Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 3)


        
           NGŨ  QU
           Truyện dài của Trọng Bảo
             

            Dòng sông Đáy con chảy đến đầu làng Vực thì bị bẻ gập lại. Luồng nước chảy rất xiết đâm thẳng vào một mỏm đá chồm hỗm như hình thù giống như một con cóc sù sì nhô đầu ra giữa sông. Dòng nước ùng ục bật trở ngược lên phía thượng nguồn một đoạn rồi mới có lối chảy thoát được về phía hạ lưu.
          Ngay phía trên mỏm đá hình con cóc ấy có một cây đa cổ thụ có dễ tuổi đã máy trăm năm. Rễ cây đa già rủ xuống lòa xòa rủ xuống mặt nước sông giống như một ông lão râu tóc rối bù đang ngồi suy tư sự đời.
          Nơi dòng sông bị gấp lại tạo nên một vùng xoáy nước lớn. Xoáy nước luôn sùng sục giống như như một cái chảo khổng lồ đang sôi nhất là khi mùa mưa lũ. Trong cái xoáy lớn cuồn cuộn ấy có những thân cây gỗ lớn từ trên núi trôi xuống đâm ngang dọc tróc hết cả vỏ. Có bận là một con trâu mộng chết nổi trương phềnh. Những người chuyên đi bè tre nứa, bè gỗ từ thượng nguồn về đến đây thường phải chèo chống rất vất vả mới thoát khỏi cảnh bị quay tròn trôi xuống rồi lại chồi lên mấy bận trong vùng xoáy nước rất mạnh và vô cùng nguy hiểm này.
          Làng Vực ở bên bờ sông Đáy con. Hình thế của làng giống hệt như một con cá chép nằm dài trên cạn. Một con cá bị quăng lên cạn sắp chết vì thiếu nước. Xoáy Vực nằm đúng chỗ miệng của con cá ấy. Có lẽ do con cá mắc cạn sắp chết nên nó ngáp ngáp mạnh quá mà xoáy Vực luôn réo sôi sùng sục. 
          Trong kháng chiến chống Pháp, làng Vực là vùng tự do nằm sát ngay vùng tề. Dòng sông Đáy con mong manh là ranh giới giữa vùng do quân ta kiểm soát và vùng do bọn địch tạm chiếm. Mùa mưa, nước lớn ca nô, tàu chiến địch chạy từ sông Lô lên bắn phá dọc hai bên bờ. Mùa cạn, bọn địch thường bất ngờ vượt sông sang càn quét, đánh phá, giết người, hãm hiếp phụ nữ, bắt cóc cán bộ, đốt nhà, cướp bóc liên miên bất kể ngày đêm. Vì thế mang tiếng là vùng tự do nhưng làng Vực phải chịu cảnh chiến tranh hoang tàn, chết chóc tang thương suốt chín năm trời. Dân làng Vực phải kéo nhau đi tản cư, chỉ còn các cán bộ và du kích ở lại canh phòng, chặn đánh địch bảo vệ xóm làng.
          Sau hoà bình, dân làng Vực mới lục tục kéo nhau về. Họ dựng lại những ngôi nhà bị đốt cháy. Cũng ngay trong cái năm hoà bình ấy làng Vực có năm đứa trẻ ra đời. Bốn trai, một gái. Tuy đứa sinh đầu năm, đứa thì giữa năm, đứa cuối năm nhưng cùng đi học với nhau từ lớp vỡ lòng. Cả năm đứa đều nghịch ngợm như nhau. Dân gian vẫn bảo “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng có lẽ năm đứa học trò làng Vực ngày ấy phải xếp thứ nhất mới đúng. Năm đứa học trò sinh ra cùng một năm ấy là Thưởng, Phương, Hiệp, Liên và một thằng nữa. Nó là đứa ít tuổi nhất nhưng lại thành đạt và giàu có nhất trong đám bạn bè cùng trang lứa. Cuộc đời nó quả là có rất nhiều cái nhất.
          Cũng trong những năm hoà bình đầu tiên ấy đã xảy ra một chuyện mà những người dân làng Vực vẫn còn nhớ như in. 
          Đó là một buổi sáng sương mù, những người đi chợ sớm qua đò chợt hốt hoảng nhìn thấy thi thể một cô gái lập lờ nổi lên ở xoáy Vực. Cô gái gần như không mặc gì trên người. Một mảnh khăn buộc ngang bụng rách tả tơi. Khuôn ngực cô nham nhở những vết cắn, vết xước, máu vẫn còn rỉ ra. Dân làng Vực đưa cô gái chết trôi lên bờ. Các bà các chị vừa khóc vừa tắm rửa, mặc quần áo cho cô gái chết trôi. Cô gái rất đẹp và còn rất trẻ. Cặp vú như hai ngọn măng vừa mới nhú. Cô gái bị bọn sơn tràng chuyên xẻ gỗ trộm ở rừng Tam Đảo cưỡng hiếp rồi đẩy xuống sông. Cô gái chết trôi được dân làng Vực đặt bên bờ sông, đắp chiếu, bày hoa quả, thắp hương khấn vái, chờ thân nhân đến tìm.
          Nhưng rồi đợi hơn một ngày, không thấy ai đến nhận xác cô gái. Dân làng Vực đành đưa cô gái đi chôn cất. Đám ma cô gái rất đông. Đám thanh nữ làng Vực toả đi các bờ dậu của các nhà trong làng ngắt những bông hoa dâm bụt làm một vòng hoa viếng người bạn gái xấu số. Cái vòng hoa duy nhất ấy được rước đi đầu đám tang trông đỏ lòm như một bát máu tươi. Từ ấy, khúc sông có cái xoáy Vực nơi cô gái chết trôi trở nên u ám, bí hiểm. Bọn trẻ con trong làng sợ không dám nhảy xuống tắm và thách nhau thi bơi ở chỗ dòng sông bị gẫy khúc ấy nữa.
           Bà Thường-mẹ anh Thưởng khi còn sống làm nghề chèo đò chở khách sang ngang ở bến sông làng Vực. Anh Thưởng, là con trai duy nhất của bà. Anh lớn lên bên bờ con sông Đáy con rồi đi bộ đội. Một mình bà Thường với một niêu cơm nhỏ trong túp lều rách trên bến sông. Những buổi chợ phiên, người qua đò rất đông, nhiều bữa bà chả kịp nấu cơm. Bà hóp bụng chịu đói gò lưng ghì chặt mái chèo lựa chiều cho con thuyền vượt qua vùng nước xiết sang ngang. Đêm đêm mỗi khi nghe vẳng tiếng gọi “Đò ơi!”, thì dù mưa gió, giá rét đến đâu bà cũng lập cập khoác chiếc áo tơi dò dẫm xuống bến, cởi dây neo chèo thuyền sang sông đón khách. Bà bảo: “Mình lỡ một giấc ngủ không sao nhưng để khách lỡ một độ đường thì cực lắm!”.
           Từ hôm có cô gái chết trôi về vùng nước xoáy ở bến sông làng Vực thì rất ít khách qua sông vào lúc đêm khuya. Người ta đồn rằng nhiều đêm nghe tiếng gọi đò nghe vời vợi xa xăm từ bên kia sông, bà Thường chèo thuyền sang đều gặp khách là một cô gái mặc quần áo trắng tinh đang đứng đợi. Bóng cô gái mờ ảo. Cô bước lên thuyền nhẹ như bấc, thuyền không chòng chành một chút nào. Nhưng lần nào bà đưa cô gái ra đến giữa sông thì cô cũng biến mất. Bà Thường đành chèo thuyền trở về. Con đò nhỏ của bà xoay vòng mấy lần ở xoáy Vực mới thoát ra được. Lại có người làm nghề cắm đăng bẫy cá trên sông khẳng định rằng nhiều đêm vẫn nhìn thấy bóng một người con gái ngồi trên mỏm đá con cóc phía trên xoáy nước. Đầu tóc cô rũ rượi, đôi mắt đỏ nòng nọc rực lên như lửa.
           Chuyện ma ở bến sông làng Vực mỗi người nói một phách và ngày càng thêu dệt thêm nhiều tình tiết ly kỳ rùng rợn khiến cánh trẻ con trong làng càng thêm sợ hãi. Người lớn yếu bóng vía cũng thấy lành lạnh xương sống. Ai cũng hiểu đó chỉ toàn là những câu chuyện người lớn đã phịa ra để dọa lũ trẻ hay lội xuống bến tắm khi mùa lũ lớn dễ chết đuối. Nhưng, có những chuyện thì không hiểu nổi vì sao lại như thế. Đó là từ sau ngày cô gái chết trôi về bến sông làng Vực thì hầu như năm nào chỗ nước xoáy ấy cũng có người bị chết đuối. Mà người chết lại toàn là đàn ông mới lạ. Có những thi thể từ đâu trôi về. Ở vùng thượng nguồn khi có người ngã xuống sông, bị nước lũ cuốn trôi, người nhà thường đem hương nhang đến khấn vái, có khi đưa cả quan tài đến vùng nước xoáy ở đầu làng Vực chờ sẵn. Thể nào rồi xác người thân của họ cũng sẽ trôi dạt về vướng lại tại đây.
           Lão Vận quét chợ thì khẳng định cô gái bị cưỡng hiếp rồi đẩy xuống sông đã được vua thủy tề thương cảm, nhận làm con nuôi. Cô được thuỷ thần cho được bắt đủ chín mươi chín người trên dương gian về làm quân hầu phục dịch. Nhớ lại mối hận bị làm nhục chết oan ức, cô giết chết toàn đàn ông rồi kéo xác họ về bến sông làng Vực. Thực ra đấy cũng chỉ là lời đồn nhảm không có căn cứ. Chuyện xác người chết trôi từ phía thượng nguồn mắc ở xoáy Vực đã có từ lâu do cấu tạo của dòng chảy và xoáy nước. Bất cứ cái gì trôi nổi đầu nguồn về cũng đều bị vướng lại ở đây. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bọn giặc vẫn thường hay đột kích sang bên này sông bắt cóc cán bộ, dân lành lôi lên cái cầu sắt phía trên tra tấn rồi giết chết ném xác xuống sông. Có người chưa chết hẳn chúng cũng cho vào bao tải rồi đẩy xuống dòng nước xiết. Quân ta đột kích sang vùng tề bắt bọn tay sai, chỉ điểm ác bá có nợ máu với nhân dân cũng đưa lên cầu xử tử. Các xác chết đều trôi về và mắc lại ở xoáy Vực.
           Làng Vực có anh Hừng bị thọt chân nên không phải đi bộ đội. Anh là tay sát cá lại bơi lặn rất giỏi. ở trên bờ, anh đi lại khó khăn nhưng khi xuống nước thì như một con rái cá. Anh chả bao giờ tin câu chuyện ma quỷ của lão quét chợ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh Hừng đều lặn xuống chỗ xoáy nước để bắt cá. Anh chẳng cần lưới vó gì, chỉ tay không lặn xuống. Lúc anh ngoi lên thì lũ trẻ trên bờ reo hò ầm ĩ. Hai tay anh cầm hai con cá chép lấp loáng vây đỏ, hai nách kẹp hai con, mồm ngậm một con. Cả thảy là năm con cá. Mỗi con độ bảy tám lạng đến một cân. Anh đem cá bắt được dưới vực sâu lên chợ bán, đổi lấy gạo. Có người bảo anh giỏi bắt cá thế sao không lặn liền mấy hơi bắt lấy vài chục cân mà bán cho được một món tiền. Anh cười hì hì bảo:
           - Dưới đáy vực cá nhiều lắm nhưng bắt làm gì nhiều, tôi bắt chỉ đủ tiền đong gạo, mua mắm thôi.
           - Thế anh có gặp ma ở dưới đó không?
           Một đứa trong đám trẻ con làng Vực tò mò hỏi. Anh trợn mắt dọa:
           - Có chứ! Mắt nó đỏ rực. Nó ngồi trong hang đá chỉ cho tao con cá nào, anh mới dám bắt con đó đấy.
           Chẳng biết anh nói đùa hay thật. Nhưng một hôm, anh vừa lặn xuống đã ngoi lên, mặt mũi tái mét, ánh mắt đờ đẫn hoảng loạn. Đám trẻ con hỏi anh không nói gì lặng lẽ mặc quần áo rồi về làng. Từ đó, không thấy anh bắt cá ở chỗ nước xoáy đầu làng nữa. Bọn trẻ con làng Vực kháo nhau: “Anh Hừng gặp cô gái chết đuối hồi nào. Cô ấy cho anh ấy nhiều cá rồi muốn giữ ở lại làm chồng. Anh ấy sợ quá vội nhao lên bờ rông mất”.
          “Ha... ha... ha...” - Có tiếng cười sằng sặc sau lưng. Đám trẻ con giật mình quay lại và nhận ra đó là anh Thú. Anh Thú là con ông đồ Hạo nhà ở giữa làng. Nhà ông đồ Hạo khá giả. Ông nuôi con ăn học đầy đủ. Nhưng anh càng lớn tính tình càng hung bạo, không chịu nghe lời bố. Khi nhỏ anh thường trốn học đi chơi. Lớn lên, bố mất, anh bỏ nhà đi biệt tăm cả năm trời chả thấy ló mặt về làng. Nghe nói anh đi đào đãi vàng trên vùng núi cao, tham gia nhiều vụ đâm thuê, chém mướn, áp tải hàng cho bọn buôn lậu, rồi anh về thành phố làm bảo kê cho các quán cà phê đèn mờ, nhà hàng karaoke. Anh bị bắt đi tù do một lần đánh người gây thương tích nặng cho đối phương. Lúc ra tù, người anh xăm trổ đầy những hình thù quái dị vừa trông đã phát khiếp. Cả làng đều sợ anh. Trẻ con đang khóc ngằn ngặt nghe nhắc đến tên anh lập tức nín bặt. Anh đi đâu, làm gì, chẳng thèm trình báo chính quyền, ông trưởng công an xóm cũng ngại hỏi.
           Đứng nghe đám trẻ con kháo chuyện ma ở xoáy Vực, anh Thú chìa ra một cái gói vuông vuông chằng dây rất kỹ rồi bảo:
           - Chúng bay có biết cái gì đây không?
           - Không biết ạ!
           - Thuốc nổ đã gắn sẵn kíp rồi đấy!
           - Ôi trời...
           Bọn trẻ con hốt hoảng cuống cuồng xô đẩy nhau chạy rạt về một góc. Anh Thú cười sằng sặc bảo:
           - Theo tao ra chỗ xoáy Vực mà lấy cá!
           Bọn trẻ con tuy sợ hãi nhưng vẫn rẹo rọ đi theo anh, cách một khoảng khá xa. Anh Thú cầm quả bộc phá vừa đi vừa vung vẩy trông phát sợ.
           Đến xoáy Vực, anh Thú đứng trên mỏm đá con cóc. Rít một hơi cho điếu thuốc đỏ rực lên rồi anh dí vào đầu mẩu dây cháy chậm. Khói xanh xì xì ra mấy giây anh mới thả quả bộc phá xuống vực. Một tiếng nổ trầm đục nhưng nước tung lên tận ngọn cây đa rồi trút xuống rào rào như mưa. Sóng chưa kịp lặng cá đã nổi lên trắng cả mặt nước. Bọn cá mương, cá mè, cá trôi chết ngay nổi như phao. Lũ cá chép, cá bống cỡ độ trên một hai cân thì còn cố quẫy quẫy một lúc rồi mới lờ đờ rạt vào bờ. Trẻ con, người lớn ào xuống. Người xúc, kẻ đâm chém cá ồn ào. Cảnh tranh cướp cá náo loạn cả khúc sông.
           Anh Thú ngồi trên bờ rít nốt điếu thuốc lá. Sau một hồi nhốn nháo tranh cướp, những người vớt được cá bắt đầu kéo nhau lên bờ vì lạnh. Khi đi qua chỗ anh Thú, họ đều khép nép và để lại cho anh một con cá to nhất đã bắt được. Khi anh Thú vừa túm cái bao tải đựng đầy cá lại thì có tiếng người gào lên thất thanh:
           - Cá... cá... có một con cá to quá. Nó bị thương rồi!
           Mọi người quay lại xô xuống bến. Giữa vùng xoáy nước có một con cá to bằng thân người lớn đang nổi lên lập lờ. Đuôi con cá khẽ ngoe nguẩy. Mấy người lập tức nhào ngay xuống nước. Họ lao đến ôm lấy con cá lớn rồi dìu nó dần vào bờ. Con cá quẫy mạnh. Nó cố vùng vẫy thoát ra khỏi vòng tay của con người và lặn xuống. Sức ép của quả bộc phá quá mạnh đã làm nó bị choáng và kiệt sức.
           Con cá lớn được lôi lên bờ. Nó nằm dài thượt trên bãi cát trông trắng nhởn. Đôi mắt con cá mở trừng trừng, đỏ rực. Miệng nó ngáp ngáp cố đớp đớp lấy một chút không khí cuối cùng. Nhìn con cá từa tựa giống như cô gái trẻ bị chết trôi dạo trước khi được vớt từ xoáy Vực lên.
           Theo lệnh của anh Thú, người ta xẻ thịt con cá lớn để bán và chia nhau. Máu con cá chảy đỏ cả bến sông, loang hồng trên mặt nước.
           Mấy ngày sau, bến sông còn chưa khô máu cá, anh Thú lại ném một quả mìn nữa xuống xoáy Vực. Quả mìn vừa buông khỏi tay anh đã phát nổ. Anh Thú bị cụt cả hai tay và chột một mắt. Bây giờ thì hàng ngày anh ngồi lê la xin ăn ở cổng chợ.

                                                                                                 Hà Nội, tháng 4-2013
            (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét