Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Tản văn RA PHƯỜNG MÀ HỎI


RA PHƯỜNG MÀ HỎI
Đầu buổi sáng, đang trồng phong lan ở vườn quê thì tôi nhận được hai cuộc điện thoại. Nhà báo Ngô Văn Học, nguyên Tổng biên tập Báo Quân khu 1 vừa điện thoại cho tôi đề nghị gửi cho anh những ghi chép về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 2-1979 để chọn in trong một cuốn sách về chiến tranh xong thì tôi nhận được cuộc điện thoại thứ hai. Đó là điện thoại của một cán bộ hội cựu chiến binh. Anh thông báo:- Hồ sơ đề nghị tặng huân chương của ông làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới phía Bắc không đủ điều kiện khen thưởng, phường đã trả lại rồi nhé!Tôi vội hỏi lại:- Tại sao lại không đủ điều kiện?- Thì theo ông khai ông có đủ thời gian 3 năm nhưng lại không liên tục nhé!Thì ra vậy. Tôi công tác ở tuyến 1 biên giới phía Bắc từ đầu năm 1978 đến gần hết năm 1979, sau đó đi học nhưng hơn ba năm sau, đến giữa năm 1984 lại lên lên nhận công tác Quân đoàn 14 làm cán bộ đại đội một đơn vị ở khu vực cửa khẩu Chi Ma, Lộc Bình, Lạng Sơn. Thời gian này chiến tranh vẫn nổ ra rất ác liệt ở Vị Xuyên, Hà Giang và ở bình độ 400 Cao Lộc, Lạng Sơn. Ở khu vực cửa khẩu Chi Ma bọn Trung Quốc vẫn tung thám báo qua biên giới và bắn cối sang khu vực Bản Chắt, Đình Lập ngay sát khu vực đại đội tôi phòng ngự.Do tôi đã có ba năm ở tuyến 1 biên giới nhưng không liên tục nên không đủ điều kiện để tặng huân chương... Anh cán bộ cựu chiến binh giải thích thêm:- Phường trả lời rằng: Nếu tổng thời gian 3 năm mà có giãn cách dưới 6 tháng thì có thể chấp nhận được, đằng này ông lại rời biên giới đi học những gần bốn năm thì không được đâu?Tôi cố vớt vát:- Nhưng khi chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979 nổ ra tôi ở trận địa cách cửa khẩu Bình Mãng (Hà Quảng, Cao Bằng) có 300 mét và trực tiếp chiến đấu trong vòng vây quân địch suốt một tháng trời đấy!Tiếng anh cán bộ cựu chiến binh nói khá rành rọt trong máy:- Tôi cũng đã trình bày nội dung báo cáo này của ông rồi, phường họ bảo chiến đấu trực tiếp hay không chiến đấu không quan trọng (?). Theo đúng quy định là cứ phải có đủ thời gian ba năm công tác liên tục ở tuyến 1 biên giới. Nếu không liên tục thì chỉ “linh động” chấp nhận được là thời gian gián đoạn chỉ dưới 6 tháng thôi... Tôi hơi to tiếng vì bức xúc:- Thế tôi chiến đấu trực tiếp thực sự ở biên giới, còn giấy chứng nhận đây mà lại không được khen thưởng gì à?Anh cán bộ cựu chiến binh cũng có vẻ bức xúc:- Ông còn thắc mắc gì thì cứ ra phường mà hỏi nhé!Tôi và anh cùng tắt máy. Tôi biết anh cán bộ hội cựu chiến binh vốn là một người lính chống Mỹ, rất tận tình trong công tác hội, anh đã cố gắng hết sức rồi. Và các cán bộ phường chịu trách nhiệm về việc tổng hợp khen thưởng cho người có công trong kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng không phải là đã gây khó dễ gì. Họ chỉ làm đúng theo như quy định trong thông tư của cấp trên gửi xuống thôi. Họ cũng đã “linh động”, ưu ái những người lính chiến rồi còn gì. Tôi cũng đã xem qua các tiêu chuẩn, quy định ấy rồi. Khen thưởng, tặng huân huy chương thì phải có tiêu chuẩn rõ ràng như thế mới khen thưởng đúng được. Đây như là tặng huân chương niên hạn thôi, cứ ở tuyến 1 biên giới đủ thời gian là sẽ được tặng huân chương, không phải là huân chương chiến công theo đúng nghĩa của nó. Hiểu như vậy nhưng tôi vẫn thấy trong lòng dâng dâng lên một nỗi buồn sâu thẳm. Tuy không được tặng huân chương nhưng tôi còn hạnh phúc gấp vạn lần những người đồng đội hiện đang nằm dưới cỏ. Họ đã chết để cho chúng tôi được sống đấy. Chính sách, quy định vẫn còn nhiều sự bất cập, người có công thực sự chưa chắc đã được khen thưởng, người huân chương đầy ngực nhưng chưa chắc đã có công? Tôi chợt nhớ dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội 22-12 năm ngoái. Tôi được mời lên quận dự buổi gặp mặt vì là quân hàm đại tá nâng lương lần 2. Lúc về qua đầu ngõ thấy tôi mặc lễ phục đeo quân hàm, cuống huân chương rất trịnh trọng một ông già mặc quần đùi, áo lót, tay đầy dầu mỡ xà phòng đang rửa xe máy liền bảo:- Kỷ niệm ngày thành lập quân đội, thành phố gặp cấp tướng, quận gặp cấp đại tá nâng lương lần 2, phường gặp từ cấp thiếu tá đến cấp đại tá nâng lương lần 1, còn cấp đại úy trở xuống đến hạ sĩ quan binh sĩ thì chả thấy ai gặp gỡ chúc mừng cả...Tôi lặng người nhìn ông già rửa xe. Đúng là như vậy. Thành phố gặp cấp tướng thì tôi không biết tặng quà thế nào, quận gặp các đại tá nâng lương lần 2 tặng mỗi người 500 ngàn đồng, phường gặp từ cấp thiếu tá đến cấp đại tá nâng lương lần 1 tặng quà 200 ngàn đồng. Đấy là tùy từng địa phương, nơi nào kinh tế khá thì như vậy còn kinh tế kém phát triển thì tặng ít hơn. Nghe nói có nơi đồng nhất là 50 ngàn đồng mà cũng không phải là cho tất cả các cựu chiến binh. Tôi biết, ông già chuyên rửa xe máy đầu ngõ này vốn là một thiếu úy đặc công, một người lính chiến rất dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ. Ông mong có một cuộc gặp gỡ đến cấp binh nhì để được đeo lại những tấm huân chương và gặp lại những người bạn chiến đấu cũ...Sắp kỷ niệm 42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 2-1979, tôi sẽ đăng lại tiểu thuyết CƠN LŨ ĐEN để nhớ về những người đồng đội và những ngày chiến đấu đầy hy sinh gian khổ ấy.
Hà Nội, ngày 2/9/2020

TRỌNG BẢO








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét