Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 19)

TRĂNG QUÊ (phần 19)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Chị Nhân rất buồn vì anh Luận hy sinh. Mấy ngày liền chị ít nói chỉ lặng lẽ làm việc, đi tuần tra canh gác. Giữa chị và anh tuy chưa có lời hẹn ước gì thật sâu nặng nhưng cũng đã có nhiều kỷ niệm với nhau từ thuở còn cắp sách tới trường. Chuyện hai người sinh hoạt cùng chi đoàn vẫn giúp đỡ nhau từ những công việc nhỏ. Chị nhớ về những lần lên rừng lấy củi, hay ra bãi sông Đáy đãi sỏi cát bán để gây quỹ đoàn, mua tặng phẩm cho người nhập ngũ anh luôn trợ giúp chị những lúc chặt cây hay khênh vác nặng nhọc, vất vả. Bản tính anh Luận vốn dĩ hiền lành, rụt rè nên chị biết mấy lần anh định ôm chị nhưng không dám. Buổi tối trước ngày lên đường nhập ngũ ngồi sát bên nhau trên sườn đê anh cũng chỉ dám cầm tay chị một lần thôi. Đêm ấy, chị Nhân đã chờ đợi mãi, chờ mãi mà anh không dám đặt tay lên vai chị. Chị cũng muốn như cái Liên sẵn sàng dành cho người ra trận một kỷ niệm để luôn nhớ mãi về quê hương. Nhưng điều ấy đã không xảy ra. Bây giờ thì anh ấy sẽ không bao giờ còn trở về với quê hương, làng xã được nữa rồi.
Phó tiến sĩ Dương Thụy gặp gỡ động viên chị Nhân: "Chiến tranh không sao tránh khỏi mất mát, em hãy cố gắng vượt qua để xứng đáng với người đã mất...". Vẫn biết chiến tranh là thế. Nhưng sao chiến tranh lại tàn nhẫn, ác độc đến thế. Chiến tranh là một con quái vật do chính con người tạo ra. Nó chia rẽ nhưng lứa đôi, nó giết hại những con người lương thiện, hiền lành. Nó hoàn toàn không phải là con ngáo ộp để người lớn dọa trẻ con mà thực sự là một hung thần chết chóc. Những đứa con làng Hạ ngày ra đi trẻ trung, phấn khởi tươi vui như thế mà khi trở về chỉ còn là một mảnh giấy báo tử mong manh. Có những người đem được thân xác trở về làng thì mất chân, cụt tay như anh Quyến, hoặc suốt ngày lên cơn tâm thần lăn lê bò toài ngoài bờ ruộng, dưới cống rãnh bẩn thỉu và luôn mồm hò hét kêu gọi đồng đội xung phong, chi viện như anh Đang. Trại an điều dưỡng, chữa bệnh cho thương binh nặng đã được sơ tán về ở đồi bạch đàn phía sau làng Thượng. Từ đó, những đêm trăng lạnh trong tiếng reo rì rào của rừng cọ xanh miền trung du có thêm tiếng gào thét xung phong đánh giặc của người lính chiến bị chấn thương sọ não, tiếng kêu thảm thiết của những thương binh giữa những cơn đau. Chiến tranh không còn ở xa xôi đâu nữa mà nó đã hiện hữu xung quanh đây rồi. Ngày ngày trên bầu trời những tiếng máy bay rú gầm như xé. Đêm đêm trên mặt đất là những ánh chớp lửa và tiếng bom nổ rền rĩ cướp đi sinh mạng biết bao con người. Vậy mà có những kẻ vẫn muốn chiến tranh, họ mang cuộc chiến ấy từ tận chân trời góc bể đến với những người dân quê hiền lành. Chiến tranh ám ảnh vào mỗi số phận con người. Chị Nhân buồn bã nghĩ về tương lai. Một tương lai ẩn chứa biết bao nhiêu bất trắc của thời đạn lửa…
Chị Nhân và cái Liên cùng khoác súng đi lên trận địa Đồi Ma.
Gió chiều vi vút thổi dọc bờ công sự. Trong căn nhà hầm trên đồi có nhiều tiếng nói cười râm ran. Hôm nay, trung đội dân quân thường trực làng Hạ tổ chức đón nhận thêm một chiến sĩ mới. Đó là phó tiến sĩ Dương Thụy, cán bộ của thư viện quốc gia mới cùng cơ quan sơ tán về làng. Dương Thụy xung phong vào dân quân để tham gia việc tuần tra canh gác, tham gia chiến đấu vì anh ta vẫn đang là một chiến sĩ tự vệ của cơ quan thư viện quốc gia. Việc vào lực lượng dân quân làng Hạ vừa để tham gia chiến đấu với địa phương vừa là để tuần tra bảo vệ kho tàng của cơ quan sơ tán. Khi hai cơ quan trung ương sơ tán về thì trung đội dân quân làng Hạ được giao thêm một nhiệm vụ mới là thường xuyên tuần tra, canh giác bảo vệ các nhà kho tàng cất giữ tài sản, hiện vật, sách vở tài liệu của hai đơn vị này. Một trạm gác được lập ngay lối ra vào khe núi đất nơi cơ quan làm việc và kho tàng của hai cơ quan thư viện quốc gia và bảo tàng lịch sử. Việc phó tiến sĩ Dương Thụy xung phong tham gia dân quân vì thế cũng có cái lý của nó. Ngoài ra, ít ai biết là còn một lý do nữa là Dương Thụy đang phấn đấu để được kết nạp vào đảng và chuẩn bị đi học nghiên cứu sinh tiếp nên cần tinh thần gương mẫu, xung kích. Trung đội trưởng Tình còn cho biết là ban chỉ huy xã đội đang xem xét để tiếp tục kết nạp thêm một số nữ cán bộ, nhân viên của hai cơ quan của thư viện quốc gia và bảo tàng lịch sử vào các đơn vị dân quân để tăng cường lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu, sắp tới những nam thanh niên như bọn thằng Nam, thằng Biên sẽ lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Có thêm một người như phó tiến sĩ Dương Thụy bổ sung vào lực lượng dân quân khiến chị Tình rất mừng. Trung đội dân quân rất ít nam giới, sau khi Hừng "thọt" bị gãy chân thì hầu như đêm nào thằng Nam và thằng Biên cũng phải có mặt trên Đồi Ma để đám con gái trực đêm đỡ sợ ma. Hai thằng này thì chả biết còn ở làng được mấy ngày nữa. Chúng nó đã có tên trong danh sách của xã đội sẵn sàng nhập ngũ rồi. Phó tiến sĩ Dương Thụy thường bận việc chuyên môn chủ yếu vào ban ngày, buổi tối có thể tham gia canh gác phòng không trên trận địa Đồi Ma.
Sau khi công bố việc kết nạp chiến sĩ dân quân mới, trung đội dân quân làng Hạ sẽ có một bữa liên hoan nhẹ. Trung đội trưởng Tình nhờ cô em gái làm ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh trên thị trấn huyện xin tem phiếu tiêu chuẩn của cán bộ mua cho hai cân kẹo chanh và một can năm lít bia hơi. Phó tiến sĩ Dương Thụy chưa lên trận địa. Thằng Nam đang xuống dưới lều cá của lão Vận để xin lão chi viện cho một ít cá sông phơi khô nướng sẵn.
Khi chị Nhân và cái Liên bước xuống căn nhà hầm thì không khí có lắng đi một chút ít. Nhiều người biết chị là người yêu của anh Luận, một liệt sĩ mới của làng Hạ. Họ cũng muốn nói vài câu an ủi động viên chị nhưng ngại khơi lại một chuyện buồn trong cái không khí đang vui vẻ thế này. Thấy không gian bỗng ắng, ỉu sìu hẳn đi cái Liên liền lên tiếng:
- Tối hôm nay chúng ta phải vui hết mình. Ngày mai đánh nhau ai chết thì bỏ, hiểu không?
Mọi người ồn ào cả lên:
- Đúng... đúng... đánh thì đánh... sợ cái cóc gì chứ!
- Mả mẹ mấy thằng Mỹ! Có giỏi thì lao thẳng xuống đây mà ném bom xem bọn chị bắn trả lại thế nào... cứ quần đảo, gầm rú, chập chờn bay tít mãi trên cao làm các chị mày ngứa cả đít...
- Chiến tranh thì chiến tranh, sợ cái quái gì, chết là cùng chứ gì. Chỉ sợ cứ nhùng nhằng thế này đám con trai đi hết còn toàn con gái, đàn bà đêm đêm cứ nằm không mãi thế này chán bỏ mẹ...
- Lại nhớ anh yêu ngoài mặt trận, thèm quá rồi phải không! Hi... hi...
- Nhớ quá đi chứ... có phải cái gì trên người cũng để dành mãi được đâu, già mẹ nó đến nơi rồi. Vậy mà cuộc chiến tranh thì cứ kéo dài, dai dẳng mãi thế này đến lúc có muốn cũng chả làm gì được thì chán quá...
Giữa lúc ấy thì trung đội trưởng Tình, phó tiến sĩ Dương Thụy và thằng Biên cùng bước vào nhà hầm. Trung đội trưởng Tình nghe loáng thoáng được những gì chị em nói với nhau. Chị nghiêm khắc nhắc nhở các chiến sĩ:
- Cấm không được phát ngôn bừa bãi, vi phạm kỷ luật quân sự! Mọi người hiểu không?
Mọi người vội im bặt. Không phải họ sợ "vi phạm kỷ luật quân sự" mà họ ngại vì có mặt đàn ông. Bọn con gái trẻ bưng miệng cười rúc rích. Mấy chị đã có chồng đi B nhưng chưa có con thì dạn dĩ, xuýt xoa. Họ thì thào nói nhỏ với nhau:
- Tay “lính mới” này đẹp giai quá, lại học vị cao thế! Vào dân quân, lên trận địa thế này lỡ không may bom đạn nó va vào thì phí phạm quá.
- Đề nghị phân công cho anh ta làm công tác hậu cần, chuyên phục vụ cho chị em chúng ta chiến đấu thì tốt hơn, lỡ có thế nào thì đỡ phí...
- Mỳ chính cánh mà bị bom thì tiếc quá…
Trung đội trưởng Tình yêu cầu mọi người ổn định trật tự để phổ biến công việc và chuẩn bị cho buổi lễ kếp nạp chiến sĩ dân quân mới. Phó tiến sĩ Dương Thụy ngồi xuống góc sạp nứa bên cạnh chị Nhân. Từ lúc lên đến trận địa Đồi Ma chị Nhân chưa nói câu nào. Chị im lặng không phải vì quá buồn mà là tính chị không thích ồn ào, lắm chuyện như cái Liên. Chuyện giữa chị và anh Luận quả là buồn thật nhưng dù sao cũng đã qua rồi mà cuộc sống thì vẫn phải tiếp tục.
Trung đội trưởng Tình bắt đầu phổ biến nhanh tình hình chiến sự và quán triệt nhiệm vụ của trung đội dân quân làng Hạ trong thời gian sắp tới. Cuối cùng chị mới giới thiệu chiến sĩ mới Dương Thụy, một tự vệ, công dân của thủ đô về gia nhập trung đội dân quân thường trực làng Hạ. Dương Thụy đứng dậy tự giới thiệu thêm một chút về bản thân mình. Hóa ra anh ta cũng chỉ sàn sàn tuổi chị Tình, kém cả tuổi của Hừng "thọt". Anh phó tiến sĩ này có tài ăn nói lại biết nhiều chuyện, nhiều thông tin khiến mọi người đều im lặng lắng tai chăm chú nghe. Quả là người có học có khác. Dương Thụy xin hứa sẽ nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao cho "dù phải hy sinh chiến đấu" cũng quyết không sờn lòng, nản chí, không rời trận địa. Mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Phó tiến sĩ Dương Thụy đem theo mấy tập họa báo và một số sách truyện để mọi người đọc khi trực chiến trên trận địa. Anh chia cho mọi người. Đám dân quân gái rất thích, họ vồ lấy những tập họa báo in ảnh màu truyền tay nhau xem.
Buổi sinh hoạt của trung đội dân quân thường trực làng Hạ vừa xong thì trời cũng đã sụp tối. Lúc này, thằng Nam mới từ bến sông mới mò lên. Nó đã báo cáo xin phép trung đội trưởng Tình trước rồi nên không bị nhắc nhở khiển trách gì. Thằng Nam ôm theo hai cái gói đi vào trong căn nhà hầm. Nó không chào ai vì mồm miệng còn bận thở hổn hển. Phía sau nó còn có một bóng người nữa. Trung đội trưởng Tình hỏi:
- Ai đấy?
- Tôi, Hừng đây! - Người đó đáp.
Mọi người trong trung đội nhao nhao:
- Chân cẳng chưa khỏi hẳn còn cố leo lên đồi làm gì?
Hừng "thọt" chống cái nạng tự chế tập tễnh bước vào trong căn nhà hầm trực chiến. Trong ánh đèn phòng không mờ ảo hắt lên trông không rõ nhưng mọi người vẫn nhân ra anh có vẻ gầy hơn trước. Thằng Nam nói với chị Tình:
- Em từ bến sông về đến chân đồi thì gặp anh ấy đang cố đi lên. Em phải dìu anh ấy leo dốc, nghỉ mấy lần mới tới đây, mệt thở cả ra hai tai đấy.
Hừng "thọt" thì bảo:
- Tôi nghe nói hôm nay đơn vị ta có lính mới bổ sung nên cố lên để góp vui!
Thằng Nam chìa hai cái bọc ra nói:
- Lão Vận tặng hai cân cá sông phơi khô đã tẩm ướp, nướng chín sẵn. Còn đây là gói xôi, con gà và xâu khế chua của anh Hừng đem lên.
Đám thanh nữ ồn ào reo lên vì có khế chua. Chị Tình bảo họ cắt cử người thay gác phòng không, chuẩn bị liên hoan rồi dặn Hừng "thọt" xong buổi liên hoan phải về ngay, thằng Nam sẽ đưa về tận nhà, ở lâu trên trận địa không an toàn, bọn Mỹ đã tuyên bố tăng cường ném bom miền Bắc. Máy bay cường kích của chúng có thể oanh tạc xuống trận địa và cây cầu sắt bất cứ lúc nào. Hừng "thọt" ậm ừ nhưng dặn lại trung đội trưởng là khi chân đơ đỡ sẽ tiếp tục lên trận địa trực chiến.
Các chiến sĩ trung đội dân quân tổ chức buổi liên hoan đón nhận thành viên mới ngay tại trận địa. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn phòng không bia được rót ra những cái bát sắt và mấy cái ca tráng men có dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” mà trung đội dân quân làng Hạ đã được tặng thưởng nhờ thành tích bắn giỏi trong hội thao xạ kích toàn huyện. Mỗi người uống một bát bia. Bia hơi để lâu mùi khai khai như nước đái bò. Mọi người vừa ăn uống vừa hát hò ầm ĩ xao động cả một vùng đồi hoang vắng. Chị Nhân chỉ uống vài ngụm nhưng đã thấy người lâng lâng. Dương Thụy ngồi kế bên. Anh nhăn mặt cố uống hết một ca men rót đầy loại bia do địa phương tự nấu nhạt nhẽo, khai khai. Có lẽ, ở cái chốn quê rất xa thành phố loại bia này là ngon lắm rồi. Mọi người vẫn vô tư ăn uống, nói cười ồn ào. Lừa lúc mọi người không để ý, Dương Thụy lén đưa tay sang nắm chặt lấy tay chị Nhân. Chị Nhân hơi giật mình nhưng không rụt tay lại. Chị để yên tay mình trong bàn tay mềm và ấm của Dương Thụy…
(còn nữa) Hà Nội, 10-2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét