Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Tạp văn VUI BUỒN NGHỀ VIẾT

VUI BUỒN NGHỀ VIẾT
Tạp văn của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Sáng nay, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam thông báo là truyện ngắn "Ve con đi học" của tôi được tuyển chọn và in trong sách giáo khoa lớp 1 phổ thông. Ngay sau đó là tin nhắn của ngân hàng báo tài khoản của tôi được cộng thêm 1.806.400 VND tiền nhuận bút. Quả là một niềm vui những ngày đầu năm 2020 và tết Canh Tý sắp đến. Có thêm chút tiền tiêu tết, nhưng vui hơn là tác phẩm nho nhỏ của mình được đưa vào giáo trình học tập cho các em nhỏ.
Cái nghề cầm bút có lúc vui như thế nhưng cũng nhiều sự trăn trở và nỗi buồn. Bởi lẽ, hiện nay ở nước ta một chút "bản quyền" của người viết có được tôn trọng đâu. Mấy chục truyện ngắn viết cho thiếu nhi của tôi đều bị một số báo nói điện tử, thư viện truyện điện tử, các trang mạng sử dụng, đăng tải. Rồi họ dựng thành kịch truyền thanh, thành phim hoạt hình. Vậy mà tôi có được một xu nhuận bút nào đâu, bản quyền cũng chẳng được tôn trọng. Chả ai thèm hỏi ý kiến của tôi trước khi sử dụng. Có một vài lần tôi comment vào trang của họ rằng "đây là tác phẩm của tôi, phải thanh toán nhuận bút cho tôi". Họ hoặc không phản hồi, hoặc comment lại giải thích "đây là truyện sưu tầm nên không có nhuận bút?", có nhiều trang điện tử, sách nói, thư viện điện tử họ trả lời có vẻ "văn minh" hơn là: "Xin tác giả thông cảm, đây là trang điện tử cung cấp thông tin miễn phí cho mọi người (hoạt động phi lợi nhuận, không có thu) nên không có nhuận bút... Rồi họ liền "tuyên dương" rất trang trọng: “Tác phẩm của bạn đã góp phần phát triển văn hóa đọc cho nhân dân???". Trời ạ! Nếu vinh dự như thế thì ai lại còn đòi nhuận bút nữa? Họ sử dụng miễn phí tác phẩm của các nhà văn nhưng trên trang điện tử của họ có các quảng cáo. Họ ăn là ăn ở tiền quảng cáo ấy đấy. Bi hài hơn có một lần thấy giới thiệu truyện ngắn của mình trong một chương trình nghe đọc qua điện thoại, tôi liền bấm máy đến tổng đài. Họ hướng dẫn bấm tiếp hai số nữa để nghe truyện. Nghe xong, tôi kiểm tra lại tài khoản điện thoại thấy bị trừ mất 14.000 đồng. Tôi bực quá gọi lại, họ lại hướng dẫn tôi bấm hai số tiếp để nghe tác phẩm. Hóa ra cái tổng đài ấy là họ đặt tự động. Mình mà cãi với nó chẳng khác nào cãi với robot. Trên mạng Internet cũng vậy. Thấy tên truyện ngắn của mình muốn mở ra xem, muốn copy lập tức xuất hiện bảng chữ "Bạn phải nộp tiền vào tài khoản để đọc truyện"...
Chuyện vui buồn nghề viết còn nhiều. Có lần thấy một tờ báo lớn đăng một truyện vui của mình nhưng lại với một cái tên tác giả khác, tôi liền phóng xe đến tòa soạn hỏi. Anh biên tập viên nói: "Đây là một sáng tác mới của một cộng tác viên "gạo cội" của báo tôi đấy. Anh nói là tác phẩm của anh thì chứng cứ đâu?". Tôi bảo: "Cho tôi mượn tập báo lưu của tòa soạn hai năm trước một lát". Anh biên tập viên tìm cho tôi tập báo lưu từ hai năm trước. Tôi lật giở một lúc rồi chỉ cho anh thấy cái truyện vui này ghi tên tôi đã đăng ở chính tờ báo này hai năm trước, không sai một dấu phảy. Anh biên tập viên xem xong cũng bức xúc và dặn tôi: "Hôm nào ông tác giả này đến lấy nhuận bút mời anh ra đối chất nhé?". Thì ra cái ông cộng tác viên kia đã lấy truyện của tôi trên mạng ghi tên mình vào rồi gửi cho nhiều báo và cả tờ báo mà truyện của tôi đã đăng từ mấy năm trước rồi. Tôi bảo anh biên tập viên thôi “đối chất” làm gì vì đã có nhiều truyện vui, tiểu phẩm của tôi họ đăng lại ghi là “sưu tầm” rồi, lần này họ ghi tên vào nên tôi mới có ý kiến. Sau chuyện này tờ báo nọ cũng không thấy đăng tải các bài của ông cộng tác viên “gạo cội” kia nữa...
Hôm nay, nhân lần đầu tiên được nhận nhuận bút từ Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam tôi xin có vài dòng như vậy tâm sự cùng các bạn. Chúc các bạn một năm mới luôn mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc và mời đọc “Truyện ngắn VE CON ĐI HỌC” được đưa vào sách giáo khoa của trẻ con...
Hà Nội, ngày 10-1-2020


VE CON ĐI HỌC
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Có một gia đình nhà ve sầu ở trong khu vườn. Một chú ve sầu con đang tuổi ham chơi. Suốt ngày chú là cà, lêu lổng lang thang khắp vườn. Chú làm quen được với một thằng dế mèn con. Cả hai quậy phá khắp nơi, khiến bố mẹ chúng thường xuyên phải nghe lời phàn nàn của hàng xóm, láng giềng.
Một hôm, bố ve sầu bảo:
- Ngày mai con phải đi học thôi!
- Học để làm gì ạ?
Ve con hỏi lại. Bố giải thích:
- Học để biết chữ con ạ!
Mẹ ve sầu thì âu yếm:
- Mẹ sẽ mua cho con cuốn vở, cây bút và cả một cái cặp sách thật đẹp nhé!
Thế là ve sầu con chuẩn bị đi học. Nhưng nó lại nghĩ đi học rồi thì không biết có còn được đi chơi nữa không, mà không được đi chơi thì học để làm gì nhỉ?
Buổi sáng hôm sau, mẹ phải gọi mãi ve con mới tỉnh giấc. Nó quáng quàng ăn sáng rồi vội vàng đeo cặp sách đến lớp. Đang đi, nó chợt nghe tiếng gọi giật:
- Này! Đi đâu mà vội vã thế?
Nó nhìn quanh. Thì ra đó là thằng bạn thân dế mèn đang khua thanh gươm gỗ chém lia lịa trong đám cỏ non bên đường.
- Tớ đi học đây!
- Học để làm gì?
- Thì… học là để biết chữ! Cậu cũng phải đi học đi…
Dế con băn khoăn:
- Nhưng tớ không có sách vở. Cậu đợi tớ chạy về nhà lấy nhé!
Ve sầu con đứng chờ dế con. Mãi chả thấy dế con ra, nó đành một mình đi đến lớp trước. Trong lớp, các bạn kiến, chuồn chuồn, ong mật đang chăm chú học bài. Thầy giáo đã dạy đến chữ “e”. Ve sầu con vội vàng ghi luôn chữ “e” vào vở rồi hí hửng chạy luôn ra khỏi lớp. Vừa chạy nó vừa reo to:
- A… a… mình… đã… biết… chữ… biết… chữ… rồi…
Lúc đó dế con mới cầm cuốn vở nhàu nát chạy đến. Nhìn thấy ve con, dế con vừa thở vừa hỏi:
- Cậu đã học được chữ chưa?
- Được… được rồi! Cậu vào lớp ngay đi, thầy vẫn còn đang dạy đấy!
Dế con len lén bước vào lớp học. Lúc này thầy giáo đã dạy đến chữ “i”. Dế con cũng vội ghi ngay lấy chữ “i” vào vở và lao luôn ra khỏi lớp gào to:
- Biết…biết… chữ… đã biết chữ rồi…
Dế con gặp ve con ở bãi cỏ. Cả hai rất phấn khởi vì đã biết chữ. Chúng đâu có hiểu là ngoài chữ e và chữ i ra còn có nhiều chữ khác nữa mà chúng chưa biết. Chúng liền xé luôn sách vở, ném bút đi, coi sự học hành như thế là đã đủ rồi, xong rồi. Từ đó chúng thường xuyên rủ nhau trốn học, đi chơi. Gặp ai chúng cũng tự hào khoe khoang là mình biết chữ, là người có học. Càng ngày chúng càng trở nên kênh kiệu và tỏ vẻ khinh người ra mặt.
Cũng bởi ngộ nhận và lười biếng vậy, cho nên cả đời ve con và dế con mỗi đứa chỉ biết đúng có một chữ duy nhất. Vì thế ngày ngày trên cành cây cao chỉ nghe thấy tiếng ve sầu ra rả đọc mãi một chữ “e…e…e… e…” và dưới mặt đất thì dế chỉ biết ri rỉ lẩm nhẩm mỗi một chữ “i…i…i… i…” mà thôi...
Ngày 1/6/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét