Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Truyện ngắn vui NGỌC HOÀNG MẤT LƯỚI

     NGỌC HOÀNG MẤT LƯỚI

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Tình hình Covid-19 tạm lắng xuống, việc giãn cách xã hội đỡ căng thẳng hơn. Câu lạc bộ thơ của làng quyết định tổ chức một buổi sinh hoạt thật hoành tráng. Sinh hoạt xong còn có khoản “khao thơ”, đánh chén RTC (rượu- thịt chó) nữa. Thời gian cách ly dài, các cụ ở nhà có nhiều thời gian sáng tác thơ. Nhiều cụ viết được mấy chục bài nhưng lại không được đọc, được bình cho mọi người nghe nên cảm thấy rất ức chế. Các nhà thơ chuyên nghiệp làm thơ rồi đăng báo lấy nhuận bút, các thi sĩ làng thì thơ làm ra không được đọc thì chẳng biết để làm gì. Thơ sáng tác ra là phải đọc lên cho mọi người cùng nghe thì mới thăng hoa chứ thơ cấp làng xã viết xong để đấy thì còn gọi gì là thơ ca nữa?
Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ rủ ông Tô cùng ra đình dự buổi sinh hoạt thơ. Ông Tô không muốn đi vì ông vốn là giáo viên dạy toán nghe thơ nhiều không hiểu lỡ có cụ thi sĩ làng nào đọc thơ xong xin ý kiến mà nói không đúng “ý thơ” của tác giả thì nguy to. Lão Cốc như đoán được sự do dự của ông Tô liền bảo:
- Hôm nay rất nhiều cụ sẽ lên đọc thơ, có cụ còn đăng ký đọc đến ba, bốn bài, không còn thời gian để bình thơ nữa đâu ông đừng ngại!
Ông Tô mỉm cười:
- Vậy thế hôm nay ông sẽ đọc mấy bài thơ?
- Tôi chỉ đọc một bài ngắn.... rất ngắn thôi... hi...
Ông Tô ngạc nhiên:
- Sao ông lại chỉ đọc một bài ngắn thôi?
- Thì... thời gian qua tôi bận quá nên không viết được... nhưng một bài thơ hay hơn vạn bài thơ nhạt đấy ông ạ!
Ông Tô gật gù:
- Đúng vậy! Tôi thấy trên mạng xã hội có ông ngày nào cũng đăng thơ, đánh số thứ tự đến hàng trăm, hàng ngàn bài. Họ viết thơ nhiều như sản xuất nhân bản ấy... nhưng...
Lão Cốc hỏi:
- Nhưng làm sao?
- Thì bài nào cũng na ná giống nhau, đọc thì cứ thấy như sinh đôi, sinh ba, sinh bốn, anh em một nhà cùng da cùng thịt ông ạ...
- Xin ông phân tích cụ thể xem như thế nào?
- Thì... như mùa thu chẳng hạn, nhà thơ sáng tác đủ các chủ đề: Thu đến, thu ngẫu, thu tàn. Mùa đông thì: Đông đến, đông thẳm, đông tan... mùa xuân, mùa hạ cũng na ná như vậy. Về tình yêu thì hết tình gần lại tình xa, tình nồng, tình ấm, tình lạnh, tình xưa... đọc cứ thấy ù cả đầu. Giá mà các nhà thơ thay vì sáng tác hàng trăm, hàng ngàn bài thì làm lấy vài chục bài thật hay, thật đẹp, thật đắt thì tốt quá?
Lão Cốc vỗ đùi:
- Ô... nghe ông phân tích thì đúng ông là một “nhà phê bình” thơ ca thật sự rồi... Mời... mời ông ra đình cùng dự buổi sinh hoạt với câu lạc bộ thơ ca làng ta nhé!
Ông Tô ngần ngừ rồi đột nhiên hỏi:
- Bài thơ hôm nay ông sẽ đọc là thơ gì thế?
- Tôi sẽ đọc bài thơ “Ngọc Hoàng mất lưới”...
- Sao lại “Ngọc Hoàng mất lưới”? Là thơ trào phúng à?
- Đúng vậy! Tôi đọc trước cho ông nghe nhé?
Ông Tô chưa kịp phản đối thì lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đã sang sảng đọc:
“Ngọc Hoàng bị mất lưới trời
Cho nên nhiều kẻ tươi cười như hoa,
Người buôn chổi đót làm nhà,
Xây nên biệt phủ nguy nga một vùng,
Thằng làm biệt thự to đùng
Nhờ là đêm chạy mấy vòng xe ôm
Người kỷ luật nhẹ như rơm
Bởi vì thời hạn không còn nữa đâu?
Lưới trời lồng lộng trên đầu
Sao mà tội phạm kéo nhau ra ngoài.
Hay là lưới bị mất rồi?
Ngọc Hoàng xin hãy kịp thời kiểm tra...”.
Ông Tô nghe lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đọc xong bất ngờ ngẫu hứng buột miệng ứng khẩu đọc nối tiếp luôn:
“Lưới trời tuy thưa, tuy xa
Nhưng bầy tham nhũng khó mà thoát thân,
Vì còn tai mắt nhân dân
Luật đời nhân- quả rất gần quanh đây...”.
Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ trố mắt nhìn ông Tô. Lão nghĩ: “Hóa ra ông này cũng là một nhà thơ, vậy mà không chịu ra nhập câu lạc bộ thơ của làng mới lạ chứ?”.
Hà Nội, 14/9/2020
TRỌNG BẢO
Hình ảnh có thể có: bầu trời, ngoài trời và nước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét