Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 26)

            Dốc núi cao
 
Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

          Tôi rời Cao Bằng về xuôi để ôn thi vào đại học. Trong đoàn cán bộ, chiến sĩ về xuôi có nhiều người được cử đi đào tạo tại các trường sĩ quan. Tôi và mấy anh em nữa về trường văn hoá của quân khu. Chúng tôi sẽ ôn tập để thi vào các trường đại học. Khi còn đi học phổ thông tôi vẫn ước mơ thi vào khoa văn của trường đại học tổng hợp Hà Nội. Nhưng sau cuộc chiến tranh biên giới này tôi lại muốn thi vào trường đại học nông nghiệp. Tôi muốn mình thành một kỹ sư trồng lúa. Tôi nghĩ đến đồng bào biên giới thiếu đói quanh năm mà khi chiến tranh xảy ra vẫn giành gạo ngô cho bộ đội. Tôi nhớ đến cái đói run người những lần leo dốc hành quân. Cái đói khiến bao người lính gục ngã nơi chân dốc núi. Họ đã không còn đủ sức để đánh nhau với quân thù trong một trận đánh không cân sức. Cái đói đã giết chết mấy chục cán bộ, chiến sĩ trong hang sâu khi họ bị bọn giặc đánh sập cửa hang. Nghĩ đến lúc được ra quân trở thành một sinh viên tôi lại thấy nao nao trong lòng. Tôi có biết đâu cuộc đời thường không định trước được mọi việc. Sắp đến kỳ thi đại học thì tôi lại được cử đi học tại một trường sĩ quan.
          Ngày ấy, trước khi rời mảnh đất Cao Bằng đầy gian khổ hy sinh ấy tôi rủ thằng Lâm ra đến thăm mộ em Mai. Thằng Lâm được cử đi đào tạo tại trường sĩ quan thông tin. Hai chúng tôi đứng lặng lẽ hồi lâu rước nấm mồ nhỏ nhoi của người em gái.
  Đêm trước tôi đã thức và viết một bài thơ để sáng nay đọc cho em nghe. Mộ của Mai trên một bãi đất phẳng ven bờ con suối nhỏ. Sau khi dọn cỏ sạch sẽ, tôi bảo thằng Lâm châm mấy nén nhang.
  Quỳ trước nấm mộ người em gái dũng cảm tôi đọc cho em nghe bài thơ của mình đã viết. Bài thơ "Thôi em ở lại" (*).
  Đọc xong, tôi xoè diêm đốt tờ giấy ghi bài thơ ấy để gửi cho người liệt nữ đang ở một thế giới xa xôi. Tờ giấy chép thơ cháy bỏng trên tay tôi. Một cơn gió từ đâu thổi đến làm ngọn lửa bùng cháy lên sáng bừng rồi lụi tàn dần. Một chút tro tàn rơi trên nấm mộ cỏ đã lên xanh...
*
           Hai mươi năm sau cuộc chiến tranh biên giới, mãi năm 1999, tôi mới lại có dịp trở lại Cao Bằng. Tôi lại đi theo đúng con đường ngày xưa mình hành quân ra trận. Thị xã Cao Bằng hai mươi năm trước đầy dấu vết chiến tranh, xác xe tăng quân giặc vương vãi ở Bế Triều, Hoà An. Hai mươi năm sau, thị xã đầy ăm ắp hàng hoá mang nhãn hiệu "made in China". Quá khứ lùi xa, lòng nhân ái vượt lên trên sự hận thù. Chiến tranh là ý chí, hành động của những người lãnh đạo, của thượng tầng kiến trúc. Hoà bình là xu hướng, là mong mỏi của nhân dân, của hạ tầng cơ sở.
   Ở thị xã vùng biên này tôi lại gặp những người Trung Quốc sang buôn bán, du lịch, nét mặt tươi cười, thân thiện. Hơn hai mươi năm trước, trước khi cuộc chiến xảy ra, tôi cũng đã gặp những người dân Tàu sang chợ vùng biên của ta ở Hà Quảng. Họ mua xôi, thịt, thức ăn ngon của bà con ta rồi ăn luôn tại chợ, họ chỉ mua sắn, ngô gùi về nhà. Hỏi ra mới biết ngày ấy người dân Trung Quốc cũng rất nghèo, rất đói, ăn không dám ăn ngon, mặc không dám mặc đẹp. Cũng như ở ta thời bao cấp, để hoà đồng với mọi người, nhà mình có được ăn no vẫn phải kêu đói, áo lành, áo mới mặc lận vào trong, áo rách khoác ra ngoài để tránh bị quy kết này nọ.
           Cao Bằng ngày chúng tôi lên giữ đất (1979) cũng rất nghèo, dân cũng còn thiếu đói. Nhưng tôi nhớ mãi một chuyện gặp ở chợ Sóc Giang. Hôm đó đơn vị chúng tôi đi huấn luyện triển khai mạng thông tin dã ngoại. Được thanh toán tiền ăn, anh em trong tiểu đội kéo nhau ra chợ mua thêm cân thịt lợn cải thiện thêm bữa ăn. Khi tôi hỏi giá, bà bán thịt lợn bảo tôi:
   - Một cân bán cho dân hai mươi đồng, bán cho bộ đội chỉ lấy mười tám đồng thôi! (Không biết tôi có nhớ nhầm trị giá đồng tiền ngày ấy không?).
   Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
   - Tại sao lại thế ạ?.
   Bà bán hàng người dân tộc cười nói rất tự nhiên:
   - Chả tại sao cả! Cái gì bán cho bộ đội cũng cứ thấp hơn thế đấy!
   Thì ra ở chợ có một quy định không thành văn là hàng hoá bán cho bộ đội đều thấp hơn so với bán cho người khác từ 15 đến 20%. Mà có điều lạ là chả ai phổ biến, quán triệt nhưng bà con dân tộc đem hàng ra chợ ai cũng làm như vậy. Và không ai từ chối khi bộ đội hỏi mua hàng. Quy định bất thành văn đó chính là lòng dân thương yêu bộ đội mà có. Một lần đi công tác dừng lại nấu cơm dọc đường, thấy vườn đu đủ trên sườn núi trĩu quả, tôi hỏi mua, ông chủ vườn bảo: "Chú cứ lấy mà ăn! Để lại cái hột là được". Đu đủ chín đầy vườn bộ đội muốn ăn thì cứ lấy, ăn xong để lại cái hạt cho những cây con mới mọc lên.
           Chính nhờ lòng dân như vậy đã giúp chúng tôi đứng vững và chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những trận đánh ác liệt để giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên giới ấy có bao người dân đã ngã xuống cùng người lính trong chiến hào để gìn giữ mãi lời thề thiêng liêng của cha ông "Nam quốc sơn hà nam đế cư...". Thời phong kiến xa xưa, các vua quan Việt Nam từng coi dân bản xứ ở nơi biên thuỳ như là những người lính tiền tiêu trấn giữ nơi biên ải vì thế. Tôi đã viết các truyện ngắn Gió núi, Đá dựng, Nước lũ... từ những câu chuyện về tình quân dân ngày ấy. Tôi cũng đã hoàn thành bản thảo truyện dài này viết về chiến tranh biên giới.
   Mong rằng trong tương lai thế hệ con em chúng ta sẽ không còn phải trải qua bất cứ một cuộc chiến tranh mới nào nữa. Máu đổ đã quá nhiều rồi, trên dải đất hình chữ S mong manh này biết bao mất mát, đau thương. Tôi không bao giờ quên một vùng biên giới Cao Bằng với bao nhiêu đồng đội của tôi còn nằm lại. Nhớ về họ tôi muốn gọi một câu: "Đồng đội ơi, những bạn bè của tôi ơi! Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn nhớ một vùng đất thân yêu chúng mình từng gắn bó mà các bạn và đã ở lại đây không ngày trở về...".

 ------------------------------                                                           
             Bài thơ này đã đăng ở phần thứ 6 của truyện:

Thôi em ở lại

Vậy thôi em ở lại,
Bọn anh ngày mai về xuôi.
Hôm lên chúng mình có ba người 
Một mình em con gái 
Quê em ở bến sông Cầu
Em nói ngày ra quân năm sau 
Đưa bọn anh về làng Lim đi hội 
Nghe quan họ hát thâu đêm...
Thế mà bây giờ chỉ một mình em 
Ở lại đây với núi rừng biên giới.
Trận đánh ấy vô cùng dữ dội 
Giữa vòng vây quân giặc trùng trùng 
Quả lựu đạn cuối cùng
Trên tay em chớp lửa 
Quân thù kinh hoàng, tơi tả, 
Em hoá thân vào trời đất bao la,
Nên ngày về xuôi chẳng còn đủ ba 
Khuyết mất người em gái nhỏ
Hai đứa anh ngồi bên nấm mộ 
Bùi ngùi dặn em trước lúc chia tay:
"Thôi em ở lại đây
Với chập trùng núi đá 
Với bạt ngàn hoa lau,
Để mùa Xuân trên bến sông Cầu 
Thiếu một người đội nón quai thao đi hội...".
          Cao Bằng, 7-1979

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét