Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần cuối hay là một vĩ thanh)

Núi cao          
 
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

          Tôi gấp lại tập bản thảo truyện dài TRONG VÒNG LỬA vừa viết xong thì chuông máy di động reo lên. Tôi nhận ra số máy của một người là nguyên mẫu nhân vật trong câu truyện. Đó là điện thoại của chính trị viên Hoàng. Tôi mừng khi nghe giọng anh vẫn rất vang trong máy và nghĩ là anh khoẻ. Nhưng khi hỏi thì anh lại bảo:
          - Hồi này mình yếu lắm, huyết áp cao. Hôm nọ đi ăn cưới vừa ngồi vào mâm thì bị tăng huyết áp đột ngột, phải cấp cứu đấy!
          Tôi lo lắng hỏi thăm sức khoẻ của anh. Tôi dặn anh phải hết sức chú ý sức khoẻ, đi đến đâu nhớ luôn đem theo thuốc đến đấy. Ngày xưa trong chiến tranh "súng ống bất ly thân", bây giờ trong hòa bình thì "thuốc men phải bất ly túi". Anh phì cười:
          - Mày cứ yên tâm...
          Yên tâm thế nào được. Lần gặp anh tại buổi gặp mặt anh em đơn vị cũ ở Quân khu 2 hơn hai năm trước tôi thấy anh có vẻ gầy yếu hơn. Cuộc đời con người ta chả ai tránh nổi quy luật khắc nghiệt của tự nhiên. Tôi cùng ở với anh Hoàng ở tiểu đoàn 3 từ thời còn làm con đường lâm nghiệp giữa vùng rừng núi Hà Giang cho đến hết cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ngày đóng quân giữa rừng sâu Hà Giang anh là cán bộ chính trị mà suốt ngày có mặt trên mặt đường theo dõi bộ đội thi công mở tuyến. Đơn vị hành quân lên Cao Bằng chuẩn bị chiến đấu. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh anh với vẻ điềm đĩnh mỗi khi có tình huống xảy ra. Ngày ấy, tôi là một tiểu đội trưởng. Một cán bộ cấp rất nhỏ nên tôi thường rất ngại gặp cán bộ tiểu đoàn. Mỗi lần gặp anh tôi thường chào hỏi cho lấy lệ rồi tìm cách lảng tránh cho nhanh. Trong mắt tôi anh là một cán bộ khắt khe, khó tính. Chả dại gì mà dây với lửa. Tôi nghĩ thế.
          Khi chiến tranh xảy ra thông tin hữu tuyến và truyền đạt thường bị gián đoạn do bọn địch bao vây tấn công liên tục, đạn pháo băm nát đường dây. Là người chỉ huy mạng thông tin vô tuyến nên tôi thường xuyên có mặt ở sở chỉ huy của tiểu đoàn. Tôi chứng kiến nhiều tình huống xảy ra, nắm được đầy đủ diễn biến của những ngày đầu chiến tranh. Điều tôi nhận thấy ở anh Hoàng là sự điềm đĩnh, bình tĩnh kể cả những khi tình huống ác liệt, phức tạp nhất. Chưa bao giờ tôi thấy anh quát tháo, cáu gắt khi chỉ huy chiến đấu. Trong khi đó thì tiểu đoàn trưởng Thêm luôn mồm quát mắng các cán bộ cấp dưới khi họ chấp hành không đúng ý định, mệnh lệnh của mình. Nhiều lúc có cả sự quát tháo vô lý nữa. Trong phần 12 của truyện dài Trong vòng lửa, tôi có viết về việc chính trị viên Hoàng chỉ huy cuộc chiến đấu bảo vệ hang đá nơi có vị trí chỉ huy tiểu đoàn trong một ngày ác liệt nhất ở Sóc Giang trong khi tiểu đoàn trưởng Thêm "đi kiểm tra" trận địa đại đội 4 hoả lực ở trên núi chưa về. Sự thật việc này thế nào? Tại sao tiểu đoàn trưởng lại bỏ vị trí hang chỉ huy của mình từ tối hôm trước lên núi khi biết chắc là ngày hôm sau bọn địch sẽ tấn công quyết liệt, dữ dội vào hang.
 Tôi còn nhớ ngày hôm đó địch tấn công liên tục và rất ác liệt, pháo cùng các loại hoả lực của chúng bắn dữ dội, khói đạn mù mịt bao trùm khắp mỏm núi sở chỉ huy tiểu đoàn. Khói lửa, bụi đất xộc cả vào trong hang đến ngạt thở. Trong khi đó thì đại đội 2 liên tục kêu cứu vì chết hết quân, hết đạn, địch đang tràn lên trận địa. Giữa lúc tình hình cấp bách, dồn dập như thế thì tiểu đoàn trưởng từ trên núi lại cứ liên tục điện về sở chỉ huy hạ lệnh phải thế này, thế khác. Tôi báo cáo với chính trị viên Hoàng nội dung các bức điện, các mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng. Lúc đầu anh im lặng không nói gì. Sau thấy tôi cứ truyền đạt mãi các mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng, anh nổi cáu quát tôi:
          - Mặc mẹ ông ấy! Mày tập trung vào việc giữ cho bằng được hướng liên lạc vô tuyến điện với đại đội 2 để chỉ huy và chi viện hoả lực cho nó giữ vững trận địa, chặn đội hình bọn địch tiến vào Sóc Giang không thì chết hết cả nút bây giờ!
          Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy anh Hoàng nổi cáu. Tôi im lặng chịu trận. Hình như tự nhận ra thái độ bất thường của mình, sau một đợt tấn công của bọn địch bị đẩy lui anh gặp tôi dịu giọng bảo:
          - Ông ấy (tiểu đoàn trưởng) ở trên núi cao biết đếch gì tình hình đang diễn ra ở đây mà chỉ huy. Khi ông ấy điện xuống mày cứ nói là đã báo cho chính trị viên rồi là được.
          Tôi thấy hơi lạ. Sau này khi cùng với tôi ngồi viết bản báo cáo thành tích đề nghị phong tặng đơn vị anh hùng anh chợt dặn: "Mày không được nói việc tiểu đoàn trưởng bỏ vị trí chỉ huy hôm bọn địch tấn công ác liệt nhất đấy nhé!". Nghe anh dặn tôi mới biết vì sao. Có lẽ việc này chỉ có tôi, chính trị viên Hoàng và trợ lý tham mưu Thọ là hiểu rõ nhất. Nhưng mà thôi, mọi con người, cho dù là anh hùng, là dũng sĩ, dù có kiên cường, dũng cảm đến đâu trước sự tàn khốc của chiến tranh cũng không tránh khỏi có lúc nao núng, phân tâm. Cái đáng nói chính là họ có đi đến cùng của cuộc chiến tranh ấy hay không mà thôi.
          Trong chiến tranh sự dũng cảm hay hèn nhát đều bộc lộ một cách rõ ràng. Cũng có người khéo léo, che dấu được bản chất con người thật của mình trước cái chết. Có người vượt qua được, có người thì không thể vượt qua được những giờ phút thử thách vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh. Khối kẻ sau cuộc chiến nhận những tấm huân chương chiến công nhưng chưa chắc đã có công xứng đáng. Khối người ra về tay trắng nhưng họ không phải là chả có sự đóng góp gì cho Tổ quốc lúc gian lao. Tôi viết vậy không phải để biện minh cho mình. Tôi không phải là một anh hùng, tôi không dũng cảm trong chiến đấu, nhưng khi cuộc chiến tranh xảy ra cấp trên giao nhiệm vụ gì tôi đều phục tùng, không thoái thác và cố gắng hoàn thành. Tôi chỉ nghĩ: "Đừng nên cứ kể công, hát mãi bài ca chiến thắng làm gì, hãy nghĩ đến những người đang nằm dưới cỏ".
          Trong cuộc điện thoại hơi dài chiều nay với chính trị viên Hoàng tôi bỗng chợt nhớ và hỏi lại anh:
          - Hôm trước em có gặp anh N. em nói là anh đang ốm, ghi cho anh ấy số điện thoại của anh. Anh ấy có điện cho anh không?
          - Không thấy?
          - Sao thế nhỉ! Hôm ấy anh ấy ghi số điện thoại của anh vào máy điện thoại của mình rồi cơ mà! Hay anh ấy quên, để hôm nào gặp lại em nhắc...
          - Thôi mày ạ! - Chính trị viên Hoàng bảo: - Ông ấy bây giờ khác xa tao với mày rồi... Ông ấy sẽ không điện đâu, mà mày cũng đừng có nhắc lại làm gì!
          Tôi chợt cảm thấy buồn. Trong chiến đấu ông N. này luôn được anh Hoàng giúp đỡ, động viên, ưu ái kể cả việc không giao nhiệm vụ vào những nơi khó khăn, ác liệt, có thể hy sinh vì ông ta là con trai duy nhất của một liệt sĩ chống Pháp. Ông này hiện nay là cán bộ cấp rất cao, một ủy viên trung ương. Biết chính trị viên Hoàng - thủ trưởng cũ của mình đang ốm, ông ta cũng không một lần điện thoại hỏi thăm. Có thể ông ta ngại, hoặc ông ta sợ anh em chiến hữu cũ liên lạc lại với nhau lại cầu cạnh, nhờ vả gì chăng... Thôi hãy cứ nghĩ ông ta bận nhiều việc lớn nên không nhớ những việc nhỏ! Nghĩ như thế cho lòng mình luôn thanh thản.
 Tuy vậy, cũng xin được viết thêm một câu cuối của truyện dài này là: Có những khi trong chiến tranh cái chết không xảy ra nhưng "cái chết trong hoà bình" vẫn đến với không ít người đã từng là lính chiến chúng tôi.

                                                     Hà Nội, ngày 3/10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét