Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Tản văn CHỢ TẾT QUÊ TÔI


        Chợ tết 
       CHỢ TẾT QUÊ TÔI
       
          Tản văn của Trọng Bảo

           Phiên chợ Tết quê tôi họp vào ngày 26 tháng Chạp. Đây cũng là phiên chợ cuối cùng trong năm âm lịch. Tôi nhớ ngày bé ở nhà tôi rất háo hức chờ phiên chợ Tết. Tụi trẻ con chúng tôi đứa nào cũng mong được mẹ cho theo đi chợ, mẹ mua cho miếng kẹo kéo nhai quẹo cả răng. Khi đã lớn thì tôi và bọn bạn tự kéo nhau đi chợ. Những năm tháng chiến tranh, chợ sơ tán họp trong rừng cây lá cọ. Những dãy hàng quán lụp sụp. Chợ Tết quê nghèo chả khác những phiên chợ hàng ngày là mấy, vẫn có bán mua những thứ gạo ngô, khoai sắn, than củi. Điều khác nhất là sự xôn xao, náo nhiệt từ đêm trước bởi đã có người buôn bán đến dựng lều, làm quán, là sự lâng lâng trong lòng người đi chợ. Phiên chợ Tết thêm những hàng lá dong, gạo nếp, mía cây còn cả ngọn lá để người ta mua về làm gậy cho ông vải. Đặc biệt là những quán hàng bán tranh ảnh, câu đối, hoa giấy. Câu đối, tranh ảnh móc đầy gốc cây cọ, treo trên dây làm sáng bừng cả phiên chợ quê vốn nghèo nàn, lam lũ.              

          Đám trẻ con choai choai chúng tôi chỉ thích nhất là các hàng bán pháo tép. Những quả pháo tép chỉ tày đầu đũa được tết thành bánh, mỗi bánh pháo tép cài thêm vài quả pháo cối bằng ngón tay cái. Khắp chợ tiếng pháo nổ đì đẹt, mùi thuốc pháo thơm thơm quyện trong mưa bay, mưa bụi, làm át đi cái lạnh, cái rét của gió mùa đông bắc vẫn thổi về không ngớt. 

           Nhiều người đi chợ Tết ở một vùng quê thường quen biết nhau. Các bà, các chị chia nhau miếng trầu, mảnh ngói ăn, hỏi thăm nhau về một năm làm ăn vất vả, về những đận tháng tám, ngày ba giáp hạt, chia sẻ với nhau niềm vui con cái trưởng thành, sụt sịt về chuyện nhà cơm không lành, canh không ngọt... Những người túng thiếu thì đôn đáo đem ra chợ bán con lợn giò, thúng thóc lấy chút tiền lo sắm tết. Miền quê nghèo khó đói kém quanh năm hằn sâu trên nét mặt những người đi chợ Tết. Đã thế cái khổ lại chồng lên cái khổ và nỗi bất hạnh. Tôi còn nhớ như in một phiên chợ Tết tôi gặp một người đàn bà áo vá vai cùng đứa con gái nhỏ đứng khóc lóc ở cổng chợ. Chị bán mấy bao sắn khô được vài đồng mong đong một hai đấu gạo nếp gói vài cái bánh chưng cho con, nhưng số tiền ít ỏi ấy lại bị kẻ gian móc trộm mất. Chợ tết quê xưa thường có một ông giáo già ngồi "bán chữ". Ông viết những câu đối, viết chữ nho. Những chữ NHẪN, chữ TÂM, chữ PHÚC, chữ TÀI, chữ LỘC... bán vài hào cho ai yêu chữ. Tết có một chữ còn tươi màu mực, một bức tranh màu treo trong nhà tự dưng thấy lòng mình bình tâm hơn trước những khó khăn, sóng gió của cuộc đời.

          Từ khi đi công tác xa, cũng phải đến mấy chục năm rồi tôi chả có điều kiện về đi phiên chợ Tết quê nữa. Mãi năm gần đây tôi mới lại có dịp đi chợ Tết quê mình. Chợ tết bây giờ chả khác gì chợ ngày thường, cũng không kém gì ở thành phố. Hàng hoá tràn ngập ngoài đường chả cần đến chợ. Hàng hoá thường ngày và hàng tết chả có mấy sự phân biệt nhiều, có chăng là chỉ khác vài hộp mứt. Bây giờ người ta bán bánh chưng luộc sẵn thay cho bán gạo nếp, lá dong. Bánh kẹo Trung Quốc, bánh kẹo trong nước, ngoài nước tràn ngập khắp nơi, song tiệt nhiên không thể tìm thấy một hàng bán chè lam, bánh nẳng. Đời sống ngày càng sung túc thì những vốn cũ, hồn quê, nét đẹp văn hoá lâu đời của phiên chợ Tết không tránh khỏi nhạt nhòa, tiêu biến.

           Nhớ phiên chợ Tết quê nhà, nhớ về những kỷ niệm ngày xưa xa ngái, năm nay tôi rất muốn về quê đi phiên chợ cuối năm, ngày 26 tháng Chạp. Tôi mong gặp lại bạn bè một thuở. Những người bạn thời chăn trâu, cắt cỏ, đánh trận giả bây giờ nhiều người tóc đã bạc. Cũng có nhiều người bạn ngày thơ ấu nay không còn nữa. Chiến trường đã giữ lại các anh. Phiên chợ Tết năm nào cùng bạn chia nhau vài cái pháo tép, miếng chè lam bây giờ nhớ lại tôi cứ thấy bâng khuâng, bâng khuâng mãi.
                                                                                                                                                                                                                            Vĩnh Phúc -2013       
       

1 nhận xét: