Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 7)


            

       NGŨ  QU
           Truyện dài của Trọng Bảo

          Liên và con gái về đến làng thì đã quá trưa. Từ đầu làng cô đã nghe mọi người nói về câu chuyện lạ của làng Vực là “liệt sĩ” Hoàng Phương đột ngột trở về. Dặn con gái cứ về trước báo tin cho bà nội biết rồi Liên rẽ vào lối nhà Phương. Cô gặp bà Thuân từ trong ngõ đi ra.
          Vừa nhìn thấy Liên, bà Thuân đã mếu máo:
          - Cháu ơi! Thằng Phương nó vừa trở về sáng sớm hôm qua…
          - Cháu vừa về đến đầu làng ta đã nghe tin. Mừng quá bà ạ! Anh Phương đang ở nhà hả bà?
          - Nó vừa lên xã báo cáo về, đang ở nhà! Cháu vào chơi với em nó nhé!
          Liên băn khoăn:
          - Anh Phương vừa về mà bà lại đi đâu đấy ạ?
          - Tôi ra đồng cắt nắm cỏ cho con bò. Hai hôm nay cứ loanh quanh ở nhà, con bò chả được nắm cỏ tươi nào cả, nó chỉ toàn nhai rơm khô, chắc là rát họng, xót ruột lắm rồi.
          Bà Thuân đáp rồi tong tả đi luôn. Liên nhìn theo bà khẽ thở dài. Cuộc đời của bà bao nhiêu vất vả gian lao. Chồng mất, một mình bà nuôi hai đứa con lớn khôn mà chưa được ngày nào nhờ vả. Con trai học chưa xong cấp 3 đã vào bộ đội, con gái mới lớn đã đi lấy chồng xa. Những năm tháng chiến tranh, bom đạn đầy trời một người mẹ như bà nặng chĩu nỗi lo khi con ở ngoài mặt trận. Khi tin Phương hy sinh về làng bà như chết đi, sống lại mà vẫn phải cắn răng làm lụng nuôi đứa con gái út học hành, khôn lớn. Bây giờ khi bà tuổi đã xế chiều, anh con trai tưởng chết lại đột ngột trở về thế này, niềm vui thật là lớn đấy nhưng chắc chắn khó khăn sẽ lại nhiều hơn lên.
          Phải mất một lúc Phương mới nhận ra người bạn gái trong nhóm ngũ quỷ từ thuở thiếu thời. Liên cũng đã thay đổi nhiều. Dấu vết thời gian và những năm tháng đi thanh niên xung phong mở đường trên dãy Trường Sơn gian khổ, sốt rét, thiếu thốn khiến cho Liên như già đi trước tuổi. Mới ngoài bốn mươi mà tóc cô đã nhiều sợi bạc. Ngày đi học, bốn thằng con trai toàn nghịch những trò dại. Có lần cả bốn thằng táy máy cùng nghịch là hỏng cái guồng nước chạy máy phát điện mô hình trong vườn trường bị thầy hiệu trưởng phạt rẫy cỏ ở sân trường cả ngày. Liên phải về nhà nhổ sắn luộc mang lên tiếp tế cho cả bọn. Liên nhớ có một lần con trâu của cô đứt dây sẹo mũi lồng như điên sang bên kia cánh đồng đuổi đánh nhau với con trâu đực làng bên. Phương đã đuổi theo lừa mãi mới thòng buộc được cái dây thừng qua cổ con trâu đực của Liên để lôi về. Hôm ấy quần nhau với con trâu cả buổi khiến quần áo của Phương rách tả tơi, người sây sát đầy bùn đất. Bà mẹ Phương tưởng con trai nghịch ngợm đánh nhau với lũ bạn đã chưởi cho một trận, dọa không cho ăn cơm. Phương nhịn đói, trốn mẹ chui vào cây rơm góc vườn nằm co cho đỡ lạnh rồi ngủ thiếp đi luôn. Bà mẹ nấu chín cơm chờ mãi không thấy con về thì hốt hoảng chạy đi khắp làng tìm kiếm, gọi con không ra hơi. Lúc gặp Liên bà mới biết chuyện. Liên cũng hoảng hốt, cô vội kêu nhóm ngũ quỷ cùng đi tìm. Anh Thưởng cùng hai thằng con trai trong nhóm lặn cả xuống xoáy Vực tìm kiếm vì có người nói lúc chập tối đã nhìn thấy Phương đi xuống bến sông gột quần áo. Làng Vực tối hôm ấy nhốn nháo cả lên. Mọi người gọi nhau đốt đuốc đi tìm.
          Phương chỉ sực tỉnh khi thấy trong nhà mình ồn ào, đèn đuốc sáng trưng và lại có tiếng khóc của mẹ và em gái. Phương chui ra khỏi đống rơm ở góc vườn lò dò đi vào nhà. Bận ấy, Phương làm cho mẹ, em gái và đám bạn bị một phen hoảng sợ…
          Nhớ lại kỷ niệm một thời xa ngái, Liên chợt bật cười. Phương nhìn cô lúng túng:
          - Cô Liên cười gì thế! Chắc là tại tôi khác xưa nhiều quá hả?
          - Không phải cười anh Phương đâu! Mà gặp lại nhau sau bao nhiêu năm thế này làm mình lại nhớ những chuyện từ cái ngày bé tý còn đi học. Năm đứa lúc nào cũng có nhau. Mình nhớ cái hôm con trâu đực nhà mình đứt dây thừng chạy sang làng bên, anh Phương chạy đuổi theo, lăn lộn trên cánh đồng cả buổi mới bắt được nó kéo về, quần áo anh rách bươm, mặt mày sây sát còn bị mẹ mắng. Anh Phương chui vào cây rơm trốn rồi ngủ quên khiến cả làng bị một phen nhốn nháo đi tìm…
          Phương bùi ngùi:
          - Khi đầu óc tỉnh táo, mình dần dần nhớ lại thì những điều nhớ ra đầu tiên chính là những chuyện từ cái thời thơ ấu ấy đấy! Không ngờ những chuyện tưởng như chẳng có gì đáng nhớ ấy đã giúp mình dần dần nhận ra hình ảnh quê hương, bản quán đấy Liên ạ!
          Nhìn người bạn cũ, Liên chợt thấy nao nao trong lòng. Liên thương những người bạn đồng môn, đồng lứa một thời coi nhau như anh em quá.  Trong nhóm “ngũ quỷ” ngoài cái thằng trẻ nhất nhóm là thành đạt, gia thế đàng hoàng và sống sung túc nhất thì đến có cô là gia đình, cuộc sống không giàu sang nhưng tương đối ổn định nhất. Anh Thưởng thì từ ngày về quê chẳng thấy bao giờ nhắc đến chuyện lấy vợ, chỉ lầm lũi làm việc để nuôi đứa con gái nhặt được trên thuyền. Phương và Hiệp đều báo tử cùng ngày, cùng được xã tổ chức lễ truy điệu một lần sau chiến tranh. Tưởng thế là xong. Bây giờ Phương đột ngột trở về thương tích đầy mình thế này chưa biết rồi sau sẽ ra sao. Nhưng như vậy là nhóm ngũ quỷ chỉ mất một người. Hiệp thì đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Ông Nghĩa- bố Hiệp suốt ngày chống gậy đi dò hỏi tin tức của con. Cứ nghe ai nói có người là bộ đội từng chiến đấu ở miền Nam trở về là lần tìm đến bằng được để hỏi xem có biết gì về nơi chôn cất con mình không. Nhớ khi đến năm cuối cấp ba, Liên lớn bật lên. Con gái đến tuổi dậy thì vẫn đọt nhiên như thế. Liên trở thành hoa khôi của trường. Nhìn Liên tươi tắn, rạng rỡ khiến nhiều chàng trai trong làng trong xã và các bạn nam cùng lớp, cùng trường để ý đến cô. Trong nhóm ngũ quỷ cũng có hai người con trai rất thích Liên. Đó là Hiệp và cái thằng trẻ nhất nhóm kém Liên đến gần sáu tháng tuổi. Hắn luôn quanh quẩn bên Liên. Hắn mê Liên đến mụ mị cả người. Nhưng Liên lảng tránh, từ chối tình cảm của hắn. Có lần hắn còn lập mưu định chiếm đoạt Liên để thành chuyện đã rồi. Nhưng âm mưu không thành và cũng không ai biết nên năm người bọn họ vẫn có thể ở bên nhau. Hồi ấy Liên chỉ thích Hiệp. Hiệp kẻng trai nhất bọn lại hát rất hay. Giọng hát của Hiệp không riêng gì Liên mà nhiều bạn gái khác cũng mê mẩn. Nếu Hiệp không hy sinh thì không biết quan hệ giữa hai người bây giờ sẽ ra sao. Phương thì lại khác, anh luôn coi Liên như một người em gái hơn là bạn. Phương sinh trước Liên đúng bảy tháng. Anh là người hay quan tâm giúp đỡ Liên nhất. Những việc nặng nhọc như khi chi đoàn đi rừng lấy củi, xuống sông đãi cát sỏi gây quỹ, Phương đều san xẻ gánh củi, vác bao sỏi nặng của Liên. Liên cũng luôn coi Phương như là một người anh trai. Bây giờ sau mấy chục năm gặp lại Phương, trong lòng Liên trào lên tình cảm ấy. Liên bùi ngùi nói:
          - Ngày nghe tin anh Phương có giấy báo tử về làng thì mình đang ở Quảng Bình! Nào ngờ bây giờ anh trở về, hay quá!
          - Thế Liên về làng từ hồi nào?
          - Mình quen anh Chung ở đơn vị công binh khi anh đến đội thanh niên xung phong hướng dẫn cách đánh mìn phá đá làm đường. Hỏi chuyện thì biết anh Chung cũng cùng quê, anh ấy học trên trường cấp 3 Ngô Gia Tự nhưng hơn bọn mình một lớp. Mình và anh Chung tổ chức đám cưới tại đơn vị ngay sau chiến tranh. Mình trở về làng trước, sau đó anh Chung cũng được chuyển về tỉnh đội công tác…   
          - Hôm nào anh Chung về nhà nhớ nhắn mình sang chơi nhé!
          - Nhất định rồi… mình định sẽ làm một bữa chiêu đãi cả nhóm… - Liên chợt giật mình vì lỡ lời, cô vội chữa lại: - À… bây giờ chỉ còn có ba, anh em mình và anh Thưởng thôi.
          Phương ngạc nhiên hỏi:
          - Thế còn thằng… sao không mời nó?
          Liên lắc đầu:
          - Nó bây giờ giàu có lắm, sang trọng lắm! Có mời nó cũng không thèm về đâu!
          - Hừ cái thằng… thế thì mặc xác nó! (Xin phép bạn đọc, “cái thằng” thứ năm ít tuổi nhất trong nhóm ngũ quỷ ấy tên là gì thì xin để đến hồi sau sẽ rõ, vì hắn sẽ có mặt ở những phần sau của câu chuyện bên dòng sông này).
          Phương và Liên đang nói chuyện thì anh Thưởng và cái Sương cùng đến. Cái Sương ríu rít hỏi chú Phương đủ mọi chuyện. Trong khi đó, anh Thưởng bàn với Liên việc nhờ chồng tìm cách nào để giúp Phương có được thủ tục làm người còn sống và có được chế độ, một chút chính sách đãi ngộ như những thương bệnh binh khác ở làng từng tham gia chiến tranh, từ chiến trường trở về. Nhưng bàn đi, bàn lại mãi, càng bàn họ càng thấy bế tắc khi Phương hai bàn tay trắng trở về làng thế này…

          (còn nữa)
                                                                                                 Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét