Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 30)

   
  
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

          Cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng của nhà hắn thế mà đông khách. Thu đúng là người có duyên bán hàng. Hoá ra, hắn và Thu chỉ phải bỏ một chút vốn ban đầu làm ba gian nhà cấp bốn ở cổng trang trại sát mặt đường để lấy chỗ chứa hàng hóa là sắt thép, xi-măng. Gạch ngói thì xếp luôn ngay ra vườn. Hàng hoá thì đã có các nhà cung cấp đem tới ký gửi, khi nào bán gần hết hàng thì họ mới đến lấy tiền rồi lại tiếp tục rót thêm hàng mới. Có chủ hàng gọi mãi họ mới đến nhận tiền. Thành thử kho hàng trị giá đến cả tỷ đồng nhưng toàn là của các chủ hàng đem đến chưa thanh toán.
          Việc buôn bán vật liệu xây dựng ngày càng phát đạt. Cửa hàng của nhà hắn đảm bảo vật liệu xây dựng cho cả vùng. Hắn thuê hẳn một chiếc xe vận tải nhẹ để chở xi-măng, sắt thép, gạch ngói đến tận chân công trình theo yêu cầu của khách hàng. Đơn vị thi công mặt đường đặt hàng hắn cả trăm tấn xi-măng, sắt thép để xây cầu, cống, rãnh thoát nước. Cửa hàng của hắn đều cung ứng đầy đủ. Thực ra có lúc cửa hàng của hắn gần như một trạm trung chuyển vật liệu xây dựng cho các công trình đang thi công. Nhiều xe chở vật liệu đến không kịp nhập kho đã chạy thẳng ngay đến nơi khách hàng  đang yêu cầu. Việc buôn bán phát triển nên việc ghi chép sổ sách, làm hóa đơn chứng từ nhiều nên hắn phải thuê thêm người phụ việc. Đầu tiên là có thêm một cô bé vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán chưa có việc về làm kế toán cho cửa hàng, chịu trách nhiệm quản lý sổ sách và phụ việc bán hàng cùng với Thu.
          Mọi chuyện tưởng như đang xuôi chèo, mát mái thì lại xảy ra sự cố.
          Hôm đó, cửa hàng đang nhập một xe hai mươi tấn xi-măng Hoàng Thạch thì có một toán người ập đến. Đó là đoàn kiểm tra liên ngành. Dẫn đầu lại là ông phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, người đã dẫn các cán bộ an ninh đến nhà hắn bắt cướp dạo trước. Họ gồm công an, thuế vụ và quản lý thị trường. Cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng của hắn bị họ đòi lập biên bản phạt hành chính vì kinh doanh không đăng ký, không mở mã thuế, không nộp thuế cho nhà nước… Họ đọc lên một loạt những quy định về buôn bán, kinh doanh, về việc mở công ty tư nhân. Mà chiểu theo bất cứ quy định nào hắn cũng vi phạm cả. Hắn nghe ù cả tai mà chả hiểu ngô khoai ra sao. Họ thông báo là sẽ đóng cửa cửa hàng, niêm phong cả kho hàng hóa. Hắn nổi xung lên định quát tháo, tống cổ đám người này ra khỏi cửa hàng thì cái Hà-con bé vừa được vợ chồng hắn thuê về làm kế toán kéo tay hắn vào phía trong bảo:
          - Họ nói đúng đấy chú ạ!
          - Thế thì chúng ta sai à?
          - Vâng! Cửa hàng của ta không có giấy phép kinh doanh, không có mã số, không nộp thuế là trái với các quy định của nhà nước.
          - Tao tưởng cứ có tiền thì muốn làm gì thì làm chứ! Tiền của mình chứ tiền của họ đâu?
          Con bé mỉm cười:
          - Kinh doanh buôn bán thì cũng đều phải xin phép chú ạ! Cháu thấy cô chú nên xin phép thành lập hẳn một công ty tư nhân chú ạ! Khi đó thì mình buôn bán thoải mái, hóa đơn giá trị gia tăng do chính ta phát hành, không phải mua hóa đơn khống rồi mượn danh của các công ty khác để đưa cho khách hàng nữa, không còn lo ai kiểm tra, kiểm soát, hạch sách nữa. Về việc làm hồ sơ thủ tục xin phép thành lập công ty chú cứ để cháu sẽ lo.
          - Thế à… nhưng còn việc hôm nay thì tính sao bây giờ?
          - Việc này cũng cứ để cháu lo… nhưng…
          - Nhưng gì nữa?
          - Chú cho phép cháu “chi nóng” một ít tiền và để ngoài sổ sách nhé!
          - Chi vào việc gì?
          - Dạ! Thì chi vài trăm ngàn “bồi dưỡng” cho “đoàn kiểm tra liên ngành đột xuất” này để họ vui vẻ ra về chú ạ!
          Hắn cũng chưa hiểu ra sao. Còn con bé Hà thì lại có vẻ rất thành thạo việc này. Nó mở cặp lấy ra bốn cái phong bì. Mỗi cái phong bì nó nhét vào hai trăm nghìn đồng. Bốn ông gồm phó chủ tịch xã, công an, quản lý thị trường, thuế vụ với nét mặt khó đăm đăm vẫn đang ngồi chờ để lập biên bản. Cái Hà kẹp mấy cái phong bì vào tờ báo rồi ra tiếp họ. Con bé khéo léo trấn an các nhà hành pháp rằng cửa hàng này chỉ vừa mới mở, đang thăm dò thị trường để xác định mặt hàng, nhóm hàng ưu thế nên chưa xin cấp phép kinh doanh. Khi đã định hình được mặt hàng chủ yếu sẽ lập tức xin cấp giấy phép ngay. Nó nói một thôi, một hồi. Giọng nó dẻo kẹo. Cứ theo lời nó nói thì cái cửa hàng này đang thua lỗ nặng, nguy cơ sắp phá sản đến nơi rồi. Ông phó chủ tịch xã và mấy tay phòng thuế, quản lý thị trường cũng thấy xiêu xiêu trong lòng… Họ làm ra vẻ hết sức thông cảm, chia xẻ với những người kinh doanh buôn bán nhỏ trong cơ chế thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Rồi họ nhận tờ báo có kèm theo mấy cái phong bì bồi dưỡng và kéo nhau ra về. Ra đến sân, ông phó chủ tịch xã còn cố quay lại đe:
          - Phải xin phép cẩn thận rồi hẵng tiếp tục kinh doanh nhé! Nếu không là phạm luật đấy!
          - Vâng… vâng…
          Cái Hà đáp. Vừa tiễn đoàn cán bộ hành pháp ra đến đường quay vào nó đã nhéo nhéo điện thoại: “Họ biến hết rồi! Tiếp tục cho xe đến lấy hàng nhé!”. Hắn nhìn con bé nghĩ nó đúng là một nhân tài đây. Và cũng nhờ có cái Hà mà công ty TNHH Hoàng Thu được thành lập. Tự nhiên hắn trở thành giám đốc, Thu là phó giám đốc và cái Hà làm kế toán trưởng. Công ty vẫn chuyên kinh doanh ngành vật liệu xây dựng nhưng hắn thì đã nghĩ đến một tương lai khác.
          Từ khi công ty TNHH Hoàng Thu được thành lập việc buôn bán, kinh doanh càng phát đạt, nộp thuế đầy đủ. Một hôm, ông phó chủ tịch xã lại đến. Lần này ông không dẫn theo công an, quản lý thì trường và cán bộ thuế nữa. Một anh cán bộ văn hoá xã đi cùng với ông. Họ bước vào cửa hàng. Hắn gọi con bé Hà pha nước mời khách. Sau khi vui vẻ khen ngợi việc làm ăn của công ty phát triển và tinh thần chấp hành nghiêm túc pháp luật, nộp thuế đầy đủ, đúng hạn của công ty, ông phó chủ tịch xã thông báo việc xã đang xây dựng công trình nhà văn hoá và kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vì sự nghiệp mở mang văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân địa phương. Thế là lại phải đóng góp. Hắn quyết định trích lợi nhuận ủng hộ mười triệu đồng. Ông phó chủ tịch xã và anh cán bộ văn hoá vô cùng vui vẻ ra về. Mấy hôm sau bà chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã đến, lại thêm hai triệu ủng hộ hội phụ nữ xã để xây dựng quỹ góp phần phát triển kinh tế gia đình cho hội viên. Tiếp mấy hôm sau nữa là ông cán bộ mặt trận tổ quốc đến. Lần này là quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Về việc này thì hắn sốt sắng đóng góp ngay. Hắn nghĩ đến cảnh người dân, trẻ em vùng lũ ngồi vắt vẻo trên nóc nhà giữa biển nước mênh mông chờ tiếp tế. Nhưng hắn rất bực chuyện cứ phải liên tục đóng góp vào nhiều loại quỹ vớ vẩn của xã. Cái Hà bảo hắn:
          - Không tránh được đâu chú ạ! Mình phải coi đây là một phần trong chi phí sản xuất thôi.
          - Nhưng tao chỉ bực những bọn chuyên “há miệng chờ sung” lúc người ta  khó khăn, làm ăn thất bát thì chả thấy mặt mũi ở đâu, lúc có được tý ti lợi nhuận thì lập tức nhâu nhâu bu đến kiếm ăn! Ngày trước ở bãi vàng có bọn chủ bưởng, bọn đầu gấu bóc lột “phu vàng” cũng không nhiều khoản phải nộp như thế này. Mà ngày ấy đừng hòng thằng nào thu được của tao nhé, còn bây giờ thì ai đến thu cũng được!
          Tuy vậy hắn lại bảo:
          - Khi no nhớ đến lúc đói, khi có của ăn, của để phải nghĩ đến lúc cơ hàn cháu ạ!
          - Cháu nhớ rồi ạ!
          Còn hắn thì không quên một bữa đang ngồi phụ vợ bán hàng thì có một người khách đi vào. Đó là một người đàn bà trông dáng vẻ là người lầm than khốn khổ. Nét mặt chị tiều tụy như vừa trải qua một sự cố gì nghiêm trọng trong gia đình. Thấy chị ta cứ thẫn thờ rờ rẫm bên đống tấm lợp prô-xi-măng, hắn buột miệng hỏi:
          - Chị định mua tấm lợp prô-xi-măng để về để lợp chuồng lợn à?
          Nghe hắn hỏi người đàn bà sững người rồi ngồi sụp xuống ôm mặt khóc nức nở. Hắn lúng túng không hiểu vì sao. May đúng lúc ấy Thu và cái Hà vừa đi giao hàng về. Hai người xúm lại hỏi han, an ủi người đàn bà. Khi người đàn bà nguôi nguôi, chị ta kể lại câu chuyện về cuộc đời cực khổ của mình. Chị có chồng và hai người con gái. Do không sinh được con trai nỗi dõi tông đường nên chị bị gia đình nhà chồng khinh rẻ, miệt thị. Anh chồng suốt ngày say xỉn, đồ đạc trong nhà bán hết và thường xuyên đánh đập ba mẹ con. Người mẹ không được ngồi ăn cùng gia đình. Mỗi bữa chị chỉ có lưng bát cơm cháy còn bỏ thừa trong nồi. Đã thế chị phải làm lụng quần quật suốt ngày nên người  trông gầy yếu xơ xác. Đứa con gái lớn mới mười lăm tuổi bị bố đánh mắng liên miên đã bỏ nhà ra đi, bây giờ không biết sống chết ra sao. Nghe nói nó bị bọn buôn người lừa đem bán sang Trung Quốc. Đứa con gái nhỏ đang học lớp một cũng bị bố đánh gãy tay phải bỏ học. Khi anh chồng đưa một người đàn bà khác về thì hai mẹ con họ bị đuổi ra khỏi nhà. Hai mẹ con không tiền, không chỗ nương thân. Chị đưa con chui vào một hốc đá ở tạm. Hai mẹ con nhịn đói nằm ôm nhau. Sáng ra, chị tìm đến cửa hàng bán vật liệu xây dựng định mua chịu bốn tấm prô-xi-măng để về làm một cái lán nhỏ ven đường lấy chỗ trú thân cho hai mẹ con. Chính vì nghe câu hỏi vô tình của hắn là có phải mua prô-xi-măng về để lợp chuồng lợn hay không nên người đàn bà khốn khổ đã bật khóc vì tủi thân.
          Nghe câu chuyện của người đàn bà mọi người đều ngậm ngùi. Hắn thấy căm ghét thằng chồng vô lương của chị ta. Hắn chỉ muốn đi tìm và nện cho nó một trận. Hắn bàn với Thu và cái Hà đem vật liệu giúp chị ta dựng lấy một gian nhà nhỏ, lại cho hai mẹ con ba chục cân gạo để có chút lương thực ăn qua lúc khó khăn. Câu chuyện của người đàn bà khốn khổ khiến hắn nhớ lại quãng đời trôi dạt, khốn khó của mình trước đây. Nhưng hắn là đàn ông, lại một thân, một mình nên bất cần đời, tự kiếm sống cũng dễ. Còn những người đàn bà ốm yếu, con nhỏ thì để tồn tại được không phải là đơn giản gì.
         (hết phần 30)                                           Hà Nội, tháng 2-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét