Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Truyện vừa Chuyện lão Thực (6)

 Chuyện lão Thực

Truyện của Trọng Bảo

Câu chuyện thứ 6: Lão Thực và con gái


          Câu chuyện lão Thực hì hục một mình lao động trên thửa ruộng tư hữu đã khiến cho có người thắc hỏi: “Lão này không có vợ con gì à?”. Xin nói ngay, lão cũng có vợ con đấy chứ, nhưng sau khi vào hợp tác xã lão mới cưới vợ. Câu chuyện lão có vợ cũng hoàn toàn ngẫu nhiên. Mọi chuyện bắt đầu từ một ngày đáng nhớ. Đó là ngày giỗ của cô Thoa. Lão Thực cầm thẻ nhang ra một người nữ du kích. Lão cố ý đi vào buổi chiều. Vì lão biết buổi sáng người nhà cô Thoa thường hay đến thăm mộ. Lão tránh gặp họ. Vì lão vẫn còn ngại họ nghĩ cô Thoa chết là do lão. Mặc dù nguyên nhân chính phải là do đội trưởng du kích Hà Văn Bồi chịu trách nhiệm. Nhưng đội trưởng Hà Văn Bồi thì cũng đã bị sét đánh chết giữa cánh đồng rồi.
          Châm mấy nén nhang cắm lên mộ xong. lão Thực đang lúi húi nhổ mấy búi cỏ xung quanh nấm đất thì giật mình nghe có tiếng động sau lưng. Lão quay lại và nhận ra ông cụ Tam, bố cô Thoa cùng một người đàn bà và một cô bé đang đứng ngay phía sau lưng mình. Ông cụ Tam bây giờ đã già yếu lắm rồi. Ông chống cái gậy lưng còng hẳn xuống. Lão đứng dậy, tay vẫn cầm nắm cỏ ấp úng:
          - Cháu chào ông ạ!
          Ông Tam gật đầu chào lại. Ông cụ cũng đã biết tại sao lão lại ở đây vào ngày này. Ông cụ bảo:
          - Anh giúp em nó bày đồ cúng, hoa quả ra đi! Cúng xong mời anh về nhà tôi uống chén rượu nhạt để tưởng nhớ ngày mất của em Thoa!
          Lão Thực giúp cô gái bày đồ cúng ra. Cô này là em con ông chú của Thoa. Cô ở trên thị trấn đưa con về ăn giỗ chị. Ông Tam lại bảo:
          - Sau giỗ, tôi sẽ đưa mộ em Thoa về đặt gần mộ mẹ nó để hai mẹ con luôn được ở gần nhau.
          Lão Thực vội can:
          - Cháu nghe nói xã đang hoàn chỉnh thủ tục công nhận cô Thoa là liệt sĩ. Hay là… cứ để Thoa ở đây. Khi nào Thoa được công nhận là liệt sĩ thì đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã ta bác ạ!
          - Thôi anh ạ! Cũng chả quan trọng gì. Để em nó ở gần mẹ vẫn hơn. Vinh quang, danh dự đến đâu thì người cũng đã mất rồi còn gì nữa!
          Giọng của ông Tam bùi ngùi. Lão Thực cũng thấy nao nao trong lòng. Nhớ lại những ngày hai người cùng ở trong cùng đội du kích quấn quýt bên nhau. Thế mà bây giờ mỗi người một ngả, âm dương cách biệt. Rất gần nhau đây nhưng là xa cách ngàn trùng. Hoa quả bày xong, lão Thực và hai mẹ con người đàn bà đứng sau ông cụ Tam. Họ lầm rầm khấn vái. Mỗi người một tâm trạng khi đứng trước nấm mộ của người đã chết. Nắm hương cắm trên mộ tự nhiên bùng lên cháy thành ngọn lửa. “Hoá chân nhang rồi!” - Lão Thực nghĩ. Chắc là hương hồn của Thoa đang quanh quất đâu đây. Thoa đang nhìn thấy mọi người. Nhưng mọi người và lão lại không thế nhìn thấy cô.
          Ông cụ Tam nhắc lại:
          - Anh về luôn trong nhà thắp nén hương trên bàn thờ em nó và uống chén rượu nhạt với gia đình chúng tôi...
           Lão Thực không dám từ chối.
             Lão theo ông cụ và hai mẹ con người đàn bà về nhà cô Thoa. Trong bữa giỗ ấy lão mới biết người đàn bà em họ cô Thoa tên là Lý. Chồng chị ta cũng đã chết trong chiến tranh do bị trúng bom của bọn Pháp ném xuống phố chợ. Họ chỉ có một đứa con gái nhỏ. Cô bé hơn tám tuổi. Khi nó sinh ra thì bố đã chết được hơn năm tháng rồi. Ông cụ Tam có ý muốn vun cho hai người với nhau. Khi ấy, lão Thực thì cũng đã ngót nghét bốn chục tuổi rồi còn gì. Sau kháng chiến số lão lật đật, làm ăn cá thể, mãi mới được kết nạp vào làm xã viên hợp tác xã. Bây giờ thì lão đã là một xã viên gương mẫu, một lao động tiên tiến luôn luôn có số công điểm cao nhất đội sản xuất rồi.
          Đám cưới của lão với cô Lý cũng đơn giản. Ông cụ Tam đứng ra lo cho cả hai người. Cụ vừa đại diện cho nhà gái lại vừa đại diện cho nhà trai. Lão Thực tứ cố vô thân. Từ ngày Thoa chết, lão coi ông cụ Tam như một người cha của mình. Ông cụ già yếu, không có sức lao động, đến mùa hợp tác xã chỉ “điều hoà” bán cho năm mươi ki-lô-gam thóc, tính ra chỉ có tám ki-lô-gam thóc một tháng. Ông cụ ăn ít thì mỗi tháng với số thóc ấy xay sát ra chỉ được có bốn ki-lô-gam gạo, cũng chả thể nào đủ. Ngày còn làm ruộng cá thể, lão Thực vẫn mang gạo đến cho cụ mỗi tháng thêm vài ba cân. Ông cụ từ chối không nhận lão cũng cứ để lại. Nghĩ mà buồn cười, một người như nhà ông cụ Tam, trong cải cách ruộng đất suýt nữa lên thành phần địa chủ thế mà vào hợp tác xã, ruộng đất, trâu bò công hữu hết, mỗi tháng được bán điều hoà cho tám cân thóc, chả đủ nấu cháo cầm hơi.
           Sau đám cưới, cô Lý đưa con về ở với lão Thực ở trong căn nhà tre cuối làng Đông, cạnh cái đầm đầy cỏ dại và muỗi đỉa. Dân làng bảo ông Thực này thế mà khôn, “tậu trâu được luôn cả nghé”. Nhưng số lão Thực khổ. Cô lý ở với lão chưa được tám năm thì mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất. Lão và cô Lý không có con chung. Cũng may con bé Lan rất yêu quý lão, coi lão như bố đẻ ra mình. Con bé học trung cấp nông nghiệp, ngành trồng trọt. Chính nó sau này khi lao động trong nông nghiệp thực hiện khoán sản phẩm đã tham mưu cho lão nhận thầu khu đầm lầy làm trang trại, đào ao, thả cá. Rồi suốt bao nhiêu ngày tháng nó lăn lộn thiết kế ao vườn, giúp lão cải tạo mặt đất, mặt nước, trồng cây, thả cá. Vậy nên dần dần lão mới có một khu vườn xanh mát nhất làng thế này. Con bé Lan là một người có năng lực và sáng tạo trong công tác. Nó lại là một người chăm chỉ, chịu khó. Vừa làm, vừa học, nó vẫn thi đỗ vào đại học nông nghiệp với điểm số rất cao. Tốt nghiệp ra trường nó được điều về sở nông nghiệp của tỉnh. Cứ nghĩ chặng đường đời của nó như vậy là thuận buồm, mát mái. Không ngờ tại vì lão mà sự nghiệp của nó lại gặp nhiều trắc trở. Chuyện này mãi sau này lão mới biết. Hoá ra ở sở người ta định bồi dưỡng, đưa nó vào nguồn phát triển cán bộ, kết nạp vào tổ chức. Nhưng khi tổ chức đi thẩm tra lý lịch, nhân thân thì họ được chính quyền xã thông báo cho biết bố con bé là người “có vấn đề” trong cải cách ruộng đất, không kiên quyết đấu tranh vạch mặt, chỉ tên bọn địa chủ. Khi hợp tác xã thành lập thì lão vẫn còn có thời gian làm ăn cá thể, có ý ngăn cản phong trào hợp tác hoá. Toàn những chuyện động trời như thế thì làm sao con cái có thể vào nguồn cán bộ để phát triển được.
          Khi rõ mọi chuyện, lão rất buồn. Một hôm con gái về thăm, lão cứ đắn đo và ngập ngừng mãi rồi bảo:
          - Con không phải là con đẻ của bố mà lại bị ảnh hưởng bởi quá khứ và những việc làm của bố…
          Lão ngừng lời thăm dò thái độ của con bé. Nó không nói gì, mắt rớm lệ. Lão nói tiếp:
          - Hay là… bố… bố… con mình thôi không… không… - Lão thấy khó diễn đạt ý nghĩ của mình một cách tế nhị nên đành nói rõ luôn hẳn ra: - Con hãy coi như không có bố nữa… đừng khai trong lý lịch tên bố để họ khỏi điều tra rồi gây khó khăn cho con…
          Nghe lão nói như vậy, con bé oà lên khóc nức nở. Lão Thực lúng túng. Lão lo lắng không hiểu con bé sẽ có ý kiến phản ứng như thế nào. Lão rất thưong nó. Nhưng lão không muốn vì mình mà nó cự trục trặc lận đận mãi trong sự nghiệp của đời mình.
          Cái Lan chùi nước mắt. Nó chăm chăm nhìn lão. Lão thấy lo lo. Trong lòng lão chợt thấy một sự trống rỗng, vô nghĩa. Lão rất muốn nó sẽ từ lão, cắt đứt mọi liên hệ với lão để không còn vật cản trong cuộc đời và sự nghiệp nữa. Tuy thế lão vẫn thấy sự hẫng hụt, mất mát.
          - Bố ạ! - Cái Lan đã trở nên bình tĩnh một cách không ngờ: - Con rất buồn vì những trục trặc trong công việc. Nhưng dù thế nào thì con vẫn luôn luôn coi bố là người cha kính yêu của mình. Tiền đồ, sự nghiệp chả là gì nếu con không có bố, bố ạ!
          Nói xong, nó đứng dậy. Nó đang có dự định thí nghiệm nuôi ếch và ba ba trong trang trại. Lão Thực nhìn theo nó đang xách cái cuốc ra ao mà thấy lòng mình ngổn ngang, lộn xộn bao nhiêu nỗi niềm.
          Câu chuyện của lão và con gái như vậy. Chuyện cũng chẳng có gì nhưng khiến lão cứ thấy trăn trở bao năm. Sau này cơ quan cái Lan có một ông thủ trưởng mới về nhậm chức. Ông này có quan niệm khác về “chủ nghĩa lý lịch” nên nó cũng dễ dàng hơn. Tuy vậy, nó cũng vẫn chỉ là một người “thực đức”. “thực tâm”, “thực tài” nhưng lại thiếu mất cái thực thứ tư mà trong thời buổi này điều đó lại là số một.

                                                                                                 Hà Nội, 21/7/2011
            (còn nữ­a)

6 nhận xét:

  1. Cái giao diện bên này có vẻ đẹp nhưng muốn comment một bông hoa chúc mừng thì chả biết làm thế nào.

    Trả lờiXóa
  2. Gửi anh Cầm Sơn: Cám ơn anh đã ghé thăm Blogs này của em! Blogs mới bên này sử dụng chưa quen, vừa comment cho anh nó lại lặn mất đằng nào rồi! Trọng Bảo

    Trả lờiXóa
  3. Chúc mừng nhà mới của Trọng Bảo nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Gửi anh Vũ Quốc Khánh: Cám ơn anh đã ghé thăm Blogs này của em! Những ngày cuối tuần chúc anh mạnh khỏe, vui vẻ!

    Trả lờiXóa
  5. Gửi kimlientb68: Chào em! Anh cũng đã ghé sang thăm nhà mới của em bên Blogspot rồi! thỉnh thoảng ghé qua nhau nhé!

    Trả lờiXóa