Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 11)

        
        NGŨ  QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo   
       
          

          Anh Phương tập tễnh đi ra chợ.
          Con đưởng tỉnh lộ chạy ngang qua xã Đồng Nhân ngày anh chưa đi bộ đội đắp bằng đất đồi sỏi đỏ lồi lõm đầy những ổ gà. Mùa khô bụi mù mịt, mùa mưa thì trên mặt đường lớp bùn đỏ sền sệt như vữa. Bây giờ con đường đã được mở rộng và rải nhựa phẳng phiu. Hai bên đường đầy những nhà hàng, tiệm sửa xe, hiệu uốn tóc, quán cà phê. Chỉ có cái chợ Niễu là vẫn như xưa. Nó vẫn cũ kỹ, mốc thếch và nhầy nhụa, bẩn thỉu giống như thời bao cấp trước đây. Dưới gốc cây đa cổ thụ giữa chợ vẫn là những dãy quán che bằng lá cọ, lợp tranh lụp sụp. Chỉ có khác là phía sát đường người ta xây một dãy ki-ốt cho thuê, chỉ để một lối ra vào chợ. Quán chợ thì nhếch nhác nhưng cái cổng ra vào thì lại được xây rất hoành tráng, có cổng sắt hẳn hoi. Họ làm như thế để dễ thu tiền thuế, thu lệ phí và không cho xe máy, xe đạp ra vào trong chợ. Chợ quê bao đời nay vẫn là nơi mua bán, giao lưu của dân chúng. Thời bao cấp ngăn sông cấm chợ, hàng hoá hiếm hoi, bói không ra một phản bán thịt lợn. Bây giờ thì khác hẳn. Ngày chợ phiên thịt lợn bán cả dãy. Ngày thường cũng có ba bốn phản thịt phía ngoài cổng chợ.
           Anh Phương nhớ lại những lần khi còn nhỏ được theo mẹ đi chợ, nhất là phiên chợ tết cuối năm. Phiên chợ tết họp vào ngày hai sáu tháng Chạp. Đây cũng là phiên chợ Niễu cuối cùng trong năm âm lịch. Ngày còn bé anh Phương háo hức chờ phiên chợ Tết. Tụi trẻ con đứa nào cũng mong được mẹ cho theo đi chợ. Đến chợ tha hồi ngắm hàng hóa, mua sợi chỉ cước, cái lưỡi câu và được mẹ mua cho miếng kẹo kéo nhai quẹo cả răng. Khi đã lớn thì anh và bọn bạn tự kéo nhau đi chợ. Những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, chợ Niễu sơ tán họp trong rừng cây lá cọ. Từng dãy hàng quán lụp sụp nép mình dưới tán cây. Phiên chợ Tết quê nghèo chả khác những phiên chợ hàng ngày là mấy, vẫn có người bán mua những thứ gạo ngô, khoai sắn, than, củi. Có khác chăng là sự xôn xao, náo nhiệt từ đêm trước bởi đã có người buôn bán kéo đến dựng lều, làm quán, bày hàng sẵn, là sự lâng lâng trong lòng người đi chợ. Phiên chợ Tết còn có thêm những hàng lá dong, gạo nếp, mía cây còn cả ngọn lá để người ta mua về làm gậy cho ông vải. Đặc biệt là những hàng bán tranh ảnh, câu đối, hoa giấy. Câu đối, tranh ảnh móc đầy gốc cây cọ, treo trên dây làm sáng bừng cả phiên chợ quê vốn nghèo nàn, lam lũ.
          Đám trẻ con choai choai chỉ thích nhất là hàng bán pháo tép. Những quả pháo tép chỉ tày đầu đũa được tết thành bánh, cài thêm vài quả pháo cối bằng ngón tay. Tiếng pháo nổ đì đẹt, mùi thuốc pháo thơm thơm quyện trong mưa bay, mưa bụi, làm át đi cái lạnh, cái rét của gió mùa đông bắc.
           Nhiều người đi chợ Tết ở một vùng quê thường quen biết nhau. Các bà, các chị chia nhau miếng trầu, hỏi thăm nhau về một năm làm ăn vất vả, về những đận tháng tám, ngày ba giáp hạt, chia sẻ với nhau niềm vui con cái trưởng thành, sụt sịt về chuyện nhà cơm không lành, canh không ngọt... Những người túng thiếu thì đôn đáo đem ra chợ bán con lợn giò, thúng thóc lấy chút tiền lo tết. Miền quê nghèo khó đói kém quanh năm hằn sâu trên nét mặt những người đi chợ Tết. Đã thế cái khổ lại chồng lên cái khổ, nỗi bất hạnh. Anh Phương nhớ mãi có một lần đi chợ Tết gặp một người đàn bà áo vá và đứa con gái nhỏ đứng khóc ở cổng chợ. Chị bán một gánh sắn nặng được vài đồng mong đong một hai đấu gạo nếp gói vài cái bánh chưng cho con, nhưng số tiền ít ỏi lại bị kẻ gian móc trộm mất…
         Anh Phương đến cổng chợ thì mặt trời đã lên cao. Mấy thằng thanh niên đang ngồi ở cái quán dưới gốc bàng vừa nhìn thấy anh đã rối rít gọi:
          - Mời người anh hùng vào làm một ly “nút lá chuối” chào buổi sáng với bọn em!
          - Chào... chào... mừng anh hùng từ cõi... cõi... trở về... ề... ề...
          - Mời... mời... chú... một... chén... tăm phần tăm...
          - Uống... uống... uống...
          Một thằng mặt hô, đầu sần sùi đầy sẹo mà đám chuyên làm thuê ở chợ vẫn gọi là thằng “Đầu bò” hất hàm hỏi anh Phương:
          - Ông ra chợ làm gì thế?
          - Thì ra xem có ai thuê mướn việc gì thì làm!
          Cả bọn phá lên cười hô hố rũ rượu.
          - Ối giời ơi! Sao lại lạ thế! Bác là một người anh hùng của làng Vực, của xã Đồng Nhân và cả huyện, cả tỉnh này. Việc quái gì mà bác phải đi làm thuê, làm mướn cho khổ... ha... ha... ha...
          - Bác cứ việc ngồi chơi mà hưởng thụ bác ạ, tội gì mà làm việc cho vất vả. Khối thằng chả công lao, đổ máu gì mà nó vẫn cứ hưởng thụ, vẫn sung sướng ngất trời. Vậy thì việc gì mà bác phải làm việc nữa?
          - Bác có làm thì cũng chỉ làm những việc hết sức nhẹ nhàng thôi... như... như là kể chuyện truyền thống này, đi nói chuyện chiến đấu này, giáo dục thế hệ trẻ thôi bác ạ! Bác đừng dãi dầu nắng mưa làm gì cho khổ...
          Đám thanh niên mới lớn nhao nhao. Mỗi thằng một câu chúng phán cứ y như đang là lãnh đạo vậy. Thế rồi, bọn chúng ôm nhau cười nghiêng ngả. Gã đầu bò cáu tiết quát:
          - Chúng bay câm mẹ cái miệng lại đi! Bọn mày tưởng ông ấy nói đùa hả. Ông ấy từ chiến trường sống sót trở về, trên răng dưới các-tút, ruộng vườn không có biết lấy gì mà sinh sống. Bây giờ không có ruộng để cày cấy thì phải đi làm thuê, làm mướn, biến thành ô-sin, con hầu, đứa ở. Chợ quê không có ai thuê thì lên thành phố, thành phố không kiếm được việc gì thì mò lên biên giới làm “cửu vạn”. Đấy chúng mày xem nông thôn thất nghiệp hàng đoàn ra Hà Nội, ai họ bảo làm gì thì làm, họ cho đồng nào thì cầm lấy mà đút vào miệng, không thì treo niêu nhác mõm, hiểu không?
          Một thằng mặt còn non choẹt gãi đầu:
          - Nhưng bác ấy công lao cái thế, anh hùng lừng lẫy thế...
          - Công lao, anh hùng mà để làm gì... Thời thế tạo anh hùng. Thời nào anh hùng nấy. Anh hùng ngày xưa như ông Phương đây, cầm súng ra chiến trường, đánh nam, dẹp bắc, xông pha nơi chiến trận, hy sinh anh dũng nhưng bây giờ ai cần biết đến nữa. Thời nay “anh hùng” là phải tiền nhiều, thật nhiều tiền, cổ phiếu nắm giữ hàng ngàn tỷ, vàng, đô-la xếp đầy két, phải có nhà cao cửa rộng, biệt thự hoành tráng, xe hơi loại xịn, gái đẹp như tiên, suốt ngày cầm gậy xông vào sân gôn, sáng ngồi Hà Nội uống cà phê, tối nhảy đầm ở Vũng Tàu, đêm đánh bạc ở Hồng Kông, Ma Cao... Anh hùng thời nay thế đấy, chúng mày có hiểu không? Mà chúng mày bảo ông Phương đi nói chuyện truyền thống à! Bây giờ đếch ai nó thèm nghe truyền thống mà chuyện với chả trò, nói nhiều mỏi mồm, nó tặng cho một bó hoa, ăn để sống được à. Thôi, chúng mày uống rồi biến mẹ hết đi, kiếm việc gì mà làm không thì cứt cũng chả có mà đổ vào miệng đâu, hiểu không!
          Bọn lau nhau kéo nhau đứng dậy tản hết. Chúng nó cũng toàn là lũ vô công rồi nghề, học chả đến nơi, hành không đến chốn, suốt ngày lang thang, sáng đứng ở quán bắn bi-a, chiều thì ngồi ở cửa hàng Interent chơi games, tối đến rủ nhau lên đê để chích hút, hết tiền thì về nã bố mẹ...
          Bọn chúng đi hết rồi thằng đầu bò bảo anh Phương:
          - Ông vào đây uống chén nước rồi đi theo tôi!
          - Theo ông làm gì?
          - Tý nữa có xe chở xi măng từ thị xã lên, họ thuê tôi xuống muời tấn cho công trình nhà vườn của ông phó chủ tịch thị trấn. Hai anh em ta cùng làm, thôi tiền ít chia nhau, kiếm vài bát gạo cho con là được...
          Thế là anh Phương trở thành một người làm thuê trên chính quê hương mình từ ấy. Hoá ra ở đâu cũng vậy. “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai có mang phần đến cho”- Anh chợt nhớ đến lời ru của mẹ từ ngày còn thơ ấu. Hôm ấy anh và thằng đầu bò làm cật lực. Mỗi người được một trăm ngàn tiền công. Buổi trưa hai người được ông phó chủ tịch thị trấn mời cùng ăn bữa cơm "cất nóc" với kíp thợ xây đổ bê-tông tầng bốn.

          (còn nữa)                                                              Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét