Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 27)

                             

Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

         Hắn tỉnh giấc trước.
         Đêm qua sau khi dâng hiến tất cả cho nhau hai người ngủ thiếp đi giữa cánh rừng khuya ngập tràn ánh trăng. Trời đã sáng rồi. Khu rừng râm ran tiếng chim. Thu vẫn còn đang ngủ rất ngon lành. Hắn se sẽ nhấc bàn tay của mình ra khỏi ngực cô gái. Thu khẽ cựa mình, ngực cô vồng lên tròn căng và đầy kiêu hãnh. Đôi mắt của hắn không thể nào rời được khoảng ngực trần như có một sức hút đầy ma lực của Thu. Đắn đo, rụt rè mãi hắn mới lại dám úp bàn tay của mình lên mỏm núi lửa nhỏ nóng rừng rực bên ngực trái của Thu. Trái tim trẻ trung của người con gái đang đập nhoi nhói trong lòng bàn tay của hắn.
          Thu chợt mở mắt nhìn hắn. Hắn hơi hốt hoảng như người bị bắt quả tang đang làm chuyện mờ ám. Hắn định rụt tay lại, nhưng Thu nhanh hơn. Cô ngồi dậy và túm lấy tay hắn giữ chặt trên ngực mình. Họ ngồi với nhau một lát như thế trước khi Thu kéo hắn nằm xuống. Hai người lại thâm nhập vào nhau thêm một lần nữa, rất sâu, rất lâu.
          Hai người mặc quần áo. Chân của Thu đã hơi đỡ đau. Cô vịn vào vai hắn rồi cố làm ra vẻ bình thường để hắn khỏi lo lắng. Hai người lần theo lối mòn tìm ra đường quốc lộ. Trong túi mỗi người đều có tiền. Tiền công làm cửu vạn họ luôn đem theo mình. Nhưng họ không dám đón xe chở khách vì lo sẽ bị công an bắt hoặc gặp phải bọn chủ hàng. Hai người đi nhờ được một chiếc xe chở củi xuôi thị xã Lạng Sơn. Hai người lên được một chuyến tàu chợ xuôi về Gia Lâm. Họ quyết định bỏ nghề cửu vạn để về trang trại Ma Gà của Thu.
          Hai người về đến thung lũng trang trại Ma Gà vào buổi chiều hôm sau.
          Thu tháo cái dây buộc cánh cổng đã mục nát. Hắn theo cô đi vào trong khu trang trại. Con đường đất đỏ lâu không có người đi rêu mọc lên xanh và ngập đầy lá cây. Những luống chè không người chăm sóc cỏ ngập cả rãnh. Ngôi nhà nhỏ lợp lá cọ, vách đắp bằng đất bị mưa gió táp vào làm sạt cả mảng tường bên trái. Sân nhà cũng mọc rậm cỏ dại và đầy phân bò, cứt người. Thu tần ngần đứng giữa sân nhìn ngôi nhà của mình. Một cảm giác tự nhiên trào dâng trong cô vừa thân thương vừa bùi ngùi hoang vắng. Thu rưng rưng nhớ đến bà, đến bố mẹ - những con người cả đời khốn khổ vì sự u mê của chính con người.
           Một lúc sau, cô như sực tỉnh nói với hắn:
           - Nhà em đây rồi!
           - Ừ.
           - Ôi! Về đến nhà rồi, thích thật!
          Cô khe khẽ reo và tự dưng phẩn chấn hoạt bát hẳn lên. Trở về căn nhà của mình nên cô thấy tự tin hơn. “Dọn nhà thôi!” - Thu nói và  đặt cái túi xuống bậc thềm đẩy cửa căn nhà bếp tìm con dao quắm vẫn giấu dưới đống tro tàn. Hắn cũng vớ được một cái xẻng cùn ở phía sau trái nhà. Hai người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Thu tìm mãi mới thấy một cái xoong nhôm méo lăn lóc ở góc bếp. Cô kỳ cọ sạch sẽ để đun nước sôi pha mỳ tôm.
          Hai người ngồi trên bậc thềm ăn mỳ tôm. Bát mỳ tôm có vài ngọn rau rừng sao mà ngon thế. Lần đầu tiên nhìn Thu lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa tối mà hắn thấy nao nao trong lòng cái cảm giác gia đình. Hắn nhớ hồi còn bé mỗi lần mẹ nấu cơm xong rồi ngồi chờ hắn về. Hắn thì mải chơi đến bữa không về để mẹ ngồi chờ cơm. Lúc ngồi xuống mâm ánh mắt mẹ thật vui khi có hai người ngồi ăn. Bây giờ hắn chợt bắt gặp ánh mắt của Thu cũng lấp lánh như ánh mắt của mẹ ngày nào khi hắn ngồi vào mâm. Dù cái “mâm” của hai người lúc này chỉ là tờ báo trải ra thềm nhà.
          Phải mất mấy ngày, hai người mới dọn dẹp xong nhà cửa, dọi lại cái mái nhà lợp bằng lá cọ thủng lỗ chỗ. Thu đi chợ đong gạo, mua mắm muối và vài thứ đồ dùng nhà bếp để nấu nướng. Khi cô đi vắng bọn trẻ con chăn trâu chui vào nhà tìm kiếm, lấy  trộm hết các thứ đồ đạc đem đổi kẹo, hoặc bán sắt vụn.
          Một buổi chiều chợt nghe có tiếng ho húng hắng ngoài cổng, Thu chạy ra. Lão Dử thầy cúng chống gậy đi vào. Lão nhìn Thu cười nhăn nhở:
          - Em đã về rồi à! Hay quá, hay quá...
          - Ông lại đến đây làm gì?
          - Ồ! Ta vẫn đến để trông coi nhà cửa, vườn tược cho em khi em đi vắng đấy! Lần này em về phải nhớ mà trả công đã trông coi bảo vệ trang trại cho ta đấy nhé!
          Nói xong lão thấy cúng dấn tới. Thu vội lùi lại. Biết là không còn con chó dữ nữa nên lão không sợ. Lão vừa giơ hai tay định ôm choàng lấy Thu thì bị kéo khựng lại. Hắn túm cổ lão thầy cúng nhấc lên như nhấc một con chó rồi thả xuống. Lão thầy cúng ngã dụi xuống góc sân. Hắn gầm lên:
          - Liệu hồn! Muốn sống thì đừng có bao giờ bén mảng đến đây nữa, hiểu không?
          Lão thầy cúng ngẩng mặt lên nhìn. Mồm lão há hốc, mặt tái dại đi khi nhìn thấy những hình xăm gớm ghiếc trên bộ ngực trần của hắn. Lão lồm cồm đứng dậy rồi vừa tập tễnh chạy ra cổng. Vừa chạy lão vừa kêu cứu:
          - Cứu… cướp... cướp... có... kẻ... cướp... 
          Tiếng của lão thầy cúng ú ớ, lập bập vì sợ hãi.
          Lão thầy cúng Hoảng Văn Dử chạy đi được một lúc lâu thì ngoài cổng trang trại lại có tiếng ồn ào. Cánh cổng làm bằng nứa bị phá tung bởi mấy cái xe máy Trung Quốc ầm ầm lao qua. Bốn người đeo băng đỏ, mang súng và công cụ hỗ trợ an ninh phóng xe máy thẳng vào tận sân nhà. Họ nhảy xuống xe và nhanh chóng triển khai việc bắt giữ tội phạm. Súng ống, dùi cui, roi điện lăm lăm. Chắc là họ đã nhận được tin của lão thầy cúng thông báo khẩn cấp có cướp xuất hiện ở thung lũng Ma Gà.
          Thu và hắn từ trong nhà bước ra. Một ông có vẻ là lãnh đạo chỉ cái dùi cui vào mặt hắn hỏi hất hàm:
          - Anh kia từ đâu đến đây?
          Trong khi ông ta hỏi thì những người còn lại nhanh chóng khép vòng vây xung quanh hai người sẵn sàng hành động nếu xảy ra chuyện chống lại người thi hành công vụ. Hắn hơi lúng túng. Thu gạt hắn ra rồi tiến lên trước nói, giọng cô dứt khoát:
          - Đây là anh Lỗi, chồng tôi!
          - Có giấy tờ gì không?
          Ông ta hỏi cộc lốc, không có chủ ngữ. Hắn lục túi áo tìm cái ví. Hắn rút từ trong ví ra một tờ giấy gấp nhỏ để trong một cái túi giấy bóng cho khỏi ướt đưa cho ông vừa hỏi. Ông này mở ra xem. Đó là tờ quyết định tha tù, thứ giấy tờ tùy thân duy nhất mà hắn có. Sau khi xem xét rất kỹ, đọc đi, đọc lại mấy lần, ông cám bộ kia đưa trả lại cho hắn tờ giấy rồi hất hàm hỏi:
          - Có thẻ căn cước hay loại giấy tờ gì khác nữa không?
          - Không có!
          Hắn đáp. Ông này nói tiếp:
          - Anh tuy đã hết thời gian quản chế ở địa phương rồi, theo luật anh có quyền tự do đi lại, tự do định cư ở địa phương khác. Nhưng về đây ở thì anh phải ra ủy ban xã để trình diện, xin đăng ký tạm trú, thường trú, làm chứng minh thư nhân dân và nếu là chồng của cô Thu thì phải có giấy đăng ký kết hôn, hiểu không?
          - Vâng...
          Hắn ậm ừ trong cổ họng. Ông này tự giới thiệu ông ta là phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, mấy người đi cùng đều là công an viên trong đơn vị an ninh thường trực cơ động của xã. Ông ta giáo huấn thêm một chập nữa về pháp luật, về tình hình trật tự an ninh của địa phương và nhắc nhở hắn phải nghiêm chỉnh chấp hành tốt đường lối, chính sách, tích cực ủng hộ địa phương, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia bảo vệ trật tự an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh…
           Hắn cố làm ra vẻ chăm chú lắng nghe ông phó chủ tịch xã thuyết giảng. Mấy lần hắn cục cựa chân tay tỏ vẻ khó chịu thì bắt gặp ánh mắt và cái lắc đầu nhè nhẹ của Thu nên đành cứ phải đứng im chịu trận. Sau một hồi nói như súng liên thanh, ông phó chủ tịch và những người cùng đi cùng lên xe rời khỏi khu trang trại. Khi ông phó chủ tịch và ba công an viên ào ào phóng xe máy đi rồi hắn và Thu lại bắt tay vào công việc dọn dẹp nhà cửa, củng cố trang trại, đào mương đưa nước suối về ruộng và rẫy cỏ cho mấy luống chè còi cọc. Thu dặn hắn phải bình tĩnh nín nhịn, mọi chuyện xảy ra cứ để cô lo.
           Sau bận hoang báo là có cướp, lão thầy cúng cũng biệt tăm. Không thấy lão lần mò vào khu trang trại Ma Gà thêm lần nào nữa. Nghe nói sau vụ triển khai lực lượng cơ động đi bắt cướp trượt ông phó chủ tịch xã rất bực. Ông cho gọi lão thầy cúng Hoàng Văn Dử lên cảnh cáo lão ta và nhắc nhở về tội mê tín dị đoan, tổ chức cúng bái trừ ma tà suýt nữa gây chết người do không đưa bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu, chữa chạy kịp thời.
          Nhưng một thời gian sau lần lão thầy cúng bị hắn đuổi khỏi thung lũng Ma Gà thì trong bản lại xuất hiện chuyện ma gà. Một gia đình có một người con gái rất xinh đẹp bị ma gà nhập vào ẩn thân để làm hại mọi người trong bản. Lão thầy cúng Hoàng Văn Dử đã cúng để giúp gia đình ấy lấy “con ma” ra khỏi người cô con gái mới mười ba tuổi. Nhưng lão ta lại làm cho cô bé ấy có một thằng người ở trong bụng. Kết cục, lão ta phải đi tù vì tội giao cấu với trẻ vị thành niên.
           Từ khi lão Dử vào tù thì trong bản, trong vùng không còn thấy có ma gà xuất hiện nữa. Con gái đẹp ra đường không còn phải ăn mặc lôi thôi, rũ cho tóc rối, lo bôi nhọ nồi, cám lợn vào mặt cho xấu xí để tránh ma nhập nữa. Hóa ra ma quỷ đều là ở con người ta mà sinh ra cả. Biết bao nhiêu người con gái xinh đẹp bị vu là bị ma nhập để rồi lại được lão thầy cúng giúp việc “trục xuất” ma ra khỏi người nhưng lại đưa thứ khác vào cơ thể. (Đoạn sau là do tác giả viết thêm, không có trong truyện: Chuyện về ma gà thì có lẽ viết mãi cũng sẽ không hết. Hồi chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, tác giả có thấy một gia đình sống biệt lập mãi ngoài bìa rừng, rất xa các làng bản. Hỏi ra mới biết hai cô con gái của nhà này bị nghi là ma gà nên gia đình họ phải chuyển nhà ra khỏi bản. Tác giả từng vào gia đình này chơi vì nhà họ ở gần trận địa chiến đấu phòng thủ của đơn vị. Bà mẹ hai cô gái khi ngồi tiếp chuyện anh em bộ đội nước mắt cứ chảy giàn giụa trên khuôn mặt đầy đau khổ. Hai cô gái nhà nọ quả là rất xinh đẹp, nước da của hai người trắng hồng, cặp mắt ướt, tròn to và sáng long lanh. Vì bị nghi là có ma gà nên hai cô gái chẳng ai lấy được chồng. Khi cuộc chiến tranh biên giới xảy ra, tác giả còn gặp hai cô ấy đem cơm, vác đạn lên chốt cho bộ đội, băng bó, chuyển thương binh về tuyến sau. Sau đó do tuyến phòng ngự của ta bị bọn địch chọc thủng, bộ đội bị thương vong nhiều, hết đạn phải rút lui, dân bản phải chạy tứ tán khắp nơi. Hết chiến tranh không gặp lại gia đình ma gà ấy nữa. Chẳng biết rồi hai cô gái nhà ấy ra sao. Thật thương xót cho những người con gái xinh đẹp mà số phận tăm tối, phải chịu hậu quả bất công của các hủ tục mê tín dị đoan).
           Lại nói về cái trang trại trong thung lũng nhỏ của Thu và hắn đang ở ấy bỗng nhiên nổi tiếng bởi được mang cái tên “Thung lũng trang trại Ma Gà”, là một nơi luôn có nhiều người lui tới. Nhưng đó là câu chuyện của những năm sau này.
                (hết phần 27)                                                 Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét