Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 2)


            
          
          NGŨ  QU
      Truyện dài của Trọng Bảo

          Việc anh Phương - một liệt sĩ đã từng được toàn xã làm lễ truy điệu trọng thể, có bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ sau bao nhiêu năm được khói hương thờ cúng đột ngột trở về khiến cả làng Vực nhốn nháo cả lên.
          Thông tin sốt dẻo loang ra thật nhanh ngay trong đêm. Ở cái làng nhỏ bé ven sông này chỉ cần đứng ở đầu làng hay cuối xóm ới một tiếng thì mọi nhà đều nghe thấy hết. Dân làng Vực bật dậy ồn ào như ong vỡ tổ. Tiếng mọi người gọi nhau í ới. Chó sủa inh ỏi. Trâu bò giật mình rống lên thảng thốt. Đèn đuốc chập chờn từ trong các ngõ túa ra rồi rùng rùng di chuyển về hướng ngõ nhà bà Thuân-mẹ của anh Phương. Trong cái lạnh giá và sương mù, những ánh đèn vo tròn lại mờ nhòe đi trông như những đốm lửa lân tinh của lũ ma trơi. Việc một người chết bất ngờ lù lù trở về đúng là một chuyện hy hữu lần đầu tiên xảy ra ở làng Vực nên ai cũng muốn đến ngay để “mục sở thị”, chứng kiến sự kiện này.
          Sân nhà của bà Thuân đèn đuốc sáng chưng.
          Mấy con gà trống các nhà xung quanh vừa mới gáy báo sang canh lại vội bật dậy vỗ cánh bồm bộp gáy tiếp thêm vài lần rồi lao ra khỏi chuồng lục cục gọi mái vì ngỡ trời đã sáng hẳn.
          Bà Thuân ngơ ngác cùng người con liệt sĩ đứng giữa sân trong vòng vây nhốn nháo của dân làng. Bà cũng bần thần lâng lâng như mơ, một giấc mơ đầy sự ám ảnh buồn vui lẫn lộn.
          Mọi người tíu tít hỏi thăm. Ai cũng sốt ruột muốn có đầy đủ ngay thông tin về người liệt sĩ sống lại. Anh Phương ấp úng trả lời chả ra đầu ra đũa gì. Giọng anh lắp bắp, ngọng nghịu. Trông anh thật khổ sở. Anh Thưởng phải giúp bạn giải thích thêm về tình huống trong chiến đấu vẫn có những chiến sĩ mất tích, đơn vị không tìm thấy xác báo cáo lên cấp trên. Cấp trên báo lên cấp trên nữa. Lâu lâu rồi cấp trên nữa báo tử về quê cho gia đình quân nhân. Chuyện nhầm lẫn trong chiến tranh cũng là bình thường thôi. Bom đạn, sống chết thường lẫn lộn. Anh Phương bị thương trong một trận đánh, mất cánh tay phải. Khi anh đang được đưa ra hậu phương tiếp tục điều trị thì lại bom máy bay địch ném vào vị trí trú quân của đội tải thương. Căn hầm trú ẩn của anh bị đất vùi kín. Lúc tỉnh lại anh cố ngoi lên rồi lết ra khỏi bãi bom. Bò ra đến bờ suối anh nằm ngất đi. Lúc tỉnh dậy anh lang thang trong rừng với cái đầu bê bết máu rồi gặp một người dân đưa về nhà cứu chữa. Anh bị lạc đơn vị từ bữa ấy. Sức ép quả bom nổ gần làm anh bị giảm trí nhớ. Giấy tờ mất hết, hoà bình rồi anh vẫn chẳng nhớ đơn vị mình đang ở đâu, quê quán ở đâu.
           Ấy là anh Thưởng khái quát tình cảnh của Phương như thế theo lời kể lõm bõm của bạn lúc ở bến sông. Anh cũng chưa thật rõ câu chuyện của Phương cụ thể ra sao. Nhưng chỉ cần thế là mọi người đều hiểu chuyện tại sao anh Phương, con bà Thuân ở làng Vực đã báo tử lại lù lù trở về sau nhiều năm như thế này.
          Bà Thuân liên tục giơ tay lau nước mắt. Bà mừng quá chả nói được câu nào rõ ràng, chỉ khóc. Anh Phương cũng đã quá mệt mỏi vì phải bắt tay cả làng. Già trẻ, lớn bé đều muốn được bắt tay anh. Cánh tay trái của Phương tê dại hẳn đi. Nhiều người xiết chặt, bóp rất mạnh làm bàn tay anh đau quá. Nhưng anh cố gắng gượng không dám kêu, chỉ hơi nhăn mặt, cố gượng gạo cười.
          Lúc lâu sốt ruột, Phương đưa mắt nhìn xung quanh. Anh không trông thấy Hòa, vợ mình đứng ở góc nào. Anh xoay người đảo mắt nhìn vào gian bếp nhỏ. Trong bếp chỉ có mấy đứa con gái trẻ đang hối hả giúp gia chủ đun ấm nước sôi pha chè tiếp khách.
          Anh Thưởng vỗ tay bồm bộp rồi nói to bảo mọi người vào nhà ngồi rồi hẵng nói tiếp chuyện. Anh Thưởng dìu bạn vào ngồi xuống góc phản giữa nhà. Vào trong nhà Phương cứ nhìn trân trân tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và tấm ảnh của mình đặt trên cái bàn thờ nhỏ đầy tàn nhang, bụi bặm. Trời cũng đã sáng hẳn. Gió bắc vít cong ngọn tre trước ngõ. Nhiều người lục đục về nhà còn đi làm đồng, ra sông kiếm cá, sang chợ bán sắn. Với lại họ cũng chỉ cần như thế là đủ thông tin để kể lại cho những người khác về chuyện làng mình vừa có một “sự lạ” mới xảy ra là có một liệt sĩ đội mồ sống lại.
          Trong căn nhà nhỏ chỉ còn có hai mẹ con anh Phương, lão Vận, anh Thưởng và mấy người hàng xóm. Lúc này anh Phương mới ngập ngừng hỏi mẹ:
          - Hoà-vợ con đi đâu rồi hả mẹ?
          Bà Thuân bật khóc:
          - Con ơi! Nó đi lấy chồng lâu rồi, con nó bây giờ cũng sắp đi bộ đội được rồi đấy…
          - Sao lại thế ạ! Cô ấy vẫn bảo sẽ chờ con trở về cơ mà!
          Bà Thuân kéo vạt áo chùi mắt:
          - Thì mày đi biền biệt ngần ấy năm có về làng lần nào đâu! Hết chiến tranh mãi mới thấy có giấy báo tử, có bằng ghi công của mày trở về. Truy điệu, chiêu hồn cho mày xong mẹ phải khuyên bảo mãi nó mới chịu đi lấy chồng đấy. Con gái chưa con cái gì ở vậy thờ chồng sao nổi. Nghe mẹ nói, nó bảo cứ chờ để tang mày ba năm xong đã. Tao gạt đi, theo ngày tháng ghi trên giấy báo tử thì mày hy sinh cũng đã đến bốn, năm năm rồi, còn chờ gì nữa, con gái sinh nở có thì con ơi…
          Anh Phương thừ người ra. Trông vẻ mặt anh càng khắc khổ, bơ phờ. Đầu anh ong ong. Anh nhìn thấy những con đom đóm túa ra bay lượn chập chờn ngay trước mắt.
          Bà Thuân lại lau mắt:
          - Nó lấy chồng bên kia sông! Hôm trước sang chợ Diện mẹ gặp nó đi chợ. Hồi này nó gầy quá. Nó lấy phải thằng chồng vũ phu, nát rượu cũng khổ lắm, mặt mũi lúc nào cũng sưng vêu vì bị chồng đánh. Đủ rượu uống nó say là đánh vợ, hết rượu uống nó không say cũng đánh vợ, buồn nó đánh mà vui nó cũng đánh vợ…
          Nghe bà Thuân kể, có nhiều tiếng thở dài thườn thượt. Không khí trong nhà chùng hẳn xuống. Phương càng thấy hụt hẫng, chơi vơi giống tựa như năm nào anh bị quả bom nổ gần, sức ép mạnh đẩy đầu đập mạnh vào vách hầm rồi nén chặt ngực anh đến ngất đi. Phương cố ghìm mình để không bị lên cơn chấn động tâm thần đột ngột như những lần trước đây. Anh Thưởng nghe chuyện thì bực bội lên tiếng:
          - Để hôm nào tôi sang tẩn cho cái thằng nát rượu ấy một trận! Nó chính là một thằng lính cũ thuộc đơn vị của tôi ngày xưa đấy. Dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, huân huy chương đủ cả thế mà bây giờ nó đổ đốn trở thành một thằng đầu bò đầu bướu, lưu manh, vũ phu như vậy… Nhưng thôi chuyện của cô Hòa để nói sau. Sáng hôm nay thằng Phương phải lên ngay gặp chính quyền xã, xã đội trưởng để trình diện, báo cáo mọi việc, rồi đề nghị họ thu hồi lại cái bằng Tổ quốc ghi công, làm thủ tục để lấy chế độ chính sách thương binh cho mày… - Anh Thưởng sực nhớ: - Nhưng mà này Phương, mày có giấy tờ gì không?
          - Có! Tao có giấy tờ đây!
          Phương đáp và vội lục lọi các túi áo, túi quần tìm. Tìm mãi Phương mới lôi ra một tờ giấy gấp nhỏ đưa cho anh Thưởng. Anh Thưởng mở ra xem cẩn thận rồi kêu lên:
          - Đây chỉ là giấy chứng nhận của công an cái xã mày đang tạm trú trong miền Nam cấp cho để đi đường tìm về quê quán thôi… Phải có đầy đủ các loại giấy tờ của đơn vị cũ, giấy chứng thương, giấy giám định sức khỏe, giấy ra viện của bên quân y thì mới có thể tiến hành làm được các chế độ chính sách, hiểu không?
          - Nhưng tao làm quái gì có các loại giấy đó! Tao bị thương trong chiến đấu, thất lạc đơn vị, lang thang mãi trong rừng rồi gặp dân, được họ cứu chữa, chăm sóc rồi ở với họ trên núi cao. Hết chiến tranh tao lang thang, vật vờ đầu đường, xó chợ làm thuê kiếm sống. Mãi gần đây mới nhớ được quê quán và lần mò tìm đường về làng đấy. Tao sống sót và trở về được thế này là may mắn lắm rồi…
          - Vẫn biết thế, nhưng…
          Anh Thưởng định giải thích rõ cho Phương hiểu thì có lại tiếng ồn ào ngoài cổng. Thêm một tốp khá đông người làng biết tin kéo đến để xem tận mắt, cầm tận tay một “liệt sĩ” từ cõi vĩnh hằng trở về. Anh Thưởng không hỏi được gì thêm nữa. Anh đành im lặng ngồi nghe mọi người hỏi chuyện Phương. Những câu hỏi dường như bất tận, không ngớt. Một lát sau, anh Thưởng đành chào mọi người để ra về. Anh dự định buổi tối sẽ sang hỏi bạn cho rõ mọi chuyện. Lão Vận cũng nhổm dậy phủi đít theo chân anh Thưởng đi ra ngoài ngõ. Lão về để còn ra ngoài chợ. Hôm nay chợ Liễu không phải làn ngày phiên. Lão ra đấy để làm nhiệm vụ quét chợ, thu hồi các loại “chiến lợi phẩm” là những thứ phế thải mà dân buôn bán bỏ lại. Rồi lão còn phải tranh thủ sửa dọi mái che cái quán cho mụ Béo chuyên bán cá tươi.
          Ra đến đầu ngõ anh Thưởng nhác thấy một người đàn bà đội cái nón rách sùm sụp đi vào. Trông dáng vẻ chị ta quen quen. Anh chợt nhận ra đó là Hoà-vợ cũ của Phương. Anh phỏng đoán chắc là Hoà nghe tin Phương trở về nên vội sang thăm. Ngày thường, thỉnh thoảng anh vẫn gặp Hòa qua sông sang thăm bà Thuân. Bà Thuân chỉ còn có một mình trong căn nhà nhỏ. Cô con gái út lấy chồng miền ngược có khi mấy năm mới về thăm mẹ được một lần. Hòa là một cô gái hiền hậu, chăm làm, sống có tình, có nghĩa. Chỉ tiếc là số Hoà và Phương không có phúc phu thê. Họ chỉ làm chồng vợ được đúng có một tuần khi Phương về phép để chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Một tuần ấy chưa kịp để cho họ hiểu hết thế nào là hạnh phúc thì đã phải chia ly. Phương vào Nam mấy năm thì biệt vô âm tín luôn. Đầu tiên là tin anh mất tích, có cả tin đồn đầu hàng, theo địch. Sau nhiều năm thì có giấy báo tử về làng nhưng không ghi rõ ràng nơi chôn cất, chỉ thấy ghi là “thi hài được mai táng nghĩa trang riêng của đơn vị tại mặt trận phía Nam”.
          Thật buồn cho cô Hòa số khổ, lỡ làng. Cô tái giá, qua đò sang sông lần thứ hai, nhưng lấy phải thằng chồng không ra gì. Hoá ra ở đời vẫn thường hay có bao chuyện cập kênh, chả cái gì được trọn vẹn, chả điều gì là viên mãn, chỉ toàn những sự chớ trêu, ngang trái.
                                                                                              Hà Nội, tháng 4-2013

           (còn nữa) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét