Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 6)


         
            NGŨ  QU
            Truyện dài của Trọng Bảo

         

          Lão Vận bước vào chợ. Đàn nhặng xanh thấy động bay lên vù vù tạo nên những âm thanh u... u... u... mãi không dứt. Chợ chỉ họp vào buổi sáng. Buổi chiều và ngày chợ không họp thường chỉ có mấy phản thịt của những người chuyên giết mổ bày bán ở phía ngoài cổng.
          Lão Vận ném cái chổi cọ và cái xẻng cùn xuống đất. Việc đầu tiên của lão là cầm cái bao tải rách đi thu hồi các loại “chiến lợi phẩm”. Đó là những thứ phế thải mà những người mua bán buổi sáng còn bỏ lại. Lão nhặt những cái túi ni-lông còn lành lặn đem ra bến sông giặt sạch đem bán lại cho những người thu mua đồ phế thải về tái chế hoặc những người chuyên bán cá, bán cua đựng cua cá cho khách hàng. Hạt mít, hạt bí lão để riêng đem rửa sạch, phơi khô, tích lũy phòng khi giáp hạt, hết gạo. Hạt nhãn, hạt vải lão gom lại rồi đem lên đồi hoặc ra bãi hoang ngoài bờ sông vùi xuống đất mong sao sẽ có hạt nảy mầm, lớn thành cây, rồi đơm hoa, cho quả.
          Sau khi nhặt nhạnh khắp chợ, lão bắt đầu quét dọn. Lão quét rất kỹ từng dãy lều quán, đùn rác về phía cuối chợ. Chợ quê nghèo, hàng quán chỉ là những cái lán che bằng rơm rạ, thấp lè tè. Cách nhật chợ mới họp một phiên. Người ta gánh hàng đến, trải một mảnh ni-lông ra bày bán. Những thứ thải loại, rác, vỏ dưa, vỏ dừa vứt bừa bãi ngay tại chỗ. Lão Vận quét dọn cật lực hơn một ngày chợ mới sạch sẽ. Sáng hôm sau chợ lại họp, rác rưởi lại ngập ngụa. Lão lại dọn dẹp vào buổi chiều và cả hôm sau nữa khi chợ không họp. Cứ như thế, lặp đi, lặp lại công việc của đời người chuyên quét chợ quê.
          Thực ra, lão Vận mới chỉ làm người quét chợ được độ bảy, tám năm nay. Trước kia, lão là người làm nghề cất vó bè trên sông Đáy con. Dòng sông Đáy con mỏng manh như một sợi chỉ nằm dưới chân núi Tam Đảo. Nhưng khi mùa mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về, dòng sông phình ra, nước chảy cuồn cuộn. Khi mùa khô, những tháng cuối năm thì nước lại trong veo. Sông sâu chỉ săm sắp bắp chân nhìn thấy rõ cả những con cá, con tôm nhỏ bơi lội và đá sỏi dưới đáy. Mùa khô, khó kiếm cá lão Vận cột cái bè vào bụi tre ven sông rồi lên rừng nhặt củi khô về bán kiếm tiền đong gạo. Khi không lên rừng lấy củi thì lão lang thang làm thuê, gánh nước thuê cho mấy bà bán bún phở trong chợ Niễu. Chợ quê ngày ấy không có người quét dọn “chuyên nghiệp” như bây giờ nên rác rưởi ngập ngụa, mùi hôi thối xông lên nồng nặc nhất là mùa hè. Mấy bà bán hàng thường phải thuê lão quét dọn quán của mình. Rồi gần như những người buôn bán ở chợ đều thuê lão quét tước, dọn dẹp chỗ ngồi bán hàng.
           Dần dà, lão Vận trở thành người chuyên quét dọn thuê ở chợ Niễu. Tiếng là thuê, nhưng không phải ai cũng trả tiền cho lão, mà nếu có thì cũng chẳng đáng kể. Bà bán cá thường trả công lão cái đầu cá mè. Anh hàng thịt đưa lão mẩu xương, hôm nào hứng lên cắt cho một đoạn lòng già, đoạn dồi lợn dài độ gang tay. Thường là người ta cho lão hai, ba trăm đồng. Nhưng phần lớn là cố tình làm ngơ. Mặc dù buổi chợ, họ vẫn nhìn thấy lão gánh nước thuê vào các hàng quán xung quanh. Lão Vận cũng chẳng đòi hỏi. Trước đây, lão quét tước, dọn dẹp từng chỗ bán hàng cho các chủ sạp thì họ dứt khoát phải trả tiền công. Bây giờ lão quét cả chợ thì lại như làm không công. Gần đây, chắc do nhiều người có ý kiến phản ánh, đề nghị nên ông chủ tịch xã cân nhắc, nâng lên đặt xuống mãi mới quyết định trả “lương quét chợ” cho lão Vận bằng mười ki-lô-gam thóc mỗi tháng. Nghe ra thì có vẻ to tát nhưng kỳ thực giá trị cũng chỉ bằng ba, bốn mươi nghìn đồng. Thôi thế cũng tốt, lão Vận đã có một khoản thu nhập ổn định, đủ ăn, đỡ lận đận mỗi khi giáp hạt. Đời lão cũng đã xế chiều rồi, cần gì nhiều hơn nữa đâu.
          Quét xong tất cả các dãy quán trong chợ thì trời đã sập tối, lão Vận thu nhặt đem các thứ “chiến lợi phẩm” ra về. Đống rác góc chợ ngày mai lão mới đốt hoặc gánh ra đổ ngoài bờ sông.
          Thường là cả ngày ở chợ, chập tối lão Vận mới về đến nhà. Hôm nào cũng thế.
          Lão Vận xách cái đầu cá lần bước về nhà. Túp lều của lão cũng ở bên bờ sông. Về đến gần nhà, lão huýt sáo và gọi:
          - Anh Cún đâu rồi!
          - Hực... - Một con chó to từ trong nhà phóng ra vẫy đuôi mừng rối rít. Nó ngoạm lấy ống quần lão kêu ư ử. Lão Vận vỗ về:
          - Đói lắm rồi hả! Để yên, tao nấu cơm cho mà ăn. Hôm nay có cái đầu cá trắm của bà Béo cho đây này!
          Con chó phóng vút lên hè. Nó chồm hai chân trước lên đẩy cánh cửa mở ra rồi quay lại cào cào xuống đất có ý mời lão vào nhà. Lão Vận châm đèn, tìm cái nồi nấu cơm. Con Cún cứ luẩn quẩn quanh lão. Thấy lão nhặt rau, nó cũng ngoạm một cọng rau muống cắn đứt ra làm mấy đoạn. Lão vỗ vỗ vào đầu nó an ủi:
          - Yên nào! Mày không làm được đâu!
          Lão quay lại đun cành củi vào bếp. Con chó nhổm ngay dậy. Nó chạy đến dùng miệng ngoạm một cành củi đủn vào bếp. Đoạn nó quay lại nhìn lão Vận. Đôi mắt nó sáng long lanh như muốn hỏi ông chủ là làm như vậy có được không. Lão Vận gật gật đầu. Con Cún rên lên ăng ẳng vẻ phấn khởi lắm.
          Cơm chín, lão Vận chia ra làm hai phần. Một loa cơm của lão. Phần còn lại lão đổ vào cái lon sành cho con Cún. Cái đầu cá nấu canh lão chỉ gỡ được một chút thịt còn lại bỏ cả vào cái lon sành cho con chó. Con Cún vừa ăn vừa gừ gừ trong miệng. Nó có vẻ đói lắm. Cả ngày nó chỉ được ăn một bữa. Buổi sáng trước khi ra chợ, lão vẫn thường dặn nó: “Trông nhà nhé!” rồi mới đi. Buổi trưa lão ở luôn ngoài chợ. Ai cho gì, lão ăn nấy, khi thì bắp ngô, bữa khúc sắn luộc. Con Cún ở nhà, nó loanh quanh chui ra, chui vào túp lều. Đói quá thì nó lại lôi mấy khúc xương trâu, xương lợn khô khốc giấu ở gầm giường, góc nhà ra gặp suông để đánh lừa cái bụng. Biết thế nhưng lão Vận không thể đưa con chó ra chợ được. Nó to lớn chạy lông nhông ai cũng khiếp, với lại lão sợ nhất là bọn chuyên bắt trộm chó. Bọn này rất nhanh, chỉ nhoằng một cái thòng lọng tung ra là đã xiết chặt ngay vào cổ con chó. Con chó bị lôi đi không kêu được một tiếng nào. Vì thế mà bữa tối, bao giờ lão cũng dành phần cơm nhiều hơn cho con chó.
           Vài năm gần đây lão mới được ăn cơm. Trước kia khẩu phần của lão chủ yếu là sắn. Nồi cơm chỉ lơ thơ vài hạt gạo bám vào miếng sắn. Tàn tật, ốm yếu như lão có cái mà ăn là may lắm rồi. Con chó hình như cũng hiểu lão nghèo nên cho gì nó ăn nấy. Nồi cơm, nồi canh lão để ngay dưới đất dù có đói đến mấy cũng không bao giờ nó lén ăn vụng. Nó là một con vật trung thành. Lão Vận bảo nó coi nhà - mặc dù nhà lão chẳng có thứ gì đáng coi - thì đố ai dám lại gần túp lều của lão. Thỉnh thoảng, ngày chợ không họp, lão Vận mới cho nó đi theo. Trong khi lão dọn dẹp, quét tước thì con Cún lùng sục khắp chợ đuổi chuột hoặc tìm kiếm những khúc xương mà cánh giết mổ quăng ra đâu đó.
           Lão Vận chẳng còn vợ con. Vợ con lão chết trong trận bom bọn Mỹ rải xuống bến sông khi lão đang chặt củi trên rừng. Lão sống thui thủi một mình. Cạnh cái hố bom rộng toang toác, lão chỉ đủ sức dựng lên một căn nhà nhỏ, gọi là túp lều cũng đúng. Con Cún là bạn thân thiết duy nhất của lão Vận. Lão sống gần như cô độc ngay cái làng mà thời mở cửa đang dần dần chuyển thành thị trấn, thị tứ này. Xung quanh túp lều của lão, những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Người ta bắt đầu ở sang, ăn sang và chơi sang nên càng ít người muốn gần với kẻ lam lũ, bần cùng. Trông lão lại có vẻ hơi dị dạng nên người ta lại càng ngại tiếp xúc. Chân phải lão không biết bị dị tật hay bị tai nạn mà đi lại tập tễnh, khó khăn. Khi lão gánh nước thuê, thùng nước sóng sánh trào ra gần hết. Nhưng khi quét chợ thì cái bước thấp, bước cao của lão lại làm cho nhát chổi dài ra hơn. Những người cùng trang lứa với lão bây giờ đều khá giả. Tuy họ không coi thường nhưng cũng chẳng ai muốn bắt chuyện với lão. May mà lão còn có con chó làm bạn. Từ khi anh Thưởng về phục viên cùng ở trên bến sông này thì thỉnh thoảng lão mới có người trò chuyện cho đỡ quên tiếng của con người.
            Con chó Cún là do lão nhặt được từ mấy năm trước. Hôm ấy, trời đã sâm sẩm tối, lão vẫn lội xuống sông giặt giũ mấy cái túi ni-lông. Mưa to ở thượng nguồn nên nước sông đang lên. Lúc lão đang chuẩn bị về thì chợt có một cái bao tải buộc túm miệng từ đâu trôi đến rạt vào chân lão. Lão giật bắn người vì trong đó có cái gì đó đang ngọ nguậy. Lão loạng choạng bước vội lên bờ, thở dốc. Lão nhớ chuyện ngày trước bọn giặc bắt được cán bộ du kích thường đưa lên đập nước phía trên tra tấn dã man. Có người bị đánh còn ngắc ngoải chúng cũng nhét vào bao tải thả trôi sông. Những xác người dạt vào bến sông, lập lờ  nổi lên ở xoáy Vực. Nhưng bây giờ là thời khác rồi. Lão Vận trấn tĩnh lại. Lão nhặt một cành cây khều cái bao tải lôi lên bờ mở dây buộc dốc ngược. Lẫn trong đám giẻ rách tuột ra một con chó nhỏ. Nó bị ướt sũng nhưng vẫn còn động đậy. Lão đem con chó về nhà đặt nằm cạnh bếp lửa. Một lúc sau nó bắt đầu rên ư ử rồi ngóc đầu dậy. Nó nhìn lão Vận, hai mắt chớp chớp vẻ biết ơn. Nhìn thân hình con chó còm nhom, sần sùi ghẻ lở, lão Vận hiểu vì sao người ta đã nhét nó vào bao vứt xuống sông. Lão Vận vét cơm nguội cho nó ăn. Hôm sau, lão ra hàng xén ở chợ mua lấy ít diêm sinh về bôi trị ghẻ cho nó.
            Con chó ở với lão Vận từ đó. Mặc dù cũng bữa đói, bữa no, miếng được, miếng mất như lão nhưng con chó vẫn hồi sức và lớn rất nhanh. Một thời gian sau nó đã to lớn lộc ngộc. Con chó khôn lắm. Có lần bọn trộm chó đem bả ném vào gần nhà đợi nó ăn phải ngã xuống là tuồn vào bao tải đem đi. Nhưng nó chỉ ngửi ngửi miếng bả thơm phức mà không ăn. Ai cho cái gì nếu không được sự đồng ý của ông chủ thì nó không bao giờ tự ý ăn cả. Thấy con chó khôn, có người muốn gạ mua, nhưng lão không chịu. Bởi với lão Vận, con chó Cún giống như là một người thân thiết trong nhà.

           (còn nữa)                                                              Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét