Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 6)

TRĂNG QUÊ (phần 6)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: Nguyễn Lê, ngoài trời

Xã đội trưởng Phạm Bản vốn là một thượng sỹ quân đội về phục viên. Thế nên anh có ít nhiều vốn kiến thức về quân sự, khi tình huống khẩn cấp xảy ra biết cách xử trí có hiệu quả nhất. Tỷ dụ như vụ việc người dân gây rối, ngăn cản việc dân quân đang triển khai làm trận địa hôm nay chẳng hạn. Nếu anh không xử trí kịp thời mà xảy ra xô xát đổ máu thì thật nguy hiểm, lực lượng dân quân và cả xã nữa sẽ mất thành tích thi đua như chơi. Đang lúc thời chiến khẩn trương thế này lơ là một chút là xôi hỏng bỏng không. Lo cho thành tích chung, xã đội trưởng Phạm Bản còn lo đến hậu quả xa hơn nếu lĩnh vực quân sự mà anh phụ trách xảy ra sự cố. Hiện xã đang khuyết một chân phó chủ tịch. Ông phó chủ tịch xã vừa được điều lên huyện làm trưởng phòng nông nghiệp vì anh này vốn là dân tốt nghiệp đại học ngành kinh tế. Chức phó chủ tịch ấy đang tìm chọn người. Thời chiến lãnh đạo thường có thiên hướng về cán bộ quân sự. Phạm Bản hy vọng vào vị trí ấy, là phó chủ tịch kiêm luôn chức xã đội trưởng. Chính vì thế nên anh luôn thể hiện sự cố gắng, trách nhiệm, năng nổ, xốc vác trong mọi công việc để lấy lòng lãnh đạo, tạo niềm tin với quần chúng. Việc đôn đốc, tổ chức xây dựng trận địa phòng không, huấn luyện và chiến đấu bắn máy bay Mỹ của trung đội dân quân làng Hạ do đích danh chủ tịch ủy ban hành chính xã Trần Khuông giao cho khiến xã đội trưởng Phạm Bản thêm hy vọng.
Lẽ ra ngay trong quân đội Phạm Bản có thể phát triển tốt. Vì anh là một người có năng lực.
Khi còn tại ngũ đơn vị anh đóng quân ở vùng đồi núi Đại Từ, Thái Nguyên. Phạm Bản là một cán bộ trung đội năng nổ, tháo vát, chỉ huy huấn luyện, quản lý bộ đội đều giỏi. Anh là cán bộ khung A, chuyên làm nhiệm vụ huấn chiến sĩ mới ở miền Bắc sau đó giao quân cho các cán bộ khung B đưa vào miền Nam chiến đấu rồi lại nhận đợt chiến sĩ mới khác huấn luyện tiếp. Cứ như thế, khung A huấn luyện, khung B đưa bộ đội ra trận, hết lớp này đến lớp khác như một guồng quay không ngừng nghỉ của các đơn vị quân đội thời chiến tranh chống Mỹ. Trong cái vòng quay ấy cũng có nhiều cán bộ khung A chuyển thành chỉ huy khung B vào miền Nam chiến đấu nhưng Phạm Bản thì vẫn cứ ở khung A mãi. Cấp trên đã có ý định cử anh đi học đào tạo tại trường quân chính quân khu để phát triển lên ngạch sĩ quan, làm cán bộ cấp đại đội. Anh được dự báo việc chuẩn bị đi học. Trong khi chờ đợi đi học khóa đào tạo vào năm học mới của trường quân chính thì có một sự cố khiến cuộc đời Phạm Bản bước sang một khúc ngoặt khác. Đó là thời gian cấp trên giao cho đơn vị khung A của Phạm Bản huấn luyện một lớp chiến sĩ mới toàn là nữ. Lớp chiến sĩ nữ này sau khi huấn luyện sẽ được đưa về các đơn vị thông tin, quân y.
Những cô gái trẻ măng, có người vừa mới tốt nghiệp phổ thông là xung phong vào bộ đội. Trong những cô gái trẻ trung căng đầy sức sống về trung đội Phạm Bản nổi lên một thiếu nữ rất đẹp và duyên dáng. Ngay lúc đầu gặp nàng, Phạm Bản đã sững sờ, mê mẩn. Nàng thật là đáng yêu. Tính tình, giọng nói, tiếng cười của nàng khiến anh như bị hút mất hồn. Không hiểu từ lúc nào, Phạm Bản đã thấy vô cùng yêu mến nàng. Một tình yêu hoàn toàn đơn phương nhưng đầy tự tin. Anh tin ở mình vì vừa tài hoa, vừa đẹp trai, lại là người chỉ huy trực tiếp của nàng. Phạm Bản luôn ưu ái, nâng niu, giúp đỡ nàng, khi huấn luyện, lúc hành quân hay lao động vào rừng lấy củi. Khi huấn luyện anh tận tình hướng dân, giúp đỡ nàng. Lúc hành quân anh mang giúp nàng bao gạo. Ngày nghỉ vào rừng lấy củi anh giúp nàng chặt cây… Anh dành cho nàng những món quà nhỏ, một bánh xà-phòng thơm, một phong lương khô 701.
Hình như Ngọc-tên người nữ chiến binh xinh đẹp nhất trung đội cũng hiểu được tình cảm mà người chỉ huy dành cho mình. Cô cũng thấy thinh thích khi thấy được quan tâm. Thân gái xa nhà, chiến tranh chả biết tương lai sẽ thế nào, được sự quan tâm là thấy yên lòng. Những lúc tập bắn thấy trung đội trưởng cứ dán mắt vào cái cổ áo chùng xuống của mình ban đầu cô cũng ngại ngùng, xấu hổ. Nhưng sau dần dần cô cũng thấy thinh thích. Có lần khi Phạm Bản đang đứng sát bên cạnh, cô còn làm động tác cúi xuống chuẩn bị nằm bắn để lộ cả một khoảng ngực áo sâu hun hút thấp thoáng hai vòng tròn nõn nà, căng mọng khiến cho khẩu lệnh của trung đội trưởng hơi run run.
Phạm Bản say mê trong công tác lại chiếm được cảm tình của một nữ chiến sĩ xinh đẹp nhất trong đơn vị khiến cho có người luôn luôn theo dõi, để ý. Người đó chính là tay trung đội phó của anh. Thực ra, tay trung đội phó tên là Lê Thanh Tục này không phải là ghen tỵ với việc Phạm Bản được đám tân binh nữ xúm quanh mà hắn ghen tỵ với tài năng của anh. Lẽ ra cái xuất đi học sĩ quan tại trường quân chính quân khu phải thuộc về hắn. Ông chú là cán bộ ở phòng tác chiến quân khu đã nhăm nhe dành cho hắn. Chẳng may, ông ta chưa kịp xuống làm việc với đơn vị thì bị trúng bom ở cầu Gia Bảy khi đang kiểm tra đơn vị chiến đấu bắn máy bay Mỹ bảo vệ cầu. Ông chú chết, chẳng còn người nâng đỡ, khi xét duyệt cử người đi học sĩ quan ai còn để ý đến hắn nữa. Nay thấy việc trung đội trưởng Phạm Bản quấn quýt bên cô chiến sĩ mới hắn cảm thấy hình như thời cơ dành cho mình đã đến. Lê Thanh Tục luôn để mắt đến trung đội trưởng của mình và theo dõi chặt chẽ đám nữ binh. Về chức trách thì hắn là cấp phó và còn là bí thư chi đoàn thanh niên. Phạm Bản vô tư, không biết mình đang đi vào một cảnh huống đặc biệt. Khi đơn vị chuẩn bị kết thúc thời gian huấn luyện cho các chiến sĩ nữ thì tình huống ấy xảy ra. Đó là đêm trước khi các chiến sĩ nữ chia tay nhau để về các đơn vị mới.
Đêm cuối tháng. Ánh trăng mùa thu cũng mỏng và lạnh. Đơn vị huấn luyện tân binh đã yên ắng mặc dù đêm nay các chiến sĩ được thức khuya hơn sau bữa liên hoan để ngày mai và những ngày tếp sau đó có các chiến sĩ nhận nhiệm vụ về đơn vị mới. Khi trung đội đã tắt đèn đi ngủ một lúc lâu, không còn tiếng rì rầm ở các lán trại thì trung đội phó Lê Thanh Tục se sẽ ngồi dậy. Hắn vớ khẩu AK và chiếc đèn pin nhẹ nhàng đi ra ngoài. Không phải là đi kiểm tra đơn vị hay đốc gác mà hắn lên nhà chỉ huy đại đội. Lê Thanh Tục gõ cửa phòng đại đội trưởng.
- Ai đấy! - Trong nhà có tiếng người hỏi.
- Báo cáo đại đội trưởng! Em là Lê Thanh Tục, trung đội phó trung đội 3 đây ạ!
- Có việc gì thế?
- Báo cáo! Có chuyện rất khẩn cấp ạ!
Đại đội trưởng Thiêm vội mở cửa. Trung đội phó Lê Thanh Tục thì thào thông báo tình hình. Đại đội trưởng hốt hoảng quát:
- Phát lệnh báo động tập hợp toàn đơn vị ngay!
Trung đội phó Tục vội ngăn đại đội trưởng:
- Không nên phát lệnh báo động! Làm như vậy thì không bắt được quả tang đâu ạ!
Đại đội trưởng Thiêm ớ người:
- Đúng vậy!
Đại đội trưởng Thiêm vội quay vào trong nhà lật gối lấy khẩu súng ngắn và chiếc đèn pin, gọi thêm một chiến sĩ liên lạc rồi hạ lệnh tiếp:
- Đi theo tôi ngay. Nhẹ nhàng thôi kẻo thấy có động họ bỏ chạy mất.
Phó trung đội trưởng Lê Thanh Tục xách súng vọt lên trước dẫn đường. Ba người chạy lên phía đỉnh đồi có những bụi cây sim, cây mua lúp súp. Họ không chiếu đèn mà mò mẫm theo ánh trăng mờ đi theo lối mòn ngược dốc.
Đến mé đồi phía đông ba người dừng lại thì thào hiệp đồng xử lý tình huống.
Bất ngờ cả ba chiếc đèn pin bật sáng soi rõ một khoảng đồi dưới gốc gây màng tang. Dưới ánh đèn, họ nhìn thấy hai người đang nằm bên nhau. Bàn tay của trung đội trưởng Phạm Bản còn luồn trong ngực áo của người nữ chiến sĩ xinh đẹp nhất đơn vị. Còn bàn tay của nàng thì đang nắm chặt một nhành cây sim. Hai người vừa thiếp đi một lát sau những phút ái ân và dồn toàn bộ sức lực cho nhau. Trên khuôn mặt hai người còn vấn vương sự rạng ngời sung sướng, thoả mãn. Đôi uyên ương đang chìm trong miên man chợt giật bắn người khi ánh đèn pin dọi sáng rực và một tiếng thét vang: “Nằm yên. Không được cử động!”. Theo phản xạ tự nhiên, cả hai nhoáng nhoàng bật ngồi dậy. Trung đội trưởng Phạm Bản rút vội tay ra khỏi ngực áo của người nữ chiến sĩ. Còn Ngọc thì lập cập cài lại khuy áo. Hai người đều hoảng hốt vì bị bắt quả tang. Rồi, cả hai bước líu ríu bên nhau trước mũi súng của đại đội trưởng Thiêm và trung đội phó Lê Thanh Tục. Họ bị dẫn giải về doanh trại như những kẻ phạm tội. Mà như vậy thì đúng là phạm tội nghiêm trọng rồi. Cùng với việc bắt quả tang, đại đội trưởng Thiêm và trung đội phó Lê Thanh Tục còn thu được tang vật là chiếc xu-chiêng màu đỏ chói vướng một cành cây sim.
Ngay sau đó là những cuộc kiểm thảo triền miên, hết chi đoàn lại đến trung đội, đại đội. Ngọc gầy rộc đi. Đôi mắt rất đẹp của nàng thâm quầng vì những đêm ngồi viết tường trình và kiểm thảo.
Trung đội phó Lê Thanh Tục chủ trì các buổi sinh hoạt của trung đội và của chi đoàn để kiểm điểm hai người. Anh ta đề nghị lên trên xét hình thức kỷ luật loại ngũ cả hai. Việc có thể sẽ phải trở về quê hương trong lúc cả nước đang hướng ra tiền tuyến không khác gì những kẻ đào ngũ khiến cả hai đều vô cùng hốt hoảng. Ngọc khóc đến cạn nước mắt. Trong khi chờ trên quyết định hình thức kỷ luật Ngọc bị đưa xuống bộ phận nuôi quân chuyên chăn lợn sau đó chuyển vào đơn vị công binh tuyến lửa. Trung đội trường Phạm Bản bị giáng chức và thuyên chuyển sang đội sản xuất gồm chủ yếu là những phần tử "Bê quay" đang lao động dọn dẹp lòng hồ núi Cốc. Gần một năm sau thì anh được ra quân.
Về địa phương do có vốn kiến thức quân sự nên Phạm Bản được gọi vào lực lượng dân quân. Dần dần với sự phấn đấu, công tác tốt lại có khả năng chỉ huy anh được đề bạt lên làm cán bộ quân sự cấp xã. Một lần đi dự lớp tập huấn phòng không nhân dân ở trên tỉnh Phạm Bản bất ngờ gặp lại người cùng đơn vị cũ thời anh còn ở Thái Nguyên. Hôm ấy, sau khi nghe giới thiệu về nguyên tắc tổ chức trận địa bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh, đến giờ giải lao mọi người tản vào các gốc cây có bóng mát ngồi nghỉ. Phạm Bản đang đi cùng anh xã đội phó ở xã bên thì chợt có ai đó vỗ bộp vào vai nói:
- Chào đồng hương...
Phạm Bản quay ngoắt lại. Đó là một sĩ quan đeo quân hàm trung úy, khẩu súng ngắn đeo sệ bên hông, cái xà-cột da đen khoác chéo qua vai. Phạm Bản nhận ra ngay đó là Lê Thanh Tục - cấp dưới của mình khi anh còn ở trong quân ngũ. Vẫn cái bản mặt đen đen, đôi mắt hum húp và cái mũi sần sùi. Chỉ có khác là bây giờ trông hắn có vẻ oai vệ hơn, không dúm dó như thời ở khung A huấn luyện tân binh trên đất Đại Từ, Thái Nguyên. Sau vụ có công phát hiện, theo dõi giúp chỉ huy đại đội bắt quả tang “gian phu-dâm phụ” nên Lê Thanh Tục được cử đi học tại trường quân chính quân khu. Xuất đi học sĩ quan ấy lẽ ra là của Phạm Bản. Ra trường, Lê Thanh Tục về công tác tại ban dân quân của tỉnh đội. Lê Thanh Tục ưỡn ngực giơ thẳng cánh tay phải ra.
Phạm Bản không bắt tay Lê Thanh Tục mà lập tức quay đi. Lê Thanh Tục bị bẽ mặt trước nhiều người song vẫn cố vớt vát nói vóng theo:
- Cái đồ… đồ chết vì gái… lại còn sĩ…
Câu nói ấy của Lê Thanh Tục cứ đeo đuổi Phạm Bản mãi. Đúng là nhiều người chết vì gái. Lẽ ra Phạm Bản có thể thăng tiến xa rồi nếu không xảy ra vụ đồi sim năm ấy. Hóa ra cái thứ ấy của đàn bà ghê thật. Nó có thể làm cho nhiều người "rụng mất sao, cào mất gạch, cách mất chức” chứ chẳng phải chuyện đùa. Vậy mà ai cũng thích đụng chạm vào "cái ấy" của chị em cho dù có mất hết. Bây giờ phụ trách trung đội dân quân cũng toàn là gái thế này khiến xã đội trưởng Phạm Bản lại nhớ đến chuyện thời quân ngũ không xa…
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015


ThíchHiển thị thêm cảm xúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét