Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 14)

 

 
        
           Sông Phó Đáy mùa nước lũ (ảnh TB
                    

        TRĂNG LẠNH
            Truyện dài của Trọng Bảo

        Hừng "thọt" đang hì hục sửa sang căn hầm nhỏ cách không xa cái nhà hầm trực chiến của trung đội dân quân làng Hạ trên đỉnh Đồi Ma. Căn hầm nhỏ này được mở rộng khoảng hai mét vuông đủ chỗ cho Hừng "thọt" và thằng Nam ngủ nghỉ khi thực hiện nhiệm vụ canh trực phòng không. Hai thằng nam giới trong trung đội dân quân làng Hạ sẽ không còn phải nằm lăn lóc trên nóc hầm hoặc trong ngách hào giao thông như trước nữa. Hầm chìm làm theo kiểu chữ A, nóc hầm đắp đất nhưng được che phủ bằng một lớp lá cọ cẩn thận để khi trời có mưa to nước cũng không ngấm chảy xuống hầm. Hừng "thọt" san phẳng nền hầm lót rơm rạ rồi chải cái chiếc cói rách lên. Thế là thành một cái tổ ấm áp cho hai thằng con trai.
          Hừng "thọt" sửa sang, lót đệm trong căn hầm xong mà thằng Nam vẫn chưa lên thay phiên trực. Trời đã sâm sẩm tối rồi. Hừng "thọt" thấy mệt mỏi. Chân phải của nó đau ê ẩm. Thời tiết mấy hôm nay lại âm u, mưa nhiều, trời ẩm lại nằm trực chiến trong hầm liên tục nên cái chân đau của Hừng "thọt" được dịp hành hạ ông chủ. Hừng "thọt" ngồi trên bờ hào giao thông nhìn xuống phía dòng sông nơi có cây cầu sắt bắc qua con sông Đáy. Hừng "thọt" đoán chắc giờ này lão Vận mới từ nơi sơ tán trở về bến sông để thả lưới, cắm đăng chắn cá. Thằng Nam chắc cũng còn nấn ná chờ lão Vận về để cùng ra sông nên chưa thấy ló mặt lên trận địa. Thằng này ham bắt cá, còn mải chơi. Nhưng cũng nhờ có nó và lão Vận mà trung đội dân quân làng Hạ thường xuyên có các bữa ăn được cải thiện. Thời buổi chiến tranh, bao cấp này mơ cũng chả dám mơ có cá tươi để ăn. Vậy mà cứ cách vài hôm lão Vận lại đem cá lên biếu trung đội dân quân. Lão này vốn là một du kích quân thời kháng chiến chống Pháp. Vợ con lão Vận chết hết sau trận càn Bê-cát-xin của bọn Pháp lên vùng tự do kháng chiến của ta. Khi lão tham gia dẫn đường cho bộ đội chủ lực Đại đoàn 312 đánh trận ở Xuân Trạch trở về thì căn nhà của lão chỉ còn lại là một cái hố bom sâu hoắm. Lão Vận không lấy vợ nữa. Lão sống một mình trong túp lều trên bến sông chở đò sang ngang, kiếm cá bán lấy tiền đong gạo cơm cháo qua ngày. Khi dân quân xây dựng trận địa trên Đồi Ma lão thường mang tôm cá vừa đánh bắt được lên ủng hộ. Thằng Nam thân thiết với lão từ ấy. Nó giúp lão mọi việc. Từ việc sửa sang làm lại túp lều bị lũ cuốn trôi đến việc triển khai công cụ bắt cá trên sông. Nhiều bữa đang làm nhiệm vụ trực chiến nó cũng lủi xuống bến sông với lão Vận. Trung đội trưởng Tình cũng nhắc nhở thằng Nam mấy lần nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy. Các chiến sĩ trong trung đội dân quân thì ai cũng ngấm ngầm ủng hộ nó, che dấu cho nó vì họ đều nhận thấy lão Vận có hoàn cảnh khốn khổ nhưng là một người tốt. Lão ấy nghèo nhưng tấm lòng thì không nghèo. Con người lão vẻ khù khờ nhưng tâm trí thì tinh anh. Lão nhẫn nhịn nhưng không khuất phục. Nhờ lão mà trung đội dân quân thường có được bữa ăn cải thiện, có thùng nước sâm rừng uống giải nhiệt mùa hè trực chiến. Có đêm bắt được con cá chép to lão còn nấu nồi cháo cá đem lên trận địa cho anh chị em bồi dưỡng sau buổi tập đêm. Đối với lão Vận, Hừng "thọt" còn có một cái ơn sâu nặng khác nữa mà nó không bao giờ quên.
           Câu chuyện từ những năm năm ba, năm tư. Đó là thời kỳ cải cách ruộng đất. Gia đình Hừng "thọt" ngày ấy vốn là một hộ khá giả ở làng Hạ. Làng Hạ khi ấy lớn và giàu nhất xã Hòa Sơn, gồm hơn một trăm nóc nhà, có hàng trăm mẫu ruộng. Vậy mà trong cải cách chỉ có một địa chủ Bân bị đưa ra đấu tố. Địa chủ Bân ngày ấy có cả trăm mẫu ruộng, mấy đàn trâu bò, gia súc. Người ăn, kẻ ở làm thuê nhung nhúc. Nhưng làng Hạ lớn thế tại sao lại chỉ có mỗi một tên địa chủ. Do không đủ tỷ lệ theo quy định của đội cải cách ruộng đất nên các cốt cán phải tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân thi đua phát hiện thêm bọn địa chủ chuyên bóc lột nông dân làng Hạ để đấu tranh, loại bỏ tận gốc giai cấp thống trị, áp bức chuyên bóc lột đến tận xương tủy dân nghèo. Vậy là ông bố của Hừng "thọt" nhanh chóng lọt vào danh sách bọn địa chủ bóc lột vì ông có đến mấy mẫu ruộng, bốn mẫu rừng lá cọ và gần hai chục con trâu bò. Những thứ tài sản này đều do các cụ để lại và ông làm nghề dạy học, gõ đầu trẻ, gia đình làm lụng gom góp mãi mà có, không phải do bóc lột, lừa đảo trấn cướp của nông dân như địa chủ Bân. Nhưng điều đó không quan trọng. Ngày ấy cứ giàu có tức là áp bức, bóc lột, là có tội ác với tầng lớp bần cố nông. Người ta không truy tìm nguồn gốc của cải (vật chất) mà chỉ xác định bản chất của nó trên quan điểm giai cấp mà thôi. Ông bố bị bắt đưa đi đấu tố liên miên rồi nhận án tử hình chờ dẫn ra pháp trường. Tài sản nhà cửa, rộng đất, trâu bò bị tịch thu hết để chia cho các đối tượng bần cố nông, mẹ con Hừng "thọt" phải đưa nhau ra bãi sông dựng lều ở tạm. Khi ấy Hừng mới lên bảy tuổi. Tài sản, thóc lúa bị tịch thu hết nên hai mẹ con Hừng sống lay lắt qua ngày. Không còn ruộng đất, bà mẹ Hừng phải lên rừng đào củ mài, kiếm củi khô ra chợ bán bán lấy vài đồng đong gạo, mua sắn tươi. Hừng bỏ học để giúp mẹ. Ngày ngày, nó đeo cái giỏ ra cánh đồng mò mẫm bắt cua, bắt ốc.
           Buổi trưa hôm ấy, Hừng lúi húi móc cua trên cánh đồng mới cấy. Buổi trưa mùa hè cánh đồng không một bóng người. Nắng mùa hạ khiến mồ hôi nó túa ra ướt đầm trên mặt. Nó giơ cánh tay lấm đầy bùn lau cho đỡ cay mắt. Giỏ cua đã nằng nặng. Hừng vừa định bước lên bờ để về túp lều nơi bãi sông thì nghe có tiếng người nhốn nháo. Nó nhét con cua cuối cùng vào cái giỏ rồi ngước lên nhìn. Có một toán người tay cầm gậy gộc hò hét vẻ hùng hổ đang lao đến chỗ thằng Hừng. Không hiểu là có việc gì, Hừng vội bước lên bờ ruộng. Toán người ào đến vây quanh nó. Một người hỏi:
          - Mày đang làm gì đấy?
          - Cháu... cháu bắt cua ạ!
          - Bắt cua hay là đang "thả sâu" để phá hoại lúa của dân làng hả?
          Thằng Hừng ngơ ngác:
          - Cháu không thả sâu bọ gì đâu ạ!
          - Không là thế nào! Mày còn định cãi hả?
          - Đánh bỏ mẹ nó đi! Nó là quân phản động, đồ địa chủ ác bá chuyên bóc lột nông dân đến tận xương tủy, lại còn rắp tâm phá hoại mùa màng, sản xuất... Mày... mày định làm cho cả làng mất mùa, chết đói hả?
           Một người khác hét lên vẻ căm phẫn. Thằng Hừng hoảng hốt lùi lại.
           Nó vấp vào một mô đất ngã dúi dụi xuống bờ ruộng. Cái nón mê rách bay khỏi đầu. Mặt mũi nó nhem nhuốc tại đi vì sợ hãi. Khi nó chưa kịp đứng dậy thì bị luôn một gậy vào đầu choáng váng sa sẩm cả mặt mũi. Nó mếu máo cố van xin đám người quá khích tha mạng. Nhưng ai mà thèm nghe lời giải thích lằng nhằng của nó - một thằng con đẻ của một tên địa chủ ác bá sắp bị bắn giờ bị bắt quả tang đang đi "thả sâu" phá hoại lúa của nông dân. Họ lao vào phang gậy, đấm đá thằng Hừng túi bụi. Thằng Hừng ôm đầu ngã lăn xuống ruộng lúa. Quần áo nó tả tơi, người bê bết bùn đất. Cái giỏ cua nó đeo ở bên sườn đứt dây văng bung ra. Những con cua đồng vàng ruộm lồm cồm bò ra khỏi cái giỏ lăn vội xuống ruộng lúa thoát thân.
           Thằng Hừng bị đánh ngã gục úp mặt xuống ruộng lúa.
           Thấy thằng Hừng nằm im toán người đi bắt kẻ "thả sâu" phá hoại mùa màng dừng tay. Họ hả hê kéo nhau trở về làng. May đúng lúc ấy lão Vận có việc vào làng đi tắt ngang qua cánh đồng nghe thấy tiếng ồn ào vội vã chạy đến khi toán người đã bỏ đi. Lão thấy thằng Hừng đang sặc nước giẫy giụa. Vứt vội xâu cá lão Vận lao đến bế xốc thằng Hừng lôi nó lên trên bờ ruộng. Chỉ chậm một chút nữa thôi nếu mà không có người đến kịp thì thằng Hừng sẽ sặc nước, ngạt thở mà chết. Lão Vận cởi ngay cái áo đang mặc lau chùi mặt mũi bê bết bùn và máu cho thằng Hừng. Thằng Hừng vẫn lả người mềm oặt. Lão đặt thằng Hừng nằm xuống bờ ruộng rồi ghé miệng hút bùn nước trong miệng cho nó. Khi thằng Hừng đã thở được bình thường lão Vận liền cõng nó chạy ra phía bãi sông. Lão Vận không biết là thằng Hừng đã bị đánh gãy chân. Khi ra đến túp lều ngoài bãi thằng Hừng tỉnh lại đau đớn kêu la lão mới biết là chân phải nó đã bị gãy. Lão Vận dặn bà mẹ thằng Hừng trông con rồi vội đi tìm thầy, tìm thuốc. Nhưng ông thầy lang nổi tiếng khắp vùng về chữa gãy xương bằng thuốc nam ở làng Thượng không dám đến tận nhà để nắn và bó nẹp cái chân gãy cho thằng Hừng. Ông ta sợ sẽ liên lụy đến bọn địa chủ phản động đang bị đấu tố. Ông chỉ dặn dò lão Vận cách bó nẹp chân và cho thuốc để đem về chạy chữa cho thằng Hừng. Vì thế hai đầu đoạn xương gãy bên chân phải của thằng Hừng bị lệch nhau. Khi xương liền khỏi hẳn thì việc đi lại của nó rất khó khăn và tập tễnh. Cái tên Hừng "thọt" là đám trẻ con chăn trâu đặt cho nó thành danh từ ấy.
           Sau này, khi cấp trên có chủ trương "sửa sai" việc cải cách ruộng đất bố thằng Hừng được hạ thành phần xuống là tầng lớp trung nông, không tham gia bóc lột. Nhà nó không còn là gia đình địa chủ ác bá nữa. Bố nó đang đi tù dở trở về làng sau đó còn được tặng thưởng huân chương vì đã có công ủng hộ thóc gạo và tích cực tham gia kháng chiến. Hai mẹ con Hừng "thọt" từ túp lều ngoài bãi sông dọn trở về ngôi nhà gỗ lim giữa làng. Ruộng đất, đồi cọ, trâu bò người ta trả lại một phần cho nhà nó, sau này được công hữu trở thành tài sản chung của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Hòa Sơn. Bố mẹ được phục hồi danh dự, duy có cái chân phải của thằng Hừng thì không trở lại được như cũ nữa. Nó mãi mãi phải đi đứng theo kiểu "chấm phảy" với biệt danh Hừng "thọt".
           Hừng "thọt" xung phong vào trung đội dân quân thường trực làng Hạ. Nó hiểu khi chiến tranh xảy ra thì chẳng ai thoát khỏi cái vòng kim cô của cuộc chiến ấy. Nó không phải vào bộ đội ra mặt trận đạn bom ác liệt đã là may lắm rồi. Hừng "thọt" được khen ngợi vì có tinh thần dũng cảm. Đó chính là hôm vị phái viên quân sự tỉnh Lê Thanh Tục về kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu ở trận địa Đồi Ma. Hôm ấy suốt cả buổi phải cơ động rồi đứng trong đội hình nghe phổ biến tình hình rồi nhận xét kết quả kiểm tra nên cái chân phải bị tật của Hừng "thọt" tê cứng khiến nó như sắp bị ngã lăn ra đất. Khi chiếc máy bay Mỹ lao vút qua rồi thả hai quả bom xuống bãi sông khiến các thành viên đoàn kiểm tra và dân quân chạy tán loạn. Hừng "thọt" do chân bị đau mỏi quá không chạy được đành lăn ào xuống chỗ khẩu 12ly7. Giữa lúc đó lại nghe xã đội trưởng và trung đội trưởng hô chuẩn bị bắn máy bay địch, Hừng "thọt" liền nhỏm ngay dậy cố gượng lê đến ôm lấy khẩu súng làm thao tác lên đạn. Mãi một lúc sau, các xạ thủ nữ khác mới từ trong hầm trú ẩn chui ra chỗ khẩu 12ly7 để triển khai chuẩn bị chiến đấu. Sau bận ấy, Hừng "thọt" được chỉ huy trung đội dân quân và ban chỉ huy xã đội biểu dương về một tấm gương tinh thần dũng cảm chiến đấu. Hừng "thọt" gượng gạo vì nó nghĩ là mình chưa thật xứng đáng. Nhưng rồi sau đó nó còn thấy buồn hơn vì cuộc sống thời chiến đang có nhiều điều thật-giả, đen-trắng lẫn lộn như thế...
           Mãi gần tám giờ tối thằng Nam mới lò mò từ bến sông lên trận địa. Hừng “thọt” vội bàn giao ca gác cho thằng Nam rồi tập tễnh trở về làng.
           Làng Hạ im lìm ở cuối cánh đồng. Những ánh đèn chai phòng không le lói, đủ sáng mà không hắt lên bầu trời. Làng vắng tiếng trẻ con nô đùa, chỉ có những tiếng người lớn thỉnh thoảng gọi nhau và tiếng đập lúa thình thịch ở sân kho của đội sản xuất trong đêm trăng suông. Dọc con đường làng vắng vẻ những hàng cau cao vút lên lưng trời trông giống như những người lính đang đứng gác, nghiêm trang và cảnh giác.

          (còn nữa)                                  Hà Nội, 11-2014 

 
             Nhấn vào đây để đọc: Tiểu thuyết TRĂNG LẠNH của Trọng Bảo
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét