Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Bút ký đăng Báo Nhân dân


Báo Nhân dân số ra Thứ hai 14-1-2013 đã đăng bút ký Nơi người lính trở về của tôi. Tác giả xin trân trọng cảm ơn BBT báo và giới thiệu lại trên blog này (Trọng Bảo)
Nơi người lính trở về
Cập nhật lúc 01:13, Thứ hai, 14/01/2013 (GMT+7)
alt
Vườn thanh long ruột đỏ của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng
 ở thôn Ðồng Núi, xã Vân Trục (Lập Thạch, Vĩnh Phúc).  
Những người lính ra đi và trở về trên mảnh đất Lập Thạch (Vĩnh Phúc), những cựu chiến binh (CCB) hôm nay vẫn đang góp phần xây dựng quê hương vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

           Từ một vùng quê thuần nông, hiện nay Lập Thạch xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ tổng hợp, chăn nuôi, trồng rừng có hiệu quả. Nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình như: nuôi rắn, chim bồ câu, nuôi bò sữa, tổ chức làng nghề mây tre đan, làm cây cảnh... của các CCB đã đem lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa, nhân rộng. Ðể hỗ trợ các mô hình kinh tế ấy, Hội CCB huyện và các xã đã chủ động trao đổi rút kinh nghiệm, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền các cấp thống nhất cơ chế ủy thác vay vốn. Ðến tháng 10-2012, đã giải quyết cho 1.046 hộ CCB vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, với số tiền gần 20 tỷ đồng. Năm 2012, tỷ lệ hộ CCB khá, giàu tăng từ 40% lên 45%, quỹ hội đạt gần ba tỷ đồng...
           Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Nguyễn Văn Én và các Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Oanh, Vũ Hữu Quyền, chúng tôi đi tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế của CCB trong huyện. Cơ sở sản xuất nước tinh khiết mang thương hiệu Núi Ngọc, của CCB Trần Ðại Phú, ở xã Xuân Hòa là một công ty do sáu gia đình CCB góp vốn thành lập. Tâm sự với tôi, CCB Trần Ðại Phú cho biết, anh nhập ngũ năm 1982, ra quân 1989, hoàn cảnh gia đình lúc ấy rất khó khăn, cho nên anh đã cùng các CCB khác bôn ba vào Nam ra Bắc buôn bán, kiếm việc làm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh em đã bàn nhau góp vốn, lập công ty sản xuất nước tinh khiết. Bây giờ thì thương hiệu nước tinh khiết Núi Ngọc của Công ty cổ phần thương mại Trần Phú của sáu CCB này đã trở nên quen thuộc, có uy tín trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.  Hiện nay, thu nhập của các hộ gia đình CCB trong công ty đạt hơn 70 triệu đồng/năm. Anh Phú còn cho biết về một dự định xây dựng nhà máy nước tinh khiết tại khu vực Núi Sáng-nơi cụ Ðề Thám ngày xưa từng lập căn cứ địa đánh Pháp. Anh cũng kể thêm về việc trồng hơn 20 ha rừng và việc phát triển chăn nuôi của mình.
            Ðến Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Lập Thạch, Giám đốc Nguyễn Văn Bi, vốn là một người lính Ðoàn 559. Anh đi bộ đội năm 1971. Sau chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, anh phục viên về tiếp tục học Trường đại học Kinh tế quốc dân, rồi từ một cán bộ trở thành giám đốc như hiện nay. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, anh cho biết: Công ty quản lý 46 trạm bơm, 246 hồ đập, hàng trăm trạm bơm dầu dã chiến, bảo đảm tưới tiêu cho 21.247 ha, thuộc hai huyện Lập Thạch và Sông Lô. Công ty hiện có 23 CCB, giám đốc đồng thời cũng là chi hội trưởng chi hội CCB. Công ty đang nhận phụng dưỡng một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và luôn quan tâm đến đời sống của anh em CCB, đặc biệt là việc giúp đỡ, hỗ trợ các CCB, thương binh trong công ty phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Có những người như anh Nguyễn Văn Hải, thương binh hạng hai, gia đình nghèo khó, vợ con đi làm thuê, được công ty giúp đỡ tạo điều kiện nhận thầu hơn 3,8 ha hồ ao thả cá, cấy lúa một vụ, đời sống gia đình ổn định, các con học hành, có việc làm.
            Thăm mô hình "một lúa, một cá" của CCB, thương binh hạng 3/4 Ðỗ Quốc Oanh, ở xã Ðồng Ích, chúng tôi thật sự khâm phục sự bền bỉ của người lính trên mặt trận chống đói nghèo. Trang trại của anh nằm giữa cánh đồng. Nơi đây vốn là một khu gò đá ong khô cằn, trước đã có hai người nhận thầu, nhưng không làm nổi phải bỏ. Anh Oanh kể rằng, buổi đầu nhận thầu làm trang trại, anh phải dùng xà-beng chọc lỗ rồi cắm từng cây bạch đàn, cây keo xuống. Anh đã phải chở đất màu về đổ xuống để cải tạo vườn trồng cây. Khu cánh đồng nuôi cá, anh thuê máy đào một đường băng sâu để gom nuôi và thu hoạch cá. Vượt qua những khó khăn, vất vả ban đầu, đến nay trang trại của anh Oanh có diện tích 150 ha chuyên nuôi  các loại cá giống, cá thương phẩm, cua đồng, tôm và cấy lúa, trồng hoa màu... Mỗi năm, anh thu hoạch từ 40 đến 50 tấn cá, cua, tôm và hơn 10 tấn lúa. Mô hình "một cá, một lúa" của CCB - thương binh Ðỗ Quốc Oanh đã được nêu gương điển hình tại Hội nghị tuyên dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 tổ chức tại Bến Tre. Anh Oanh còn được T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích làm kinh tế giỏi và giúp đỡ các CCB xóa đói, giảm nghèo. Với doanh thu đạt hơn 800 triệu đồng/năm, anh đang tính toán mở rộng sản xuất, tiếp tục tích tụ ruộng đất để phát triển mô hình kinh tế trang trại. Cùng với việc mở rộng sản xuất, nhưng anh  luôn nghĩ đến việc gìn giữ môi trường, không làm kinh tế bằng mọi giá nếu gây ô nhiễm môi trường. Hằng năm, anh Oanh đều góp từ 60 đến 70 triệu đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
             Ðến thôn Ðồng Núi, xã Vân Trục  thăm khu vườn trồng cây thanh long ruột đỏ của CCB Nguyễn Mạnh Hùng. Anh Hùng từng là một chiến sĩ lái xe của Ðoàn 559. Năm 1992, sau khi ra quân, anh Hùng làm lái xe thuê tuyến Hà Nội - Bình Thuận. Chính từ những chuyến lái xe qua miền trung đầy nắng gió anh đã nảy ra ý định đưa cây thanh long về với quê mình. Vùng đất đồi núi chuyên trồng sắn quê anh không ngờ lại phù hợp cây thanh long. Từ năm 2007, với sự hỗ trợ của Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Hùng đã trồng thành công cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi Lập Thạch và cho hiệu quả kinh tế cao. Lúc cao điểm, vườn thanh long của anh có hơn 1.700 trụ. Cây thanh long ruột đỏ trồng ở Vân Trục mỗi năm ra tám vụ quả, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Ðến nay, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Hùng đã được nhân rộng ra toàn xã. Hiện nay, xã Vân Trục có gần 50 ha trồng thanh long, các xã lân cận như Xuân Hòa, Ngọc Mỹ cũng bắt đầu triển khai trồng giống cây này. Anh Hùng cho biết, các trang trại ở huyện Tam Ðảo và ở tận tỉnh Lào Cai đã đến đặt mua giống cây thanh long ruột đỏ của anh, tổng cộng hơn 9.000 trụ. Riêng năm 2012, anh đã thu 500 triệu đồng từ việc bán giống cây thanh long ruột đỏ...
            Ở Lập Thạch còn rất nhiều mô hình phát triển kinh tế khác, đem lại hiệu quả cao của các CCB, góp phần làm nên sự đổi thay ở một vùng quê nghèo khó. Song như anh Nguyễn Văn Én, Chủ tịch Hội CCB huyện Lập Thạch, cho biết: Hội luôn quan tâm, khuyến khích những mô hình kinh tế nào có tính phổ biến, dễ nhân rộng để hướng các CCB cùng học tập, làm theo để cùng nhau vươn lên vượt qua đói nghèo, góp phần làm giàu cho quê hương! 
Bài và ảnh: TRỌNG BẢO

*Mời xem các sáng tác của Trọng Bảo theo đường link: http://lienson.vnweblogs.com/ hoặc truy cập mục: Truyện ngắn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét