Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Truyện ngắn THẰNG BÉ ĐÁNH GIÀY VÀ CON CHÓ

    THẰNG BÉ ĐÁNH GIÀY VÀ CON CHÓ

Truyện ngắn của Trọng Bảo

Rời quê lên đến thành phố thằng An làm nghề đánh giày. Đầu tiên nó làm nghề bán báo sau đó mới “chuyển ngành” sang đánh giày. Báo giấy bây giờ chả ai mua nữa vì người ta có điện thoại thông minh, đọc báo, xem tin tức bằng điện thoại đỡ tốn tiền và cập nhật hơn. Lẽ ra tuổi như thằng An là phải hằng ngày đến lớp nhưng sau một sự cố của gia đình nó phải bỏ học. Bố bị tai nạn giao thông nằm liệt một chỗ, bé Ngân- em gái nó năm nay vào lớp 1, mẹ thì ốm yếu quanh năm vất vả với mấy sào ruộng nên nó phải nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ.
Lên thành phố thằng An ở trọ ở ngài bãi sông. Hằng ngày nó xách hòm đồ nghề vào phố đến đêm mới trở về. Gian nhà nó thuê trọ độ vài mét vuông. Một cái nệm cũ trải ngay xuống nền gạch. Nó chỉ có mặt để ngủ vài ba tiếng mỗi đêm. Có đêm, thằng An còn cùng mấy thằng “đồng nghiệp” lăn ra ngủ ngay ở một hiên nhà trong phố không về nhà trọ. Nhưng kể từ khí có con Cún thì tối nào nó cũng phải về nhà. Con Cún này thằng An nhặt được ở một bãi rác trong một đêm mưa gió. Con chó nhỏ bé ốm yếu, gầy gò, ghẻ lở, bẩn thỉu. Chắc ai đó đã ném nó đi cho đỡ vướng mắt. Con chó ướt sũng nằm bệt bên cạnh những cái túi đựng rác. Khi thằng An xách cái hòm đựng đồ nghề đánh giày đi qua con chó vội kêu lên khe khẽ vẻ cầu cứu. Thằng An dừng lại. Dưới ánh điện nhạt nhòa trong mưa thằng An nhận ra con chó nhỏ. Thằng An thận trọng tiến lại gần xem xét. Con chó khẽ vẫy vẫy cái đuôi cố gượng đứng dậy. Thằng An bảo:
- Họ vứt mày ra bãi rác hả! Thôi về bãi sông với tao nhé!
Con chó rên lên ư ử vẻ vui mừng. Nó bò lại phía thằng An. Thằng An nhặt một cái vỏ hộp các-tông đặt con chó vào rồi ôm ra bãi sông.
Về đến nhà trọ thằng An lấy giẻ khô lau cho con chó. Con chó nhỏ có vẻ hồi sức. Nó lảo đảo đứng dậy ngoe nguẩy cái đuôi thè lười liếm liếm bàn tay thằng An vẻ biết ơn. Nhưng rồi nó lại kêu lên ăng ẳng. Thằng An bảo:
- Mày nằm xuống ngủ đi. Kêu ca nhiều chủ nhà trọ họ đuổi cả hai ra đường đấy!
Con chó chỉ im được một lúc rồi lại kêu ăng ẳng mãi không thôi. Thằng An ngồi dậy lẩm bẩm:
- Chắc là mày đói quá rồi. Thôi để tao vào phố kiếm cho chút gì mà ăn. Ở nhà cấm được kêu nhiều nhé?
Thằng An vớ cái mũ rách đội lên đầu mở cửa bước ra đường. Trời đã về khuya lại mưa rắc rải mãi nên phố xá có vẻ thưa vắng. Thằng An tính mua một cái bánh mỳ nhưng không tìm thấy ai bán. Đến cuối phố chỗ gốc cây đa to có một quán ăn còn mở cửa. Thằng An nhìn thấy trên cái bàn đặt ngoài vỉa hè khách vừa ăn xong có mấy khúc xương và ít cơm thừa trong bát tô. Thằng An đắn đo mãi rồi mới tiến đến. Nó lấy một tờ gấy lau trên bàn nhặt mấy khúc xương để vào. Có tiếng quát từ trong nhà vọng ra:
- Thằng ăn xin kia. Ai cho mày vét đồ ăn thừa của nhà hàng hả?
Thằng An giật mình lúng túng nhìn vào trong quán. Một thằng bé có lẽ chỉ hơn thằng An vài tuổi bưng chồng bát đĩa đang trừng trừng nhìn thằng An. Thằng An đang lúng túng thì có một ông từ phía sau quán nghe ồn ào đi ra. Chắc đó là chủ quán, ông ta hỏi:
- Cháu đói à?
Thằng An lắc đầu ấp úng:
- Không... không phải cháu... cháu vừa mới nhặt được một con chó nhỏ... nó đang đói ạ...
Thằng bé giúp việc ở quán vội gạt đi:
- Nó nói dối đấy ông ạ!
- Mày dọn quán đi, muộn rồi...
Nói đoạn, lão chủ quán lấy một cái hộp xốp chuyên đựng thức ăn xúc một ít cơm, gắp mấy miếng thịt kho, đậu rán trong quầy đặt lên trên rồi đóng nắp lại đưa cho thằng An. Thằng An nhận hộp cơm rồi lí nhí nói:
- Cháu cảm ơn ông! Cháu chào ông ạ!
Nói xong thằng An quay đi. Lão chủ quán dặn:
- Hằng ngày cứ qua đây mà lấy cơm nhé!
Thằng An quay lại gật đầu cảm ơn lão chủ quán. Về đến nhà trọ ngoài bãi sông thằng An mở hộp cơm ra đặt trước mặt con chó rồi nói:
- Thế là mày ăn sang hơn tao gấp nhiều lần rồi đấy nhé! Suốt ngày hôm nay tao chỉ có hai ổ bánh mỳ thôi đấy.
Con chó ăn rất ngon lành hộp cơm và mấy miếng thịt, miếng đậu. Ăn no nó rên lên vẻ sung sướng. Thằng An đặt tấm bìa các-tông trải miếng giẻ khô lên trên cho con chó nằm ở góc phòng. Thằng An đặt tên cho nó là con Cún. Con Cún ở với thằng An kể từ đó. Hằng ngày thằng An đi đánh giày thì con chó ở nhà. May mà bà chủ nhà trọ là người tốt nên cho phép thằng An nuôi con Cún. Sau một thời gian, con chó được ăn no nên lông trơn chu và lớn hẳn.
Thằng An mong có một ngày đưa con chó về quê. Bé Ngân chắc sẽ vui lắm nếu có một con chó như thế này. Nhưng thằng An lại lo lắng vì đường về quê xa, tàu xe ai người ta cho đem theo chó chứ? Ngay chuyện đưa con chó vào phố tối hôm nay thằng An cũng phải tính toán rất cẩn thận. Nhặt được một sợi dây và cái vòng cổ chó bằng da cũ người ta vứt đi thằng An đem về dùng xi đánh giày đánh lại như mới. Nó sẽ đeo vòng cổ dắt con chó vào phố giống như một người dắt chó đi vệ sinh, đi dạo. Làm như vậy mới không bị bảo vệ, bị công an nhắc nhở hoặc bắt giữ mất con Cún. Việc thằng An quyết định phải mang con chó vào phố xuất phát từ một lý do tế nhị. Đó là câu chuyện hằng ngày mỗi tối khi về qua cái quán cơm trong phố lão chủ quán đều cho nó một hộp cơm có thức ăn là thịt cá cẩn thận. Hộp cơm chuẩn bị sẵn. Có hôm lão chủ quán đi vắng thì thằng bé giúp việc đưa cho thằng An. Thằng An vô tư đem về cho con Cún. Một hôm mở hộp cơm ra, thằng An thấy có hẳn cả một khoanh giò lụa. Không phải là cơm thừa? Thằng An giật mình nghĩ: “Hóa ra bấy lâu nay lão chủ quán vẫn nghĩ là mình xin cơm để ăn chứ không phải là cho chó?”. Thằng An thấy tự ái và thấy như bị xúc phạm. Kể từ hôm đó, nó tránh không đi qua chỗ cái quán cuối phố. Nó cũng không nhận hộp cơm của lão chủ quán ấy nữa. Mặc dù lão chủ quán là người tốt bụng nhưng không thể để lão ấy nghĩ mình chỉ là một kẻ đói rách, đáng thương.
Vì thế tối hôm nay, thằng An quyết định sẽ đưa con Cún vào phố. Nó sẽ dẫn con chó đến chỗ cái quán gốc cây đa cuối phố chỉ để chứng minh một điều giản dị. Đó là nó- một kẻ nghèo khổ, phải bỏ học từ quê ra thành phố đi đánh giày nhưng dứt khoát nó không phải là một thằng ăn xin, ăn bám, lợi dụng lòng tốt của người khác...
Hà Nội, trung thu 2020
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang ngồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét