy!
          Hắn ngạc nhiên:
          - Chuyện đó xảy ra vào thời gian nào vậy?
          - Vào khoảng giữa năm 1972… Anh chủ tịch đáp và sực nhớ ra liền gọi to: - À… à…! Thầy Tuấn, thầy Tuấn đâu rồi, mau đem ngay bản thảo cuốn lịch sử xã ta ra đây!
          - Vâng ạ!
          Một thanh niên còn rất trẻ và nhanh nhẹn, khuôn mặt sáng sủa, thông minh cầm một tập giấy in vi tính chạy đến. Anh chủ tịch xã giới thiệu:
          - Đây là thầy Tuấn, giáo viên dạy môn lịch sử được hiệu trưởng trường phổ thông trung học tăng cường cho xã để giúp đỡ thiết kế trưng bày nhà truyền thống và chắp bút biên soạn cuốn lịch sử của xã chuẩn bị cho ngày lễ đón danh hiệu anh hùng.
           Đoạn anh chủ tịch quay sang hỏi thầy Tuấn:
           - Sự kiện thanh niên xã ta dũng cảm tham gia cứu toa tàu quân sự chở đạn xảy ra vào thời gian nào nhỉ?
           - Dạ! Vào tháng 6 năm 1972 ạ!
           Hắn càng ngạc nhiên. Giữa năm 1972 khi làm thuê ở nhà ga chính hắn cũng tham gia vào việc cứu một toa tàu hoả chở đạn bị trúng bom Mỹ. Hắn đã cùng các chiến sĩ không sợ nguy hiểm lăn xả vào chỗ toa tàu bị trúng bom vác những hòm đạn có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào ra khỏi đám cháy đem ra phía ngoài cánh đồng. Hắn còn cõng một anh bộ đội bị thương đưa về trạm cấp cứu.
           Nhớ lại chuyện cũ, hắn chợt ớ người ra rồi hỏi lại:
           - Nhưng… nhưng xã Quang Lâm ta cách nhà ga tàu hoả gần nhất cũng hơn hai mươi cây số, làm sao mà ngay sau khi bom Mỹ ném xuống trúng đoàn tàu quân sự đã có ngay “hàng trăm thanh niên thanh niên của xã” đã không sợ hy sinh, dũng cảm kịp thời lao vào đám cháy cùng bộ đội cứu toa tàu chở đạn được?
            Anh chủ tịch xã cũng bày tỏ sự băn khoăn:
           - Về sự kiện này bọn chúng tôi sinh sau, đẻ muộn, khi chiến tranh vẫn còn rất bé nên cũng không biết, cũng chả có tư liệu nào ghi chép lại, chỉ có mỗi cái giấy khen này và nghe bác phó chủ tịch huyện nguyên là chủ tịch xã ta thời ấy kể lại thôi.
           Anh chủ tịch xã nói thêm:
           - Bác phó chủ tịch huyện nguyên là chủ tịch xã mình ngày ấy giờ cũng đã nghỉ hưu. Hiện bác ấy là trưởng ban biên soạn cuốn lịch sử của xã ta đấy anh ạ! Khi thảo luận về việc này tôi cũng đã hỏi. Bác ấy nói ngày ấy đúng là cũng “có một số” thanh niên của xã ta đã tham gia cứu toa tàu chở đạn ở nhà ga. Sau đó, đơn vị quân đội đã cử cán bộ tìm về tận xã ta làm việc. Chính bác ấy đã gặp và trao đổi các cán bộ đơn vị quân đội. Rồi họ mới quyết định khen thưởng cho thanh niên xã ta đấy.
           Thì ra chuyện là như vậy. Hắn chợt thấy buồn. Hắn đã bị người ta cướp mất công lao ngay từ ngày ấy rồi nhưng mãi đến tận bây giờ, sau hơn hai mươi năm hắn mới biết…
           Xem qua một lượt trưng bày trong nhà truyền thống của xã, hắn chào mọi người rồi kêu Thu và bé Lan Hương ra xe đi thăm mộ mẹ. Anh chủ tịch xã xin đi cùng. Họ đến khu nghĩa địa của xã. Trời đã quá trưa, một cơn giông đang dậy phía chân trời. Mộ mẹ hắn đã được xã cho người phạt sạch cây cỏ, đắp điếm cẩn thận. Một tấm bia đá mỏng còn mới khắc tên mẹ hắn chôn ở đầu nấm mộ. Hắn và Thu bày hoa quả và thắp hương cúng mẹ.

*
          Rời khỏi trụ sở ủy ban xã, hắn bảo lái xe đưa về làng. Họ đến chỗ từng là ngôi nhà thuở nhỏ hắn sống cùng với mẹ. Căn nhà đã đổ nát từ lâu. Bây giờ nền nhà là một bãi hoang đầy cỏ và cây xấu hổ đầy gai. Hắn đứng lặng bên cây bưởi già mà khi vẫn còn ở nhà nó mới cho lứa quả đầu tiên chua loét. Cây bưởi bây giờ thân khòng khèo, lá quăn queo, quả sần sùi bằng nắm tay. Nó cũng đã từng trải qua thời gian và sương gió.
          Bé Hương kêu buồn ngủ. Hắn bảo Thu lên xe. Chiếc xe chạy về phía cuối làng. Hắn ngạc nhiên thấy chỗ căn nhà gỗ xoan nhỏ của thằng Đang, nơi mà ngày xưa khi hắn đưa xác nó từ biên giới về bây giờ là một ngôi nhà hai tầng trông rất to và hoành tráng. Hắn bảo thằng Tâm dừng xe lại để hỏi thăm. Một ông nông dân vác cày, giong trâu đi qua bảo:
          - Vợ con thằng Đang chuyển vào tít hút trong xóm Mới ở từ lâu rồi!
          - Là ở chỗ nào ạ?
          - Thì chính là cái khu đồi bãi bỏ hoang ngày xưa mà khi còn ờ nhà chú vẫn chăn bò ở ấy đấy!
          - Cám ơn bác!
          Hắn đã biết chỗ nhà mới của vợ con thằng Đang rồi. Nhưng hắn chỉ băn khoăn thắc mắc là tại sao vợ con thằng Đang lại phải bỏ làng ra ngoài rừng ở như thế. Hắn hỏi thì bác nông dân chỉ tặc lưỡi nói: “Chuyện này lằng nhằng lắm, chú cứ ra ngoài ấy mà hỏi vợ thằng Đang thì khắc rõ...”.
           (hết phần 33)                                       Hà Nội, tháng 2-2011

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét