Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 1)


           
           NGŨ  QU
           Truyện dài của Trọng Bảo

           Lời tác giả:  Năm 2008, khi đi học tại khoá 2-Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Hội Nhà văn Việt Nam), tôi đã in được ba tập truyện ngắn, ba tập tiểu phẩm và có một số truyện ngắn đăng báo, tạp chí. Trong các sáng tác ấy có hơn mười truyện ngắn viết về số phận của các nhân vật gắn với một dòng sông. Đó là sông Đáy con. Dòng sông nhỏ bắt nguồn từ  Sơn Dương, Tuyên Quang chảy dọc theo sườn tây của dãy núi Tam Đảo đổ ra sông Lô để góp với sông Hồng đôi chút phù sa cho đồng bằng Bắc bộ. Một số bạn học viết văn khi đọc các truyện ngắn này đã nói nếu xâu chuỗi các truyện ngắn lại sẽ thành các chương của một tiểu thuyết thực sự. Họ khuyên tôi viết thành một truyện dài. Nhà phê bình văn học Minh Tâm ở Tạp chí Văn nghệ quân đội sau khi đọc tập truyện ngắn Phong lan đỏ của tôi cũng có cùng quan điểm ấy.
          Vậy nên, tôi mới hạ quyết tâm viết một truyện dài mang tên “Ngũ quỷ” này. Cũng do công việc mới khá bận rộn nên tôi mới chỉ viết được khoảng mươi phần. Trong truyện có nhiều nhân vật, nhiều chi tiết đã xuất hiện trong các truyện ngắn trước đây mà tôi đã viết. Xin trận trọng giới thiệu cùng các bạn đọc. (Trọng Bảo)    

          
            Ảnh dưới: Sông Đáy con mùa lũ (ảnh Trọng Bảo)
                    
    
  
          Đêm đã gần về sáng.
          Trời mùa đông lạnh lẽo.
          Sương đêm giăng mờ trên bến sông.
          Ánh trăng thượng tuần làm không gian càng thêm mờ ảo.
          Mùa này sông Đáy con cạn gần trơ đáy nên bến đò làng Vực khách vắng hiu. Hôm nay là phiên chợ Diện bên kia sông. Nếu là mùa nước lớn ngày chợ phiên thì từ lúc nửa đêm dân buôn đã xuống bến gọi đò ời ời, cáu cẳn khi đò chậm. Ấy vậy mà sang đến bờ chả ai chịu đưa tiền đò, hẹn chiều về sẽ trả cả thể. Dân buôn thường trả tiền đò "khứ hồi" như thế. Họ sợ chưa bán được gì mà đã mất tiền thì thiu, ế hàng. Mùa đông nước cạn những người đi chợ sớm thường tự lội qua sông mà không cần đò. Dòng nước tuy lạnh buốt nhưng chỉ sâu lắp sắp quá bắp chân.
          Không phải chở đò đêm nên anh Thưởng thoải mái nằm yên trong chăn. Nhưng anh không tài nào ngủ được. Từ nửa đêm về sáng anh thường thao thức. Đôi mắt anh cứ chong chong nhìn lên đình màn. Hôm nào mệt quá thiếp đi thì giấc ngủ cũng chập chờn, đầy những mộng mị. Anh kéo cái chăn bông tiết kiệm nặng chình chịch lên phủ kín đầu cho khỏi rét. Anh lo trời lạnh quá thế này vết thương mà giở chứng tái phát thì nguy. Từ ngày cái Sương-con gái anh về học đại học ở Hà Nội anh không còn phải dậy sớm để lo cơm nước cho nó đi học buổi sáng nữa. Anh Thưởng nằm nghe tiếng sương đêm rơi lộp bộp trên mái nhà lợp bằng lá cọ. Mùa đông năm nay sao mà rét thế. Cái rét khiến cây cối khô héo, xác xơ. Cái rét khiến con người mặt mũi bơ phờ, xám ngoét, tê tái cả chân tay. May mà căn nhà của anh nằm gọn lỏn giữa bốn bề các ngôi biệt thự, nhà ống cao tầng nên gió bắc đỡ lùa qua khe tường đắp vắt vào trong nhà. Mấy lần anh gom góp tiền định mua vài nghìn gạch loại ba, gạch phồng, gạch vỡ xây tường quây cho kín gió, đỡ lạnh khi đồng về. Nhưng cái Sương cần tiền đi học nên anh lại tạm hoãn lại.
         Trời đã sắp sáng. Anh Thưởng vừa ngủ thiếp đi thì giật bắn người vì có tiếng kêu thất thanh phía dưới bến sông vọng lên:
         - Ối trời ơi… ma… ma… cứu… cứu… tôi… với…
         Anh Thưởng bật dậy. Làm quái gì có ma chứ! Lại một ai đó thần hồn nát thần tính, nhìn lùm cây gió thổi đung đưa ngỡ là ma quỷ hiện hình. Nhưng tiếng kêu gào có ma vẫn vang lên vẻ hoảng loạn. Tiếng kêu từ dưới sông to dần, mỗi lúc một gần hơn. Người kêu đã lên đến đầu dốc đê. Đó là tiếng của một người đàn bà. Anh Thường đành tung chăn nhổm dậy. Anh vớ cây gậy chống cửa lao ra cổng chạy xuống bến sông. Đã có mấy người nghe tiếng kêu cứu đang lục tục chạy xuống bến. Ánh đèn pin quét loang loáng.
          Một người đàn bà từ dưới bến sông nhao lên. Vừa chạy chị ta vừa kêu cứu, giọng hốt hoảng. Lão Vận là người quét chợ Niễu. Lão tập tễnh đi đến cùng con chó Cún to lộc ngộc. Lão Vận chặn người đàn bà lại hỏi:
         - Ma đâu mà ma! Chị làm gì mà hốt hoảng thế hả?
         - M… a… đúng là ma thật đấy cụ ơi!
         - Ma ở đâu?
         - Ở… ở…
          Chị ta vừa thở vừa ngoặt tay chỉ xuống dòng sông. Anh Thưởng cũng đã đến bên lão Vận. Anh trấn an người đàn bà đi chợ sớm:
          - Chị bình tĩnh lại đi! Trên đời này làm gì có ma mà sợ. Toàn là những lời đồn nhảm nhí thôi…
          Người đàn bà cố trấn tĩnh lại lắp bắp:
          - Ma thật đấy… đầu tóc nó rũ rượi… mắt nó sáng quắc… nó ngồi trên mỏm đá giữa sông… hỏi nó không nói, chỉ “u… ơ… ú... ớ...” thôi nên cháu sợ quá quẳng cả gánh hàng chạy bán sống bán chết đấy cụ với anh ạ… Trời ơi… mấy bao sắn lát khô của cháu không khéo mà trôi mất cả rồi…
          Lão Vận cười khì khì:
          - Chị theo tôi và anh Thưởng xuống sông xem có ma thật hay không?
          - Cháu… cháu… sợ lắm… cháu không đi đâu!
          - Thế chị có định tìm lấy lại gánh sắn nữa không?
          - Ối trời… hai bao sắn cháu định đi chợ Diện bán để đong gạo đấy…
          Người đàn bà líu díu đi sau Lão Vận và anh Thưởng cùng mấy thằng thanh niên làng Vực. Họ đi xuống bến sông. Đoạn dốc xuống đến mép nước sâu hun hút và trơn chuội. Trên đường xuống bến họ nhặt được nón và khăn của người đàn bà đi chợ sớm đánh rơi lúc nãy khi chị ta hoảng sợ bỏ chạy ngược lên đầu dốc đê.
          Sương mù dày đặc. Tầm mắt người nhìn chỉ xa độ vài mét. Từ mặt sông gió thổi ù ù thốc lên nên càng lạnh lẽo hơn.
          Vừa đến sát mét nước con Cún của lão Vận đã hướng ra phía giữa sông hộc lên sủa ầm ĩ. Nó nhảy lên chồm chồm, hai chân trước cào cào xuống đất vẻ rất kích động. Thằng thanh niên chiếu đèn pin ra phía giữa dòng sông. Sát mặt nước sương mù càng dày đặc nên ánh đèn như bị đẩy ngược lại. Đám người đi bắt ma đành phải lội xuống đi ra giữa sông. Con chó của lão Vận cũng nhảy tùm xuống nước phóng lên phía trước. Người đàn bà đi chợ sớm ú ớ chỉ về hướng mỏm đá phía Xoáy Vực. Thằng thanh niên liền rọi đèn pin theo hướng tay chị ta chỉ. Mọi người đều giật mình sững lại khi nhìn thấy trong ánh đèn lờ mờ bởi màn sương mù một bóng người đầu tóc bù sù đang ngồi im phăng phắc trên mỏm đá nhô lên giữa dòng sông.
          Con chó của lão Vận sủa vang chồm tới. Lão Vận phải quát lên con Cún mới chịu lùi lại. Nhưng nó vẫn gầm gừ vẻ tức tối nhe hàm răng nhọn hoắt trắng nhởn ra đe dọa “con ma”.
          Anh Thưởng hỏi to:
          - Ai đấy?
          - Ơ… ơ…. tôi… tôi… là… là… Phư…phư… phơ… ương… đây…
          - Phương… Phương nào…?
          Anh Thưởng giật cái đèn pin trong tay thằng thanh niên bước rấn tới. Ánh đèn rọi gần hơn soi rõ khuôn mặt của người đang ngồi trên mỏm đá. Một khuôn mặt hốc hác, đen đúa. Đôi mắt quầng thâm hơi dài dại. Anh Thưởng chợt thốt lên:
          - Ối! Đúng là mày rồi! Phương ơi… tao, Thưởng đây…
          - Thưởng… Thưởng nào hả?
          - Thưởng lớp 10B, nhập ngũ cùng mày chứ còn là ai nữa… nhớ không?
          - Không nhớ rõ lắm…
          Người ngồi trên mỏm đá vẫn trả lời như đang mơ ngủ. Giọng anh ta lơ mơ, nhẹ bẫng. Anh Thưởng cũng chợt nhớ ra. Anh ngạc nhiên nói:
          - Nhưng mà mày đã chết rồi cơ mà?
          - Tao chết rồi à! Sao tao lại chết? - Người ngồi trên mỏm đá khẽ rùng mình như chợt tỉnh. Giọng anh ta hơi thảng thốt. Anh ta nói năng vẻ khó khăn. Anh Thưởng trả lời:
          - Thì giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công treo lù lù giữa nhà. Mẹ mày năm nào chả cúng giỗ mày. Năm nào tao và cái Liên chả đến thắp hương cho mày!
          - Thôi thế thì đúng là tao chết thật rồi…
          Người ngồi trên mỏm đá có vẻ băn khoăn. Anh Thưởng vui mừng:
          - Thế này thì đúng là họ báo tử nhầm rồi. Mà sao hoà bình lâu rồi mày chả có tin tức gì thế! Nhưng thế này là tốt quá rồi! Về… về nhà thôi. Mày trở về làng đột ngột thế này chắc là mẹ mày mừng lắm.
          - Mẹ tao, vợ tao đều khỏe cả chứ?
          - Thôi, cứ về rồi hẵng nói sau…
          - Nhưng tao mệt quá! Tao đi bộ từ đêm qua từ ga tàu về đến bến sông này. Chân tao đau và mỏi lắm rồi. Lội đến giữa sông tao cứ muốn gục xuống…
          - Để tao dìu mày nhé!
          Anh Thưởng nói. Một thằng thanh niên liền xô lại quỳ xuống ghé lưng bảo:
          - Để cháu cõng chú về làng! Cháu là thằng Hoàn, con bố Hoán. Bố cháu là anh họ của chú đấy!
          Thằng thanh niên cõng ông chú họ đứng dậy. Lúc này mọi người mới nhận ra anh Phương chỉ còn có một cánh tay trái. Ống tay áo bên phải lõng thõng phất phơ trong gió bắc.
          Thằng thanh niên cõng người lội ào ào vào bờ. Anh Thưởng và lão Vận cũng vội lội theo. Con cún của lão Vận hăm hở chạy vút lên phía trước dẫn đường. Người đàn bà đi chợ sớm cũng đã tìm được hai bao tải sắn lát. May mà nước sông cạn, không chảy mạnh nên hai bao tải sắn khô không trôi đi xa được. Chị ta đành gánh hai bao tải sắn lát ướt quay trở về. Hai bao sắn khô đã bị ngấm nước nên không thể đem sang chợ bán được nữa.
                                                                                                  Hà Nội, tháng 4-2013
             (còn nữa
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét