Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (phần 7)

     

Trong vòng lửa 
Truyện của Trọng Bảo
 
 
        Những ngày chúng tôi ở Lũng Mật thật là khốn khổ. Thiếu lương thực. Thiếu nước. Vách núi đá vôi khô khốc. Chỗ khe đá có nhiều cây nhất Lũng Mật nước hơi ri rỉ ra cả ngày được độ vài xô nước. Khi bộ đội chưa lên bà con ở Lũng Mật thường dùng nước mưa là chủ yếu. Nước mưa được hứng cho chảy vào các bể xây bằng xi măng. Bể nào to cũng chỉ độ một mét khối. Bây giờ bộ đội và dân chạy loạn kéo lên cả trăm người thì lượng nước dự chữ của bản cũng cạn dần. Buổi tối chúng tôi phải tụt xuống tận dòng suối chỗ Mỏ Nước để lấy nước. Từ hôm bọn biệt kích phát hiện bắn chết mấy chiến sĩ và một cô thanh niên xung phong thì việc đi lấy nước phải tạm dừng lại.
Nằm ở các khe đá, hoặc giữa các mô đá mồ côi nhấp nhô trong thung lũng, một anh thương binh nằm trong khe đá tỷ mẩn quan sát những cây dương xỉ bám trên đá. Anh thấy những cái rễ loà xoà trùm lên hòn đá có những nốt phồng to như hạt lạc. Anh rứt nhấm thử, thấy có nước và vị ngọt. Thì ra những cây dương xỉ trên núi đá vôi khác hẳn những cây dương xỉ sống ở khu vực núi đất và trong khe suối ẩm ướt. Những nốt sần treo lủng lẳng trên rễ của cây dương xỉ trên núi đá vôi quanh năm khô cằn chính là cái túi dự chữ nước của nó. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bắt buộc sinh vật có cách thích nghi để tồn tại.
Người lính ấy đã gào lên:
- Nước... có nước rồi chúng bay ơi... ha... ha...!
- Thôi chết! Thằng này đau quá mê sảng rồi!
Mọi người xúm lại cứ ngỡ anh ta mệt và khát quá nên mê sảng. Anh đưa ra một nắm những hạt sùi của cây dương xỉ bảo mọi người nếm thử. Và, thế là thật tình cờ, chúng tôi phát hiện ra một nguồn nước tuy không thể nấu cơm, rửa vết thương cho thương binh nhưng lại có thể giải khát. Chúng tôi bứt những cái nốt sần của cây dương sỉ nhai cho đỡ khát. Quả là một nguồn nước vô tận của người lính trong vòng vây quân thù. Một nguồn nước nhỏ nhoi nhưng thật là quý giá.
Những ngày ở Lũng Mật, chúng tôi chủ yếu ăn gạo sấy. Đó là loại gạo đã được rang chín đóng trong túi ni-lông. Lẽ ra có nước sôi đổ vào thì ăn sẽ ngon hơn. Nhưng chúng tôi không nấu được nước để lỡ khói bốc lên lộ vị trí giấu quân. Vì thế, gạo sấy chủ yếu pha bằng nước lã. Ăn thứ gạo sấy này giống hệt như cơm nguội ném vào nước lạnh cho trương lên, hoặc tựa như những hạt cơm còn sót lại trong chậu sau khi rửa bát. Nó nhạt nhẽo. Nhưng trong vòng vây của kẻ thù có được một chút gạo sấy là may lắm rồi.
Một sáng, tôi đang ngủ sau một đêm đi bám địch thì chợt tỉnh vì nghe tiếng quát, tiếng khóc ở ngay hốc đá bên cạnh. Tôi bật dậy xách súng trèo qua gộp đá sang xem có chuyện gì.
Anh Thành, trung đội trưởng trung đội vận tải đang quát hai cô gái:
- Các cô là ai! Tại sao các cô lại chui vào đây?
- Chúng em là thanh niên xung phong... lạnh quá nên...
Hai cô gái ôm vai co ro ngồi gục đầu khóc nức nở.
Tôi nhận ra đó là hai nữ thanh niên xung phong mà bộ phận bám địch tối hôm qua tìm thấy dẫn về cùng một số bà con các bản bị bọn địch truy đuổi chạy lên núi tìm theo bộ đội. Tôi liền nói để trung đội trưởng Thành hiểu. Nét mặt trung đội trưởng Thành dịu đi. Các chiến sĩ xúm lại hỏi chuyện. Thì ra, khi lên tới Lũng Mật đã gần sáng, hai cô bé này mệt và buồn ngủ quá liền chui bừa vào một hốc đá chỗ có các chiến sĩ đang nằm định ngồi nhờ cho đỡ rét. Thấy có mấy người đang trùm chăn nằm ngủ hai cô bé liền ôm nhau nằm cạnh. Họ kéo cái chăn họ đang trùm đắp ké cho đỡ lạnh. Sáng ra, hai cô bé mới biết là suốt đêm qua họ đã nằm cùng các liệt sĩ khi trung đội trưởng Thành và mấy chiến sĩ vận tải đến để chuẩn bị việc mai táng. Hai cô bé thanh niên xung phong sợ tái nhợt cả mặt mũi. Bây giờ các cô mới hiểu thảo nào cả đêm nằm sát các anh mà vẫn cứ lạnh và lạ nhất suốt đêm chả thấy ai trở mình cục cựa lần nào. Cả hai lại cứ nghĩ là các anh mệt quá nên ngủ chìm đi.
Rõ mọi chuyện, tôi tìm cách an ủi:
- Đừng sợ! Đó đều là đồng đội của chúng ta cả thôi. Các anh ấy vì Tổ quốc mà hy sinh chẳng có gì phải sợ cả.
- Đúng vậy! Hôm qua, tôi còn cõng các anh ấy cả buổi leo lên núi. Chắc là nhờ các anh ấy phù hộ cho nên bị địch bắn mấy lần vẫn thoát đấy!
Một chiến sĩ tiếp lời. Mỗi người một câu động viên an ủi. Hai cô bé thanh niên xung phong đã hơi hoàn hồn. Nhìn hai cô bé nét mặt bơ phờ, đầu tóc rối tung, quần áo mong manh tả tơi tôi thấy thương quá. Có lẽ hai cô bé này chỉ trạc tuổi em Mai. Tôi liền đề nghị:
- Ai còn mang theo được hai bộ quần áo thì san sẻ cho hai cô này một chiếc.
- Có... có...
Mấy chiến sĩ vội lục ba lô. Người cho cái quần, người thì cho cái áo, cái khăn mặt. Hai cô bé mỗi người có thêm một bộ quần áo nữa. Họ mặc vào bớt rét nên đỡ run rẩy hơn. Nét mặt hai cô bé có vẻ tươi tỉnh lại một đôi chút. Tôi đưa cho hai cô một cái vỏ chăn và bảo:
- Cầm lấy, tối ngủ hai người đắp chung cho đỡ rét.
- Nhưng anh cho chúng em rồi thì anh lấy cái gì để đắp...
- Yên trí! Đã có cái này rồi...
Tôi nói và rút từ trong ba lô ra một cuộn vải còn mới tinh lòng thòng những cái đai may sẵn rồi cười bảo:
- Đây là một tấm vải liệm đã may sẵn để liệm người hy sinh, bọn anh được cấp phát để dùng trong chiến đấu. Khi chưa phải dùng đến thì anh dùng đắp tạm cho đỡ rét. Mong rằng mình sẽ được sử dụng nó để đắp cho đến hết chiến tranh mà không phải dùng đến nữa.
- Ôi trời...
Hai cô bé tròn mắt nhìn tấm vải liệm tôi đang cầm trên tay. Nó giống hệt những tấm vải liệm mà các chiến sĩ trung đội vận tải đem đến để chuẩn bị gói ghém các liệt sĩ đang để trong hốc núi. Tuy vậy, các cô cũng có vẻ đỡ sợ hơn sau một đêm đã nằm cùng những người đã chết. Hai cô bé giúp các chiến sĩ trung đội vận tải khâm liệm các liệt sĩ để đưa đi mai táng.
Qua trò chuyện chúng tôi biết tên hai cô bé thanh niên xung phong. Một người tên là Ngọc, một cô tên là Thuỳ. Cả hai đều là sinh viên cao đẳng ở thành phố Thái Nguyên. Hai cô bé cùng rất nhiều bạn bè hăng hái xung phong lên phục vụ chiến đấu ở biên giới. Đội thanh niên xung phong của các cô đóng ở mãi phía sau. Mấy ngày đầu cuộc chiến các cô đã vác đạn lên trận địa cho bộ đội, khênh cáng thương binh về tuyến sau. Nhưng rồi tuyến sau lại bị quân địch tấn công trước. Chúng tràn vào doanh trại của đội thanh niên xung phong bắt hàng chục cô gái lột hết quần áo, cưỡng hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm chết rồi quăng xác xuống giếng. Một số bị tra tấn rất rã man và bị đưa đi đâu không rõ... May hôm địch xông vào doanh trại Ngọc và Thuỳ đang đi cáng thương binh về chậm nên thoát chết. Hai cô bé nấp ở trên đồi nhìn bọn giặc làm nhục và giết hại các bạn mình cắn môi đến bật máu mà không dám khóc. Chờ đến tối, hai cô bé này chui ra khỏi chỗ ẩn nấp dắt nhau chạy về hướng dãy núi đá tìm bộ đội của ta. Hai người gặp được một số người dân và được bộ phận đi trinh sát nắm tình hình địch của tiểu đoàn tôi đưa lên Lũng Mật.
Hai cô bé vừa kể lại mọi chuyện vừa khóc. Họ khóc khi nói về đồng đội và cho cả những người lính chiến vừa được vùi dưới lớp đất mỏng không có một nén nhang, không một bông hoa trên mộ chí.
Sau khi mai táng các liệt sĩ về, Ngọc và Thuỳ được gọi lên bổ sung vào bộ phận nuôi quân của tiểu đoàn. Hai cô bé này đã đi cùng với đơn vị chúng tôi cho đến hết chiến tranh. Khi nhìn hai cô bé, thắt lưng gài lựu đạn, vai đeo cái ba lô tự tạo làm bằng cái quần dài hai ống buộc túm lại giống hệt các chiến sĩ khi rút lui khỏi trận địa phòng ngự, tôi cười bảo:
- Hai em đã là chiến sĩ thực sự rồi đấy nhé!
- Chúng em sẽ cố gắng anh ạ!
Tôi dặn:
- Trong tình huống nào cũng phải cố mà bám bằng được theo bộ đội nhé!
Cả hai gật đầu. Nhớ đến Mai, tôi lại cầu mong cho hai cô bé sẽ bình an để được trở về với mẹ, tiếp tục học hành. Trong đêm vượt vây Ngọc và Thuỳ đã cứu được một em bé. Đó là hôm đơn vị rút sang Nguyên Bình, Ngọc và Thuỳ đi phía sau đội hình có nhiều bà con đồng bào các bản. Đoàn người gồng gánh, bế bồng con cái bám theo bộ đội vượt đường quốc lộ. Giữa lúc cả đoàn người đang âm thầm len lỏi đi dưới chân điểm chốt của địch thì xảy ra sự cố. Một đứa trẻ chưa đầy tháng mà người mẹ trẻ đang ôm trên tay bỗng giật mình bật lên tiếng khóc. Tiếng khóc của một sinh linh chưa hiểu chiến tranh và sự hiểm nguy là gì. Người mẹ trẻ ấy sợ bọn địch phát hiện ra đội hình đang vượt vây sẽ dẫn đến cái chết của hàng trăm người nên vội vàng lấy khăn bịt miệng con không cho khóc nữa. Lúc sang đến bên kia cánh đồng thì đứa bé ngừng thở. Tưởng đứa con chưa đã chết, người mẹ ấy vội đặt con vào hốc đá rồi dắt đứa lớn chạy theo đoàn người. Đứa trẻ số không chết. Khi được đặt xuống đất lạnh, nó dần tỉnh lại. Ngọc và Thuỳ đi gần cuối đội hình chợt nghe tiếng trẻ con khóc bèn quay lại tìm. Ngọc liền cởi áo bọc đứa trẻ ôm chạy theo bộ đội. Nhận lại đứa con từ tay hai cô nữ thanh niên xung phong, người mẹ ấy cứ khóc mãi.

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét