Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Truyện vừa Chuyện lão Thực (4)

                 

Chuyện lão Thực
Truyện của Trọng Bảo

Câu chuyện thứ 4: Lão Thực
và cải cách ruộng đất
      Ngày ấy, sau cái chết của cô Thoa, lão Thực đâm ra chán nản. Nhiệm vụ phân công lão vẫn hoàn thành nhưng không hăng hái chiến đấu như trước nữa. Lão còn bị kiểm điểm vì một chuyện không đâu. Đó là việc đã bắn chết một tên địch mà lẽ ra có thể bắt sống nó để khai thác tin tức.
           Hôm đó, phát hiện ra có một toán địch vượt sông Đáy ra vùng tự do của ta để trinh sát, đội du kích được lệnh chặn đánh tiêu diệt và bắt sống tù binh địch. Toán biệt kích địch thâm nhập vào làng Tích Phổ ở sát bờ sông. Dân làng Tích Phổ đã đi tản cư triệt để. Làng gần như vườn không, nhà trống, chỉ có các đội viên đội du kích của xã qua lại hoạt động mà chủ yếu là ban đêm. Ban ngày máy bay bà già của bọn Pháp hay bay vè vè dọc theo bờ sông, chỉ cần phát hiện có bóng người trong làng là chúng lập tức bắn rốc-két xuống ngay. Toán địch mò vào làng bị du kích chặn đánh. Một thằng bị bắn chết tại chỗ, hai thằng khác tháo chạy ra phía bờ sông. Một tên nhào được xuống sông thoát thân. Một tên chạy vào bãi ngô chỗ lão Thực được phân công phục kích đón lõng. Lão Thực lao ra chặn ngang đường rút của tên địch. Khi thấy lão bất ngờ xuất hiện, nòng súng của lão dí sát ngực mình tên giặc hoảng hốt vội giơ tay lên. Lão Thực chợt nhận ra một khuôn mặt quen quen. Khi lão xông đến thì đạp trúng một quả bí ngô nên bị trượt chân loạng choạng. Tên giặc thừa cơ bỏ chạy. Lão đuổi theo sát sau lưng nó. Lẽ ra vẫn có thể bắt sống tên biệt kích thì lão lại nổ súng. Viên đạn găm thẳng vào lưng tên giặc xuyên ra phía ngực trái. Nó ngã úp mặt xuống rãnh ngô. Lão lật nó lên nhìn. Quả là không sai. Nó chính là cái tên đã lôi xác Thoa từ mép sông lên treo trên cành cây gạo chỗ dốc đê. Vết sẹo dài trên mặt nó lão không thể quên.
           Lão Thực bị kiểm điểm vì không hoàn thành nhiệm vụ bắt sống tù binh. Sau bận ấy, đội du kích không giao nhiệm vụ gì cho lão nữa. Lão như một người thừa ở trong đội. Lão lang thang đi bẫy chim hoặc lần xuống tận mép sông đặt lờ bắt tôm cá. Nhưng chim, tôm cá của lão đem về anh chị em trong đội du kích cũng không ăn. Họ ngại vì không muốn dính dáng đến một kẻ chậm tiến, một người đang có vấn đề như lão. Đầu năm 1954, khi thế tổng tiến công Đông Xuân 1953-1954 sôi sùng sục. Hình như ngày kháng chiến thắng lợi sắp đến gần. Trong đội du kích nhiều người được đưa lên chiến khu tham gia quân chủ lực. Chị em phụ nữ thì xung phong đi dân công hỏa tuyến lên mặt trận Điện Biên Phủ. Lão cũng xung phong vào bộ đội ra trận nhưng chờ mãi không thấy thượng cấp nói gì.
           Một buổi tối nhá nhem nhọ mặt người, lão Thực được liên lạc của đội du kích gọi lên nhà chỉ huy gấp. Nghĩ mình được cấp trên giao nhiệm vụ, lão vội vã đeo súng đi ngay.
           Căn nhà gỗ nhỏ nép vào vách đá chân núi Mả Voi là nơi vẫn đặt sở chỉ huy của đội du kích. Trong nhà đã có mấy người đang ngồi quanh một ngọn đèn dầu cháy leo lét bằng hạt đỗ. Ánh sáng chập chờn của ngọn đèn không đủ soi rõ mặt người, chỉ có những cái bóng của họ là in rõ trên vách thành những hình thù méo mó, kỳ dị. Lão vừa bước vào cửa thì anh Thạo, đội trưởng đội du kích bảo:
           - Đồng chí Thực ngồi xuống đi!
           Lão ngồi xuống một cái ghế đẩu còn trống đối diện với mấy người đến trước. Lại là tiếng anh đội trưởng du kích:
           - Bây giờ chúng ta bắt đầu vào việc! Kính mời anh Bồi phát biểu!
           Nghe anh đội trưởng nói vậy, lão Thực giật mình. Lão căng mắt ra nhìn. Ngồi trước mặt lão chính là Hà Văn Bồi-người đội trưởng đội du kích cũ. Tại sao anh ta lại về đây nhỉ? Anh ta đã được điều lên chiến khu nhận công tác khác sau vụ cô Thoa bị địch giết. Hình như chợt nhận ra là chưa nói đầy đủ rõ ràng, anh Thạo lại đứng dậy nói thêm:
           - À quên! Chưa nói rõ! Xin giới thiệu với mọi người, anh Bồi được cấp trên biệt phái về xã ta để làm công tác phát động quần chúng. Anh Bồi bây giờ là đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Hôm nay, anh Bồi sẽ gặp để “bồi dưỡng” các nhân cốt chuẩn bị cho đợt đấu tố sắp tới. Chú Thực, cô Tẻo, bà Mùa đều là những bần cố nông, ba bốn đời nghèo khổ, chuyên đi làm thuê, làm mướn nên chính là tầng lớp cốt cán, tuyệt đối tin cậy đấy.
           Thì ra là vậy. Cải cách ruộng đất là làm gì! Lão Thực thấy băn khoăn, thắc mắc. Lão suy đoán chắc là họ sẽ tịch thu ruộng của địa chủ, phú hào chia cho những bọn bần cố nông không tấc đất cắm dùi như lão. Thế thì tốt quá, hay quá, sướng quá. Nghĩ vậy nên mặc dù thấy khó chịu khi phải ngồi nghe cái tay đội trưởng đội du kích cũ nói nhưng lão vẫn cố nén nhịn. Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi dưa mắt nhìn các “cốt cán” bần cố nông rồi hỏi:
          - Bà Mùa mấy đời đi ở cho địa chủ rồi nhỉ?
          - Thưa… nhà tôi hai, à phải đến ba đời đi ở rồi ạ!
          - Thế thì tốt! Vậy còn cô Tẻo?
          - Nhà cháu ba đời đi ở cho địa chủ rồi đấy ạ! Cháu… cháu khổ lắm… hu... hu… hu…
          - Không được khóc… lúc này chưa được khóc… phải biến căm thù thành quyết tâm để đấu tố, phát hiện, vạch mặt, chỉ tên bọn địa chủ ác bá hiểu không?
          Ông đội Hà Văn Bồi nghiêm khắc nhắc nhở. Cô Tẻo sụt sịt:
          - Vâng cháu hiểu…
          - Thế còn đồng chí Thực! Đồng chí bị bọn địa chủ bóc lột thế nào?
          - Tôi đi ở cho ông Bân thật nhưng ông ấy đâu có "bóc lột" gì tôi. Ông ấy cho tôi ăn, có gì ăn nấy. Ông ấy cho tôi quần áo. Ông ấy mặc áo nâu, tôi cũng mặc áo nâu…
          Đội trưởng đội cải các Hà Văn Bồi cắt lời lão Thực vẻ khó chịu:
          - Thế ông ấy có trả công xứng đáng cho đồng chí không?
          - Trả công gì ạ! Tôi đói, ông ấy cho ăn, tôi rét, ông ấy cho mặc, tiền tiêu vẫn cho. Tôi vào du kích tham gia kháng chiến, thỉnh thoảng ông ấy vẫn gửi gạo muối tiếp tế...
           Đội trưởng Hà Văn Bồi phải giải thích một thôi một hồi về việc lão đã bị bóc lột như thế nào. Lão Thực cố căng tai ra nghe mà không hiểu. Đội trưởng Hà Văn Bồi nghiêm khắc nhắc nhở lão về vai trò của người chiến sĩ du kích cách mạng, về trách nhiệm tầng lớp bần cố nông của lão. Đội trưởng Bồi còn lưu ý thêm việc lão là một người đang phải kiểm điểm thử thách. Lão Túc thấy hoang mang quá. Kết thúc buổi gặp gỡ, bồi dưỡng lão lò dò trở về cái chòi gác ở ven sông Đáy. Đang đi chợt lão thấy mót dạ. Lão chui vội vào một lùm cây ven đường. Vừa tụt quần ngồi xuống thì lão nghe có tiếng chân người. Vạch lá nhìn ra, dưới ánh trăng cuối tháng lão nhận ra anh đội trưởng đội du kích và đội trưởng đội cải cách ruộng đất đang đi đến. Hai người dừng lại đứng đái ngay cạnh lùm cây. Vừa tè, họ vừa tranh thủ trao đổi. Đội trưởng Hà Văn Bồi nói:
          - Gay go quá! Nếu như thế này thì làng Đông không đủ số địa chủ theo tỷ lệ quy định ông ạ!
          - Thì làng Đông bé tý, ruộng đất ít, có một địa chủ Bân là đủ rồi!
          - Đủ là đủ thế nào! Theo quy định thì làng Đông phải có hai địa chủ mới tạm ổn!
          - Vậy lấy đâu ra một địa chủ nữa bây giờ?
          - Thế… ông Tam không được à! Ông này cũng có đến tám mẫu ruộng, hơn chục con trâu bò. Địa chủ quá đi chứ!
          - Ông Tam chỉ là thành phần trung nông thôi! Với lại con gái ông ấy là cô Thoa, chiến sĩ du kích mới bị địch bắn chết đầu năm ngoái. Đội du kích đang đề nghị cấp trên công nhận liệt sĩ cho cô ấy!
          - Công nhận cái gì! Vô kỷ luật bị địch bắn chết chứ chiến đấu gì đâu mà liệt sĩ… Thôi cứ quyết định như thế nhé! Ta sẽ phát động bà con đấu tố hai tên địa chủ làng Đông là Đào Quang Bân và Vũ Đình Tam…
          Nghe lỏm được câu chuyện của hai ông đội khiến lão Thực thấy lạnh sống lưng, sởn cả gai ốc. Lão chập choạng đứng dậy suýt nữa thì quên cả kéo quần lên.
          Hôm tổ chức đấu tố bọn địa chủ, cả làng Đông kéo nhau ra chật cả sân đình. Ông Bân bị trói quặt cánh khỉ vào cột tre đóng trên bãi cỏ trước sân. Ông Tam-bố cô Thoa là “địa chủ nhỏ” nên không bị trói. Đám đông người xúm xít xung quanh ra sức kêu gào, rỉa rói kể tội địa chủ bóc lột, làm tay sai cho đế quốc thực dân, quốc dân đảng... Bà Mùa nhảy dựng lên chỉ mặt địa chủ Bân vừa khóc vừa gào to thống thiết:
          - Nó bóc lột tôi đến tận xương tuỷ. Nó bắt tôi làm suốt ngày, suốt đêm. Nó cho tôi ăn cơm độn sắn, trộn cả tro trấu vào… Hu… hu… hu… nó… nó… còn hiếp tôi. Ngày nào nó cũng hiếp tôi ở trong bếp, ở đống rơm ngoài vườn, ở ngoài cầu ao, ngoài ruộng… Nó hiếp tôi mọi lúc, mọi nơi… Nó… nó…
           Bà Mùa vô cùng xúc động khi kể tội địa chủ Bân. Bà còn định tốc cả váy lên để chứng minh đúng là mình bị hiếp. Trước tình hình ấy, đội trưởng Bồi vội khoát tay ra hiệu. Mấy du kích lập tức xông lên kéo bà Mùa trở về vị trí ngồi của quần chúng. Đến lượt cô Tẻo lên phát biểu. Cô Tẻo còn trẻ nên chỉ nhận bị địa chủ hiếp có hai lần. Cô cũng khóc nức lên đòi phải xử tử hết “giai cấp địa chủ phong kiến” áp bức bóc lột bần cố nông. Đến lượt lão Thực được mời lên bục. Lão nói giọng run run, vẻ bức xúc, phẫn uất. Nhưng lão lại không kể tội, đấu tố địa chủ Bân như đã được đội "bồi dưỡng" trước. Mà ông nói về việc ông Bân đã nhặt được lão nằm đói lả ở ngoài bờ đê thế nào, cho ăn, uống thế nào. Khi lão bị bệnh một sống, chín chết ông Bân nửa đêm đưa lão đi tìm thầy lang để cứu chữa thế nào. Lão cũng xin nói thêm về việc bà Mùa tố cáo địa chủ Bân cướp cái vại muối dưa của bà ấy như thế nào:
         - Chiều ba mươi tết... - Giọng lão Thực càng bức xúc: - Bà ấy đem cái vại đến khóc lóc, nói nhà không có nổi một đấu gạo nếp gói bánh cho con. Ông Bân bảo tôi xúc cho bà ấy hai đấu gạo nếp, lại cho thêm nửa cân thịt lợn. Ông ấy không lấy nhưng bà ấy cứ để cái vại ở sân rồi đem gạo, thịt ra về. Thế mà bây giờ bà ấy lại xưng xưng nói ông Bân cướp cái vại muối dưa của nhà bà ấy, rồi còn tố cáo ông ấy hiếp bà ấy khắp nơi... Thật đúng là chuyện ăn không nói có, gắp lửa bỏ tay người, lấy oán báo ân...
          Cả đám người đang say đấu tố sôi sùng sục lên khi nghe lão nói như­ vậy.
          Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi bật dậy thét to như lệnh vỡ:
         - Quân phản động! Đồ... đồ... ôm đít bọn địa chủ phong kiến bóc lột...
         Những tiếng hô: “Đả đảo… đả đảo địa chủ Đào Quang Bân... đả đảo...” vang lên ầm ầm. Đội trưỏng Hà Văn Bồi ra lệnh cho du kích xông lên lôi cổ lão Thực xuống. Lão Thực bị táng một báng súng vào vai ngã lă­n ra đất. Mồm lão ngoạm đầy cát bụi. Lão lồm cồm bò dậy. Trước khi bị du kích lôi đi lão Thực còn cố ngoái lại nhìn địa chủ Bân đang bị trói ở cột tre. Lão thấy ông ấy khóc, nước mắt chảy dài trên gò má nhem nhuốc.
          Người ta xử bắn ông Bân ngoài bãi sông Đáy. Riêng ông Tam, bố cô Thoa thì bị giam chờ tiếp tục đấu tố vì ông kiên quyết không chịu nhận mình là địa chủ. Sau này sửa sai địa chủ Đào Quang Bân còn được công nhận là người có công với kháng chiến vì đã đóng góp tiền, lương thực cho bộ đội. Riêng ông Tam, bố cô Thoa thì được quay trở lại thành phần trung nông như cũ. Duy chỉ có lão Thực là không được “sửa sai”. Lão bị khai trừ, bị quy là phản động Quốc dân đảng. Lão cũng không được chia ruộng để cày cấy như các bần cố nông khác…
                                                                            Hà Nội, 21/7/2011
          (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét