Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 8)


                   
          NGŨ  QUỶ
           Truyện dài của Trọng Bảo

          

          Lần này tiếp “người liệt sĩ” trở về chỉ có một mình anh phó chủ tịch phụ trách công tác văn-xã của xã Đồng Nhân. Ông chủ tịch đang ngồi bấm máy vi tính chơi games nhác thấy anh Phương đạp xe trên con đường vào cổng trụ sở vội tắt máy vi tính xách cái cặp khoá số đứng dậy đi luôn. Qua phòng anh phó chủ tịch ông bảo có việc phải lên huyện ngay, dặn phải tiếp người “liệt sĩ” cẩn thận. Ông phóng xe máy lướt ra cổng né sang sát bên phải đường tránh cái xe đạp lọc cọc của anh Phương. Không rõ ông có chào anh không vì tiếng xe ga rú lên to quá.
          Anh phó chủ tịch phụ trách công tác văn xã vừa làm việc với một người xong. Khi người khách vừa quay ra cửa anh phó chủ tịch vội lật tờ báo ông ta để lại gạt nhanh cái phong bì dày dày kẹp bên trong xuống cái ngăn kéo bàn làm việc đã mở sẵn. Ông này là một người ở huyện bên. Ông ta đến để xin chính quyền xã Đồng Nhân chứng nhận cho một sự việc xảy ra đã lâu. Đó là vào những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Một lần, ông có việc đi qua xã Đồng Nhân, gặp đúng lúc máy bay Mỹ ập đến bắn phá vào khu vực trạm sửa chữa xe tăng và kho hàng quân dụng của bộ đội đang sơ tán ở đây. Ông đã cùng với các dân quân xã Đồng Nhân dũng cảm không sợ hy sinh, băng qua lửa đạn, lao vào nơi đóng quân của bộ đội tham gia chữa cháy nhà xưởng, cứu kho vật tư quân sự. Trong trận bom ấy, ông đã bị thương. Một mảnh bom Mỹ làm ông bị mất một ngón tay ở bàn tay trái. Ông có giấy xuất viện của một trạm quân y lúc đó cũng đóng quân ở xã Đồng Nhân này. Nay ông làm hồ sơ để xin xác nhận đã tham gia giúp bộ đội trong trận bom Mỹ năm xưa. Đã có chữ ký xác nhận của mấy người là cựu dân quân của xã Đồng Nhân thời ấy trong bản thành tích chiến đấu của ông, chỉ cần chính quyền xã ký, đóng dấu vào nữa là xong. Mọi giấy tờ ông ta đưa ra đều hợp lý. Anh phó chủ tịch xã được giao xem xét và chứng nhận cho ông ta.
          Tiếp nhận tập hồ sơ của người đàn ông huyện bên anh phó chủ tịch xã nghĩ ngay đến việc chỉ cần tìm gặp những người là dân quân thời kỳ ấy hỏi thêm thì sẽ biết rõ chuyện diễn ra như thế nào. Trong số những dân quân tham gia cứu kho vật tư quân sự và trạm sửa chữa xe tăng của bộ đội trong trận bom năm ấy có nhiều người còn sống. Người trung đội trưởng dân quân xung kích ngày ấy chính là ông Nghĩa, bố của liệt sĩ Hiệp ở làng Vực.
          Sau khi xem xét các loại giấy tờ, anh phó chủ tịch xã vừa đưa mắt nhìn ông khách vừa nói:
          - Bác cứ để hồ sơ ở đây! Chúng tôi xin tiếp nhận và tiến hành thẩm tra, xác minh thật… kỹ rồi sẽ ký xác nhận cho bác sau nhé!
          Ông khách nhìn anh phó chủ tịch xã Đồng Nhân. Đoạn, ông khẽ khàng rút từ trong cặp ra một tờ báo gấp nhỏ đặt lên bàn rồi nói:
          - Xin anh chứng nhận ngay cho! Giấy tờ của tôi đầy đủ và tất cả đều là các văn bản gốc cả đấy ạ! Bên địa phương chúng tôi đang có đợt xem xét, làm chế độ trợ cấp cho những người đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nếu chậm thì sợ sẽ không kịp thời hạn theo quy định anh ạ!
          Vừa nói, ông khách vừa đẩy tờ báo gần về phía anh phó chủ tịch xã.
          Thấy người khách đẩy tờ báo cũ gấp nhỏ về phía mình thì anh phó chủ tịch xã ngần ngừ. Anh làm ra vẻ suy nghĩ, nhưng thực ra anh đã bỏ luôn cái ý định sẽ tiến hành xác minh sự việc cụ thể như thế nào. Hơn nữa, giấy tờ của ông này đúng đều là các văn bản gốc, không thể làm giả được, việc ký giấy chứng nhận chỉ là đúng thủ tục hành chính. Anh phó chủ tịch xã liền rút bút ký nhoằng một chữ vào ô dành cho chính quyền xã Đồng Nhân. Đoạn anh gọi cô văn thư lên đem đi chụp dấu. Nhận tờ giấy chứng nhận có con dấu đỏ chót ông khách suýt xoa cảm ơn anh phó chủ tịch xã Đồng Nhân. Ông ra về trong lòng lâng lâng phấn khởi. Bởi vì chỉ cần có chứng nhận của địa phương nơi ông đã từng tham gia chiến đấu này nữa thôi là đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết. Ông sẽ nộp ngay cho phòng thương binh xã hội huyện làm thủ tục lên trên đề nghị công nhận ông là một thương binh, hoặc chí ít cũng là người có công tham gia chống Mỹ, được nhận tiền trợ cấp hàng tháng, hoặc trợ cấp một lần.
          Chuyện của ông đã tham gia chiến đấu tại xã này như thế nào thì lớp cán bộ xã hiện nay không thể biết rõ. Họ là những người khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ xảy ra tại miền Bắc đều còn rất nhỏ, hoặc là lớp người sinh ra sau chiến tranh. Ông khách hể hả ra về. Lúc đi qua đoạn đường ven rừng, nơi có xưởng sửa chữa xe tăng và kho hàng quân dụng của bộ đội năm xưa, ông dừng lại. Ông lấm lét nhìn xung quanh như sợ có ai đang theo dõi nhìn mình. Ông chợt nhớ lại việc mình đã bị thương trong trận bom của giặc Mỹ hơn ba mươi năm trước như thế nào. Hôm ấy đúng lúc ông đang đi qua khu vực này thì máy bay Mỹ ập đến ném bom. Nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rít trên đầu, ông vô cùng hốt hoảng. Ông vừa buông cái xe đạp bỏ chạy. Nhưng chưa kịp nhảy xuống cái hầm cá nhân thì một quả bom nổ gần hất tung ông ra vệ đường. Chiếc xe đạp của ông văng tõm xuống hồ nước ven đường chìm nghỉm. Cái bao tải chè khô là hàng ông buôn lậu buộc sau xe đạp bung ra tung toé. Chè khô nổi lềnh phềnh đen cả một khoảng mặt nước hồ. Ông chưa kịp hoàn hồn thì thấy bàn tay trái đau tê dại. Một mảnh bom phạt đứt ngón chỏ bàn tay trái của ông, máu me be bét. Nhìn thấy máu chảy ra nhiều ông sợ quá ngất đi. Khi ông tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong một trạm quân y. Các bác sĩ quân y đang rửa vết thương, băng bó cho ông. Thì ra, trung đội dân quân của ông Nghĩa chạy đến cứu kho hàng và trạm sửa chữa xe tăng của bộ đội thấy ông nằm bất tỉnh ven đường liền băng bó vết thương rồi đưa luôn vào trạm quân y cấp cứu cùng số chiến sĩ, công nhân quốc phòng, dân quân bị thương. Trong trận bom ấy có mấy chiến sĩ trạm sửa chữa xe tăng đã hy sinh. Các bác sĩ ở trạm quân y đã cấp cứu rồi điều trị cho ông. Họ vẫn nghĩ ông là một dân quân đã tham gia chiến đấu. Mà cho dù ông không phải dân quân, chỉ là một người dân bình thường bị thương đưa đến thì các bác sỹ quân y vẫn tận tình cấp cứu, chữa chạy. Khi vết thương tạm lành trạm quân y đã cấp giấy xuất viện cho ông như nhiều bệnh nhân và thương binh khác. Tờ giấy ra viện ấy đến nay ông vẫn giữ được. Không ngờ bây giờ nó lại có giá trị khi nhà nước có chính sách đãi ngộ những người có công lao trong các cuộc kháng chiến. Chỉ cần có hai người chứng nhận và chính quyền ký xác nhận ông tham gia chiến đấu và bị thương thế này là xong xuôi.
          Khi anh phó chủ tịch xã đang thò tay vào ngăn bàn nắn nắn cái phong bì dày cộp thì anh Phương tập tễnh bước vào. Anh phó chủ tịch xã giật mình rút vội tay ra khỏi ngăn bàn. Anh đứng dậy giơ tay giả bộ vồ vập, hồ hởi:
          - Xin chào… chào người… anh hùng mới trở về!
          Anh Phương nhăn mặt:
          - Tôi không phải là “người anh hùng”! Tôi chỉ là một cựu quân nhân, một thương binh bình thường thôi!
          Anh phó chủ tịch xã biết mình đã tếu táo, đùa cợt không đúng lúc. Anh vội vàng chữa lời:
          - Vâng! Xin lỗi bác. Thế hôm nay bác lên xã có việc gì không ạ?
          - Tôi lên để hỏi xem việc của tôi cấp trên đã giải quyết thế nào rồi!
          Anh phó chủ tịch xã mời anh Phương ngồi xuống cái ghế gỗ cũ kỹ mà ông khách lúc nãy vừa ngồi. Đoạn anh ta ngồi xuống cái ghế bọc da êm ái có bánh xe quay bốn phía đều được. Ngả người dựa lưng vào thành ghế anh phó chủ tịch nói tiếp:
          - Thế này bác ạ! Đồng chí chủ tịch xã lúc nãy trước khi đi họp đã trao đổi với tôi về chuyện của bác rồi.
          - Vậy cụ thể như thế nào?
          Anh phó chủ tịch ngập ngừng một lát rồi mới trả lời:
          - Xã đã có ngay văn bản báo cáo về việc của bác với huyện. Trên huyện cũng vừa mới có công văn phúc đáp gửi về xã. Việc bác đã trở về quê hương là sự thật, thân nhân, làng xóm đều công nhận thì chính quyền xã và huyện có thể xác nhận. Trên đã đồng ý cho thu hồi giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công và xóa tên bác khỏi danh sách các liệt sĩ, rút tên bà Thuân - mẹ của bác ra khỏi danh sách thân nhân liệt sĩ rồi. Nhưng… còn việc bác xin giới thiệu để đi giám định sức khỏe, xếp hạng thương binh thì tạm thời chưa được, cũng là tại vì bác chưa có đủ các loại giấy tờ cần thiết chứ không phải tại xã không muốn. Khi nào đủ điều kiện thì xã sẽ giới thiệu ngay ạ!
          Anh Phương chán nản. Vẫn lại là những gì ông chủ tịch xã lần trước đã nói. Anh định đứng dậy bỏ về thì anh phó chủ tịch nói thêm:
          - Lẽ ra thì ngay từ tháng 12 này gia đình bác đã không được nhận khoản phụ cấp giành cho thân nhân liệt sĩ nữa, vì bác vẫn còn sống và đã trở về. Số tiền trợ cấp đã chi trả cho thân nhân liệt sĩ hồi đầu tháng đúng ra là phải thu hồi để nộp trả lên trên. Nhưng xã đã đề nghị trên xem xét, đồng ý cho gia đình bác tiếp tục hưởng chế độ phụ cấp thân nhân liệt sĩ hết tháng 12 năm nay mà không phải nộp lại khoản tiền 135 nghìn đồng đã lĩnh. Từ tháng một năm tới khoản trợ cấp này của bà Thuân sẽ bị cắt bác ạ!
          Mặt anh Phương tối sầm lại. Anh thấy đầu mình căng thẳng âm u như sắp vỡ. Anh muốn nổi xung. Nhưng anh ghìm lại ngay, bởi những gì mà anh phó chủ tịch xã vừa nói là đúng. Anh đã không còn là liệt sĩ nữa thì mẹ anh cũng không thể và không nên nhận khoản tiền phụ cấp hàng tháng dành cho thân nhân các liệt sĩ nữa.
          Anh Phương đứng dậy. Anh phó chủ tịch chợt nhớ ra vội nói:
          - À suýt quên! Còn một chuyện nữa bác ạ!
          - Việc gì thế?
          - Là việc bác có đơn xin nhận thầu khai thác sử dụng khu thùng đấu, ao hồ vẫn bỏ hoang trong đê ở cuối làng Vực để sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản cũng đang có một chút vướng mắc bác ạ!
          - Vướng… vướng cái gì?
          - Thế này bác ạ! Hiện nay xã Đồng Nhân đã có chủ trương là tất cả ruộng đất, ao hồ, bãi hoang trong xã chỉ được giao thầu cho các cá nhân, tập thể có hộ khẩu thường trú tại xã thôi ạ!
          Anh Phương chăm chú nghe. Anh phó chủ tịch xã ho khan một tiếng rồi mới nói tiếp:
          - Vì thế nên hiện tại thì bác chưa thể nhận thầu sử dụng khu ao hồ ấy được ạ!
          - Tại sao thế?
          - Vì… bác chưa chuyển hộ khẩu về địa phương, trong sổ hộ khẩu của bà Thuân chưa có tên bác!
          - Thế thì bây giờ tôi xin nhập khẩu về với gia đình, với mẹ tôi!
          - Nhưng… nhưng cũng tại bác chưa có giấy tờ xuất ngũ, phục viên về địa phương nên hiện cũng chưa thể nhập khẩu thường trú tại xã cho bác được, chỉ đăng ký tạm trú thôi. Bác hết sức thông cảm cho chúng tôi nhé! Thủ tục hành chính nó đòi hỏi như thế. Khi nào làm xong việc nhập khẩu cho bác về gia đình thì nhất định xã sẽ giao ngay cho bác nhận thầu khai thác khu thùng đấu, ao hồ ấy!
          Anh Phương cố vớt vát:
          - Vậy thì mẹ tôi đứng ra ký kết hợp đồng nhận thầu khu ao hồ ấy có được không?
          Anh phó chủ tịch gãi gãi đầu:
          - Việc này để tôi báo cáo lại với các anh trong uỷ ban xã rồi cùng bàn bạc quyết định! Nhưng có lẽ cũng hơi khó vì bà Thuân, mẹ bác đã hết tuổi lao động lâu rồi, việc bà đứng tên ký hợp đồng sử dụng đất đai không biết có đúng luật hay không?
          Anh Phương đành đứng dậy chào anh phó chủ tịch ra về. Anh không muốn hỏi thêm gì nữa.
          Ra khỏi trụ sở uỷ ban xã anh Phương chợt thấy đầu óc mình trống rỗng. Anh tập tễnh bước ra con đường xi măng cứng nhắc chạy thẳng ra phía chợ Niễu. Anh quên mất là chiếc xe đạp cọc cạch của mình còn đang để chỏng chơ ở sân trụ sở uỷ ban xã.

          (còn nữa                                                                           Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét