Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 13)

         
        NGŨ QU
             Truyện dài của Trọng Bảo 


            

             Càng gần đến tết trời càng rét.
             Anh Phương ngồi co ro trong một cái quán chợ. Gió bắc lùa hun hút vào khu chợ trống chải, thổi tung những cái túi ni lông xanh đỏ lên trời. Hôm nay chợ Niễu không có phiên. Lão Vận đang cặm cụi dùng cái chổi cọ cùn đùn đống rác to tướng về phía góc chợ. Thằng Đầu bò thì đang lang thang đâu đó ngoài thị trấn xem có ai thuê mướn việc gì để làm không. Cuối năm nhiều người sửa sang cơ ngơi, cổng cửa, xây chát, tô vẽ lại nhà cửa để đón tết. Vì thế thằng Đầu bò và anh Phương mới có việc làm. Toàn là những công việc nặng nhọc như đào đất, san nền nhà, vận chuyển vật liệu xây dựng, đào hố trồng cây cảnh. Tuy thế, càng gần sát tết thì càng ít việc. Có hôm, anh và thằng Đầu bò nằm dài trong quán chợ cả ngày nhai bánh mỳ khô không khốc thay cơm chờ xem có ai cần người làm thuê đến tìm.
           Đang mông lung cố nhớ lại những chuyện ngày xưa hành quân ra trận, chuyện bò vào đồn địch trinh sát thì anh Phương giật nảy mình vì tiếng thằng Đầu bò hét gọi rõ to ngoài cổng chợ:
           - Ông liệt sĩ ơi! Đi thôi.
           Anh Phương vội bật dậy vơ lấy cái mũ cối méo mó chụp lên đầu rồi hỏi:
           - Có ai thuê làm việc gì à?
           Thằng Đầu bò gật gật đầu rồi bảo:
           - Có... có... nhưng là làm việc không lấy tiền công đâu ông ạ!
           Anh Phương ngơ ngác nhìn nó. Thằng Đầu bò bảo:
           - Lên làm cho đền Vực! Cụ thủ từ coi đền thuê chúng mình vận chuyển các chậu cây cảnh, đào hố trồng mấy cái cây bồ đề, dọn cỏ rác sau đền chuẩn bị cho lễ hội đền Vực đầu mùa xuân tới. Tôi đã nói với cụ thủ từ rồi là mình không nhận tiền công của đền chùa, chỉ xin cụ thủ từ và các vãi cho hai thằng một bữa cơm chay là được!
           Anh Phương đi theo thằng Đầu bò lên đền Vực. Anh chợt nhớ lại ngày xưa trước lúc lên đường nhập ngũ bà mẹ anh bảo:
           - Mấy thằng cùng đi bộ đội đợt này nhớ bảo nhau lên đền Vực thắp hương cầu thần, khấn phật để các ngài phù hộ cho “đi đủ về đủ, tránh được hòn tên, mũi đạn nơi trận mạc”. Đền Vực làng ta là thiêng lắm đấy!
            Nghe lời mẹ, Phương rủ anh Thưởng, thằng Hiệp và cả cô Liên nữa cùng nhau lên đền. Lúc cả bọn đang mua hương hoa ngoài cổng chợ Niễu thì cái thằng còn lại trong nhóm ngũ quỷ bất ngờ đạp xe đi qua. Nó không phải nhập ngũ ra mặt trận. Ông chú ruột nó là cán bộ cấp to trên tỉnh đã xin cho nó một xuất sang Liên-xô du học. Gặp bốn người đang cầm hương hoa nó cười nhạo:
           - Ngu! Bọn chúng mày ngu lắm. Chả có thần phật, ma quỷ nào hết! Mà thần phật vô tri đéo là cái gì cả đâu. Cứ có ô to là an toàn nhất, là xong tất.
           - Mày… mày không được nói bậy!
           Anh Phương mắng. Nó phẩy phẩy tay vẻ lếu láo nhăn nhở:
           - Chúng mày có cúng vái suốt ngày thì nhất định có thằng cũng sẽ “sinh Bắc - tử Nam” cho mà coi!
           Thằng Hiệp vội đưa bó hương cho Liên để xông tới tống cho nó một quả đấm vào mõm nhưng anh Thưởng vội can:
           - Thôi chấp làm gì cái thằng hãnh tiến!
           Thằng kia biết là đã hơi quá lời, nó vội cúi đầu đạp xe đi thẳng. Vậy mà nó nói lại đúng. Ba người vào bộ đội, một đi thanh niên xung phong. Bốn đi, chỉ có ba trở về. Anh Phương nhớ lần sau thời gian huấn luyện chia tay nhau theo biên chế về các đơn vị chiến đấu, tự dưng thằng Hiệp dở mồm bảo:
           - Tao cứ có linh cảm là lần này ra đi sẽ không trở về nữa mày ạ! Nếu tao không trở về, mày về thì nhớ lên đền Vực thắp một nén hương cầu thần phật phù hộ cho bố mẹ tao luôn mạnh khoẻ. Bố mẹ tao hay đau ốm lắm…
           Không ngờ lời nó nói hôm ấy lại thành sự thật. Anh Phương nghĩ. Suýt nữa thì chính mình cũng không trở về được làng như nó. Anh ngó nghiêng nhìn chăn chú vào gốc cây hoa đại già ở cổng đền. Hôm ấy, sau khi thắp hương ra thằng Hiệp còn dùng con dao nhíp khắc tên mình lên gốc cây đại ở công đền Vực. Năm tháng qua đi đã lâu, vết khắc đã bị vỏ cây phát triển liền lại xoá mờ hết. Cây hoa đại nay cũng đã già lắm rồi. Thân cây đại sù sì nằm xoài xuống mặt đất nhưng những cành non vẫn vươn lên phía trời xanh.
           Mấy năm trước, khi đào đất làm đường ở gần khu đền Vực, người ta tìm được một tấm bia đá có chạm trổ hoa văn rất đẹp. Những dòng chữ Hán khắc trên mặt bia còn tương đối rõ. Dân làng Vực góp tiền cử đại diện về viện Hán nôm ở tận thủ đô Hà Nội thuê người lên đọc dịch văn bia. Đó là tấm bia ghi chép về việc xây dựng đền Vực. Qua nội dung văn bia dân làng mới biết đền là nơi thờ tự một vị nữ tướng từ thời Hai Bà Trưng. Người đã có nhiều công tích rất lẫm liệt trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, cũng là người đã khai khẩn thành lập khu trang ấp mà bây giờ là làng Vực, xã Đồng Nhân.
           Tương truyền đó là một nữ võ tướng tài hoa, xinh đẹp. Xuất thân nàng là một người con gái thôn quê giỏi nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa nhưng cũng rất ham luyện tập côn quyền, võ thuật. Có lần, một bọn sơn tràng thả bè gỗ xuôi sông. Qua bãi sông, nghe tiếng hát mê hồn lại thấy một bóng hồng lẻ loi trên bãi dâu, một thằng nhảy xuống sông bơi vào trêu ghẹo, sàm sỡ. Nhưng bàn tay chuyên cầm dao, cầm búa của nó chưa chạm được vào dải yếm lụa của nàng thì đã bị một cú đá móc. Nó lộn mấy vòng bật ra tận mép nước. Hoảng hốt, nó vùng dậy ôm bụng lảo đảo nhào luôn xuống nước cố bơi ra cái bè gỗ đang neo giữa sông. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa dẹp giặc cứu nước, người con gái giỏi võ nghệ ấy nửa đêm đeo gươm bơi qua sông tìm về Mê Linh tòng quân đuổi giặc. Nàng trở thành một tướng tiền quân của nhị vị nữ vương. Cuộc đời trận mạc trên lưng ngựa xông pha nàng chẳng quản hòn tên, mũi đạn. Nhưng rồi cuộc khởi nghiệp của Hai Bà Trưng gặp nguy khốn bởi thế giặc mạnh, lực ta còn non yếu. Hai bà liên tiếp thua trận, bị giặc truy đuổi, cùng đường, phải trẫm mình xuống dòng Hát giang. Vị nữ tướng dẫn bản quân toàn là các nữ chiến binh lui về trang Đồng Nhân tổ chức phòng ngự suốt mấy năm ròng, đánh thắng thêm nhiều trận khiến quân giặc kinh sợ. Khi thế giặc mạnh thì họ lui, dựa thế sông, thế núi hiểm trở để cầm cự. Khi giặc sơ hở thì họ phản công đánh úp, tiêu hao sinh lực của chúng.
           Trận huyết chiến cuối cùng xảy ra ở trên bến sông này. Bọn giặc rơi vào thế trận phục kích của đội quân do vị nữ tướng chỉ huy. Chúng bị đánh tan tác phải tháo chạy tơi bời. Song, khi mà hàng ngàn người ngựa của chúng đã bị dồn ra tận mép nước, sắp sửa bị nhấn chìm xuống dòng sông đang cuồn cuộn sóng thì đột nhiên xảy ra một chuyện. Trong giờ khắc kịch nguy, sắp bị dìm xuống dòng sông thì tên tướng giặc phương Bắc chợt nảy ra một mưu kế hiểm. Nó gào thét hạ lệnh cho đám bại quân lập tức quay lại và cởi hết quần áo, giáp trụ ra để uy hiếp các nữ chiến binh. Hàng nghìn tên giặc mình trần như nhộng, thân mình đầy lông lá, khua gươm, múa giáo đứng chật cả bãi sông. 
           Đoàn chiến mã của vị nữ tướng chợt khựng lại ở trên bờ sông. Những bàn tay cầm gươm, cầm giáo bỗng trở nên ngập ngừng, lúng túng. Những ánh mắt bối rối, nét mặt họ tái đi. Rồi họ cứ lùi dần, lùi dần. Vó ngựa của các nữ chiến binh lộn xộn. Thế trận của họ bỗng chốc trở nên rối ren. Bọn giặc từ thế thua, bị động trở thành chủ động. Khi cái chết cận kề, cơ may sống sót mỏng manh đã khiến chúng trở nên hung hãn liều lĩnh hơn. Lũ giặc cướp tồng ngồng điên cuồng liều chết lao ngược lên bờ sông. Tiếng hú hét dâm loạn của bầy sói thật là man rợ. Từ thuở sơ khai của chiến tranh thời cổ đại đến nay có lẽ chưa bao giờ có một tình huống nào như vậy.
           Các nữ chiến binh trinh tiết trẻ trung, dũng cảm phải lui quân. Họ cứ lùi mãi, lùi mãi. Họ không thể xông vào chém giết một bầy giặc trần truồng như súc vật. Tính tự trọng, sự kinh tởm và sự xấu hổ, hay nói cách khác là bản tính nữ nhi là nguyên nhân dẫn đến thất bại của họ. Khi thế ỉ dốc đột ngột bị phá vỡ thì tinh thần của các nữ chiến binh cũng suy nhanh. Đoàn quân của vị nữ tướng bị quân giặc phản công đánh tan tác. Máu của các trinh nữ nhuộm đỏ cả dòng nước trong xanh. Vị nữ tướng phải dẫn đám tàn binh chạy ngược dòng sông lẩn trốn sự truy đuổi của quân giặc. Bọn giặc được tiếp viện tiếp tục truy đuổi ráo riết. Thế cùng, lực cạn, quân sĩ bên cạnh hy sinh hết, vị nữ tướng phải gieo mình xuống dòng sông Đáy con tuẫn tiết. Thân xác nàng trôi dạt về và mắc lại ở xoáy Vực. Dân làng Vực đã chôn cất và dựng đền thờ người nữ tướng anh hùng. Đó chính là đền Vực bên bờ dòng sông Đáy con.
           Sau khi tấm văn bia được dịch, dân làng Vực đã tổ chức lễ cầu siêu cho vị nữ tướng và những quân sĩ dũng cảm của bà. Đền Vực trở thành một nơi linh thiêng, khói hương luôn nghi ngút. Có một anh nhà báo trên tỉnh đã về tìm hiểu và viết một bài báo về ngôi đền Vực thờ vị liệt nữ anh hùng.
           Trước sự tích của đền Vực và công tích lẫy lừng của vị nữ tướng, dân làng Vực bàn bạc và quyết định phải trùng tu, nâng cấp ngôi đền. Những người dân làng Vực bắt đầu thực hiện việc quyên góp. Họ phôtôcopy bản dịch văn bia cùng bài báo viết về đền Vực và vị nữ tướng anh hùng mang đi khắp nước. Nghe tin ở đâu có người làng Vực sinh sống là họ lần tìm đến quyên tiền. Quả là một cuộc hành trình vĩ đại của những người nông dân thành tâm hướng về tiên tổ. Có những bà, những chị chưa một lần ra khỏi luỹ tre làng cũng cứ khăn gói lên đường. Ai ủng hộ dù chỉ là một đấu gạo, vài nghìn đồng họ cũng chân thành cảm tạ, cũng ghi chép cẩn thận vào sổ công đức và cấp giấy chứng nhận cho người đóng góp.
           Một buổi sáng, tại một công sở của một cơ quan kinh tế lớn có hai người đàn bà quê mùa lam lũ xin vào gặp ông thủ trưởng. Mấy người bảo vệ vừa trông thấy đã ùa ra xua đuổi quầy quậy. Cơ quan đang chuẩn bị đón ông bộ trưởng xuống thăm và trao huân chương lao động cho thủ trưởng cơ quan. Cờ hoa, biểu ngữ đã chăng lên từ hôm trước. Đám nhân viên nữ mặc áo dài thướt tha, ôm hoa đang đứng chờ sẵn.
           Trong khi đó, hai người đàn bà quê mùa lại cứ nài nỉ, luẩn quẩn ở cổng cơ quan, đuổi mãi không chịu đi. Mấy anh bảo vệ đã nổi xung, họ rút cây gậy xanh đỏ cầm tay. Nhưng khi một người đàn bà nói chính là thím của ông thủ trưởng cơ quan này và việc họ đến đây thì máu Trương Phi của mấy anh bảo vệ nguội hẳn. Họ vội vã cấp báo cho anh trưởng ban hành chính biết.
           Anh trưởng ban vội cấp báo lên ông vụ trưởng.
           Ông vụ trưởng vã mồ hôi hột lật đật chạy lên phòng thủ trưởng.
           Thủ trưởng đang đứng trước gương chỉnh đốn lại trang phục, ngắm nghía dung nhan và tập trước mấy lời thưa gửi, báo cáo, hứa hẹn với cấp trên cho xuôi chảy, khỏi lúng túng ấp úng khi nhận huân chương. Nghe tiếng gõ cửa, ông ta sẵng giọng:
          - Có việc gì thế?
          - Dạ! Báo cáo… báo cáo… 
          Ông vụ trưởng vừa mở cửa vào vừa nói. Thủ trưởng cau mặt:
          - Báo… báo… cái gì, nói ngay đi, bộ trưởng đã đến rồi à?
          - Dạ chưa ạ! Mà… mà là có thím họ của thủ trưởng từ quê lên gặp ạ!
          - Thím… có đúng không? Những kẻ mạo danh bây giờ thiếu gì! Mà bà ấy lên có việc gì?
          - Bà ấy nói gặp thủ trưởng để quyên góp trùng tu đền… đền… đền…
          - Đ… ề… n… V… ự…. c...!
          Thủ trưởng nhắc. Ông vụ trưởng thở phào:
          - Vâng… vâng… đúng thế ạ! Họ còn có đem theo cả bài báo viết về ngôi đền ấy đây ạ. Họ nói là đưa để thủ trưởng đọc rồi quyết định khai tâm công đức, đóng góp để trùng tu xây dựng đền ạ.
          - Báo với chí gì, vứt đi, chỉ toàn viết láo! Thôi bảo thủ quỹ quăng cho họ mấy đồng để họ đi ngay đi. Bộ trưởng sắp đến rồi đấy, hiểu không!
          - Thưa anh là bao nhiêu ạ?
          - Hai triệu! À mà thôi… cho bọn họ hẳn năm triệu để họ biến đi cho nhanh…
          Ông vụ trưởng vừa đi ra đã vội quay ngay lại. Ông chưa kịp báo cáo thêm thì thủ trưởng đã hất hàm:
          - Lại còn việc gì nữa?
          - Dạ! Nhưng hai người đàn bà nói là xin gặp để thủ trưởng ký vào sổ vàng công đức và trao tận tay thủ trưởng giấy chứng nhận đã ủng hộ xây dựng đền Vực ạ!
          - Thôi dẹp… dẹp… dẹp! Vớ vẩn, không cần, bảo họ đi ngay đi!
          Thủ trưởng xua xua tay vẻ bực.
          Ông vụ trưởng đi rồi, thủ trưởng vẫn chưa hết bực. Ông lẩm bẩm: “Đền với điếc, tày cái lỗ mũi! Ông sẽ về quê xây hẳn một cái đền to gấp ba gấp bốn cho mà biết! Mà ông sẽ xây cái mái đền cao vút như cái mái cung điện Pi-e đại đế hồi du học bên Liên-xô mà ông từng biết!”.
          Chả phải viết thêm, bạn đọc cũng đã biết. Ông thủ trưởng này chính là nhân vật thứ năm trong “nhóm ngũ quỷ” của làng Vực-cái làng nhỏ bé bên bờ dòng sông Đáy con chảy qua miền trung du xanh thẳm…

           (còn nữa)                                                                           Hà Nội, tháng 4-2013 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét