Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Truyện ngắn HƯƠNG THỊ (phần 2)


              

Hương thị
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Tôi được biên chế về trung đoàn 246B. Thời chống Mỹ, quân đội ta đều có các đơn vị A và đơn vị B. Đơn vị có chữ A thường là khung huấn luyện, đơn vị có chữ B là đơn vị chiến đấu. Mặt trận cũng đặt là theo chữ cái A, B, C sau này thêm mặt trận K nữa. A là mặt trận miền Bắc. Miền Bắc cũng phải đánh nhau với máy bay của bọn Mỹ. Mặt trận B là chiến trường miền Nam, C là chiến trường Lào, K là Campuchia. Ngày ấy cứ nói đi B tức là sẽ vào miền Nam chiến đấu. Ở chiến trường A (miền Bắc) còn có hy vọng sống, còn đi B thì phần sống trở về rất thấp. Làng tôi ngày ấy mười người đi B thì chỉ có ba, bốn người trở về. Cũng vì thế mới có chuyện nhiều người mang danh hiệu “bê quay”. Đó là những người không chịu nổi bom đạn, hy sinh bỏ mặt trận hoặc đào ngũ khi được biên chế vào đơn vị B, trên đường đi chiến trường thì trốn quay trở về hậu phương.
          Đơn vị tôi khẩn trương huấn luyện để chi viện cho miền Nam. Hồi ấy chỉ là bọn “lính quèn” nên tôi không biết chuyện có kế hoạch chuẩn bị tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975, chỉ biết sẽ ra đi không biết ngày nào trở về. Chúng tôi được cấp phát các loại vũ khí, trang bị, quân trang để sẵn sàng lên đường. Khẩu súng AK nhãn hiệu “made in CCCP”, bộ quần áo, tăng võng, cái bình tông “made in China” va cái ca tráng men sắt tây có in dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
          Một buổi trưa ăn cơm xong tôi vừa chợp mắt thì tiểu đội trưởng kéo chân gọi nhỏ:
          - Ra ngay chiêu đãi sở có khách đến thăm!
          - Khách nào thế hả anh?
          Tôi hỏi. Tiểu đội trưởng lắc đầu:
          - Chả biết! Cũng là lính tráng. Nghe nói cùng quê với ông. Nhớ là chuyện trò tâm sự gì thì đến trước giờ báo thức buổi chiều phải về để đi tập chiến thuật nhé!
          - Vâng… nhưng cùng là lính tráng sao trực ban không cho vào luôn trong doanh trại hả anh?
          - Quy định là như thế! Vào đây để các ông trò chuyện ầm ầm, đơn vị mất ngủ, chiều đi tập thế nào được hả!
          Tôi vội mặc quần áo ra nhà chiêu đãi sở. Một người mặc quân phục vải Tô Châu mới tinh đang ngồi chờ sẵn. Tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra đó là thằng Thân. Thằng Thân rất vui mừng vì gặp được tôi. Hai thằng ngồi nói chuyện với nhau suốt buổi trưa.
           Qua lời kể của thằng Thân tôi lờ mờ hiểu được mọi chuyện.
          Ngay sau khi tôi lên đường nhập ngũ thì chi đoàn lớp 10B cũng tổ chức kết nạp đoàn cho thằng Thân. Trong một buổi sinh hoạt lớp Thằng Phú đã nhận việc nó đến mượn cuốn sách hoá học của thằng Thân đã sơ ý để quên cái bút Kim tinh và tờ năm đồng vào hộc bàn chỗ ngồi của thằng Thân. Khi mọi việc vỡ lở nó đã định nhận lỗi của mình ngay nhưng lại sợ khuyết điểm nên không dám nói. Bây giờ nó thấy hối hận nên xin chịu kỷ luật trước lớp và chi đoàn.
           Việc thằng Phú nhận là vô tình bỏ quên cái bút máy và tiền vào hộc bàn đã xoá được cái tội ăn cắp cho thằng Thân. Trong lớp có người nghi ngờ việc “vô tình bỏ quên” của thằng Phú nhưng không ai muốn truy cứu. Việc xong xuôi, êm đẹp thì thôi. Ngày ấy ai cũng sợ khuyết điểm, mất thành tích chung của tập thể. Lớp không có người ăn cắp thì càng tốt. Cô bé Thu, lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn lớp tôi ngày ấy là một người con gái rất xinh, tính tình hìền dịu, nhu mỳ, lúc nào cũng chỉ sợ thành tích lớp mình kém lớp khác. Hôm lớp xảy ra chuyện “ăn cắp” của thằng Thân, tôi để ý thấy Thu rất buồn. Cả năm xây dựng phong trào thanh niên, tổ chức phong trào thi đua của lớp thế là công lao đổ hết xuống sông, xuống bể. Thu đã khóc sưng cả mắt và buồn hơn chính cả thằng Thân - tên tội phạm số 1 của lớp 10B chúng tôi ngày ấy.
          Thân thoát tội ăn cắp và được xem xét kết nạp vào đoàn thanh niên lao động. Đơn xin nhập ngũ của nó lập tức được chấp nhận, và nó trở thành một người lính, một đồng đội của tôi. Nó cũng ở một đơn vị B đóng quân gần đơn vị. Đơn vị nó cũng đang khẩn trương huấn luyện để chuẩn bị hành quân ra mặt trận chiến đấu.
          Lại nói về chuyện ở lớp 10B ngày ấy. Thằng Phú bị kiểm điểm vì đã gây ra chuyện nghi ngờ trong lớp có kẻ ăn cắp, làm cho lớp tôi mất điểm thi đua trong học kỳ 1. Cuối năm học, thằng Phú không đạt tiêu chuẩn “Đoàn viên 4 tốt”. Thế mà nó có vẻ chẳng lo lắng, buồn phiền gì. Sau này chúng tôi mới biết việc nó đứng lên nhận khuyết điểm trước lớp đã gây họa, làm oan cho thằng Thân là có một sự hy sinh, đánh đổi của một người khác. Người đó chính là Linh. Linh đã đoán biết ngay là thằng Thân là nạn nhân, bị ném đá giấu tay, vu oan giáo họa. Linh cũng biết cả người đã ném đá giấu tay và lý do vì sao hắn làm như thế. Linh đã gặp Phú. Rồi sau đó Linh đã nhận yêu nó. Sau khi thằng Phú nhận lỗi trước lớp, chịu hình thức kỷ luật hình như Linh còn hiến dâng cho nó tất cả. Linh đã cứu danh dự cho thằng Thân như thế đấy. Chẳng biết Linh làm như vậy là khôn hay dại.
           Đám học sinh cùng lớp, cùng trường, nhất là bọn học sinh thủ đô sơ tán về nông thôn có nhiều đứa bảo là thằng Phú ngu, tự dưng lại giơ đầu chịu báng, nhận hết khuyết điểm về mình một cách hoàn toàn tự giác như thế. Khi thằng Phú không đạt tiêu chuẩn “Đoàn viên 4 tốt”, có người đẫ gặp để chia sẻ, an ủi nó. Họ không biết thằng Phú làm như thế là nó đã “bắn một mũi tên trúng hai đích”. Nó đã có được một người con gái đẹp. Điều quan trọng hơn là nó còn đạt được một mục đích khác nữa mà bọn chúng tôi ngày ấy không một ai nghĩ tới.
           Thằng Phú có một ông chú làm ở Bộ Tổng tham mưu quân đội. Ông này là cán bộ cấp cao, biết được nhiều thông tin bí mật. Ông biết chuyện sẽ tổng động viên chuẩn bị cho những chiến dịch lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam. Là một người lính chiến, ông càng hiểu rõ sự khốc liệt, chết chóc của chiến tranh. Thằng Phú là đứa con của anh ruột ông, cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Ông ấy tính đến chuyện an toàn cho thằng cháu. Khi đi công tác qua Vĩnh Phú, ghé thăm anh trai và cháu ở nơi sơ tán, ông đã bày cách để thằng Phú khỏi phải đi bộ đội. Việc thằng Phú nhận khuyết điểm gây nên sự hàm oan cho bạn nên cuối năm học không đạt tiêu chuẩn “Đoàn viên 4 tốt” lại là một cơ hội tốt. Thế là nó cũng không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Đi bộ đội đánh Mỹ ngày ấy chỉ ưu tiên cho những thanh niên ưu tú mà thôi. Sau đó một thời gian ngắn nó chuyển trở về Hà Nội, làm lại học bạ và đi học đại học, trong khi thằng Thân và tôi cũng chuẩn bị ra chiến trường.
 *
           Buổi trưa hôm ấy tôi và thằng Thân đã nói với nhau rất nhiều chuyện. Chúng tôi nhớ về ngày ấu thơ cùng nhau cắp sách tời trường, nhớ về kỷ niệm những đêm lửa trại thanh niên, cả chuyện hai thằng trốn học đi bộ lên huyện xem phi công Mỹ bị bắt sống tại núi Sáng. Bao nhiêu chuyện được nhắc lại nhưng tiệt nhiên không thấy thằng Thân nói về chuyện của nó với Linh. Nó chỉ tặc lưỡi nói mấy cậy thị trên đồi Ma mùa này ra quả xanh sai lắm, ánh mắt thì lại có vẻ xa xăm, thoáng buồn. Lúc chia tay tôi thằng Thân bảo:
          - Đơn vị tao sắp đi rồi… Hẹn gặp mày ở quê sau ngày chiến thắng nhé!
          - Ừ! Mày cũng phải cố gắng mà rèn luyện. Trông mày nhỏ con, gầy yếu thế liệu có đủ sức mà leo qua đỉnh Trường Sơn không đấy?
           - Mày yên tâm! Nhất định tao sẽ không bao giờ chịu lùi bước đâu.
           Chúng tôi chia tay nhau.
           Sau ngày miền Nam giải phóng tôi có gặp lại thằng Thân nhưng không phải tại quê hương trung du của chúng tôi như lời hẹn ước ngày còn ở thao trường huấn luyện Thái Nguyên. Thằng Thân đã không trở về quê sau ngày chiến thắng trong một mùa thị chín như là lời nó đã hẹn với tôi…
                                                                               Hà Nội, 10-2011
          (còn nữa)

2 nhận xét:

  1. Cô bé Linh nhận lời yêu Phú và hình như còn hiến dâng cho Phú nữa để cứu danh dự cho Thân. Sự hy sinh này nghe có vẻ cao thượng nhưng thực ra là rất phí anh TB ạ. Thời đó, danh dự, lý tưởng cao cả thật. ĐÚng vậy đó.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn lão Chõe ghé thăm. Sự hy sinh của Linh thật là cao thượng nhưng đúng là hơi... phí. Nhưng cuộc đời lắm tình huống xảy ra chả biết thế nào mà lường trước được đâu! Hi...

    Trả lờiXóa