Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 13)


 
          

      TRĂNG LẠNH
        Truyện dài của Trọng Bảo

        Xã đội trưởng Phạm Bản bị cấp trên và lãnh đạo xã nhắc nhở về trách nhiệm chưa cao đối với công tác quân sự của xã Hòa Sơn nói chung và về chất lượng huấn luyện dân quân nói riêng. Anh biết nguyên nhân mình bị đánh giá thấp chính từ những nhận xét của phái viên quân sự về buổi kiểm tra công tác phòng không nhân dân bữa trước. Anh không có phản ứng gì mà chỉ thấy buồn cho sự đời. Anh cũng không bị bất ngờ khi chức phó chủ tịch xã thuộc về kỹ sư Hiến, người vừa mới được hạ phóng về Hòa Sơn. Hôm công bố quyết định bổ nhiệm chức phó chủ tịch mới, chủ tịch xã Trần Khuông kéo Phạm Bản ra chỗ vắng vỗ vai anh động viên:
         - Thôi ông đừng buồn. Cấp trên giải thích việc chưa bổ nhiệm chức phó chủ tịch kiêm xã đội trưởng là để ông chuyên tâm vào nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu. Sắp tới tình hình chiến sự sẽ căng thẳng hơn nữa đấy. Bọn Mỹ bị thua đau ở miền Nam sẽ tăng cường đánh phá ra miền Bắc rất ác liệt. Chúng nó tuyên bố là sẽ đưa miền Bắc ta trở về thời kỳ đồ đá đấy! Nhất định ông và đơn vị dân quân xã ta sẽ lập được chiến công, khi ấy mọi sự đánh giá sai lệch sẽ qua đi thôi. Tôi luôn tin ở ông đấy.
          Phạm Bản cố gượng cười:
          - Anh không phải động viên. Tôi cũng từng là một người lính mà.
          Chủ tịch xã Trần Khuông gật gù. Ông vẫn luôn tin và ủng hộ Phạm Bản. Nhưng trong ban lãnh xã đạo ông chỉ là thiểu số. Một lá phiếu ủng hộ của ông chả có nghĩa lý gì đối với một tập thể ban chấp hành. Việc kỹ sư Hiếu trở thành phó chủ tịch xã Hòa Sơn ông cũng đã lường trước được nhưng vẫn bị bất ngờ. Vì hôm bỏ phiếu tín nhiệm chức phó chủ tịch xã ông không ngờ xã đội trưởng Phạm Bản chỉ được duy nhất có một phiếu, chiếm gần không phảy năm phần trăm. Lá phiếu lẻ loi cô độc đó là của ông. Tất cả các ủy viên ban chấp hành đều bỏ phiếu cho kỹ sư Hiến, chỉ có mình ông là không. Hóa ra, họ đều đã được ông chủ tịch huyện có lời ủy thác trước rồi. Chủ tịch xã Trần Khuông động viên Phạm Bản nhưng trong lòng ông cũng thấy buồn. Ông thấy tiếc cho Phạm bản, một người có năng lực nhưng không được lãnh đạo đánh giá đúng, thậm chí còn thiếu tin tưởng. Ông cố giấu tình cảm của mình và hy vọng Phạm Bản sẽ vượt qua được cú sốc này để tiếp tục thực thi nhiệm vụ trong lúc chiến tranh nước sôi lửa bỏng này. Khi Phạm Bản chào ông chủ tịch để đi kiểm tra trận địa phòng không thì chủ tịch xa mới chợt nhớ ra. Ông nói với Phạm Bản:
          - Trên thông báo là sắp tới sẽ một số cơ quan trung ương sơ tán về xã ta. Ông chuẩn bị kế hoạch bảo vệ và huy động lực lượng dân quân giúp họ nhé!
         - Vâng ạ!
          Chủ tịch xã dặn thêm:
          - Đây toàn là các cơ quan văn hóa, nghệ thuật trung ương như thư viện quốc gia, bảo tàng lịch sử. Họ có rất nhiều tài sản, hiện vật, tài liệu, sách báo quý nên công tác bảo vệ cần phải hết sức cụ thể, chu đáo đấy!
         - Báo cáo chủ tịch tôi đã rõ rồi ạ!
          - Vậy thì ông đi đi…
          Xã đội trưởng Phạm Bản đi về phía trận địa phòng không Đồi Ma. Đã gần trưa. Người đi làm đồng đã bắt đầu đưa trâu bò, đem nông cụ từ ruộng tản vào các khe núi, lũy tre và các tán cây để tránh nắng và tránh máy bay Mỹ. Sắp đến giờ cao điểm máy bay Mỹ hoạt động. Trên cánh đồng làng Hạ và trên con đường quốc lộ 2C vắng tanh. Một số người có công việc cần kíp phải đạp xe đi lại thì được các chốt dân quân trên dọc trục đường giao thông nhắc nhở là khi có tiếng máy bay, có kẻng báo động thì phải nhanh chóng chạy xuống ngay các hầm trú ẩn cá nhân đào sẵn chi chít ở hai bên đường. Một số người mặc quần áo màu sáng được yêu cầu dừng lại bẻ lá ngụy trang kín người rồi mới được đi tiếp. Thỉnh thoảng, trên trục đường có những chiếc xe quân sự của bộ đội cắm đầy cành lá cây xanh rì rì qua lại. Một đơn vị bộ đội đang hành quân trên đường, ba lô súng ống lỉnh kỉnh. Họ hành quân bộ về phía thị xã vừa luyện tập vừa để lên tàu vào Nam chiến đấu. Phạm Bản nhìn theo những người lính trẻ thầm nghĩ lẽ ra thì anh cũng có mặt trong đội hình ấy vào miền Nam đánh giặc nếu không xảy ra vụ việc ở đồi sim năm nào. Anh chợt nhớ tới Lê Thanh Tục. Sau bận về kiểm tra công tác phòng không tại xã Hòa Sơn năm ngoái anh không gặp lại hắn lần nào nữa. Hồi đầu năm nay lên tỉnh dự lớp quán triệt nhiệm vụ quân sự tại tỉnh đội ánh cũng không gặp Lê Thanh Tục. Hắn vẫn công tác ở ban dân quân tỉnh đội nhưng không muốn xuất hiện tại lớp tập huấn. Có lẽ hắn ngại chạm trán Phạm Bản sau lần về kiểm tra công tác phòng không nhân dân tại xã Hòa Sơn vì quá sợ hãi khi máy bay Mỹ ném bom mà nhảy vào ngách hầm đạp vỡ cái nồi đất đựng nước tiểu của chị em dân quân xã Hòa Sơn trên Đồi Ma.
          Nhưng cũng từ sau lần ấy xã đội trưởng Phạm Bản đâm ra mâu thuẫn với vợ. Không hiểu có phải là do Lê Thanh Tục tung ra tin gì về thời gian Phạm Bản tại ngũ hay không mà Nhiên- vợ anh sinh ra lắm chuyện. Chị thường xuyên xét nét chồng, nhất là những khi anh đi sớm, về muộn. Mà công việc của Phạm Bản lại cứ phải thường xuyên đi sớm về muộn như thế. Vợ Phạm Bản là một người hay ốm yếu lại ít học. Chị không tham gia công tác xã hội, quanh năm ở nhà làm ruộng, nuôi con. Đi làm hợp tác xã chị cũng ít quan hệ, giao lưu chuyện trò với bà con trong đội sản xuất, hết buổi làm đồng là về nhà quanh quẩn với con lợn, đàn gà và đứa con gái đang học lớp hai. Phạm Bản lấy vợ cũng là do chuyện hứa hôn của hai ông bố là vệ quốc quân cùng đơn vị đánh trận mãi tận Điện Biên Phủ năm nào. Vợ Phạm Bản quê ở miền xuôi nên lên vùng trung du đồi núi làm dâu có nhiều cái chưa thật quen với thung thổ ở đây. Phạm Bản cưới vợ sau khi về xuất ngũ. Chuyện của anh với Ngọc anh không quên nhưng thời chiến mỗi người mỗi nơi sợi dây tình cảm lâu cũng nhạt nhòa. Ngọc chuyển vào tuyến lửa có tin đồn trúng bom hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn. Giữa lúc ấy thì ông bố anh gặp lại đồng đội cũ. Người đồng đội của bố anh đưa gia đình từ miền xuôi lên quê anh sơ tán. Câu chuyện "hứa hôn" của hai người cha từ thời tám hoánh nào được khơi lại. Thế là Phạm Bản và Nhiên nên vợ chồng. Lấy nhau được hai năm thì đứa con gái ra đời. Vợ anh sau lần sinh con đâm ra ốm đau thường xuyên không làm được các việc nặng nhọc. Khi ấy Phạm Bản được bổ nhiệm chức xã đội phó. Nhiên không quan tâm đến công việc của chồng, chị chỉ chăm lo đến chuyện gia đình. Chị cũng không biết đến những chuyện đã xảy ra trong thời gian anh ở trong quân ngũ. May mà thời Phạm Bản còn ở trong quân ngũ lúc phải ra quân anh có một ông cán bộ đại đội phụ trách đơn vị sản xuất rất tốt. Ông rất thông cảm với Phạm Bản. Lúc anh phải về phục viên ông đã không ghi vào lý lịch của Phạm Bản những điều bất lợi cho anh sau này. Vì thế ở xã cũng không ai biết rõ những chuyện của anh thời quân ngũ. Chủ tịch xã Trần Khuông cũng là một người tốt. Ông không quan tâm nhiều đến quá khứ mà nhìn nhận cán bộ ở hiện tại. Do đó ông đã nâng đỡ Phạm Bản rất nhiều. Anh được như ngày hôm nay chính là nhờ sự nâng đỡ của chủ tịch xã Trần Khuông. Xã đội trưởng Phạm Bản đang hy vọng tiến tới thì xảy ra chuyện kiểm tra công tác phòng không ở trận địa Đồi Ma, sau đó là việc trượt mất chức phó chủ tịch xã và bây giờ là chuyện vợ anh "giở chứng" ghen tuông. Rất có thể chị đã nghe phong thanh được câu chuyện phong tình của chồng từ thời anh còn tại ngũ. Thói đời là vậy. Ớt nào mà ớt chẳng cay. Chỉ có điều hơi bất công là Nhiên đã ghen cả với quá khứ đã lùi xa của chồng. Tối hôm qua, Phạm Bản vừa về đến nhà đói mềm cả người mà bếp vẫn lạnh tanh. Anh hỏi:
          - Cơm canh thế nào rồi mà bếp lạnh tanh thế? Tôi đói lắm rồi.
           Nhiên mặt nặng mày nhẹ:
           - Tưởng anh đã ăn cơm với các cô dân quân trên Đồi Ma rồi!
           - Làm gì có cơm mà ăn!
           - Trên ấy lúc nào mà chả có cơm, có khi còn có cả phở nữa... mà anh lúc nào chả thích phở!
           - Chỉ vớ vẩn, dọn cơm ra đi.
           - Hôm nay tôi không nấu cơm.
           - Thế con bé ăn gì, mà nó đâu rồi?
           - Nó ở với ông bà ở nơi sơ tán...
           Vợ anh nói xong bưng nồi cám lợn đi mất. Con lợn nái và đàn lợn con mới đẻ chị nhốt dưới căn hầm đào ở góc vườn để tránh bom. Phạm Bản đành lần mò xuống bếp. Anh sờ soạng trong bóng tối tìm kiếm. Có một nồi sắn luộc còn vài khúc chỏng trơ trên nóc chạn. Phạm Bản ăn vài miếng sắn luộc đắng ngắt rồi ngả lưng ra cái chõng ở góc sân nghỉ một lát. Quá nửa đêm anh còn phải ra bãi sông theo dõi dân quân và dân công san lấp, mở bến phà để sẵn sàng phòng khi máy bay đánh sập mất cây cầu sắt thì xe pháo quân sự vẫn qua sông Đáy được. Phạm Bản hiểu rằng trong thời chiến như thế này một cán bộ quân sự như anh ít có thời gian nghỉ ngơi. Anh mong muốn gia đình mình luôn êm thấm để trở về sau mỗi khi mết nhóc, vậy mà... Nhiên vẫn đi đi, lại lại làm việc nhà, chị chẳng nói năng nửa lời lặng lẽ như một bóng ma.
            Phạm Bản mở chiếc đài bán dẫn để nghe tình hình chiến sự. Đài cũ, pin yếu, tiếng phát thanh viên lúc to, lúc nhỏ ọ ẹ được một lúc rồi lịm dần.

                (còn nữa)                                                                      Hà Nội, 11-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét