Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 12)


            
           NGŨ QUỶ
           Truyện dài của Trọng Bảo

           

            Lại sắp đến tết. Trời vẫn còn rất rét nhưng không khí tết đã rộn ràng.
           Anh Phương trở về quê đã được gần ba tháng. Chuyện “liệt sĩ sống lại” ở làng Vực rồi cũng lắng dần. Ở cái vùng quê nghèo này có lẽ chuyện không bao giờ lắng nhạt chính là chuyện về cuộc sống “cơm-áo-gạo-tiền”. Thời kinh tế thị trường thì các khoản “cơm-áo-gạo” có khá hơn nhiều so với thời bao cấp, phân phối theo chế độ tem phiếu. Riêng chuyện “tiền” thì thời nào cũng thế. Thời nào thì tiền vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng và thời sự nhất. Mà cũng lạ, khi tiền ít thì sức nóng của đồng tiền không cao lắm. Khi tiền nhiều, sức nóng lại tăng lên. Càng nhiều tiền xã hội càng nóng bỏng hơn. Hoá ra khi người ta càng kiếm được nhiều tiền thì lại càng ham, càng lao vào để kiếm thật nhiều tiền hơn như một con thiêu thân, bất chấp nguy hiểm, tù tội. Ở cái vùng quê này đã xuất hiện những người có nhiều tiền. Họ là những cán bộ, những doanh nhân thành đạt. Nhưng đại đa số thì vẫn nghèo, thường xuyên bị “viêm miệng túi”. Người giàu, kẻ nghèo cũng đều luôn phải nghĩ đến tiền là chuyện thường trực hàng ngày. Có lẽ vì thế mà họ lãng quên đi nhiều chuyện khác. Gặp anh Phương ngoài đường nhiều người chỉ kịp giơ tay nói vội:
          - Chào ông “liệt sĩ” nhé!
          Hoặc đầy đủ hơn một chút là:
          - Xin chào ngài “liệt sĩ” làng Vực...
          - Hôm nào rỗi rãi bác “liệt sĩ” nhớ lại đến chơi kể chuyện chiến đấu cho đám nông dân chúng em nghe vui tý chút nhé!
          -...
          Có lẽ họ đã quên mất anh tên là Phương rồi. Nhiều người chỉ nhớ đại loại anh từng là liệt sĩ, từng có bia mộ đàng hoàng trong nghĩa trang, thế thôi. Anh Phương cũng không trách gì những người vô tâm. Ngay bản thân anh cũng còn phải lo kiếm tiền như họ để bảo đảm cho cuộc sống của mình và của mẹ. Mẹ anh đã không còn khoản trợ cấp hàng tháng của thân nhân liệt sĩ nữa. Ở nông thôn, nhất là vùng nông thôn miền núi nghèo thế này mà mỗi tháng có hơn một trăm nghìn đồng trợ cấp cũng đủ tiền đong gạo, tiền muối mắm, rau dưa. Bà Thuân vốn là người tằn tiện. Mỗi tháng chỉ có vài chục nghìn tiền trợ cấp, từ đầu năm nay mới được tăng lên hơn một trăm nghìn, vậy mà bà cũng tích cóp được vài triệu. Nhân dịp ngày 27-7 năm ngoái, bà còn được một doanh nghiệp hảo tâm tặng cho một cuốn sổ tiết kiệm có số dư ghi trong tài khoản là tám trăm ngàn đồng. Vậy chi là bà đã dành dụm được hơn hai triệu đồng phòng khi già yếu. Từ khi anh Phương trở về bà đã có ý định sử dụng số tiền này vào một việc quan trọng. Bà quyết định đi tìm cô Liên, người bạn học của con trai và cũng là người bao năm qua vẫn thường xuyên qua lại chăm sóc, giúp đỡ bà.
          Cô Liên vừa đi chợ về thì bà Thuân cũng vào đến cổng. Hôm nay là chủ nhật nên anh chồng Liên cũng được về tranh thủ. Anh cán bộ tỉnh đội vội chạy ra cổng đón bà Thuân với vẻ mặt ái ngại. Anh nghĩ là hôm nay bà lại đến để hỏi về chế độ cho anh Phương, mà chuyện này thì quả thật là nan giải. Cơ quan quân sự tỉnh của anh cũng chưa biết xử trí ra sao về trường hợp của “liệt sĩ” Phương trở về vì chưa có bất cứ một loại giấy tờ thông tin gì. Cô Liên đặt vội cái làn đi chợ xuống thềm rót nước mời bà Thuân.
          Bà Thuân cười bảo anh chồng cô Liên:
          - Chú làm gì thì cứ đi làm đi, để hai chúng tôi bàn bạc một chuyện hệ trọng!
          Anh chồng cô Liên không hiểu có việc gì. Anh nói:
          - Vâng! Con mời bà vào nhà! Trưa nay bà ở lại chơi xơi cơm với vợ chồng con nhé!
          Để hai người ngồi nói chuyện với nhau ở thềm, anh cầm cái kéo cắt tỉa cây ra vườn. Hai người đàn bà thủ thỉ bàn chuyện với nhau. Cô Liên nghe bà Thuân nói thì nửa mừng, nửa lo. Bà Thuân bàn với cô Liên chuyện tìm vợ cho anh Phương. Việc này quả là vô cùng hệ trọng. Anh Phương đã ngoài bốn mươi tuổi rồi, cao thì chưa tới mà thấp thì đã quá xa. Đám thanh nữ mới lớn gọi anh là chú.  Những cô quá lứa lỡ thì trong làng ngoài xóm thì khối nhưng lại còn có một vấn đề tế nhị nữa mà bà Thuân và cô Liên phải cân nhắc. Anh Phương cưới vợ không phải chỉ để khi trái gió trở trời, khi về già vợ chồng nương đỡ lẫn nhau. Bà Thuân còn mong có người nối dõi tông đường. Nhưng những cô lỡ dở ngót nghét tuổi anh Phương thì còn hy vọng đẻ đái gì nữa. Cô Liên chợt nhớ đến một người. Đó là chị bí thư chi đoàn làng Vực ngày trước của mình. Nhưng Liên hơi băn khoăn, đắn đo. Chị này người khô khô, dáng người thẳng đuồn đuỗn, cằm chìa ra như cái lưỡi cày, mưa rơi ướt mồm không ướt ngực. Là cán bộ đoàn, chị ta luôn giáo huấn đám thanh niên về tình yêu chân chính, về khát vọng, lý tưởng cao quý của tuổi trẻ. Một lần, toàn chi đoàn đi lao động làm mương máng thuỷ lợi cho hợp tác xã. Trong đám thanh niên có một thằng trông rất ngổ ngáo. Hắn là dân làng Vực và là một thanh niên đang được bồi dưỡng phấn đấu vào đoàn nên cũng phải tham gia lao động cùng chi đoàn. Lúc nạo vét bùn dưới mương nước, hắn vớ ngay được một con rắn mồng. Đây là một loại rắn nước rất hiền, không biết cắn người bao giờ. Hắn liền nhét luôn con rắn nước vào túi áo. Thừa cơ khi chị bí thư chi đoàn đang cúi người vét bùn, cái cổ cái áo bà ba trễ xuống, hắn liền nhanh tay thả luôn con rắn mồng vào trong cổ áo của chị ta. Chị bí thư chi đoàn hét lên một tiếng kinh hãi rồi ngã lăn xuống vũng bùn đen hôi thối, bẩn thỉu. Bọn con gái sợ hãi không dám chạy đến cứu người bí thư chi đoàn. Mấy thằng con trai phải ra tay. Bọn chúng xốc nách kéo người nữ bí thư chi đoàn của mình gần như đã ngất đi vì khiếp sợ lên trên bờ mương. Một thằng lúng túng mãi mới tháo được cái thắt lưng to bản có cái bao đựng đạn CKC mà chị bí thư chi đoàn thắt ngang bụng. Chị này cũng là trung đội trưởng dân quân, tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao. Lúc nào chị ta cũng đeo súng đạn theo bên người. Chính do cái thắt lưng này bó chặt mà con rắn nước không chui ra khỏi người chị ta được. Một thằng thanh niên lúng túng cởi khuy áo rồi lôi con rắn mồng đang ngọ nguậy trong ngực chị bí thư chi đoàn ra ném đi. Lúc này cô Liên và mấy nữ đoàn viên mới dám nhào đến dìu người bí thư của mình lên lán chỉ huy công trường để xoa dầu gió cấp cứu cho chị ta tỉnh lại.
          Sau bận ấy thì con đường phấn đấu trưởng thành của cái thằng thanh niên ngổ ngáo làng Vực đó coi như tịt ngòi hẳn. Hắn bị đưa ngay ra khỏi diện cảm tình để theo dõi bồi dưỡng kết nạp vào đoàn. Hắn cũng đếch cần. Hắn vốn tính ngổ ngáo hay nghịch ngợm quen rồi. Dần dần hắn trở thành một tay bất trị, thích gây gổ đánh nhau, từng bị công an bắt đi cải tạo lao động mấy lần. Đó chính là cái thằng mang biệt danh “Đầu bò” bây giờ chuyên làm thuê ngoài chợ Niễu. Còn chị bí thư chi đoàn kia thì đến nay vẫn chưa lấy chồng. Khi đã hết cái tuổi thanh niên xung phong hăng hái, chị này được chuyển sang làm công tác phụ vận. Chưa có chồng nhưng cũng chẳng thấy có ai tán tỉnh, dạm hỏi chị ta bao giờ. Đám thanh niên trong chi đoàn thì vẫn rỉ tai nhau bảo: “Bà bí thư chi đoàn của chúng mình vẫn còn trinh đấy!”. Khi bất chợt nghĩ đến chị bí thư chi đoàn cũ, cô Liên bỗng bật cười. Bà Thuân thấy cô Liên cười thì phấn khởi hỏi:
          - Đã tìm được đám nào cho em nó rồi hả?
          - Chưa… chưa… bà cứ để thư thư để con còn ngắm nghía cho kỹ càng đã bà ạ!
          Cô Liên lúng túng đáp. Bà Thuân thì thở dài bảo:
          - Còn ngắm nghía gì nữa… đã muộn lắm rồi, kén cá chọn canh làm gì!
          Nhưng rồi một vài đám mà bà Thuân và cô Liên nhăm nhe, ướm thử cho anh Phương đều không thành. Nhiều đám lại còn trở thành một trò đùa xuyên tạc, cười cợt của đám thanh niên vô công rồi nghề. Chuyện nọ xọ chuyện kia khiến đám đàn bà, con gái ế ẩm trong xã rất tức giận. Ngay cả cái chị cựu bí thư chi đoàn làng Vực ngực phẳng như tấm ván cũng sưng xỉa mặt mày. Chị ta đã gặp và mắng Liên một trận vì cô có ý mai mối, gán ghép chị ta với người bạn học cũ của mình. Hình như chị này vẫn còn đang giữ giá, làm cao. Chả gì thì chị ta cũng đường đường là một cán bộ hội phụ nữ xã Đồng Nhân, một xã trọng điểm văn hóa của huyện. Song thực ra thì cũng không hẳn là thế mà cái chính là chị ta đã nghe lỏm được bọn thanh niên trong xã vẫn đồn đại chuyện anh Phương. Bọn chúng kháo nhau anh Phương bị bom làm chấn thương sọ não rất nặng, hồi phục tỉnh táo như bây giờ chỉ là tạm thời. Đến khi thời tiết thay đổi là anh lại lên cơn tâm thần, nhìn quân ta hoá ra quân địch, hay gào thét đập phá lung tung. Vì thế nên chị ta càng sợ. Hơn nữa, anh Phương tiếng là người lính chiến từ mặt trận trở về nhưng giấy tờ tuỳ thân, chứng nhận công lao, thành tích chả có gì ngoài cái giấy báo tử của tỉnh đội và cái bằng Tổ quốc ghi công thì đã bị cấp trên thu hồi mất rồi. Chị ta là cán bộ xã thì không thể tự dưng lấy một người làm chồng lý lịch không rõ ràng như thế.
          Chuyện anh Phương tìm vợ chưa đâu vào đâu nhưng anh thì lại có thêm một biệt danh, một cái tên mới. Đó là “Phương điên”. Ở làng Vực và cả xã Đông Nhân này người ta quen gọi những người bị bệnh tâm thần là điên. Vậy là trước mặt anh thì họ gọi là người anh hùng, là “liệt sĩ” sống lại, trở về, sau lưng anh thì họ gọi là thằng “Phương điên” làng Vực…

          (còn nữa)                                                            Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét